Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
Ban Nghiên Huấn
THƯỜNG HUẤN GIÁO DÂN THÁNG 01/2025
Chủ đề: Nguồn cội và sức năng động của sứ mạng loan báo Tin mừng
BÀI 1: LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
Gia đình Kitô giáo không chỉ là nơi vun đắp tình yêu và giáo dục con cái, nhưng còn là “Hội thánh tại gia” và mang trong mình sứ mạng loan báo Tin Mừng. Mỗi gia đình Kitô hữu được mời gọi trở thành chứng nhân sống động của niềm vui Tin Mừng, của niềm hy vọng Kitô giáo, góp phần loan báo Tin Mừng trong đời sống thường ngày. Qua gia đình, Tin Mừng không chỉ được vun trồng trong các mối quan hệ tình thân gia đình, mà còn lan tỏa sâu rộng đến đời sống cộng đồng xã hội.
1. Gia đình – nơi vun trồng đức tin và tình thương
Đời sống gia đình vun đắp đức tin và tình thương. Gia đình không chỉ là tổ ấm yêu thương, nơi mỗi người học cách yêu thương, mà còn là nơi giáo dục đức tin. Cha mẹ chính là những người đầu tiên thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng cho con cái, dạy con cái cầu nguyện, sống yêu thương và thực hành các giá trị Kitô giáo qua đời sống thường ngày. Sự hòa quyện giữa đức tin và tình thương trong gia đình tạo ra nền tảng vững chắc cho sự trưởng thành nhân bản và thiêng liêng.
Trong khung cảnh gia đình như thế, cầu nguyện là hơi thở cần thiết để từng thành viên trong gia đình sống đức tin giữa bộn bề âu lo và thách đố trong đời sống. “Hãy cầu nguyện không ngừng” (1 Tx 5,17). Cầu nguyện trong gia đình là trung tâm thiêng liêng, nơi các thành viên kết nối với Thiên Chúa và với nhau. Đây là khoảnh khắc gia đình “thả neo” vào nguồn cội đức tin, giúp họ sống niềm hy vọng giữa những khó khăn và thử thách.
Khi đời sống được kết dệt với những nhịp thiêng liêng và giá trị Tin Mừng, gia đình cũng chính là nơi đức tin được loan truyền qua các thế hệ, từ ông bà, cha mẹ đến con cái và các thế hệ sau, và làm cho đời sống gia đình thấm nhuần tinh thần Tin Mừng. Qua đời sống gia đình và trong những hoàn cảnh thông thường của đời sống, mỗi người làm cho đời sống mình mang sắc thái đặc thù của Tin Mừng, và qua đó công bố và lan toả Tin Mừng vào đời sống. Khi sống và loan truyền đức tin như thế, gia đình trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa cho thế giới.
2. Gia đình sống sứ mạng loan báo Tin mừng
Gia đình không chỉ là tổ ấm yêu thương, mà còn là “Giáo hội tại gia,” nơi mỗi thành viên sống và lan tỏa Tin Mừng. Qua việc cầu nguyện, dạy dỗ, và sống các giá trị Kitô giáo, cha mẹ không chỉ truyền đạt đức tin cho con cái mà còn nhận lại sự phong phú thiêng liêng từ chính những thế hệ trẻ. Một gia đình sống trọn vẹn đức tin sẽ trở thành nguồn cảm hứng, lan tỏa ánh sáng Tin Mừng đến những gia đình khác trong cộng đồng, góp phần vào sức năng động loan báo Tin Mừng.
Gia đình thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng qua chứng từ đời sống. Khi sống theo các giá trị Tin Mừng như yêu thương, hy sinh, tha thứ, phục vụ,… gia đình trở thành một dấu chỉ sống động về tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa. Không thiếu trở ngại và thách đố, nhưng đời sống Kitô hữu luôn được nâng đỡ bởi ân sủng: “Thần Khí giúp đỡ sự yếu hèn của chúng ta” (Rm 8,26). Khi sống giá trị Tin Mừng như thế, đời sống gia đình không chỉ được củng cố hơn mà còn có sức thu hút và lan tỏa Tin Mừng đến môi trường sống chung quanh, giúp nhận ra vẻ đẹp và ý nghĩa của Tin Mừng trong thế giới hôm nay.
