Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
Ban Nghiên Huấn
**********
THƯỜNG HUẤN GIÁO DÂN THÁNG 4/2025
Chủ đề: Hiệp thông và trách nhiệm thi hành sứ mạng
Bài 4 – LÀM VIỆC NHÓM: HỢP TÁC VÀ ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC THÀNH VIÊN TRONG CỘNG ĐOÀN ĐỂ THỰC HIỆN SỨ VỤ
Chúng ta ai cũng biết rằng: không ai có thể sống và làm việc chỉ một mình, vì thế ai cũng phải sống với người khác. Ngay từ khi sinh ra, chúng ta đã gắn bó đời mình với gia đình. Sau đó khi lớn hơn, bước vào nhà trường chúng ta sẽ có những bạn bè và nếu phù hợp sẽ tạo thành các nhóm bạn. Khi đi làm việc chúng ta lại phải làm việc với những người khác và tạo ra một nhóm làm việc. Nhờ các hoạt động tương tác trong nhóm, chúng ta vừa phát triển kiến thức, rèn luyện kỹ năng cá nhân đồng thời góp phần vào các hoạt động đem lại hiệu quả tốt đẹp. Hơn nữa, khi lãnh Bí tích Thanh tẩy là chúng ta đã tham gia vào sứ vụ Loan báo Tin mừng nơi một cộng đoàn cụ thể, cách riêng tại cộng đoàn Giáo xứ. Chúng ta cùng hợp tác với các thành viên trong cộng đoàn để thực hiện sứ vụ Chúa đã trao phó.
Điều đầu tiên, chúng ta cần nhận thức được rằng có những khó khăn trong việc hợp tác và đồng hành với các thành viên trong cộng đoàn. Chúng ta không biết hết về nhau, không thể hiểu nhau hết, không được tự chọn với nhau để thi hành sứ vụ… Nên điều tiên quyết là chúng ta phải để đời sống sứ vụ cộng đoàn Giáo xứ được xuất phát từ tình yêu Chúa Kitô: “Tình yêu Chúa Kitô đã đoàn tụ, hợp nhất chúng ta.” Đời sống sứ vụ cộng đoàn được hình thành do sự quy tụ của Chúa và được Thiên Chúa hướng dẫn sáng soi.
Khi hợp tác và đồng hành với các thành viên trong cộng đoàn để thực hiện sứ vụ. Chúng ta cần phải xác định rõ lý tưởng và hành trình sứ vụ của cộng đoàn. Việc thống nhất ý tưởng, quan điểm và hướng phát triển là rất quan trọng. Vì vậy, vạch định mục tiêu rõ ràng cho cộng đoàn là điều cần thiết.
Cộng đoàn có niềm tin và sứ vụ chung, nhưng vẫn cần có sự rõ ràng trong một số khía cạnh. Cộng đoàn cùng hướng đến một mục tiêu là Thiên Chúa, cùng thi hành sứ vụ chung với nhau nhưng vẫn cần có sự phân công công việc cho rõ ràng. Cần phải có sự xác định vai trò của mỗi thành viên và có sự phân công hợp lý tùy theo khả năng cho mỗi thành viên trong cộng đoàn. Đây được xem là cách làm hiệu quả để phân định trách nhiệm mỗi thành viên. Hiểu được vai trò cũng như phạm vi giải quyết công việc sẽ giúp mỗi người làm việc có trách nhiệm, tránh sự sai lầm và tạo điều kiện để các hoạt động trong sứ vụ đạt được hiệu quả.
Trong khi làm việc với nhau cũng như khi thi hành sứ vụ, mỗi thành viên cần tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau có vai trò cực kỳ quan trọng. Các thành viên làm sao để có thể cùng làm việc và đạt được mục tiêu mà cộng đoàn mong muốn. Nếu thiếu đi sự tự tin và tôn trọng thì khó có thể cùng làm việc với nhau. Khi mỗi thành viên tham gia cảm thấy mình được cộng đoàn tôn trọng và dành trọn lòng tin thì việc thi hành sứ vụ mới đạt kết quả mỹ mãn. Để làm được điều này, mỗi thành viên cần phải sống trong sáng rõ ràng trong khi thi hành sứ vụ. Công khai với những gì là của chung và luôn đề cao tinh thần làm việc thân thiện, bình đẳng, công bằng và yêu mến nhau.
Hợp tác và đồng hành là cùng nhau góp sức để làm việc, biết hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong khi thi hành sứ vụ vì lý tưởng chung. Tinh thần hợp tác và đồng hành phải được xuất phát từ sự tự nguyện, bình đẳng, giúp đỡ và hỗ trợ nhau trong công việc vì lợi ích của cộng đoàn. Sứ vụ của cộng đoàn được được quyết định bằng sự thấu hiểu và tương trợ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Dẫu cho giữa mỗi thành viên có những khác biệt về tâm tính khả năng, nhưng tất cả cần dựa trên cung cách thấu hiểu và hỗ trợ nhau để cùng nhau hoàn thành sứ vụ.
Các thành viên cần mở rộng mối giao tiếp giữa các thành viên và với tha nhân. Biết chia sẻ đời sống ơn phước, lắng nghe và trao đổi ý tưởng với nhau một cách rõ ràng và hiệu quả. Tích cực bàn bạc và liên lạc qua lại với nhau dựa trên sự thẳng thắn, trung thực và kịp thời là cách rút ngắn khoảng cách giữa người với người. Ngoài ra, việc giao tiếp thường xuyên cũng góp phần giúp đôi bên giảm thiểu tối đa những hiểu lầm không đáng có trong quá trình hợp tác và đồng hành với nhau nơi sứ vụ của cộng đoàn.
