“Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này!”.
Một thanh niên ngạo nghễ đi qua một đám đông đang nghe giảng. Những muốn dèm pha nhà giảng thuyết và khinh dể sự cả tin của người nghe, anh lên tiếng, “Này thầy ơi, về nhà đi, đừng giảng nữa, ma quỷ chết hết rồi!”. Nhà giảng thuyết mỉm cười, hiền lành nhìn anh và nói, “Vậy là từ nay anh mồ côi!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Ma quỷ chết hết rồi?”. Không đâu! Xưa cũng như nay, nó luôn còn đó! Trái lại, ngày nay, hoạt động của chúng còn mạnh mẽ, tinh vi hơn. Hình ảnh người bị quỷ ám sống giữa mồ mả trong Tin Mừng hôm nay là một biểu tượng cho tất cả những ai đang bị trói buộc cách này cách khác bởi ma quỷ. Nhưng với Chúa Giêsu, chỉ một lời của Ngài, “Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này!”, những gì xấu xa vô hình đó – ‘tội lỗi’ – được thay bằng một loại vô hình khác – ‘ân sủng!’.
Mồ mả, thế giới của sự chết. Người bị quỷ ám tự giam mình trong thế giới của người chết, một môi trường chết chóc. Không ai có thể kiềm chế anh; trước sự dữ, con người bất lực! Anh tru tréo như con vật; lấy đá rạch mình, nghĩa là đánh mất nhân tính. Tự hành hạ mình vốn là đặc điểm của sự dữ! Với Luca, anh “không mặc áo xống”, nghĩa là không còn thuộc về thế giới của con người vốn có nhân phẩm, văn hoá. Cũng thế, nếu để sự dữ, thần ô uế chế ngự… cách nào đó, chúng ta không còn là người. Lời Chúa cho thấy cách hữu hình những gì vô hình có thật nơi mỗi người, đó là ‘tội lỗi’.
Thời xưa, xem ra ma quỷ không có nhiều phương tiện và chỗ ẩn núp hay hoá thân, nên chúng thường nhập vào con người như các Tin Mừng kể lại. Ngày nay, xã hội hiện đại cung cấp cho nó vô vàn phương tiện, nên chúng ẩn núp và hoá thân tài tình dưới nhiều dáng vẻ. Vì thế, mỗi người chúng ta, bất luận tuổi tác, đấng bậc; nhất là người trẻ, phải luôn đề phòng! Đó là sống những lối sống vô thần của chủ thuyết tương đối; nói rõ hơn, đó là sống một cuộc sống không định hướng, vật vờ, bất hiếu, vô trách nhiệm, vô ơn; một lối sống đam mê các phương tiện và thú vui, tự do luyến ái, không có khả năng sống cao thượng, nuông chiều những cảm xúc thấp hèn và vô kỷ luật.
Anh Chị em,
“Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này!”. Để được chữa lành bởi Chúa Giêsu, Marcô tiết lộ một chi tiết hết sức quan trọng, “Từ mồ mả, một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người”. Chỉ Chúa Giêsu mới có quyền giải thoát chúng ta khỏi mọi ác thần áp bức, mọi xiềng xích trói buộc. Vậy, hãy rời xa ‘những mồ mả’ chết chóc của mình, chạy đến với Ngài! Thánh Vịnh đáp ca là một lời khích lệ mạnh mẽ, “Hỡi mọi người cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!”. Bấy giờ, lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ chữa lành tất cả. Thú vị thay! Điều vô hình – ‘tội lỗi’ – nay được thay thế bằng một điều không hữu hình khác – ‘ân sủng!’. Bạn và tôi sẽ cảm nhận lòng thương xót và thứ tha vô bờ của Thiên Chúa. Thư Do Thái hôm nay viết, “Thiên Chúa đã trù liệu cho chúng ta một phần phúc tốt hơn!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, giúp con can đảm rời xa ‘mồ mả’ chết chóc qua Bí tích Hoà Giải, hầu con được tắm gội trong suối ân sủng của Chúa!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)