Gia đình không chỉ đón nhận Tin Mừng mà còn chuyển trao và loan báo Tin Mừng. Qua các thực hành cụ thể trong đời sống như tham dự thánh lễ, đọc kinh gia đình, cầu nguyện cá nhân, thực thi bác ái, rộng lòng hiếu khách,… gia đình trở thành hạt nhân loan báo Tin Mừng, lan tỏa niềm hy vọng Kitô đến môi trường sống chung quanh. Từng thành viên gia đình như những “môn đệ truyền giáo”, sẵn sàng “đi ra vùng ngoại biên”, đem Tin Mừng đến những nơi thiếu ánh sáng đức tin, rời xa niềm hy vọng.
3. Thách thức và hy vọng trong sứ mạng gia đình
Trong thế giới ngày nay, gia đình đối mặt với nhiều thách thức, từ áp lực kinh tế đến sự tấn công của lối sống thế tục. Tuy nhiên, gia đình Kitô hữu được kêu gọi sống trong hy vọng. “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em, và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1:8). Chính sự hiện diện của Thánh Thần là nguồn sức mạnh giúp gia đình kiên vững giữa những khó khăn và thử thách.
Thách thức khác đến từ sự cô lập trong xã hội hiện đại, khi các gia đình dễ bị lôi cuốn vào các giá trị vật chất mà quên đi đời sống thiêng liêng. Tuy nhiên, niềm vui Tin Mừng luôn được tái sinh và có sức biến đổi ngay cả trong những hoàn cảnh đen tối nhất. Khi “thả neo” vào tình yêu Thiên Chúa, gia đình tìm lại được ánh sáng và niềm vui của Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.
Để thực thi sứ mạng của mình, gia đình cần gắn bó chặt chẽ với giáo xứ và cộng đoàn Giáo hội. Bằng cách tham gia vào các cử hành phụng vụ và sinh hoạt mục vụ, gia đình không chỉ được củng cố đời sống đức tin, mà còn trở thành những nhân tố tích cực trong việc xây dựng Hội Thánh. Nhờ đó, khi sống Năm Thánh “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng”, các gia đình cũng đồng thời đáp lời mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đó là “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”.
Tóm lại, gia đình là nơi mỗi thành viên không chỉ được nuôi dưỡng trong yêu thương mà còn được mời gọi trở thành những chứng nhân sống động của Tin Mừng. Giữa những thách thức của thời đại, gia đình Kitô hữu là dấu chỉ hy vọng, thể hiện qua đời sống yêu thương, tha thứ và phục vụ. Nhờ “thả neo” vào tình yêu Chúa, gia đình có thể vượt qua khó khăn, gìn giữ đức tin và tiếp tục lan tỏa ánh sáng Tin Mừng đến môi trường xung quanh. Như những “người hành hương của hy vọng,” các gia đình Kitô giáo không ngừng “đi ra” và làm chứng cho Tin Mừng. Qua đó, họ không chỉ xây dựng Giáo hội tại gia mà còn góp phần vào sứ mạng mang Tin Mừng cứu độ đến mọi nơi và cho mọi người.
Hồi tâm
1) Gia đình bạn giữ giờ kinh gia đình và các nhịp sinh hoạt chung, chẳng hạn như bữa cơm gia đình, như thế nào? Làm thế nào để các giờ kinh nguyện và bữa cơm gia đình trở thành trung tâm đời sống, vun vén tình thân gia đình?
2) Trong những tương quan hàng ngày trong đời sống gia đình, bạn đã sống và chia sẻ các giá trị Tin Mừng qua thực hành yêu thương, tha thứ, và phục vụ như thế nào?
3) Khi đối diện với những thách thức về kinh tế, tinh thần hoặc lối sống thế tục, bạn làm gì để gìn giữ đời sống đức tin trong gia đình và làm thế nào để bạn thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng trong gia đình?
Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.
Nguồn: hdgmvietnam.com