Trong khi thi hành sứ vụ, mỗi thành viên trong cộng đoàn cũng cần cùng nhau thường xuyên đánh giá kết quả sứ vụ và phản tỉnh lại đời sống mỗi cá nhân. Đây là cách để nắm bắt tình thế cũng như làm cho việc thi hành sứ vụ có hiệu quả. Thường xuyên đánh giá các mục tiêu đã đề ra, xem xét chất lượng công việc và tình hình phát triển để có cách bổ sung cũng như thay đổi sao cho hợp lý. Thông qua những cuộc đánh giá tổng quát, với các thành viên trong cộng đoàn sẽ biết được mình thiếu sót những gì và cần bổ sung kịp thời.
Trong khi hợp tác và đồng hành với nhau trong cộng đoàn để thực hiện sứ vụ, chắc chắn sẽ có những mâu thuẫn, các thành viên sẽ bất hòa với nhau, vì “bá nhân bá tính.” Bất đồng là điều không thể tránh khỏi trong đời sống cộng đoàn. Tuy nhiên, thay vì nóng nảy và hiếu chiến hãy giải quyết mọi thứ trong hòa bình, bằng cách đối thoại và bàn bạc, nhất là bằng sự cầu nguyện để đi đến thống nhất, tránh những rạn nứt không đáng có. Cần tạo sự hiểu biết lẫn nhau. Tránh gây ra mâu thuẫn, nhanh chóng giải quyết những vấn đề bức xúc. Giúp đỡ, tạo điều kiện cho mỗi người có khả năng cùng phát huy những khả năng Chúa ban.
Mỗi thành viên trong cộng đoàn được mời gọi thi hành sứ vụ Chúa đã trao ban, và được mời gọi thi hành sứ vụ trong đời sống cộng đoàn. Dù khác nhau về nhiều điều nhưng mỗi thành viên lại được cùng quy tụ lại với nhau để làm nên một cộng đoàn sứ vụ. Đời sống cộng đoàn là một tiến trình hoàn thiện, nơi đó mỗi thành viên cùng nhau chia sẻ xây dựng cộng tác với nhau để đời sống cộng đoàn cũng như của mỗi cá nhân được tiến triển và được trở nên thánh thiện, như Lời Thiên Chúa đã phán: “Các ngươi phải thuộc về Ta, phải thánh thiện, vì ta, Đức Chúa, Ta là Đấng Thánh, và Ta đã tách biệt các ngươi ra khỏi các dân để các ngươi thuộc về Ta” (Lv 20,26).
Các thành viên cần phải ý thức và sống để đời sống cộng đoàn là sự hiệp nhất với nhau và hiệp thông với Chúa. Chúa như là cây nho và mọi người là cành nho (Ga 15, 1-17). Mỗi thành viên trong cộng đoàn được mời gọi để sống kết liên với nhau và cùng sống trong mạch sống trường sinh là chính Chúa Giêsu Kitô. Toàn bộ đời sống phải lấy Chúa làm trung tâm, làm đích điểm và để Chúa dưỡng nuôi bằng Lời và Mình Máu của Ngài.
Một cộng đoàn thật sự thì không có sự phân biệt vì tất cả mọi người đều là anh chị em, con cùng một Cha. Dù mỗi người là một cá vị nhưng được kêu gọi để làm thành một Nhiệm thể với Chúa Kitô là Đầu (Rm 12, 5). Đây là sự hiệp nhất trong đa dạng. Mỗi người có một chức phận trong cộng đoàn nhưng sống cộng tác chia sẻ với nhau bằng sự yêu thương nâng đỡ phục vụ cho nhau, trong tinh thần khiêm tốn hiền hòa và yêu thương.
Đời sống cộng đoàn cũng cần xây dựng vun đắp bằng những việc thánh thiện. Biết lắng nghe, chia sẻ, góp ý xây dựng và cầu nguyện để đời sống cộng đoàn được hiệp nhất với nhau, được một lòng một ý với nhau trong đời sống và trong sứ vụ, được sống yêu thương chia sẻ tha thứ cho nhau trong Thánh ý của Thiên Chúa. Luôn ý thức và luôn cố gắng xây dựng cộng đoàn để được tiến triển và được sống hiệp thông trong Tình yêu của Chúa, để đời sống cộng đoàn được tiến triển và trở nên là “thiên đàng tại thế” ngay ở đời này.
Trong Chúa Giêsu Kitô phục sinh, các thành viên trong cộng đoàn có được sự sống mới để cùng sống với Chúa và để Ngài sai đi sứ vụ. Dù ở bất cứ nơi đâu hay bất cứ khi nào, thành viên trong cộng đoàn cùng chia sẻ với nhau một sứ vụ của Chúa, sống yêu thương hiệp nhất gắn bó với nhau, để đời sống cá nhân cũng như của cộng đoàn sứ vụ phản ánh được sự hiệp nhất yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Hồi tâm:
1) Bạn có nhận ra ai là người đang hợp tác và đồng hành với bạn trong cộng đoàn nơi bạn đang sống?
2) Bạn đã hành xử với các thành viên trong cộng đoàn như thế nào?
3) Làm sao để bạn có thể hợp tác và đồng hành với các thành viên trong cộng đoàn?
Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
Nguồn: hdgmvietnam.com