Ủy ban Giáo dân – Tháng 12/2024: Bài 4 – Yêu thương, tôn trọng & tha thứ

22/12/2024

Hội đồng Giám mục Việt Nam

Ủy ban Giáo dân

THƯỜNG HUẤN THÁNG 12/2024:

VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH TRONG GIÁO HỘI

BÀI 4 – YÊU THƯƠNG, TÔN TRỌNG & THA THỨ

Gia đình là món quà cao quý mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại, nơi mỗi thành viên được yêu thương, chăm sóc và trưởng thành trong tình hiệp nhất. Đối với người Kitô hữu, gia đình không chỉ là một tổ ấm, mà còn là Hội Thánh tại gia, nơi phản ánh tình yêu hoàn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, để xây dựng một gia đình bền vững và đầy tràn phúc lành, cần có sự hiện diện của ba giá trị cốt lõi: yêu thương, tôn trọng và tha thứ. Những giá trị này không chỉ làm nên nền tảng vững chắc cho đời sống gia đình, mà còn giúp gia đình Kitô hữu trở thành chứng tá sống động cho Tin Mừng giữa lòng thế giới.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi các giá trị truyền thống bị thách thức và gia đình phải đối mặt với nhiều khó khăn, việc sống trọn vẹn yêu thương, tôn trọng và tha thứ càng trở nên cần thiết và ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Tình yêu – nền tảng đời sống gia đình

Tình yêu là nền tảng căn bản của gia đình Kitô hữu, nơi phản ánh tình yêu hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tình yêu này không chỉ dừng lại ở cảm xúc thoáng qua, mà còn được thể hiện qua sự hiến dâng và hy sinh cho nhau. Tình yêu không chỉ là cảm xúc hay lời nói, phải được thể hiện bằng việc làm, là sự hiến dâng và hy sinh.[23] Trong gia đình, tình yêu là cội nguồn tạo nên mối dây liên kết bền chặt giữa các thành viên, làm cho gia đình trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa giữa thế gian.

Tình yêu trong gia đình được biểu lộ qua những hành động cụ thể, dù nhỏ bé nhưng ý nghĩa. Những việc làm như: lắng nghe, chăm sóc, hay tha thứ giúp tình yêu gia đình trở nên sống động và cùng nhau vượt qua thách đố trong đời sống. Tình yêu là nguồn sức mạnh để gia đình đối diện với khủng hoảng, vượt qua khó khăn và sống trong bình an. Chính nhờ tình yêu, gia đình Kitô hữu không chỉ bền vững mà còn trở thành chứng nhân của Tin Mừng, lan tỏa ánh sáng và niềm hy vọng Kitô giáo.

Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái về tình yêu qua gương sáng của mình. Con cái học được cách yêu thương, kiên nhẫn và hy sinh từ sự chăm sóc và dạy bảo của cha mẹ. Đây không chỉ là một trách nhiệm mà còn là một sứ mạng thiêng liêng của các bậc phụ huynh. Chính qua đời sống yêu thương của cha mẹ, con cái nhận biết và áp dụng thực hành tình yêu trong mọi khía cạnh của cuộc sống, góp phần xây dựng một xã hội đầy tình bác ái và công bằng.

1. Sự tôn trọng – Chất keo gắn kết gia đình

Tôn trọng là nền tảng giúp gia đình duy trì sự hòa hợp và ổn định. Khi mỗi thành viên được nhìn nhận như một hình ảnh của Thiên Chúa, giá trị và vai trò của họ sẽ được thừa nhận và bảo vệ. Điều này góp phần kiến tạo nên một môi trường sống an toàn và tích cực, nơi mọi người được khích lệ để phát triển toàn diện. Sự tôn trọng trong gia đình chính là cách mỗi thành viên thực thi các giá trị nhân bản và đức tin trong đời sống hàng ngày.

