Ngày thứ tư (22-05-2019) – Trang suy niệm

21/05/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần V Mùa Phục Sinh Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Cv 15, 1-6

“Người ta quyết định là các ngài lên Giêrusalem xin các Tông đồ và niên trưởng giải quyết vấn đề này”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđê đến dạy bảo các anh em rằng: “Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ”. Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô và Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng để xin giải quyết vấn đề này.

Các ngài được giáo đoàn tiễn đưa, và khi đi ngang qua Phênixê và Samaria, các ngài kể lại việc dân ngoại trở lại khiến mọi anh em đầy hân hoan. Khi đến Giêrusalem, các ngài được giáo đoàn, các Tông đồ và kỳ lão đón tiếp, rồi các ngài kể lại bao nhiêu việc Thiên Chúa đã thực hiện với các ngài. Nhưng có mấy người tín hữu thuộc nhóm biệt phái đứng lên nói rằng: “Phải cắt bì cho những người dân ngoại và bắt họ cũng phải giữ luật Môsê”. Các Tông đồ và các kỳ lão họp lại cứu xét việc này. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Đáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”(c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. – Đáp.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. – Đáp.

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Đavít. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 16, 28

Alleluia, alleluia! – Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian; bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 15, 1-8

“Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.

“Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Đây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

22/05/2019THỨ TƯ TUẦN 5 PS

Th. Ri-ta Ca-xi-a, nữ tu

Ga 15,1-8

THẦY LÀ CÂY, ANH EM LÀ CÀNH

“Thầy là cây nho, anh em là cành.” (Ga 15,5)

Suy niệm: Nếu Đức Giê-su sinh sống ở Việt Nam, Ngài sẽ không nói: “Thầy là cây nho,” nhưng sẽ dùng một loại cây quen thuộc hơn: “Thầy là cây mít, là cây ổi, là cây xoài… còn anh em là cành,” để diễn đạt hình ảnh cây và cành có cùng sự sống, luân lưu chung dòng nhựa cây. Ngài cũng đã dùng một động từ để chỉ sự kết hợp này: “ở lại trong Thầy.” Động từ ấy được lặp đi lặp lại sáu lần trong bài Tin Mừng như lời mời gọi thiết tha, như tiếng van nài khẩn thiết, bởi vì Ngài biết rằng đời ta chỉ có giá trị, sinh hoa trái tốt lành khi ở lại trong Ngài. Muốn sinh hoa trái tốt tươi, cây nho phải được cắt tỉa. Cũng vậy, ta phải vui vẻ để Chúa Cha cắt tỉa mình, cắt đi cái tôi muốn bành trướng cách lộ liễu, tỉa bớt cái bản ngã muốn âm thầm vươn cao, lấn át Chúa và người lân cận.

Mời Bạn: Hãy ở lại trong Chúa qua: 1/ tham dự thánh lễ, đỉnh cao là giây phút hiệp lễ. Lúc ấy, Máu Thịt Chúa hòa lẫn với máu thịt bạn, thân xác Chúa hòa quyện với thân xác bạn. Bạn nên một với Ngài. Giây phút quý giá nhất trong ngày sống hay tuần lễ của bạn; 2/ “tiêu hóa” Lời Chúa, “ăn” Lời Ngài, để Lời ấy trở thành lương thực, nhựa sống, thấm vào mọi ngóc ngách tâm hồn, giúp bạn sinh hoa trái qua việc phụng sự Chúa và phục vụ người khác.

Sống Lời Chúa: Tôi ý thức đời tôi có giá trị, ý nghĩa, sinh hoa trái cho đời khi tựa như cành nho gắn liền cây nho. Từ nay tôi sẽ ở lại trong Chúa qua việc thực hành hai điều trên đây: siêng năng suy niệm Lời Chúa và rước Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là cây nho, con là cành nho. Đời con chỉ sinh hoa trái tốt tươi khi để Chúa Cha cắt tỉa đi tính ích kỷ của con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

22 THÁNG NĂM

Trạng Sư Thần Linh Của Chúng Ta

Tông Đồ Gio-an nói với những người nhận thư thứ nhất của ngài bằng những ngôn từ chứa chan tình cảm – ngài gọi họ là “những người con bé nhỏ” và kêu mời họ tránh xa sự tội (1Ga 2, 1). Tuy nhiên, ngài cũng viết: “Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: Đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta – không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội lỗi cả thế gian nữa” (câu 1 – 2).

