Ingrid d’Ussel, tác giả cuốn sách “Đánh thức ơn gọi trong các gia đình” (*), đề nghị những ý tưởng cụ thể để gia đình trở thành nơi ươm mầm thuận lợi và chào đón các ơn gọi linh mục và tu sĩ.
Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II thường nói: “Gia đình là chủng viện đầu tiên”. Đây là nơi cha mẹ có thể dạy con cái cầu nguyện, yêu thương, tha thứ. Nơi mà ơn gọi linh mục và tu sĩ trong tương lai có thể được hình thành. Trong cuốn sách mới của mình, Đánh thức ơn gọi trong các gia đình, Ingrid d’Ussel – mẹ của sáu người con và là tác giả của nhiều tác phẩm – đề nghị những ý tưởng cụ thể nhằm tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các ơn gọi tu trì và để con cái có thể nói “xin vâng” với tiếng gọi khả dĩ từ Chúa.
Ingrid d’Ussel giải thích với Aleteia: “Gia đình đang ở một ranh giới tế nhị trong đó nó không được tạo áp lực cũng như không thể bóp nghẹt ơn gọi”. Vì điều này, điều quan trọng là phải dạy đức tin và cho phép con cái có mối quan hệ cá nhân với Chúa, để chúng có thể tự do đáp lại nếu Chúa kêu gọi chúng. Dưới đây là một số ý tưởng, cả thực tế lẫn thiêng liêng, nhằm tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các ơn gọi tu trì tương lai.
1. Truyền đạt đức tin hằng ngày
Gia đình là nơi truyền đạt và giáo dục đức tin tuyệt vời, trong đó cha mẹ đóng vai trò nền tảng. Quả thế, họ là những hình mẫu cho con cái mình, như cặp vợ chồng Wojytila đã từng như thế cho vị giáo hoàng tương lai, hay như thánh Monica cho con trai mình là thánh Augustinô. Nếu đối với một số bậc cha mẹ, việc đặt Thiên Chúa vào trung tâm cuộc sống là điều hiển nhiên đối với họ, thì họ cần phải truyền đạt điều này cho con cái mình. Ingrid d’Ussel đề nghị nhiều ý tưởng để thực hành, chẳng hạn như tạo không gian cầu nguyện trong nhà, học cách cảm ơn về những điều tốt đẹp xảy ra trong gia đình, học cách dành chỗ cho Chúa ngay cả trong các trò chơi (khi con cái chơi Playmobile, chỉ cần hỏi chúng: nhà thờ ở đâu?), hoặc thậm chí học cách giữ thinh lặng để xây dựng mối quan hệ thực sự với Chúa. Ingrid d’Ussel khẳng định: “Đây là những điều nhỏ nhặt rải rác trong cuộc sống hằng ngày, nhưng minh họa rằng Thiên Chúa là trung tâm của mái ấm”.
2. Có những người bạn là linh mục, tu sĩ
Điều quan trọng là một bạn trẻ có thể gặp được các linh mục và tu sĩ hạnh phúc trong ơn gọi của mình, những chứng nhân tốt đẹp của Chúa Kitô. Đối với Ingrid d’Ussel, vấn đề là làm cho những người trẻ hiểu rằng các linh mục và tu sĩ cũng là những người bình thường, giống như họ, có thể pha trò, trải qua những giây phút vui vẻ cũng như những giây phút khó khăn hơn. Bà giải thích với Aleteia: “Một số bạn trẻ tự loại mình ra khỏi ơn gọi vì họ lý tưởng hóa ơn gọi linh mục, khi nghĩ rằng ơn gọi này dành cho những người hoàn hảo. Trong khi chính những người bình thường được kêu gọi”. “Điều quan trọng là phải cho con cái thấy rằng cuộc sống của một linh mục rất phong phú, họ có thể đi nghỉ trên núi cùng gia đình, họ có bạn bè, các bậc cha mẹ đánh giá cao họ, trân trọng họ và biết ơn về sự dâng hiến của họ.”
