Lược sử Giáo sở Đại Lộc

11/09/2019

LƯỢC SỬ GIÁO SỞ ĐẠI LỘC

GIÁO XỨ ĐẠI LỘC

CÁC GIÁO HỌ: DƯƠNG LỘC – DƯƠNG LỆ VĂN – DƯƠNG LỆ ĐÔNG

***************************************

GIÁO XỨ ĐẠI LỘC

Nhà thờ Đại Lộc (xây năm 1980)

Lược sử

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Đại Lộc và các giáo họ Dương Lộc, Dương Lệ Đông, Dương Lệ Văn, đều thuộc Giáo hạt Quảng Trị, nằm trên địa bàn xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, cách Tòa Giám mục Huế khoảng 60km về phía tây bắc.

Theo sử liệu và di tích còn lại, các xứ đạo nói trên thuở ban đầu thuộc giáo đoàn Dinh Cát. Địa danh này xuất phát từ việc chúa Nguyễn Hoàng, lúc mới vào trấn thủ miền nam tại Ái Tử (1558), đã cho xây dinh thự thành quách trên một bãi cát vùng Quảng Trị.

II-NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Nhà truyền giáo tiên phong Dòng Đaminh (1596)

Thời chúa Nguyễn Hoàng đóng đô tại Ái Tử (Dinh Cát) nói trên, năm 1596 một nhà truyền giáo Dòng Đaminh người Tây Ban Nha tên là Diego Aduarte (1570-1636) đã đặt chân lên vùng gió cát nầy. Dù đương lúc chúa bận ra thăm xứ Bắc, cha Diego Aduarte vẫn được cụ tổng trấn tiếp đón nồng hậu và cho phép truyền đạo khắp vùng. Chỉ trong vài tháng, vị thừa sai đã hình thành được hạt nhân của một cộng đoàn Kitô hữu nhỏ mang đầy hứa hẹn. Tiếc thay, một sự cố bất ngờ khiến nhà truyền giáo tiên phong này phải vĩnh biệt rời xứ Dinh Cát[1] và công lao sau đó xem ra cũng tiêu tùng.

2- Giai đoạn các cha Dòng Tên (1615-1665)

Mãi đến năm 1615, thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), cha Francesco Buzomi, Dòng Tên người Ý (1576-1639) mới tới tiếp tục. Được chúa cho phép tự do giảng đạo từ Quảng Bình đến Phú Yên, cha Buzomi đã khởi công gieo hạt giống Tin mừng, đầu tiên ở Quảng Trị.

Nghe lời giảng đạo của cha, một số ít gia đình làng Trà Bát (bên kia sông Thạch Hãn, trước mặt Đại Lộc) đã hân hoan đón lấy lời Chúa. Dần dà, các làng lân cận như Đại Lộc, Dương Lệ, Đồng Giám, Phan Xá, Nhu Lý… cũng mở lòng tiếp nhận đức tin. (xem bản đồ).

Cha F. Buzomi sau đó được sự trợ giúp và tiếp nối của các thừa sai khác như Francesco Barreto, Francesco Rivas, nhất là Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) từ năm 1644, với sự cộng tác đắc lực của các thầy giảng và giáo dân tân tòng. Tung bước chân truyền giáo khắp vùng Dinh Cát, họ đã gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp và cứ thế đã thiết được một số xứ đạo (như đã nêu trên).

Tiếc thay, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), do lời dèm pha của người thân cận, đã khởi sự bách hại đạo. Các nạn nhân đầu tiên của ông là thầy giảng Anrê ở Phú Yên và thầy giảng Inhaxu ở Liêm Công, Quảng Trị (cả hai đều là học trò cha Đắc Lộ). Con của ông là chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) cũng tiếp tục đường lối tiên vương. Máu tử đạo bắt đầu đổ nhuộm thắm vùng Dinh Cát. Sử sách còn ghi lại một số chứng nhân tiên khởi như quan Phêrô Văn Nết, ông Phêrô Đang, ông Phêrô Ký làng Trà Bát (ông Văn Nết tử đạo năm 1656, hai vị còn lại tử đạo năm 1661)… ông Matthêô Văn/Ven làng Dương Lệ Văn (tử đạo năm 1665).

