Làng nghề mứt gừng nức tiếng xứ Huế

21/01/2023

Được xem là thủ phủ mứt gừng của tỉnh Thừa Thiên Huế, cứ đến tháng chạp làng Kim Long lại đỏ lửa để cho ra những mẻ mứt phục vụ Tết.

Những ngày cuối tháng chạp, căn nhà của ông Nguyễn Văn Dân, 64 tuổi, trên đường Phạm Thị Liên, phường Kim Long, TP Huế, đông vui hơn bởi tiếng nói cười của những phụ nữ ngào mứt gừng trong bếp. Ở ngoài sân, ông Dân và các cháu gọt vỏ, thái mỏng gừng.

Người dân làng Kim Long làm mứt gừng cuối tháng chạp. Ảnh: Võ Thạnh

Từ nhỏ, ông Dân đã thấy ông bà làm mứt gừng đón Tết. Các cụ xưa kể lại cuối năm Huế thường mưa lạnh nên người dân trong làng nghĩ ra cách làm mứt gừng sử dụng cho ngày Tết để chống lạnh. Món ăn sau đó được dân làng chọn tiến vua triều Nguyễn dùng hàng năm. Ngày nay, làm mứt gừng bán trong ngày Tết trở thành nghề truyền thống của làng Kim Long.

Ông Dân nhận định cách làm mứt gừng của làng Kim Long cũng giống nơi khác song mứt nơi đây thơm, cay hơn. Dân làng thường chọn củ gừng trồng trên vùng đất đồi pha sỏi ở ngã ba Tuần, nơi hai nhánh tả và hữu sông Hương gặp nhau.

Gừng củ sau khi gọt vỏ, bào mỏng đều thì rửa sạch, ngâm nước chanh khoảng một giờ rồi vớt ra để ráo. Gừng thái lát được trộn đường theo tỷ lệ một gừng, một đường và đưa vào chảo rộng để ngào trên bếp lửa. Người ngào gừng phải đảo đều tay tới khi đường thật khô. Mứt gừng sau khi nguội được đóng vào túi nylon. Năm nay gia đình ông Dân làm 200 kg mứt gừng, bán 70.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Nam thái mỏng gừng. Ảnh: Võ Thạnh

Cách nhà ông Dân hơn 200 m, ông Nguyễn Văn Nam, 61 tuổi, cùng gần 10 người trong nhà đang tất bật làm mứt gừng phục vụ Tết. Trong khi ông Nam thái mỏng gừng, trong bếp 4 lò lửa đang đỏ rực để ngào mứt. Từng mẻ mứt gừng lần lượt được ngào xong, để nguội giao cho người đóng vào túi nylon.

Ông Nam cho rằng mứt gừng ai cũng có thể làm song để hương vị cay nồng như mứt Kim Long rất khó. Ngoài nguyên liệu gừng trồng ở ngã ba Tuần, công đoạn ngào gừng rất quan trọng, người ngào phải biết trộn đường ở mức vừa phải để mứt vừa giòn, vừa dẻo, vừa thơm mùi đặc trưng.

“Mứt gừng đến tay người dùng thường phải ngào trên bếp lửa khoảng một giờ sao cho lát gừng săn lại, đường bọc xung quanh. Quá trình ngào, thợ phải dùng đũa đảo liên tục để không bị cháy”, ông Nam nói. Dịp Tết Quý Mão, gia đình ông đã sản xuất hơn 300 kg mứt gừng, bán trên địa bàn tỉnh.

Mứt gừng thường được người dân Huế dùng khi uống trà. Ảnh: Võ Thạnh

Dù mứt gừng nức tiếng toàn tỉnh, ông Nam buồn khi làng nghề đang mai một. “Hơn chục năm trước, cứ đến tháng chạp gia đình nào cũng đỏ lửa làm mứt gừng, mứt dừa, nay chỉ còn vài hộ. Có thể nhiều hộ thấy nghề chỉ làm thời vụ, giá bán rẻ, không bù đắp được chi phí sản xuất nên bỏ”, ông Nam nói.

Ông Mai Khắc Phục, Chủ tịch phường Kim Long, ghi nhận nghề mứt gừng trên địa bàn đang dần biến mất, hiện chỉ còn 5-7 hộ làm. Nguyên nhân là thu nhập từ nghề không cao, thị trường tiêu thụ đang dần bị thu hẹp.

Võ Thạnh

Nguồn: vnexpress.net