3. Có một tình yêu vô điều kiện đối với Giáo hội
Để một đứa trẻ một ngày nào đó đáp lại lời kêu gọi làm linh mục hay tu sĩ, điều quan trọng là nó phải sống trong một gia đình khoan dung với các linh mục, với Đức Giáo hoàng và Giáo hội, và là nơi đón nhận những giáo huấn của Giáo hội. Ingrid d’Ussel hỏi: “Ai sẽ hiến dâng cuộc sống của mình cho một điều mà mọi người liên tục chỉ trích?” “Nếu chúng ta phá hỏng bài giảng Chúa nhật tại bàn ăn, nếu chúng ta liên tục chỉ trích, ai sẽ dâng hiến cuộc sống mình cho điều đó?” Trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự sáng suốt và khả năng nói rằng chúng ta có thể không hiểu điều gì đó, trong đó “viễn cảnh là một mầu nhiệm“, Ingrid d’Ussel vẫn khuyến khích đừng rơi vào cạm bẫy của sự lên án, nhưng hãy không ngừng nuôi dưỡng tinh thần khoan dung đối với Giáo hội.
4. Nói về đức trong sạch
Mối Phúc thứ sáu nói: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. Khi truyền đạt đức trong sạch này, các gia đình đang chuẩn bị cho con cái họ sống thánh thiện, và nếu chúng có ơn gọi, chúng sẽ trở thành những linh mục hay tu sĩ thánh thiện. Ingrid viết trong cuốn sách của mình: “Sự trong sạch của hôm nay chuẩn bị cho sự trong sạch của mai ngày”, và nếu linh mục và tu sĩ được kêu gọi sống khiết tịnh, thì nhân đức này phải được vun trồng ngay từ khi còn nhỏ, bằng cách truyền cho con cái chúng ta vẻ đẹp của thân xác, vốn là đền thờ của Chúa Thánh Thần và phải được tôn trọng. Để làm được điều này, không gì tốt hơn là cho con cái biết đến những vị thánh trẻ đã bảo vệ nhân đức trong sạch này, chẳng hạn như thánh Maria Goretti, thánh Anê, hoặc những vị thánh đương đại hơn, hoặc cho chúng khám phá về phong trào hướng đạo. Bài nói : “Tại sao có nhiều linh mục hướng đạo? Điều 10 của luật hướng đạo nói rằng “hướng đạo sinh trong sạch trong tư tưởng, lời nói và việc làm”. Chắc chắn họ cũng có ý thức cho đi, phục vụ, hy sinh, nhưng họ cũng đã học biết chăm lo sự trong sạch của họ”. Một đứa trẻ học được nhân đức này từ khi còn nhỏ – nơi các hướng đạo sinh, trong gia đình hoặc ở nơi nào khác – thì điều đó sẽ không quá sức của nó khi trưởng thành.
5. Cầu xin ơn Chúa Thánh Thần
Để phân định tốt, cần phải cầu xin ơn Chúa Thánh Thần và vì thế, Bí tích Thêm Sức là nền tảng. Ingrid d’Ussel thốt lên: “Có rất nhiều người chưa được thêm sức”. Những người trẻ đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, rước lễ lần đầu và sau đó từ bỏ đức tin. “Người ta ngày càng bỏ xa việc Rước lễ khỏi Bí tích Thêm sức và đây là một sự mất mát to lớn đối với con cái Thiên Chúa, bởi vì chúng ta cần Chúa Thánh Thần để phân định tốt”. Nếu những người trẻ được lãnh nhận Bí tích Thêm Sức sớm hơn, “vào lúc đầu của trung học”, họ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này của tuổi thiếu niên một cách sáng suốt hơn và bước vào cuộc sống trưởng thành với 7 ơn Chúa Thánh Thần. Như Đức Gioan-Phaolô II đã nói: “Chính từ [Chúa Thánh Thần] mà ơn hiểu biết để phân định, ơn khôn ngoan để quyết định và ơn sức mạnh để hành động xuất hiện”. Và còn cách nào tốt hơn cho người trẻ là nhận được những ơn của Ngài để nhận ra ý muốn của Thiên Chúa và tự do đáp lại lời tiếng gọi?
Tý Linh chuyển ngữ từ: fr.aleteia.org
Nguồn: xuanbichvietnam.net
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
(*) Ingrid d’Ussel, L’éveil vocationnel dans les familles, Via romana, 363 trang.