Qua những lời ấy trong lá thư được viết vào cuối thế kỷ thứ nhất của ngài, Thánh Gio-an công bố cùng một sự thật mà Phê-rô rao giảng chỉ ít lâu sau cuộc Thăng Thiên của Chúa. Đó là chân lý nền tảng về sự hoán cải và về ơn tha thứ nhờ năng lực của cái chết và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 22/5

Thán Rita Cascia nữ tu

Cv15, 1-6; Ga 15, 1-8.

LỜI SUY NIỆM: “Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa rái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.”

        Chúa Giêsu thường đưa ra những biểu tượng gần gủi trong đời sống của con người, như là việc chăn nuôi, trồng trọt hay trong việc xây dựng, hoặc trong đời sống gia đình và hôn nhân để mạc khải về Hội Thánh. Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng được trình bày một cách gần gủi như thế. Đồng thời, đây là một lời căn dặn và  cũng là lời mời gọi thân thương của Chúa Giêsu đối với tất cả những con người đang sống, đặc biệt với người Kitô hữu: “Hoa trái được nói đến trong Lời này là sự thánh thiện của một đời sống được sinh sôi nảy nở nhờ kết hiệp vớí Đức Kitô. (GL số 2074)

        Lạy Chúa Giêsu. Chúa là Cây Nho thật, và cây nho này chính là Chúa Cha trồng. Xin cho tất cả chúng con cùng tin và biết gắn bó với Chúa để có được sự sống và sinh nhiều hoa trái cho chính chúng con và cho Giáo Hội Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

22 Tháng Năm

Thiên Chúa Tạo Dựng Con Người

Người Ấn Ðộ thường kể câu chuyện ngụ ngôn về việc sáng tạo con người như sau: Một hôm Thiên Chúa quyết định tạo dựng con người, nghĩa là làm một tạo vật đẹp nhất giữa các tạo vật. Dĩ nhiên, khi Thiên Chúa vừa công bố quyết định, các Thiên thần đã tỏ ra không mấy hồ hởi, một phần vì ganh tị, một phần vì không thể chấp nhận được một ý tưởng xem ra quá kỳ cục ấy. Làm sao tưởng tượng được một thụ tạo vừa thuộc về hạ giới, lại vừa tham dự vào đời sống thần linh. Làm sao có được một hữu thể vừa là một mảnh của thời gian, lại vừa mang tính vĩnh cửu? Làm sao chấp nhận được giữa vật chất và tinh thần?

Các Thiên Thần không thể tưởng tượng được rằng Thiên Chúa có thể tạo dựng được một tạo vật như thế. Các vị e ngại rằng ý tưởng ấy sẽ hạ giảm quyền năng và sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa.

Ðể ngăn chặn Thiên Chúa trong ý định của Ngài, các Thiên Thần mới bầu ra một ủy ban. Sau nhiều ngày ráo riết làm việc, ủy ban đã soạn xong một kiến nghị đệ trình lên Chúa gồm những điểm như sau: tinh thần không thể kết hợp với vật chất, bản tính thiên thần không thể kết hợp với bản tính thú vật, cái có cùng không thể hòa hợp với cái không cùng, cái chóng qua đi không thể đi đôi với điều vĩnh hằng, do đó yêu cầu Thiên Chúa hãy từ bỏ ý định điên rồ của Ngài.

Sau khi đọc kỹ bản kiến nghị, Thiên Chúa đưa ra phán quyết như sau: “Tất cả những góp ý của các người đều hợp lý. Nhưng điều ta sắp thực hiện không phải là một vấn đề triết học”. Các Thiên Thần đều nhao nhao hỏi: “Vậy thì vấn đề đó là gì?”. Sau một hồi thinh lặng, Thiên Chúa chậm rãi đáp: “Con người là vấn đề của Niềm Tin”. Ngài thinh lặng, rồi phán quyết: “Con người là vấn đề của Niềm Tin”.

Trong một xã hội được xây dựng trên luật của cá lớn ăn hiếp cá bé, trong một xã hội mà nền tảng đã bị đục khoét bởi lọc lừa, gian trá, phản bội, đố kỵ, hận thù, con người dễ mất đi niềm tin nơi con người, bởi vì khi không tin ở người, con người cũng không còn tin ở chính mình. Một cuộc sống như thế chẳng khác nào một cuộc tự hủy, một cuộc tự sát tập thể.

