Quê hương trong vị kẹo dừa

29/09/2023

Thói quen của thằng con ở xa quê là hay thủ sẵn một mớ kẹo dừa bên mình. Để nhiều lúc nhớ quê nó có cái mà nhấm nháp cho đỡ nhớ.

Quê hương không phải là cục kẹo để hễ ai nhớ tới thì ngậm cho tan chảy trong miệng rồi nuốt chửng vào bụng. Nhưng quê hương là cái vị ngọt ngào và vương vấn để lại trong hơi thở và hai mũi sau mỗi lần ăn xong. Dẫu hương vị ấy chỉ để lại có khoảnh khắc nhưng ít ra nó cũng bù đắp cho nỗi nhớ nỗi mong quê nhà.

Thằng con xa quê năm nay hơn chục năm, cũng ngót nghét qua cái tuổi ba mươi. Nhưng nó vẫn cứ ngỡ mới xa quê như ngày nào chập chững lên thành phố học đại học. Hồi đó, trước khi đi má gói cho quá trời thứ đồ. Quần áo xếp gọn gàng ngăn nắp với mùi nước xả thơm phức, thứ nước mà chẳng đời nào má dùng vì… má biểu mình là nông dân thích mùi bùn lầy hơn. Mớ vật dụng thằng con hay dùng cũng xếp lại gọn gàng cho vô cái bao tải, má biểu: “Bây đem lên trển mà xài, dưới này má có xài đâu mà để lại”. Để vô mớ bánh kẹo ăn dọc đường, trong đó có mớ kẹo dừa mà má tự tay làm.

Lúc đó thằng con hờn má của nó dễ sợ. Nó nghĩ: “Bộ má định đuổi con đi luôn hổng bằng sao mà đưa cho mình xách đi quá trời!” rồi nó ngẩn ngơ xúc động: “Rồi mai mốt về quê lấy cái gì mà xài? Má ở nhà lấy gì mà xài?” Ngồi trên chuyến xa chạy từ quê lên sài gòn, nó tưởng tượng ra thân phận mấy cô gái hồi xưa trong câu ca dao: “Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?” Nó tưởng tượng cảnh đứa con gái bị gả là chính nó. Mà nó là con trai mà, nhưng thấy má gói ghém hết đồ đạc cho nó đem đi là nó tưởng tượng tới cảnh… bị gả.

Giờ học xong rồi lập nghiệp và lập gia đình ở Sài Gòn, thi thoảng nó dắt vợ con về quê thăm má. Chợt cái đầu bạc lại hiểu cái thứ triết lý thiệt sâu rằng hổng phải hồi xưa má muốn đuổi, mà… vì má biết nó sẽ đi và đi luôn hổng về ở với má như hồi nhỏ nữa, má cũng biết nhỡ nó hổng về mà nhìn đồ đạc thì nhớ nó chịu sao xiết.

Trong mớ hành lý gói ghém năm ấy có bịch kẹo dừa mà má tự tay làm. Mọi khi má làm để bán cho mấy đứa học trò tan học. Tụi nó mê kẹo của má dã man. Mấy đứa biểu: “Có mỗi kẹo của thiếm Bảy là rẻ và ngon thôi! Chớ mấy chỗ khác bán mắc mà dở ẹt!” Mà đâu chỉ tụi học trò trong xóm, ngay cả thằng con của má cũng mê mà. Cứ mỗi lần đem bày ra cái bàn nho nhỏ để trước cổng trường học, thì má để lại ở nhà một ít.

Bây giờ ở Sài Gòn người ta bán nhiều mặt hàng kẹo bánh đa dạng. Không những bắt mắt mà còn đủ thứ mùi hương. So ra thì mớ kẹo mà tự tay má làm không đẹp và hấp dẫn như người ta sản xuất bằng máy móc nữa. Những cục kẹo dừa vuông vức đều đặn y như nhau chứ không phải cục to cục nhỏ như má làm. Nhưng nó không thể nào quen với những thứ hương vị hút hồn của xứ người. Nó vẫn mê mẩn món kẹo má tự tay làm. Dẫu giờ tuổi má đã cao và hai mắt có dấu hiệu kèm nhèm, nhưng nó vẫn năn nỉ má làm cho ít kẹo đem theo. Mỗi dịp như thế, cô con dâu cũng tập tành học theo má chồng cách làm kẹo dừa. Vài ba tháng nó lại dẫn vợ con về thăm quê nội và món quà nó mang lên Sài Gòn cùng gia đình là kẹo má làm. Tất cả được đặt trong những chiếc hũ thủy tinh thật đẹp. Thằng cháu nội tinh nghịch lấy hình mặt cười mặt mếu dán lên quanh cái hộp, rồi viết mấy chữ lên tờ giấy “Kẹo nội làm” dán lên lưng hũ. Làm vợ chồng nó cười ngất với thằng con tinh nghịch.

Cứ vậy đó, cứ mỗi lần nhớ quê và nhớ má thì nó tháo cục kẹo đưa vào miệng. Mà nó chẳng đưa cả nắm vào miệng ăn cho thỏa thích như hồi nhỏ. Giờ vì sức khỏe nên nó ít ăn ngọt, nhưng lâu thiệt lâu nó lại ngậm một cục kẹo, ngậm công khai chớ chẳng giấu giếm gì vợ con. Hương thoảng qua làm nó đỡ nhớ! Cái nhớ quê và nỗi nhớ má của kẻ sắp bạc đầu! Ngậm! Tan chảy! Thơm tho! Rồi ngẫm nghĩ!

Little Stream

                                      Nguồn: dongten.net