Tháng 2-1665, tất cả các vị thừa sai Dòng Tên đều bị chúa Hiền trục xuất vì bất mãn với người Bồ Đào Nha, chấm dứt thời kỳ khai phá 50 năm của Dòng tại Đàng Trong. 

3. Giai đoạn hội Thừa sai Hải ngoại (1665-1725)

Công cuộc loan báo Tin mừng đã được những linh mục hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP) như các cha Pierre de Sennemand, Guillaume Mahot, de Courtain và Labbé tiếp nối.

Năm 1672, chúa Hiền tha đạo. Nhờ thế việc giảng đạo lại gặt hái thêm nhiều kết quả. Chính cha Mahot đã rửa tội cho cậu hoàng Tôma Nguyễn Phúc Lễ, cháu nội của chúa Hiền.

Cũng trong thời gian này đã xuất hiện một số linh mục bản xứ như cha Emmanuen Bổn, cha Giuse Trang và cha Luca Bền (cha Trang và cha Bền đã được Đức cha Lambert de la Motte phong chức linh mục vào tháng 3-1668 tại chủng viện Ayuthaya, Thái Lan). Họ là những quản xứ lưu động đã vài lần thăm viếng giáo đoàn Dinh Cát. Đang lúc con số giáo hữu tăng dần thì Bề trên đã bổ nhiệm một vị linh mục bổn quốc thông minh tài ba đến vùng này; đó là cha Laurensô Long hay Lân hay Lâu (1655-1733). Ngài gốc Đồng Nai, và cũng đã xuất thân từ chủng viện Thái Lan.

Chính cha Laurensô đã xây dựng một ngôi nhà thờ lớn tại Dương Lệ Văn, nơi ngài đặt trú sở chính[2] (sau chuyển sang Bố Liêu). Ngôi nhà thờ dài 7 gian, cùng với nhà xứ lớn dài 5 gian. Dương Lệ Văn lúc ấy là một họ đạo lớn, với 80 nóc gia đình Công giáo toàn tòng. Năm 1693 ngài đã mời Đức cha Phanxicô Pérez (1691-1728) đi kinh lược, và ban phép thêm sức cho giáo đoàn Dinh Cát. Vị linh mục nổi tiếng nầy đã ghi lại con số xứ đạo thời ấy – hiện còn giữ tại Văn khố Tòa Thánh: “Trong số 37 họ đạo vùng Dinh Cát (thì vùng Bắc Triệu Phong) có tên các họ: Phúc Lộc, Đại Hòa, Đồng Giám, Dương Lộc, Dương Lệ Văn, Đại Lộc, Nhu Lý, Kẻ Giáo (Giáo Liêm), Kẻ Triêm (Thành Liêm + Phan Xá).

Giáo đoàn Dinh Cát đang vươn lên thì chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) ra sắc dụ cấm đạo. Máu tử đạo lại tiếp tục đổ, mầm sống đức tin lại càng lớn lên.

Sử cũ kể lại rằng vào năm 1723, trước mặt 21 người đàn ông và 5 người đàn bà của làng Van Cui (Văn Quỹ) thuộc Dinh Cát bị bắt giải tới Minh vương, Minh vương hỏi: “Tại sao các ngươi nổi loạn không chịu vâng phục lệnh ta và chống lại đạo tổ tiên? Các ngươi không biết rằng ta đã ra lệnh cấm mọi thần dân không được theo đạo ngoại quốc đó sao? Thế mà các ngươi còn cả gan theo đạo đó, không sợ phạm tội khi quân. Hôm nay các ngươi phải công khai tuyên bố bỏ đạo, nguyền rủa Giêsu hoặc phải chết”. Họ hiên ngang thưa lại: “Chúa thượng vạn tuế! Chúng tôi hiên ngang tuyên xưng rằng chúng tôi hết lòng vâng mệnh chúa công, chỉ trừ một điều về tôn giáo là chúng tôi trái lệnh. Chúng tôi thà chịu chết chứ không nguyền rủa thánh danh Chúa Giêsu là Chúa Trời Đất mà chúng tôi thờ lạy”. Nghe vậy, Minh vương tức giận, ra lệnh chém đầu tất cả. Nhưng các quan can ngăn, Minh Vương bắt đàn ông đi khổ sai chung thân, đàn bà bị đánh đòn rồi cho về[3]

