Linh mục Philipphê Lê Thiện Bá (1891-1918-1981)

29/09/2020

Sinh tháng 11 năm 1891 tại Trí Bưu Quảng Trị.

Nội tộc: Ông cố nội là lương y Phanxicô Xaviê Lê Thiện Thìn đã được Đức Cha Pellerin đặt làm Trùm hạt Quảng Trị lúc Giáo phận Bắc Đàng Trong được thành lập vào năm 1850. (xin tham khảo Lược sử Giáo phận Huế http://tonggiaophanhue.org/nam-thanh-2020/cam-nang-ve-nam-thanh-2020-tai-tgp-hue/  trang 55 )

Ông bà nội là Ông Bà Lê Thiện Hoan ,câu họ Trí Bưu. Hai ông bà được phúc tử đạo ngày 07.9.1885 khi quân Văn Thân tàn sát kéo đến tàn sát trên 600 giáo dân họ đạo Trí Bưu.

Thân phụ là ông Phêrô Lê Thiện Liêm, câu họ Trí Bưu  thời Cố Cả (RP L.Cadiẻre) làm quản xứ. Thân mẫu là bà Phanxica Trần Thị Tiệc.

Chú ruột của Cha Bá, Ông Lê Thiện Khiết, là ông ngoại của Đức TGM Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng.

Ngoại tộc: Thân mẫu Cha Lê Thiện Bá và thân mẫu Cha Giuse Lê Văn Hộ (1907-1968) là hai chị em ruột, gốc Giáo xứ Bố Liêu.

Tóm tắt tiểu sử: Lúc nhỏ được học nhiều chữ nho, lại thông minh sáng dạ, nên có một căn bản chữ Hán vững vàng. Vào học Tiểu Chủng viện An Ninh ngày 18.9.1906. Vào Đại Chủng viện Phú Xuân ngày 15.9.1911. Ngày 16.3.1918 thụ phong linh mục. Làm phó xứ Di Loan , giúp Cha sở Chabanon (Cố Giáo) và Cha sở L.Cadière (Cố Cả) từ 19.4.1918 đến 23.2.1923. Lập trường dạy chữ quốc ngữ và giáo lý cho trẻ em tại hai họ đạo Hòa Ninh và Loan Lý.

Ngày 22.2.1923 làm giáo sư Tiểu Chủng viện An Ninh, phụ trách  lớp ba (sixième & cinquième) trực tiếp dạy các môn La tinh, Pháp văn và Hán văn cho các chủng sinh, như các chú Nguyễn Như Danh, Lê Văn Hộ, Trần Hữu Tôn, Ngô Đình Nhu, v.v…

Ngày 9.8.1928  cha Bá bị đau con mắt trái, bác sĩ cấm xem sách một thời gian, nên được Đức Cha Allys đổi vào Huế làm cha sở họ Thần Phù thuộc huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Họ đạo nầy giới hạn từ sau núi Ngự Bình đến ga Nông.

Trong thời gian 5 năm, đã xây được nhà thờ Phú Bài và Giạ Lê, lập được 2 họ đạo Tô Đà và Thanh Lam. Nằm bên mép đường Quốc lộ 1, qua khu vực Phú Bài, nhà thờ Phú Bài đã được Cha Bá xây dựng qua gần gần 100 năm, hiện nay vẩn còn vững chải.

Ngày ấy ở vùng Phú Bài nhà cầm quyền quy tụ một số bệnh nhân phong cùi khoảng 60 bệnh nhân để chữa trị, đa số là lương dân, có một số ít bệnh nhân là người Công giáo. Cha Bá thường xuyên đến thăm viếng họ, và đã trở thành người Cha thân yêu đối với những bệnh nhân công giáo và đồng thời là người bạn thiết của những bệnh nhân người lương. Cảm phục trước đức độ và tình thương của vị linh mục, một số bệnh nhân người lương đã tìm hiểu Giáo lý Công giáo và xin tòng giáo. Ngày 27.4.1932 ngài đã tổ chức lễ Rửa tội cho 29 bệnh nhân cùi và cử hành nghi thức trở lại cho 7 bệnh nhân Công giáo đã bỏ đạo.