Thiên Chúa yêu thương mọi người. Ngài tiếp tục tin tưởng nơi con người, Ngài cũng mời gọi chúng ta tin tưởng nơi con người… Thay vì tự giam hãm trong khép kín, trong đố kỵ, chúng ta hãy ra khỏi chính mình để đến với người… Ðến với người bằng sự thông cảm tha thứ, cho dẫu chúng ta chỉ gặp toàn những lừa đảo phản bội. Ðến với người bằng những san sẻ sớt chia, cho dẫu chúng ta chỉ toàn gặp những bội bạc, vong ân. Ðến với người bằng tiếng cười rộn rã, cho dẫu chúng ta chỉ gặp toàn đắng cay, sầu muộn.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư Tuần V PS. 

Bài đọc: Acts 15:1-6; Jn 15:1-8.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Điều gì là điều khẩn thiết của Kitô Giáo?

Mỗi dân tộc trên địa cầu đều có một truyền thống, một văn hóa, và một giá trị khác nhau cần được tôn trọng. Khi Kitô Giáo được rao giảng vào dân tộc đó, các nhà truyền giáo cần phải nghiên cứu cẩn thận các truyền thống, văn hóa, và giá trị của họ. Mục đích là để làm sao cho dân tộc đó có thể đón nhận và thực hành đức tin, mà vẫn không xung đột với những truyền thống và văn hóa của họ.

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy tầm quan trọng của vấn đề. Trong Bài Đọc I, Giáo Hội thời sơ khai phải đương đầu với nhiều vấn đề khi phải làm một sự chuyển tiếp từ Do-thái Giáo qua Kitô Giáo: Nên giữ những gì và nên bỏ những gì khi dân Do-thái và Dân Ngoại gia nhập Kitô Giáo? Cụ thể là 2 vấn đề chính: Dân Ngoại có phải cắt bì và giữ Lề Luật khi theo Kitô Giáo? Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một điều khẩn thiết hơn cả: Các tín hữu phải sống kết hợp mật thiết với Ngài như cây nho và cành; nếu không sẽ không thể sinh hoa trái, sẽ bị khô héo, và sẽ bị cắt bỏ ra ngoài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Có cần phải cắt bì và giữ Lề Luật để được cứu độ?

1.1/ Theo các tín hữu Pharisees: Phải cắt bì và giữ Lề Luật.

(1) Về việc cắt bì: Những người Do-thái từ Judah tới nói với Dân Ngoại: “Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Moses, thì anh em không thể được cứu độ.” Cắt bì là dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa và tổ-phụ Abraham (Gen 17). Chúa Giêsu chịu cắt bì tám ngày sau khi sinh ra (Lk 2:21); Phaolô cũng chịu cắt bì (Phi 3:5). Bằng việc cắt bì, một người Do-thái biết họ thuộc về dân của Thiên Chúa, và là con cháu của tổ phụ Abraham.

Tuy nhiên, điều quan trọng là niềm tin yêu nơi Thiên Chúa, cắt bì chỉ là dấu hiệu bề ngoài để chứng tỏ niềm tin yêu bên trong. Nếu cắt bì mà không tin yêu vào Thiên Chúa, cắt bì có ích chi đâu, Dân Ngoại nhiều nơi cũng có thói quen như vậy. Ngôn sứ Jeremiah (Jer 4:4, 9:24-26) đã từng nói lên sự cần thiết phải cắt bì trái tim và lòng trí. Thiên Chúa yêu mến sự công bằng và tình yêu hơn là cắt bì.

(2) Lề Luật: Có những người thuộc phái Pharisee đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng: “Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Moses.” Trước tiên, chúng ta cần phân biệt Lề Luật của Thiên Chúa và của con người (thói quen hay truyền thống): Luật của Thiên Chúa không thể thay đổi; luật do con người làm ra có thể thay đổi.

– Lề Luật chính yếu là là Thập Giới mà Thiên Chúa đã ban cho dân trên núi Sinai qua ông Moses đại diện cho toàn dân (Exo 20:1-17). Thập Giới này không thay đổi và mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại, đều phải tuân hành.