4. Giai đoạn trăm hoa đua nở Hội dòng (1725-1765)

Đây là giai đoạn trăm hoa đua nở, nào Dòng Tên, nào Dòng Phanxicô, nào Dòng Bácnabê, nào hội Thừa sai Paris; họ thi nhau mở mang nước Chúa, nhưng cũng vì thế sinh ra tranh chấp giành giật.

Trong vòng 25 năm (1725 đến 1750) – nhờ lòng tốt của Ninh Vương Nguyễn Phúc Chú (1725-1738) và Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1748-1765)- công cuộc truyền giáo được tiến hành tốt đẹp. Các linh mục bản xứ đã góp một tay rất đắc lực trong việc mở mang Tin Mừng. Các cha Dòng Tên đặt hai trụ sở: 1 tại Trà Bát, 1 tại Đồng Giám (một thời thuộc Đại Lộc, nay thuộc Phan Xá).

Tuy nhiên, sự tranh chấp mỗi lúc một trầm trọng giữa các Hội dòng, đến nỗi năm 1739, Tòa thánh phải cử Đức cha Elzéar des Achards de la Baume làm Khâm sai để giải quyết vụ việc; nhờ vậy địa điểm và ranh giới truyền giáo mới được ấn định rõ ràng cho từng Hội dòng. Vùng Dinh Cát được giao cho các cha Dòng Tên chăm sóc. Đức cha de la Baume đã có dịp đến thăm xứ Đồng Giám.

Năm 1750, chúa Võ đột nhiên cấm đạo rất ngặt và ra lệnh trục xuất toàn bộ các linh mục ngoại quốc, chỉ giữ lại tại Phú Xuân một số ít cha Dòng Tên để giúp việc cho triều đình. Thế là giáo đoàn Dinh Cát lại một thời vắng bóng chủ chăn.

Năm 1773, Dòng Tên bị giải tán. Các linh mục hội Thừa sai Paris cùng một số linh mục bản xứ lại đến giáo đoàn Dinh Cát để củng cố niềm tin giáo hữu đang phải nặng nề chao đảo.

5. Giai đoạn thử thách (1765-1885)

Năm 1765, Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi chúa, lấy hiệu Định vương. Đây là vị chúa cuối cùng của triều Nguyễn (1765-1777) nhưng cũng là thời ly loạn, tranh giành quyền lực và đất đai giữa 3 phe Trịnh, Nguyễn và Tây Sơn, kéo dài mãi tới lúc Nguyễn Phúc Ánh (tức Gia Long) toàn thắng và thống nhất sơn hà năm 1802. Trong giai đoạn này, đặc biệt có cuộc bách hại thời Cảnh Thịnh (1793-1801). Nhưng nhờ hồng phúc của Bà Chúa La Vang (hiện ra năm 1798), đức tin lại được máu đào tử đạo gội tưới, được các vị chủ chăn tận tình chăm sóc với sự tích cực tiếp tay của các ông câu, ông biện, chức việc đầy trách nhiệm, giáo đoàn Dinh Cát đã vững đứng kiên cường.

Hưởng được một thời bình an dễ dãi dưới triều Gia Long (1802-1820) niềm tin các xứ đạo lại được củng cố để chuẩn bị cho một cuộc thử thách cam go lâu dài.

Gần năm mươi năm – dưới ba triều Nguyễn: Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1847-1862)- hầu hết giáo hữu Dinh Cát đã can đảm tuyên xưng đức tin. Hai tấm gương sáng chói đã được nêu cao, đó là thánh Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Trung, người Phan Xá, và thánh Ximông Phan Đắc Hòa, người Nhu Lý gốc Mai Vĩnh (Thừa Thiên). Nhưng tại các giáo xứ như Đại Lộc, Dương Lộc, Dương Lệ Văn vẫn có nhiều vị tuyên tín mặc dầu tên tuổi chẳng được rạng ngời[4].