Tôn trọng cũng là chìa khóa để xây dựng sự đồng thuận và an bình trong gia đình. Khi các thành viên lắng nghe và thấu hiểu ý kiến, cảm xúc của nhau, căng thẳng hay xung đột sẽ được giải quyết một cách nhẹ nhàng. Lắng nghe và thấu hiểu là cách để nuôi dưỡng tình yêu sâu sắc hơn.[24] Nhờ đó, gia đình không chỉ giữ được sự hòa thuận mà còn làm vững vàng thêm mối dây liên kết yêu thương.

Giáo dục trẻ em về sự tôn trọng cần được thực hiện ngay từ những năm đầu đời. Cha mẹ không chỉ là những người thầy đầu tiên dạy con cái bằng lời nói, mà còn qua chính gương sáng của mình. Khi được học nhận biết những phương thế tôn trọng và yêu thương, trẻ em sẽ lớn lên với nhân cách tốt đẹp, biết cách đối xử công bằng và trân trọng giá trị của mọi người xung quanh.

2. Tha thứ – Con đường dẫn đến hòa giải

Tha thứ là biểu hiện cao cả của tình yêu gia đình, giúp chữa lành những vết thương và tái lập sự hiệp nhất. Trong cuộc sống gia đình, không tránh khỏi những lúc bất đồng hay tổn thương nhau. Tuy nhiên, tha thứ chính là chìa khóa giúp vượt qua mọi khủng hoảng và xây dựng tình yêu bền vững hơn: “Biết tha thứ và cảm nhận mình được thứ tha là một kinh nghiệm căn bản trong cuộc sống gia đình.”[25]

Tha thứ giúp chữa lành vết thương, mà hòa giải lại là bước đầu tiên để khôi phục các mối quan hệ bị tổn thương trong gia đình. Điều này đòi hỏi mỗi người phải có lòng khiêm nhường và chân thành trong việc nhận lỗi và xin tha thứ. Các gia đình Kitô hữu cũng được mời gọi thực hành Bí tích Hòa giải, nơi họ sống tinh thần hòa giải với Chúa và với nhau, để làm mới lại mối tương quan gia đình trong tình yêu và ân sủng.

Cha mẹ có trách nhiệm dạy con cái về giá trị và sức mạnh của sự tha thứ. Khi cha mẹ làm gương trong việc tha thứ, con cái sẽ học được cách giải quyết xung đột trong tinh thần hòa bình và xây dựng. Tha thứ không chỉ là một hành động, mà còn là thái độ sống cần được nuôi dưỡng hằng ngày, giúp gia đình sống trong bình an và trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa giữa lòng trần thế.

Tóm lại, tình yêu, tôn trọng và tha thứ là ba giá trị cốt lõi làm nên nền tảng gia đình Kitô hữu. Khi các gia đình sống trọn vẹn những giá trị này, họ không chỉ xây dựng một tổ ấm bền vững, mà còn trở thành chứng nhân sống động của Tin Mừng.

Chính trong đời sống gia đình, ánh sáng của Chúa Kitô được lan tỏa, mang niềm hy vọng và bình an đến cộng đồng xung quanh. Nhờ ơn Chúa, gia đình Kitô hữu sẽ thực sự trở thành Hội Thánh tại gia, nơi tình yêu được gieo mầm và dưỡng nuôi cho lớn lên mỗi ngày.

3. Hồi tâm

1) Tôi thể hiện tình yêu trong gia đình mình như thế nào qua những hành động cụ thể để xây dựng tình thân và mối dây liên kết bền chặt trong gia đình mình?

2) Tôi có luôn lắng nghe, thấu hiểu và nhìn nhận giá trị của mỗi thành viên trong gia đình như hình ảnh của Thiên Chúa?

3) Tôi thực hành tha thứ và giúp chữa lành những vết thương trong gia đình mình như thế nào để tái lập sự hòa hợp và yêu thương?

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

[23] Amoris Laetitia, số 94, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-amoris-laetitia-niem-vui-cua-tinh-yeu-41885

[24] AL, số 137.

[25] AL, số 236.

Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín SJ

Nguồn: hdgmvietnam.com