Ủy ban Giáo dân – Tháng 10/2024: Bài 3 – Nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm

20/10/2024

Hội đồng Giám mục Việt Nam

Ủy ban Giáo dân

THƯỜNG HUẤN THÁNG 10/2024:

NUÔI DƯỠNG TINH THẦN CHIÊM NIỆM

BÀI 3: NUÔI DƯỠNG ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN VÀ CHIÊM NIỆM

Cầu nguyện là tâm sự với Chúa, cầu nguyện được ví như là hơi thở của tâm hồn Kitô hữu. Qua cầu nguyện, Kitô hữu được sống kết hiệp mật thiết với Chúa và được nuôi dưỡng bằng sự sống của Chúa. Đức hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận chia sẻ trong cuốn Đường Hy Vọng: “Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu là cầu nguyện. Không cầu nguyện, dù có làm phép lạ, con cũng đừng tin”. Kiên nhẫn cầu nguyện với Chúa hằng ngày, cầu nguyện với tấm lòng yêu thương và tin tưởng phó thác tuyệt đối vào Chúa, cảm tạ và ngợi khen tôn vinh Chúa, cầu xin cho mình, cho gia đình và người thân, cho Giáo Hội và xã hội, cầu cho cả những người làm tổn thương và thù oán ta.

Để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm, ta cần thiết lập thói quen cầu nguyện hàng ngày. Dành thời gian mỗi ngày để cầu nguyện và chiêm niệm Chúa. Đây là cách giúp ta tìm được sự hướng dẫn và sức mạnh từ Thiên Chúa. Đồng thời tham gia vào các hoạt động tâm linh: có thể là tham dự thánh lễ, tham gia nhóm cầu nguyện, nhóm Kinh Thánh, hoặc các khóa linh thao. Những hoạt động này giúp ta phát triển đời sống tâm linh và hiểu rõ hơn về thánh ý của Thiên Chúa. Ngoài ra, cũng cần trau dồi Kinh Thánh và đọc sách thiêng liêng, việc đọc Kinh Thánh và các sách thiêng liêng giúp ta thay đổi tâm thức thành người Kitô hữu đích thực hơn và áp dụng tinh thần Kitô giáo vào cuộc sống. Đời sống cầu nguyện và chiêm niệm của Kitô hữu giáo dân giữa đời thường cũng có thể được phối hợp một cách thuận tiện giữa cầu nguyện chiêm niệm và những hoạt động trong ngày. Tùy theo hoàn cảnh, ta có thể cầu nguyện nhiều lần trong khi làm việc, cho dù không thực thi một cách chuyên nghiệp, nhưng có được lòng khao khát và yêu mến cầu nguyện hết lòng trong khi làm bổn phận.

Nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm cũng chính là thực hành lời Chúa: Thực hành lòng bác ái, khoan dung và tha thứ. Trong đời sống thường ngày, ta sẽ gặp nhiều thách thức và xung đột, đời sống cầu nguyện bên trong, đi kèm với tinh thần hoán cải và việc thực hành lòng bác ái, khoan dung, tha thứ bên ngoài không chỉ giúp ta giữ được bình tĩnh và tìm cách giải quyết vấn đề một cách hòa bình mà còn cho ta nhìn lại chính mình và tìm gặp lại Chúa. Những chia sẻ kinh nghiệm và sự hướng dẫn từ Kitô hữu trong cộng đoàn nhỏ hay cộng đoàn lớn cũng góp phần trong việc nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm.

Cầu nguyện là kết hiệp với Chúa, là thanh luyện và nuôi dưỡng lòng đạo đức. Ta có thể cầu nguyện riêng một mình, cầu nguyện cùng cộng đoàn, cầu nguyện với Lời Chúa, cầu nguyện trước Thánh Thể, cầu nguyện với Thánh Thể trong tâm hồn, v.v… Vì nếu không có đời sống cầu nguyện và kết nối với tình yêu của Chúa như cành nho nối liền với cây nho ( x Ga 15, 5) thì chúng ta sẽ không có sức sống của Chúa và chẳng làm được việc gì. Kết hiệp với Chúa chúng ta có sự sống của Chúa. Từ đó, chúng ta mới sống theo lời Chúa, theo lối sống của Chúa: lối sống yêu thương, tha thứ, dịu dàng và khiêm nhường.

Không phải lúc nào chúng ta cũng hứng khởi và tràn đầy năng lượng trong việc cầu nguyện. Thực tế, chúng ta là con người yếu đuối, cũng có những giai đoạn bị ảnh hưởng môi trường bên ngoài làm cho ta suy thoái tâm lý, cảm thấy thất vọng, buồn chán và không biết cầu nguyện thế nào. Đấy là những lúc chúng ta phải kiên nhẫn để khôi phục đức tin và niềm hy vọng, và Thần Khí Chúa sẽ cầu thay nguyện giúp ( x Rm 8, 26).

Để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm về cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta có thể chiêm niệm những mầu nhiệm Mân Côi: mầu nhiệm năm sự vui, năm sự sáng, năm sự mừng, và một cách đặc biệt về năm sự thương.

Chúng ta cầu nguyện chiêm niệm theo gương Chúa Giêsu. Ngài thường tìm những nơi thanh vắng, Ngài lên núi và cầu nguyện một mình suốt đêm. Họa lại một phần đời sống cầu nguyện và hoạt động của Chúa Giêsu có thể là gia đình Mácta, Maria và Lazarô. Mácta là người hoạt động, Maria là người chiêm niệm, và Lazarô là người sám hối. Người giáo dân cần tìm ra cách để có thể hoàn thiện trong việc kết hợp giữa các việc cầu nguyện chiêm niệm, hoạt động và sám hối.

Hành trình tâm linh trong thế giới hôm nay cần có sự cầu nguyện chiêm niệm không chỉ nhằm đưa lại sự bình an cho chính bản thân mình, nhưng còn dẫn chúng ta đến con đường hoán cải tâm hồn thực sự và được Chúa Thánh Thần tác động mạnh cho chúng ta ra đi góp phần làm thay đổi môi trường xã hội theo tinh thần Kitô giáo và có thể đưa nhiều người về với Chúa. “Nếu không có chiêm niệm và cầu nguyện nội tâm, Hội thánh không thể hoàn thành sứ vụ của mình, đó là sứ vụ hoán cải và cứu vớt nhân loại” (cha Thomas Merton).

Hồi tâm

1) Nếu thiếu đời sống cầu nguyện, ta có nhận ra khuôn mặt của thiên Chúa đích thực không. Bằng phương thức nào tôi có thể siêng năng nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm?

2) Trong đời sống thường ngày, làm cách nào tôi có thể cầu nguyện trong buổi làm việc mà vẫn chu toàn bổn phận.

3) Ngoài việc xin ơn, làm thế nào tôi có thể hăng say cầu nguyện và chiêm niệm về cuộc đời Chúa Giêsu?

Tài liệu tham khảo: sách “Cầu Nguyện Chiêm Niệm” của linh mục Thomas Merton.

Phanxicô Xaviê Nguyễn Thái

Nguồn: hdgmvietnam.com