Một cuốn phim Mỹ với tựa đề “Địa Đàng” mô tả cơn sóng gió của một đôi vợ chồng trẻ sống tại một vùng ven biển có tên là Địa Đàng.
Ngày kia, một người bạn của người vợ dẫn đứa con trai đến nhờ họ trông coi suốt kỳ nghỉ hè. Cả hai vợ chồng đều yêu thương đứa bé. Nhưng từ đó, sóng gió cũng bắt đầu nổi lên.
Quả thực, sự hiện diện của cậu bé đã khiến cho người vợ nhớ lại đứa con trai cùng trạc tuổi mà họ đã mất trong một tai nạn giao thông. Sự săn sóc và tình thương dành cho đứa bé càng lớn thì nỗi nhớ thương đối với đứa con đã mất càng mãnh liệt nơi người phụ nữ.
Ngày ngày, bà ra nghĩa địa thăm mộ con. Và mỗi ngày bà trở nên lạnh nhạt với chồng hơn. Từ chỗ khước từ mọi âu yếm, người vợ lại đi đến chỗ cắt đứt mọi liên lạc với chồng. Họ sống bên nhau như hai người xa lạ trong cùng một căn nhà.
Sau mấy tháng nghỉ, người khách tí hon trở lại với gia đình. Sóng gió yên lặng, đôi vợ chồng trẻ làm hoà với nhau. Địa Đàng thực sự trở lại với họ.
Với câu chuyện phim trên đây, chúng tôi xin được nhắn gửi tới người vợ trẻ một lời khuyên: là một người mẹ tốt và một người nội trợ tốt, chưa đủ để là một người vợ tốt. Làm mẹ nhưng vẫn tiếp tục làm vợ, đó chính là bí quyết của hạnh phúc hôn nhân.
1. Khi tạo dựng người đàn bà, Thiên Chúa đã phán: “Người đàn ông ở một mình không tốt. Ta hãy tạo dựng cho nó một người trợ giúp”. Một trợ giúp, hay nói đúng hơn, một nơi nương tựa. Người đàn bà là nơi nương tựa cho người đàn ông đúng nghĩa nhất. Chúng ta hãy thử tưởng tượng cái cảnh người đàn ông trở về nhà sau một ngày lao nhọc vất vả. Một căn nhà tươm tất, những đứa con được chăm sóc kỹ lưỡng đã đành, nhưng quan trọng hơn cả, phải là sự hiện diện của người vợ. Người đàn ông nào cũng cảm thấy cần được sự bao bọc đỡ nâng của vợ mình.
Với tâm trạng đó, người đàn ông không muốn gì hơn là được chia sẻ với vợ những sinh hoạt trong ngày. Từ chuyện đồng áng đến những lao nhọc vất vả nơi công sở và ngay cả những gặp gỡ va chạm của mình, người đàn ông nào cũng muốn chia sẻ và mong gặp được nơi vợ mình sự cảm thông. Họ chờ đợi gì nếu không phải là sự lắng nghe của người vợ?
Nhưng lắm khi, điều làm cho người đàn ông chán nản nhất, là họ không tìm được một người vợ biết lắng nghe. Chúng ta hãy tưởng tượng cảnh một người đàn ông suốt ngày đã gặp không biết bao nhiêu bực dọc trong công việc làm ăn, vừa bước vào nhà lại phải nghe thêm những than phiền của người vợ. “Hãy để cho tôi yên một chút được không?”. Hẳn đó là câu lẩm bẩm thông thường của người chồng khi gặp phải một người vợ không biết lắng nghe.
2. Một tác giả chuyên về tâm lý học đã nêu lên một số khuyết điểm mà một số phụ nữ thường có như sau:
Trước hết họ hay ngắt lời chồng mình. Thái độ này không chỉ nói lên khuynh hướng muốn làm chủ của người đàn bà, mà còn có thể cho thấy người đàn bà không muốn hoặc không ý thức về vai trò trợ giúp đối với chồng mình nữa.
Khuyết điểm thứ hai mà người ta thường thấy nơi một số người vợ, đó là không chú tâm đến câu chuyện của chồng mình. Thái độ này đã đưa người đàn ông đến chỗ khép kín và lạnh nhạt đối với vợ. Dĩ nhiên, ngày nay câu châm ngôn “Phu xướng phụ tuỳ” không còn là luật tối thượng của đời sống gia đình nữa. Sự đối thoại mới là cơ bản của đời sống hôn nhân. Nhưng để có sự đối thoại, cần phải biết lắng nghe.
Một khuyết điểm khác nữa mà nhiều người chồng rất sợ nơi vợ mình, đó là sự thiếu cẩn mật. Tự bản chất, người đàn bà nào cũng thích tâm sự. Nhưng không phải tất cả mọi bí mật đều có thể đem ra chia sẻ. Nhất là khi những bí mật đó liên quan đến người chồng hoặc do người chồng cung cấp. Có biết bao người đàn ông đã phải trả giá quá đắt, vì đã trót nói với vợ những điều mà vợ mình không biết giữ kín.
3. Trong đời sống vợ chồng, người ta dễ nhìn thấy những khuyết điểm của nhau. Nhưng thiết tưởng, thay vì đòi hỏi người chồng phải nên hoàn hảo, thay vì trách cứ chồng mình, thì người vợ nên tự xét mình trước.
Một tác giả đã gợi lên cho người vợ bản xét mình sau đây:
– Tôi có quan tâm đến công việc của chồng tôi không?
– Tôi có biết không tiếc lời để luôn luôn khen tặng và khuyến khích chồng tôi, nhất là trong những năm đầu của đời sống hôn nhân không?
– Khi được chồng ngỏ ý đưa đi dự tiệc, tôi có nghĩ rằng, tôi chỉ làm đẹp vì chồng và được hạnh phúc khi ngồi bên chồng không?
– Tôi có biết hỏi ý kiến chồng mỗi khi mua sắm quần áo không?
– Tôi có biết chia sẻ với chồng một vài thứ tiêu khiển, như đọc sách, xem chiếu bóng không?
– Tôi có còn là người bạn tốt của chồng tôi không?
Đó là những câu hỏi mà thiết tưởng một người vợ biết thao thức với hạnh phúc hôn nhân không thể không đặt ra để xét mình mỗi ngày.
4. Xã hội xưa cũng như nay, có thể đặt người đàn bà vào tư thế đầu tắt mặt tối suốt ngày. Bổn phận của một người mẹ; và trong nhiều trường hợp, bổn phận của một người dâu, bổn phận của một người con trong gia đình có thể khiến cho họ quên đi hoặc xem thường bổn phận làm vợ.
Họ nên nhớ, một người mẹ tốt, một người nội trợ tốt, một người dâu hiền… tất cả chưa đủ để là một người vợ tốt. Một người vợ tốt, cốt yếu phải là một sự trợ giúp, một nơi nương tựa thiết thực cho chồng.
Người vợ trẻ nên đọc lại lời cầu chúc mà Giáo Hội dành cho họ trong nghi thức hôn phối:
“Xin cho họ được âu yếm nồng nàn với chồng như nàng Rakhen. Xin cho họ được khôn ngoan như Rebeca, sống lâu trường thọ và thủy chung như bà Sara”.
Nguồn: https://www.songtinmungtinhyeu.org