– Những luật của con người do thói quen hay do truyền thống: luật thanh sạch, hay những chi tiết về giữ ngày Sabbath. Dân Ngoại không phải giữ các truyền thống này. Chính Chúa Giêsu cũng từng tranh luận với các kinh-sư và biệt-phái về những truyền thống này, và sửa sai họ: Các ông dùng truyền thống của các ông để bãi bỏ Lề Luật của Thiên Chúa (Mt 15:2-6, Mk 7:3-13).

1.2/ Theo Phaolô và Barnabas: Dân Ngoại không có truyền thống cắt bì và giữ luật thanh sạch như người Do-thái. Hơn nữa, Lịch sử Cứu Độ đã bước sang giai đọan mới và bao gồm các Dân Ngoại. Ông Phaolô và ông Barnabas chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phaolô, ông Barnabas và một vài người khác lên Jerrusalem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.

Chúng ta không biết những lập luận của hai ông khi tranh luận với họ; nhưng theo Phaolô trong các Thư sau này: Khi Chúa Giêsu đến, Ngài đã mang Lề Luật tới chỗ kiện toàn. Vì biến cố sinh ra, chết đi, và sống lại; giờ đây, không còn nhất thiết phải trở thành người Do-thái trước khi trở thành Kitô hữu. Con người được cứu độ không do bởi việc cắt bì và giữ Lề Luật; nhưng do bởi niềm tin của họ vào Đức Kitô.

Tuy vấn đề cắt bì và Lề Luật đã được giải quyết trong Công Đồng Jerusalem; nhưng nó vẫn còn là bài học kinh nghiệm cho chúng ta trong đời sống hiện tại. Mỗi khi có những xung đột như thế, chúng ta cần ngồi xuống để phân tích xem điều gì quan trọng phải giữ và điều gì không quan trọng có thể bỏ hay thích ứng được. Bắt một người ngoại kiều hay một dân tộc phải theo văn hóa và truyền thống của mình trong việc thực hành đức tin dễ đưa đến bất đồng và gây nhiều trở ngại cho việc rao giảng Tin Mừng; một ví dụ cụ thể là việc thờ cúng tổ tiên tại Việt-nam.

2/ Phúc Âm: Sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu là điều khẩn thiết hơn cả.

Mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa là trung tâm điểm của Đạo. Vì thế, tất cả những gì giúp đưa con người tới Thiên Chúa, và giúp cho mối liên hệ này phát triển tối đa là những điều cần thiết hơn cả. Trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu ví mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa như sau: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.”

(1) Lời Kinh Thánh: cần thiết để con người biết Thiên Chúa là ai, những gì Ngài mong muốn, và những gì Ngài đã, đang, và sẽ làm cho con người. Lời Kinh Thánh có sức tẩy sạch những gì là gian trá và mờ ám của thế gian như Chúa Giêsu nói hôm nay: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.”

(2) Các Bí-tích: giúp thông chuyển đời sống thần linh và ơn thánh từ Thiên Chúa đến cho con người. Hình ảnh những cành nho cần nhựa sống nuôi dưỡng của cây nho dẫn chứng sự cần thiết của các Bí-tích, nhất là Bí-tích Thánh Thể: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.”

(3) Sinh hoa kết trái bằng việc giữ các giới răn: Hoa trái đây là những gì con người làm cho Thiên Chúa và cho tha nhân, từ việc yêu mến, đến việc giữ Lề Luật của Thiên Chúa, và tất cả những gì con người có thể làm cho tha nhân. Khi con người sinh hoa kết trái, con người làm Thiên Chúa được tôn vinh.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Trong lãnh vực đức tin, chúng ta cần chú trọng tới mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa, biểu lộ qua việc tin và yêu Ngài bằng những việc làm cụ thể.

– Mỗi khi có xung đột về truyền thống, văn hóa, và giá trị; chúng ta cần cùng nhau cầu nguyện và giải quyết, để xem coi những gì quan trọng về đạo lý cần giữ, những gì cần thích ứng với hoàn cảnh, và những gì có thể bỏ được.

– Việc bắt người khác phải theo truyền thống và văn hóa của mình sẽ đưa đến chia rẽ và làm trở ngại cho việc rao giảng Tin Mừng đến mọi nơi và mọi người.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************