Đức Phanxicô ra mắt Hiệp Ước Gia Đình Toàn Cầu, “Niềm Hy vọng của Xã hội”

05/09/2023

Hiệp ước Gia đình Toàn cầu, một hiệp ước nhằm “làm cho việc mục vụ gia đình đối thoại với các trung tâm học tập và nghiên cứu về gia đình”, đã được giới thiệu trong một sứ điệp vào ngày 30/5/2023 bởi Đức Thánh Cha Phanxicô. Nó hệ tại nâng đỡ những gì vốn là “niềm hy vọng của xã hội”, nhưng thường gặp những trở ngại đối với sự phát triển đúng đắn của nó.

Mục tiêu đầu tiên của Hiệp ước Gia đình Toàn cầu này là “sự hiệp lực” (synergie). Quả thế, “công việc mục vụ với các gia đình trong các Giáo hội cụ thể” được mời gọi sử dụng “cách hiệu quả hơn các kết quả nghiên cứu và dấn thân giáo dục và giảng dạy đang diễn ra tại các trường Đại học Công giáo”.
Trong sứ điệp của mình, được công bố vào ngày thứ Ba 30/5 nhưng được ký vào ngày 13/5, lễ Đức Mẹ Fatima, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại tầm quan trọng của các phân tích do các trường đại học này thực hiện, giúp xác định thực tế và những thách thức của các gia đình ngày nay.
Các gia đình được thay thế bằng những hình thức tương quan khác
Đức Thánh Cha nói về “những trở ngại cơ cấu”, vốn gây “khó khăn cho việc hình thành gia đình một cách thanh bình nếu không có sự hỗ trợ thích đáng từ phía xã hội”. “Đó cũng là lý do tại sao nhiều người trẻ từ chối lựa chọn hôn nhân để ủng hộ cho những hình thức quan hệ tình cảm không ổn định và không chính thức hơn”. Tuy nhiên, dường như “gia đình vẫn là nguồn ưu tiên của đời sống xã hội và có những thực hành  tốt đáng được chia sẻ và phổ biến trên phạm vi toàn cầu”. Vì thế, Đức Thánh Cha trông cậy vào hiệp ước này, một sáng kiến của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống và của Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội, vốn cũng nằm trong đường hướng của Tông huấn Amoris laetitia, một Tông huấn về gia đình được công bố vào năm 2016.
Đức Thánh Cha đề nghị bốn giai đoạn cho chương trình này vốn được hình dung như một “con đường”. Sau khi đối thoại và hiệp lực ở cấp độ Giáo hội và đại học, vấn đề là “thúc đẩy nền văn hóa gia đình và đời sống xã hội, để các đề xuất và mục tiêu hữu ích cho các chính sách công được nảy sinh”. Các đề xuất tiếp đến phải được cụ thể hóa để phục vụ các gia đình.
Đừng cam chịu sự suy tàn của gia đình
Hầu hết những ước mơ của Thiên Chúa về cộng đồng nhân loại được thực hiện trong gia đình”, Đức Thánh Cha nhắc lại và đồng thời đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ ủng hộ gia đình: “Vì thế, chúng ta không thể cam chịu trước sự suy tàn của nó nhân danh sự bấp bênh, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa hưởng thụ, những thứ vốn hình dung ra một tương lai được tạo nên bởi các cá nhân chỉ nghĩ đến mình. Chúng ta không thể dửng dưng trước tương lai của gia đình, vốn là cộng đồng sự sống và tình yêu, là giao ước bất khả thay thế và bất khả phân ly giữa người nam và người nữ, là nơi gặp gỡ giữa các thế hệ, là niềm hy vọng của xã hội”. Đức Thánh Cha nói thêm, gia đình “tạo nên công ích”, và đồng thời nhấn mạnh rằng “những mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình thể hiện sự phong phú bất khả thay thế không chỉ đối với vợ chồng và con cái, mà còn đối với toàn thể cộng đồng Giáo hội và dân sự”.
Đức Thánh Cha kết thúc bằng cách khuyến khích người Công giáo tham gia Hiệp ước Gia đình Toàn cầu, và “cống hiến hết mình một cách sáng  tạo và tin tưởng vào tất cả những gì có thể đóng góp vào việc đưa gia đình trở lại trung tâm của sự dấn thân mục vụ và xã hội của chúng ta”.
 Được biết, trước đó, Thông cáo của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống hôm 6/8/2021 từng cho biết, Năm “Gia đình-Amoris Laetitia” sẽ là cơ hội soạn thảo một văn kiện toàn cầu về giá trị của gia đình, dưới ánh sáng của Học thuyết xã hội của Giáo hội. Dưới đây là toàn bộ thông cáo:
“Nhân dịp Năm “Gia đình Amoris Laetitia” theo mong muốn của Đức Giáo hoàng Phanxicô, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống và Viện hàn lâm Khoa học xã hội của Tòa Thánh, với sự cộng tác của Trung tâm quốc tế Nghiên cứu về Gia đình, đã khởi động trong những tuần gần đây một cuộc khảo sát để xây dựng một Hiệp ước Công giáo Toàn cầu về Gia đình, tức là một chương trình hành động chung để thăng tiến gia đình trên thế giới dưới ánh sáng của Học thuyết xã hội của Giáo hội.
Hiệp ước sẽ bao hàm các Trung tâm học hỏi và nghiên cứu về gia đình có mặt nơi các Đại học Công giáo của năm châu lục, qua việc thu thập các thông tin và thực hiện nghiên cứu về tầm quan trọng văn hóa và nhân chủng học của gia đình, với một cái nhìn đặc biệt về các mối tương quan gia đình, giá trị xã hội của gia đình và những thực hành tốt đẹp của chính sách gia đình trên bình diện quốc tế. Hiệp ước Công giáo Toàn cầu về Gia đình sẽ được trình bày trong khuôn khổ của sự kiện bế mạc, trước cuộc Hội ngộ Gia đình Thế giới vào tháng Sáu năm 2022.”

Tác giả: Tý Linh

Nguồn tin: xuanbichvietnam.net