Năm 1850, Giáo phận Huế được chính thức thành lập với tên gọi là Giáo phận Bắc Đàng Trong. Vị Giám mục tiên khởi là Đức cha F.X. Maria Pellerin (Phan) cùng phụ tá của ngài là Đức cha Jos Hyacinthe Sohier (Bình). Dù bị bắt bớ gắt gao, các xứ đạo vùng bắc Triệu Phong vẫn lớn mạnh và tăng trưởng về phẩm lẫn lượng.

Năm 1864 – sau cuộc tĩnh tâm năm đầu tiên – Đức cha J.H. Sohier quyết định: các linh mục coi xứ phải có “bài sai” (thẻ bài xác nhận việc sai đi, mandatum). Từ đây việc mục vụ và truyền giáo được tổ chức theo đúng địa bàn trách nhiệm; nhờ thế đạo Chúa được phát triển một cách sinh động đem lại nhiều kết quả. Con số khiêm tốn lúc ban đầu đã tăng dần theo thời gian.

Nếu năm 1694 tại Đại Lộc được 186 tín hữu, Dương Lệ Văn 280, Dương Lộc 10, Nhu Lý 50, Đồng Giám 150[5]… thì năm 1864 các nơi ấy đã thành những họ đạo khá lớn. Theo đà tăng trưởng này, từ năm 1762 Đức cha Lambert de la Motte khởi xướng thiết lập Dòng Mến Thánh Giá. Không bao lâu, có những tâm hồn đầy thiện chí, nghe tiếng gọi thiêng liêng, đáp lại lời mời của vị chủ chăn Giáo phận Đàng Trong. Năm 1885 tại Nhu Lý đã có 62 nữ tu Mến Thánh Giá. Các chị em đã góp một tay đắc lực cho công cuộc truyền giáo tại vùng bắc Giáo phận.

Giữa lúc đại loạn Văn Thân, họ đã di tản lên Dương Lộc và đã chịu thiêu sát cùng với 4 vị linh mục và 2.500 giáo hữu cả vùng tập trung về đây ngày 8-9-1885. Bốn linh mục chết tại Dương Lộc gồm có cha Inhaxiô Trần Ngọc Vịnh (chánh xứ Đại Lộc), cha Inhaxiô Nguyễn Ngọc Tuyên (chánh xứ Dương Lộc), cha Gioan Đoạn Trinh Khoan (chánh xứ Nhu Lý), cha G.B. Lê Văn Huấn (phó xứ Nhu Lý).[6]Theo “Một trang lịch sử tỉnh Quảng Trị” của nguyên công sứ Jabouille (đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Hué số 4, 1923, tr. 406-410), Giáo xứ Đại Lộc lúc đó (07-09-1885) có 580 giáo dân. Khi nghe tin Văn Thân sẽ tìm giết người Công giáo, một số được cha chánh xứ Trần Ngọc Vịnh đem về Dương Lộc, một số khác khoảng 200 người ở lại nhà của họ hoặc vào trú trong nhà thờ. Những kẻ chạy trốn hay ở lại này đều bị giết chết tất cả. Trong cùng ngày, 230 tín hữu làm thành cộng đoàn kitô hữu nhỏ bé Dương Lệ (Văn)[7]cũng mất mạng. Giáo họ Kẻ Nghĩa, thuộc Dương Lộc, cũng tiêu vong 60 người.

Đức cha Allys (Lý), trong một báo cáo gởi về hội Thừa sai Hải ngoại năm 1909,đã cho biết: Năm 1884 giáo xứ Đại Lộc có 4 giáo họ với số giáo dân là 1129 người. Sau 09-1885 còn lại 342.