Từ 08-9-1933 đến 19-8-1945, Bề Trên Giáo phận thuyên chuyển ngài về Đại Chủng viện Phú xuân làm giáo sư triết thay thế Linh mục Ngô Đình Thục được bổ nhiệm làm giám đốc Trường Trung Học Thiên Hữu.

Trong thời gian 12 năm này, Cha Bá còn được mời làm tuyên úy cho Nam Phương Hoàng Hậu, nên Chủ Nhật hằng tuần ngài vào nội điện trong hoàng thành giải tội và dâng Thánh Lễ cho Hoàng Hậu.

Ngày 20-8-1945, được đổi về Quảng Trị làm quản xứ giáo xứ An Lộng, và ngài đã lập lại họ đạo Vân Hòa nằm gần An Lộng.

Ngày 29-8-1961 được đổi về làm quản xứ giáo xứ La Vang Trung. Tại đây, nhờ các ân nhân giúp đỡ, ngài cho xây vách và sửa lại tiền đường nhà thờ, xây nhà cha sở, trường tiểu học và trường mẫu giáo cho giáo xứ.

Tháng 7 năm 1969, được hưu dưỡng, ngài về ở nhà tổ phụ tại Trí Bưu. Năm 1972, mùa hè đỏ lửa, ngài chạy vào tỵ nạn tại Đà Nẵng. Ngày 16-3-1978  mừng Ngọc Khánh 60 năm linh mục tại Đà Nẵng.

Qua đời ngày 28-10-1981 tại Đà Nẵng, an táng tại nghĩa địa Gx Trí Bưu. Thọ 90 tuổi, 63 năm linh mục.

Là một linh mục rất uyên bác, Cha Bá là tác giả nhiều sách và bài báo. Nhà nghiên cứu văn học Lê Đình Bảng viết trong tác phẩm “Miền Thơ Huấn Ca” (trang 213) như sau:

Ông rất tinh thông Hán học, giỏi chữ Nôm, rành quốc ngữ, và sành sỏi Latinh, Pháp. Suốt 19 năm (1927-1945) tên tuổi Lê Thiện Bá nổi như cồn, xuất hiện đều đặn và đa dạng, tài hoa, trên mặt báo Nam Kỳ Địa Phận. Vì Chúa trong nhiều thể loại trang mục, bài viết: nghị luận, tu đức, bút ký, tường thuật, thi ca và cả tiểu thuyết. Ở thể loại nào ông cũng chứng tỏ có sở trường, có tâm huyết hơn người. Nghiên cứu về giá trị lịch sử của tờ Nam Kỳ Địa Phận, và riêng Lê Thiện Bá, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xuyên kết luận: Phêrô Nghĩa (bút hiệu của Cha Bá) là một nhân vật lỗi lạc. Ông viết rất nhiều, đủ cá thể loại, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, từ nghị luận đến lịch sử, thi ca, nhàn đàm, không một mục nào ông bỏ qua khi có dịp cầm bút.”

Tác phẩm tiêu biểu: Sách và bài báo do linh mục Lê Thiện Bá sáng tác rất nhiều. Chỉ xin nêu ra một vài tác phẩm tiêu biểu trong số những tác phẩm đã được các cá nhân và cộng đoàn Công Giáo Việt Nam đón nhận một cách hồ hởi nhiệt thành trong thời gian từ thập niên 20 đến thập niên 60 của thế kỷ XX:

1-Luân lý ca: Trường ca gồm 856 câu thơ lục bát & 10 bài thất ngôn bát cú. Nội dung khuyên dạy về bổn phận làm cha mẹ, con cái, tình nghĩa vợ chồng, bằng hữu anh em, đạo thầy trò, quan hệ trên dưới, chủ tớ.

2-Huấn từ ca: Trường ca  586 câu thơ lục bát & 11 bài thất ngôn bát cú. Nội dung dạy con cháu hiếu sinh hiếu tử với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, tình làng nghĩa xóm với bà con, việc học hành chữ nghĩa văn bài; hệ quả của các trò đời xấu xa trụy lạc.

