Thường Huấn Giáo Dân: Bài 1 – Giáo Xứ Như Trung Tâm Đời Sống Và Sứ Vụ

03/03/2024

CÁC BÀI THƯỜNG HUẤN DÀNH CHO GIÁO DÂN THÁNG 3-2024

Bài 1. Giáo Xứ Như Trung Tâm Đời Sống Và Sứ Vụ

Giáo xứ không chỉ là một tổ chức hay cơ cấu đơn thuần trong một bối cảnh văn hóa xã hội địa phương nhất định, mà còn là một cộng đoàn đức tin sống động, nơi mỗi tín hữu được mời gọi đào luyện, sống và chuyển trao đức tin, trong tình liên đới và hiệp thông. Trong kỷ nguyên thông tin và di dân ngày nay, giáo xứ phải đối diện và thích nghi với thách thức mới, từ sự thay đổi trong cách chúng ta sống và giao tiếp đến những thách thức mà nền văn hóa kỹ thuật số đặt ra. Điều này đòi hỏi nơi giáo xứ một sự năng động đi ra “vùng ngoại biên” và những “biên cương mới” về mặt đức tin và phong hóa. Về mặt quản trị và tổ chức mục vụ, đây là một tiến trình đòi hỏi tình liên đới và sự hợp tác liên tục giữa các cộng đoàn giáo xứ, giữa các cộng đoàn trong giáo xứ, và giữa cha xứ với giáo dân nói chung và Hội đồng mục vụ giáo xứ nói riêng.

Thật vậy, kỷ nguyên truyền thông và di dân ngày nay đang đặt ra thách đố và cơ hội cho từng giáo xứ, trong việc canh tân mục vụ và nhận định phương hướng phát triển. Trước hết, mục vụ giáo xứ không giới hạn trong những cơ chế hành chánh hay tổ chức đoàn thể, mà còn phải thực sự làm cho cộng đoàn giáo xứ thể hiện mình là một cộng đoàn Dân Chúa, hiện diện sống động trong một bối cảnh văn hóa xã hội đặc thù, thể hiện qua việc mỗi Kitô hữu trong giáo xứ tích cực thể hiện tư cách thành viên, tham gia vào đời sống và sứ vụ của giáo xứ. Với ơn của Bí tích Thanh tẩy, trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mỗi người chúng ta được kêu gọi sống linh đạo hiệp thông, được tái sinh vào đời sống thần linh và sống tư cách con cái Thiên Chúa. Trong việc quản trị mục vụ, với sự cộng tác của Hội đồng mục vụ giáo xứ, cha xứ cần thể hiện tinh thần mục vụ truyền giáo và minh bạch trong quản trị. Sự minh bạch ở đây không chỉ có nghĩa là trình bày các dữ kiện mà còn là cung cấp thông tin và tạo cơ hội để thành viên cộng đoàn tham gia vào việc nhận định, vun đắp tình hiệp thông và chung tay xây dựng giáo xứ.

Thứ đến, mục vụ giáo xứ cần phát triển ngang qua tinh thần hợp tác và liên đới. Mục vụ giáo xứ cần mở rộng ra ngoài ranh giới nhà thờ giáo xứ và tạo sự hiệp thông trong cộng đoàn Dân Chúa cách rõ ràng và cụ thể hơn​​. Bên cạnh sự hợp tác hữu hiệu giữa các thành phần Dân Chúa, cần có sự hợp tác sống động và thiết thực giữa các thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ. Hội đồng Mục vụ Giáo xứ có chức năng tư vấn, không chỉ giúp cha xứ xem xét cẩn thận các ý kiến mà còn tham gia vào tiến trình nhận định, giúp tìm kiếm và đề xuất những sáng kiến thực tiễn về mục vụ và bác ái liên quan đến giáo xứ​​. Để thực thi chức năng của mình cách hữu hiệu, Hội đồng cần tránh hai thái cực: một là cha xứ đưa ra quyết định sẵn có của ngài, và hai là cha xứ đánh mất vai trò mục tử và lãnh đạo cộng đoàn​​. Thực tế, Hội đồng Mục vụ Giáo xứ là một cơ cấu không thể thiếu trong việc phát triển mục vụ, có vai trò quan trọng trong trong việc điều hành mục vụ. Có thể nói, cha xứ khó có thể chu toàn phận vụ của mình khi điều hành giáo xứ mà không có sự hợp tác và hỗ trợ của Hội đồng mục vụ giáo xứ.

Sau cùng, Mục vụ giáo xứ cần khám phá phương thức mới, sáng tạo và đổi mới liên tục để phản ánh đúng sức sống của cộng đoàn Dân Chúa trước nhu cầu và thách thức của thời đại. Điều này đòi hỏi phải khám phá những phương thức mới và sáng tạo, để Giáo hội có thể thực hiện hiệu quả sứ mệnh của mình là nguồn lực loan báo Tin Mừng​​. Giáo xứ không thể bị giới hạn trong không gian phụng vụ nơi nhà thờ giáo xứ, cũng không chỉ giới hạn trong phạm vi tổ chức đoàn thể, mà còn mở rộng ra không gian sống đức tin, vốn được xác định cụ thể về mặt địa dư, nhưng phong phú và đa dạng về niềm tin và phong hóa. Khi đời sống giáo xứ thể hiện theo định hướng này, giáo xứ là một cộng đoàn đi ra, một giáo xứ mở rộng bản thân qua những biên cương mới.

Tóm lại, bối cảnh truyền thông và di dân ngày nay mời gọi giáo xứ canh tân bản thân để thể hiện sức sống của cộng đoàn Dân Chúa trong những hoàn cảnh đặc thù. Giáo xứ là nơi từng thành phần Dân Chúa trong giáo xứ thuộc về và sống tư cách thành viên trong tình hiệp thông và liên đới. Mỗi giáo xứ được kêu gọi không ngừng đổi mới, để trở thành cộng đoàn sống động, nơi các tín hữu không chỉ tham dự cử hành phụng vụ, mà còn đào luyện đức tin và thực thi sứ mạng hợp với ơn gọi của mình. Trong thế giới hiện đại, đầy thách thức và biến đổi nhanh chóng, giáo xứ với tính linh hoạt và sáng tạo, cần mở rộng ra đến những biên cương mới, tiếp cận mọi người trong cộng đồng, đặc biệt là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi, để loan báo Tin Mừng.

Hồi tâm:

1. Trong hoàn cảnh giáo xứ, tôi đóng góp như thế nào để giáo xứ trở thành trung tâm đổi mới đời sống và sứ vụ? Tôi có thể làm gì thêm để góp phần thúc đẩy sự tham gia vào đời sống và hoạt động tông đồ của giáo xứ?

2. Tôi cảm nghĩ thế nào về tình liên đới và sự hợp tác giữa các thành viên trong Hội đồng mục vụ giáo xứ, giữa các đoàn thể trong giáo xứ? Có những thách đố nào trong việc xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất trong đa dạng?

3. Giáo xứ của tôi tiếp cận và phục vụ những nhóm người ngoài cộng đoàn giáo xứ nhưng sinh sống trong địa bàn giáo xứ như thế nào? Giáo xứ tôi cần thực hiện những bước đi nào để mở rộng sứ vụ của mình ra đến những anh chị em này?

Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín SJ