6. Giai đoạn trưởng thành (1886-1972)

Khi tái lập lại nsau vụ Văn Thân thiêu sát, Đại Lộc đã trở thành một Giáo xứ chính bao gồm các giáo họ là Dương Lệ Văn, Dương Lệ Đông, Dương Lộc, Phúc Lộc và Đồng Giám[8]. (xem chú thích 2). Tại nơi các tín hữu (linh mục, nữ tu, giáo dân) đã bị thiêu sát đông đảo cùng với nhà thờ của họ (tức Dương Lộc) mọc lên nấm mồ tập thể, tất cả hài cốt các nạn nhân đều được gom lại tại đó, cọng thêm một nhà nguyện nhỏ để kính các vị tử đạo này.

Đến năm 1909, giáo dân Đại Lộc lên đến con số 587 người. Báo cáo năm 1912 của Đức cha Allys cho biết cha Giacôbê Nguyễn Văn Sĩ đã trùng tu nhà nguyện kính các vị tử đạo ở Dương Lộc, hoàn thành nhà thờ Đại Lộc với ngọn tháp cao vươn lên trên những lùm tre.[9]

Với thời gian, theo nhịp sống của Giáo phận Huế – nhất là thời Đức Cha già Eugène Marie Allys (1908-1931) – con cháu của những người sống sót tăng dần, số người tòng giáo cũng dần tăng; các xứ đạo ngày càng củng cố; đức tin cũng sống mạnh và trổ sinh nhiều hoa quả quý đẹp. Số cha cố, thầy dòng, bà phước xuất thân từ các xứ nầy cũng khá đông đúc và đã góp công không ít cho cánh đồng truyền giáo của Giáo phận. (x. mục IV: HOA TRÁI ĐỨC TIN)

7.Giai đoạn sau ngày chuyển đổi chế độ (1975…)

Chiến cuộc năm 1972 và 1973 đã làm cho tất cả các giáo xứ và các nhà thờ trong khu vực bắc Quảng Trị tan tác và hư hại. Giáo sở Đại Lộc cũng không nằm ngoài sự hủy hoại đó. Các nhà thờ, nhà xứ, trường học… bị bom đạn phá tan tành, cha sở lẫn giáo dân đều trốn chạy vào nam.

Từ sau 04-1975, một số lớn giáo dân đã tìm được nơi định cư mới (trong nước hay hải ngoại); số ít khác vì quê hương là huyết mạch, là tình tự, đã chấp nhận trở về nơi chôn nhau cắt rốn, để cùng sống lại cái thuở ban đầu của cha ông họ. Bề trên Giáo phận lúc đó đã cử linh mục Phanxicô Xavie Lê Văn Cao về giáo đoàn huyện Triệu Phong (Quảng Trị), trú tại Đại Lộc, chăm lo mục vụ cho cả một vùng mênh mông mà ngày nay là 3 Giáo sở Đại Lộc, Bố Liêu và Mỹ Lộc. (Từ tháng 8-1978: các Giáo họ: Bố Liêu, Nhu Lý, Bích La, Bích Khê… được chuyển qua cho cha Augustinô Hồ Văn Quý phụ trách). Năm 1985, cha Phanxicô kiêm thêm Đông Hà, Cồn Tiên, Khe Sanh, Cam Lộ, Cửa Việt. Ngài đã tận sức chăm sóc đời sống thiêng liêng cho gần 20 họ đạo, củng cố đức tin cho hàng ngàn tín hữu đang băn khoăn khắc khoải trước chế độ mới, đồng thời cũng lo xây dựng lại những gì đã đổ nát hầu như hoàn toàn bởi chiến tranh.

Khoảng năm 1980, đề có nơi thờ phượng và sinh hoạt mục vụ, cha Cao đã cho xây dựng lại nhà thờ Đại Lộc trên nền móng cũ. Về kích thước, nhà thờ vẫn không thay đổi, nhưng chẳng nguy nga bằng ngôi thánh đường xưa, mặt tiền thấy hiện nay vẫn chưa phải là tháp đích thực. Sau đó cha cũng cho tái thiết nhà thờ Dương Lệ Văn.