3-Hạnh Á Thánh Tôma Thiện: Vãn. Trường ca gồm 734 câu thơ lục bát & 10 bài thất ngôn bát cú & 10 đoạn lục ngôn thất ngôn xen kẻ  &  Sáu bài hát tiếng Pháp: bài I kính chung các Đấng Chân Phước tử đạo; bài II kính Cố Kính; bài III kính Cố Du; bài IV kính Cố Phan; bài V kính Đức Cha Cao; bài VI kính Chú Thiện. 

Nội dung trường ca này tường thuật cuộc tử đạo anh dũng và tôn vinh người chủng sinh trẻ tuổi Tôma Trần Văn Thiện, gốc Trung Quán, Quảng Bình.

Ba cuốn trên đây đã được Đức Cha E.Allys, Giám mục Giáo phận Bắc Đàng Trong, chuẩn ấn (Imprimatur) ngày 13-11-1918.

Riêng Hạnh Á Thánh Tôma Thiện được đăng nhiều kỳ trên báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1938, năm 1939 được in thành một tập riêng 40 trang, và đến năm 1957 nhà in Tân Định – Sài Gòn lại tái bản.  

4-Kinh Thánh là bánh trẻ: Là một cuốn tóm tắt Kinh Thánh bằng thơ 4 chữ, dành cho trẻ em học thuộc lòng. gồm có  3 phần:

Phần 1: Tiểu Dẫn

Phần 2: Sấm Truyền Củ gồm có 26 bài và lời tóm.

Phần 3: Sấm Truyền Mới gồm có 8 bài.

Cuốn sách nhỏ này có tác dụng và dư âm rất lớn trong nhiều thế hệ nhi đồng tại các giáo xứ thuộc Giáo phận Huế vào các thập niên 1950, 1960 và 1970. Ngày ấy,  các em đều được cho học thuộc lòng, và đến nay (năm 2020), dù đã 60, 70 tuổi, họ vẫn còn nhớ…

****

Sinh thời, Cha Bá là một linh mục rất uyên bác, thánh thiện, khó nghèo, luôn yêu thương gần gũi mọi người, nhất là những người bất hạnh, như bài báo của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris mô tả dưới đây:

LINH MỤC LÊ THIỆN BÁ VỚI NGƯỜI PHUNG CÙI

“Linh mục Philipphê Lê Thiện Bá (1891-1981), gốc Trí Bưu, làm quản xứ Thần Phù trong thời gian 5 năm, từ ngày 09.8.1928 đến ngày 09.8.1933, kiêm các giáo xứ Giạ Lê và Phú Bài.  

Đặc biệt, trong thời buổi ấy ,trong dân gian người ta hay nói “Phong, lao, cổ, lại, tứ chứng nan y, thầy thuốc bỏ đi, trống kèn kéo tới“. Có nghĩa là 4 bệnh không chữa được, chỉ có chết mà thôi. Phong (瘋) là bệnh điên rồ, bệnh thần kinh nặng, lao () là bệnh ho lao, cổ () là bệnh cổ trướng, lại ()  là bệnh phong cùi.

Trong khi hầu hết mọi người không dám gần gũi người phong cùi vì sợ lây nhiễm. Cha Bá ghi lại trong hồi ký: “ai cũng sợ, e tôi lây phong”, nhưng bản thân ngài vẫn bình thản, tin tưởng vào sự an bài của Thánh Ý Chúa, thường xuyên đến trại phong Phú Bài để thăm viếng, an ủi, giúp đỡ và truyền giáo cho các bệnh nhân. Chúa đã thương cho ngài thu hoạch được nhiều kết quả thiêng liêng tốt đẹp. Xin trích một bài viết dưới đây được đăng trong tạp chí Bulletin des Missions Etrangères năm 1932 của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris:

Revue: Bulletin des Missions Etrangères

Titre: Chronique Des Missions Et Des Etablissements Communs 6: Hué

Auteur: Anonyme

Année: 1932

Page(s): 464-469

Chronique des Missions et des Etablissements communs.

(Extrait)

Baptêmes à la léproserie de Phú Bài.

Le Gouvernement a établi depuis plusieurs années une léproserie dans un vallon retiré, sur le territoire de Phú Bài, aux environs de Hué. Il y a là une soixantaine de lépreux. Quelques uns sont chrétiens, aussi le P. Bá, curé de cette région, ne manque pas d’aller porter les secours de son ministère à ses paroissiens, et par la même occasion, témoigner sa sympathie aux païens, les uns et les autres si dignes de pitié à tous égards.

