Đồng Hành Với Các Gia Đình Trong Những Hoàn Cảnh Khó Khăn

15/02/2019

Đồng Hành Với Các Gia Đình Trong Những Hoàn Cảnh Khó Khăn

(x. Thư chung HĐGMVN 2013, s.7; GĐ 77-85).

H. Chúng ta cần làm gì đối với các gia đình trong những hoàn cảnh khó khăn?

T. Phải đồng hành và nâng đỡ họ, thay vì tỏ thái độ lên án và loại trừ.

Chú thích

1/ Phải đồng hành và nâng đỡ đối với những gia đình trong hoàn cảnh đặc biệt:

Phải quảng đại, sáng suốt, khôn khéo, theo gương Chúa Giêsu, vị Mục tử nhân lành, để dấn thân làm mục vụ cho các gia đình đang đương đầu với những khó khăn thật sự, thường là ngoài ý muốn và do những đòi hỏi đủ loại.

– Đặc biệt, cần chú ý đến những gia đình trong hoàn cảnh đặc biệt (x. Bài 44)Không chỉ trợ giúp, mà còn cần những hành động hiệu quả trên dư luận quần chúng, và nhất là trên cơ cấu văn hoá, kinh tế, luật pháp, nhằm loại bỏ tối đa những nguyên cớ sâu xa gây khó khăn cho họ.

– Với những gia đình di dân, phải tìm cho họ được một quê hương ở khắp nơi trong Giáo hội. Đó là bổn phận thuộc bản chất của Giáo hội, vì Giáo hội là dấu chỉ “hiệp nhất trong đa dạng”. Họ cần được tận tình giúp đỡ về nghi lễ, văn hoá và ngôn ngữ.

– Đối với các gia đình bị xâu xé trên bình diện ý thức hệ: họ cần có được những tiếp xúc chân tình, kín đáo.

2/ Phải đồng hành và nâng đỡ đối với những gia đình hôn nhân hỗn hợp:

– Khi chuẩn bị cho loại hôn nhân này, phải hết sức giúp họ hiểu thật rõ giáo lý công giáo về các đặc tính và các đòi hỏi của hôn nhân, cũng như bảo đảm sẽ không có việc gây áp lực hay cản trở.

– Nhất là với sự nâng đỡ của cộng đoàn, phía Công giáo cần được củng cố, hiểu biết chín chắn hơn, để thực hành đức tin cách tốt đẹp hơn, hầu nên nhân chứng đáng tin cậy thực sự trong chínhgia đình họ, qua đời sống và tình yêu tốt đẹp họ dành cho người bạn đời mình và cho con cái.

3/ Phải đồng hành và nâng đỡ đối với những gia đình hôn nhân trái qui tắc [1]:

  1. Hôn nhân thử:

Giáo Hội không thể chấp nhận loại kết hợp này, vì giữa hai người đã Thánh tẩy, chỉ có thể chấp nhận một hôn nhân bất khả phân ly.

Tình trạng kết hợp như thế bình thường không thể nào thắng vượt được, nếu ngay từ thơ ấu, đã không được giáo dục, để lướt thắng nhục dục mới phát sinh, và để thiết lập những tương quan tình yêu chân chính với người khác, với sự trợ giúp của ân sủng Đức Kitô và không sợ hãi.

2. Những vụ chung sống không hôn nhân:

Cộng đoàn cần tìm hiểu rõ tình cảnh và các nguyên cớ dẫn đến từng trường hợp; phải để tâm, kín đáo và tôn trọng, tìm cách đến với những người đang chung sống như thế, kiên nhẫn khai sáng cho họ, đón nhận họ với tình bác ái, đem lại cho họ một chứng tá về gia đình Kitô hữu. Nói cách khác, cần làm tất cả những gì có thể giúp họ hợp thức hoá.

3. Những người công giáo chỉ có hôn phối dân sự:

Cần giúp họ nhận biết rằng: nhất thiết phải có sự đi đôi giữa sự chọn lựa đời sống với đức tin họ tuyên xưng. Cũng phải cố gắng làm tất cả những gì có thể, để đưa họ tới việc hợp thức hoá tình cảnh của họ. Cần đong đầy tình bác ái đậm đà đối với họ, và tha thiết đưa họ về với cộng đoàn.

4. Những người ly thân và ly dị không tái hôn:

Việc ly thân chỉ có thể được dùng như phương thuốc cuối cùng.

Người phối ngẫu bị phân ly thường cô đơn và gặp nhiều khó khăn khác nữa, nhất là khi người ấy vô tội! Cộng đoàn Giáo hội cần nâng đỡ họ hơn bao giờ hết, phải quí mến, liên đới, cảm thông, giúp đỡ họ cụ thể, để họ có thể trung thành, ngay cả trong tình cảnh hết sức khó khăn. Cần giúp họ biết vun trồng sự tha thứ, và luôn sẵn sàng nối lại cuộc sống vợ chồng.

Trường hợp người phối ngẫu bị bó buộc phải chịu ly dị: khi họ không để mình bị lôi cuốn vào một cuộc kết hôn mới, nhưng vẫn ra sức chu toàn các bổn phận gia đình và các trách nhiệm Kitô hữu, thì chứng tá của họ về sự trung thành thật là cao đẹp đối với thế giới và Giáo hội hôm nay! Giáo hội cần giúp đỡ, khích lệ, ưu ái, và mời gọi họ tham dự các bí tích.

5. Những người ly dị tái hôn:

Toàn thể cộng đoàn tín hữu hãy giúp đỡ họ, bằng lòng bác ái sâu rộng, làm thế nào để họ không cảm thấy bị lên án và loại trừ khỏi Giáo hội. Vì đã được Thánh tẩy, không những họ có thể,mà còn có bổn phận dự phần vào đời sống Giáo hội. Cần mời gọi họ lắng nghe Lời Chúa, tham dựthánh lễ, kiên trì cầu nguyện, tham gia vào các công tác bác ái, vào các sáng kiến của Giáo hội để phụng sự công lý, giáo dục con cái trong đức tin, vun trồng tinh thần đền tội, và làm các việc đền tội, để ngày ngày nài xin ơn thánh Chúa. Giáo hội hãy cầu nguyện cho họ, khích lệ họ, và tỏ ra là một người mẹ nhân từ, để nhờ đó, giữ họ trong đức tin đức cậy.

Với một lòng tin tưởng mãnh liệt, Giáo hội tin rằng: ngay cả những người đã lìa xa lệnh truyền của Chúa, và đang tiếp tục sống trong tình trạng ấy, cũng có thể nhận được ơn hoán cải và cứu rỗi nơi Thiên Chúa, nếu họ kiên trì trong kinh nguyện, thống hối và bác ái.

 gpcantho.com

[1] GĐ 79-85.