Trong những năm đầu vừa tái thiết xong, giờ cử hành Thánh lễ Chúa nhật tại nhà thờ phải trễ hơn thường lệ để giáo dân xa có thời gian di chuyển. Ngoài ra các ngày thứ bảy, cha Phanxicô Xavie phải đi dâng lễ nhiều nơi khác nhau mà không thông báo trước vì phải xin phép lôi thôi, có khi còn gây lo ngại cho các gia đình được sử dụng để làm nơi dâng lễ.

Sau hơn 25 năm phục vụ vùng bắc Quảng Trị (giáo hạt Dinh Cát) nói chung và giáo xứ Đại Lộc nói riêng trong một hoàn cảnh rất khó khăn và phức tạp, nhưng với ý chí kiên trì, cha Phanxicô Xavie đã hoàn tất nhiệm vụ trước khi theo lệnh bề trên chuyển đi làm Quản xứ Sáo Cát (từ 03-2002).

Kế nhiệm cha Lê Văn Cao là cha Giuse Trần Viết Viên (2002-2005). Ngài trùng tu ngôi mộ chôn cất thi hài của hơn 2500 vị tử đạo tại Dương Lộc vào năm 2002.

Cha P.X. Trần Vương Quốc Minh thay thế làm Quản xứ từ 2005 đến 2012. Năm 2006, nhờ sự trợ giúp của chính những giáo dân Dương Lộc và phụ cận đang tản mác khắp nơi, đặc biệt là những giáo dân đang ở hải ngoại, cha Trần Vương Quốc Minh đã tiến hành trùng tu nhà nguyện và mộ tử đạo Dương Lộc (gọi chung là Lăng Tử đạo). Nhà nguyện được làm mới, nâng cao nền móng nhưng không mở rộng thêm. Cổng chính, hàng rào, con đường từ cổng đi qua sân vào nhà nguyện cũng được làm mới. Mộ tử đạo nằm sau nhà nguyện với tấm bia (khắc ghi: Nơi an nghỉ Chứng nhân Đức tin: 4 linh mục, 65 nữ tu và trên 2500 giáo hữu) cũng được tân tạo. Khuôn viên lăng được trồng cây lưu niên để bảo vệ di tích lịch sử của Dương Lộc mà cũng là của Giáo hạt Dinh Cát. Công việc trùng tu lăng Tử Đạo Dương Lộc đã hoàn chỉnh năm 2007.

Cha Đôminicô Lý Thanh Phong kế nhiệm làm Quản xứ từ 2012 đến 2018. Ngài đã xây lại nhà thờ Dương Lệ Đông, khánh thành ngày 12-08-2017.

Hiện nay (từ tháng 8/2018) Giáo xứ Đại Lộc và các giáo họ phụ thuộc (Dương Lộc, Dương Lệ Văn, Dương Lệ Đông) đang được cha chánh xứ Gioan Baotixita Hoàng Thanh Tùng coi sóc.

Ngoài sự phục vụ của sở Nữ tu Mến Thánh Giá Phủ Cam, giáo xứ cũng đã thành lập một số các đoàn thể Công giáo Tiến hành, để từ nay mọi sinh hoạt đi vào nề nếp ổn định.

Bên trong nhà thờ Đại Lộc hiện nay (2019)

III- CÁC LINH MỤC QUẢN XỨ

A- ĐẠI LỘC

1- Lm G.B. Bùi Quang Lợi (1867-1870), kiêm Dương Lộc

2- Lm Inhaxiô Trần Ngọc Vịnh (1871-1885), kiêm Dương Lộc đến 1880.

3- Lm Dom. Phạm Văn Yến (1908-1915), kiêm Dương Lộc.

4- Lm Giacôbê Nguyễn Văn Sĩ (1916), kiêm Dương Lộc.

5- Lm Auguste Hilaire (cố Tri) (1916-1921), kiêm Dương Lộc.

6- Lm Micae Nguyễn Văn Cẩm (1921-1932), kiêm Dương Lộc.

7- Lm Đôminicô Trần văn Phát (1932-1935), kiêm Dương Lộc.

8- Lm Giacôbê Nguyễn Linh Kinh (1935-1945), kiêm Dương Lộc.