Cette charité du bon pasteur a touché le cœur des pauvres païens, et ils ont désiré bénéficier des consolations de la religion chrétienne, les seules qu’ils puissent encore goûter en ce monde: spontanément, un bon nombre d’entre eux a demandé le baptême.

Le P. Bá s’est occupé d’eux et les a instruits, avec un zèle admirable et malgré de multiples difficultés.

Le 27 avril il a eu la joie de baptiser vingt-neuf de ces pauvres lépreux: sept autres, apostats de cœur ou de fait, se sont réconciliés avec le bon Dieu. Ce fut à la léproserie une belle fête, présidée par le P. Stœffler, Supérieur du district. Une dizaine de missionnaires et prêtres indigènes apportèrent leur concours à la cérémonie, exprimant ainsi leur sympathie aux pauvres lépreux, et au P. Bá leurs félicitations et leurs encouragements. Après les baptêmes, la messe et les communions, plusieurs des nouveaux baptisés furent unis par le sacrement de mariage.

Le tout se termina par un petit festin offert aux lépreux par de généreux chrétiens de la paroisse de Phủ Cam, qui avaient volontiers accepté l’honneur et la charge de parrains et marraines.

La grande majorité de la léproserie est donc aujourd’hui chrétienne. Heureux ces pauvres déshérités de la nature d’avoir trouvé sur leur chemin le bon Samaritain, médecin de leurs âmes !  

——————————————–

Lễ rửa tội ở trại phong cùi Phú Bài

Từ nhiều năm nay, Chính phủ đã thiết lập một trại phong cùi trong một thung lũng nhỏ nằm riêng biệt tại vùng Phú Bài, gần Huế. Trại có khoảng 60 bệnh nhân, trong đó một số ít là người Công giáo, nên Cha Bá, quản xứ tại vùng ấy, đã đến trại giúp đỡ cho các giáo dân của mình về phương diện mục vụ, và nhân đó, ngài cũng gặp gỡ an ủi thăm hỏi các bệnh nhân lương dân khác nữa, bởi vì tất cả đều là những kẻ xấu số rất đáng được yêu thương.

Tấm lòng bác ái của vị mục tử tốt lành đã đánh động tâm hồn những người lương dân bất hạnh, nên họ đã ước ao được nếm hưởng những an ủi tinh thần của Kitô giáo, đó là những an ủi duy nhất họ còn có thể nếm hưởng được trên cõi đời này: ngẫu nhiên, một số đông trong các bệnh nhân lương dân đó đã tỏ ý xin gia nhập Kitô giáo.

Cha Bá đã đứng ra lo và dạy Giáo lý cho họ với một nhiệt tâm đáng ca ngợi, mặc dầu gặp không ít trở ngại.

Ngày 27 tháng Tư 1932 vừa qua ngài đã vui mừng rửa tội cho 29 bênh nhân phong, 7 bệnh nhân (Công giáo) khác trước đây bỏ đạo cũng đã trở lại hòa giải với Thiên Chúa. Hôm đó, trại phong Phú Bài đã có một ngày đại lễ, do linh mục Hạt trưởng Stœffler (Cố Thể) chủ trì. Khoảng 10 linh mục thừa sai và Việt Nam đã đến tham dự phụng vụ, nhằm thể hiện tình cảm quý mến các bệnh nhân phong cùi bất hạnh, đồng thời khuyến khích khen ngợi Cha Bá. Sau lể rửa tội, Thánh lễ và rước lễ, còn có nhiều đôi vợ chồng tân tòng được kết hợp qua bí tích hôn phối.

Kết thúc, là một bữa tiệc do các giáo dân từ tâm của giáo xứ Phủ Cam tổ chức để khoản đãi các bệnh nhân. Các vị đó đã tự nguyện làm bọ vú đỡ đầu cho các tân tòng.

Đa số các bệnh nhân trại phong cùi Phú Bài nay đã là Kitô hữu. Hạnh phúc thay cho những người bất hạnh, trên đường đời họ đã gặp được người Samaritanô tốt lành, vị lương y của linh hồn họ.

Lê Thiện Sĩ sưu tầm và phỏng dịch