9- Lm Phêrô Huỳnh Văn Hóa (1945-1950), kiêm Dương Lộc.

10- Lm Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (1950-1956), kiêm Dương Lộc.

11- Lm Đôminicô Huỳnh Văn Thượng (1956-1961).

12- Lm Giuse Lê Hữu Huệ (1961-1964).

13- Lm Phaolô Nguyễn Thanh Hòa (1964-1970).

13- Lm Phaolô Lê Viết Hoàng (1970-1972).

Gián đoạn do chiến tranh

15- Lm P.X. Lê Văn Cao (1975-2002)

16- Lm Giuse Trần Viết Viên (2002-2005) 

17- Lm P.X. Trần Vương Quốc Minh(2005-2012).

18- Lm Đôminicô Lý Thanh Phong (2012-2018).

19- Lm G.B Hoàng Thanh Tùng (9/2018-……..)

B- DƯƠNG LỘC

1- Lm Inhaxiô Nguyễn Ngọc Tuyên (1880-1885).

2- Lm Dom. Lê Hữu Luyến (1961-1966).

3- Lm Mathia Nguyễn Văn Triêm (1967).

4- Lm Giuse Lê văn Hộ (1968).

5- Lm Giacôbê Bùi Chung (1968-1972).

IV- HOA TRÁI ĐỨC TIN

(Số đầu: năm sinh ra; số giữa: năm chịu chức; số cuối: năm qua đời)

1- Linh mục và Tu sĩ

A- Đại Lộc

1- Lm…. Cà.

2- Lm. Anrê Nguyễn Văn Từ. (1889-1920-1974).

3- Lm. Dom. Nguyễn Văn Trân (1892-1922-1964). (Cậu ruột Đức TGM Têphanô).

4- Lm. G.B. Nguyễn Văn Đông (1908-1938-1987).

5- Lm. Phaolô Nguyễn Kim Bính (1922-1951-1996).

6- Lm. Phêrô Lê Đình Khôi (1937-1969-2013)

7- Lm. P.X. Nguyễn Văn Hoàng (1942-1970-2008).

7- Lm. Giuse Nguyễn Văn Khang (1968-2003-) (Đà Nẵng)

* Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể quê ngoại Đại Lộc

8- Nữ tu Nguyễn Thị Thản, Dòng MTG Phủ Cam. 

9- Nữ tu Anna. Nguyễn Thị Hai, Dòng MTG Huế.

10- Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hương An, Dòng MTG Huế.

11- Nữ tu Têrêxa Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Dòng MTG Huế.

12- Nữ tu Catarina Nguyễn Thị Phương Thảo, Dòng MTG Huế.

13- Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hoài Trinh, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng

B- Dương Lộc           

1- Lm…. Căn (thụ phong 1803 – Qua đời trước 1815).

2- Lm. Phaolô Nguyễn Cao Hiển (1880-1906-1930) (Bác cha Nguyễn Cao Lộc).

3- Lm. G.B. Dương Văn Nguyên (1890-1920-1974).

4- Lm. P.X. Nguyễn Cao Đẳng (1896-1925-1989).

5- Lm. Stanislaô Nguyễn Văn Ngọc (1910-1942-1992).

6- Lm. Malakia Dương Văn Minh(1904-1945-1993) (Dòng Xitô Phước Sơn).

7- Lm. G.B. Nguyễn Cao Lộc (1919-1945-2015).

8- Lm Gabrien Dương V. Quốc Tiến (1966-2006-) (Giáo phận Kagoshima, Nhật Bản) 

9- Lm Phaolô Nguyễn Văn Hiệu (1960-2007-)

10- Lm Dom. Nguyễn Viết Khoa (……-2012-) (Philippin).

11- Tu sĩ Inhaxiô Dương Văn Bá, Dòng Thánh Tâm, Huế. 
12- Tu sĩ Gabrien Dương Văn Nghiêm, Dòng Thánh Tâm, Huế. 
13- Nữ tu Mathilde Nguyễn Thị Ẩn, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.
14- Nữ tu Sophia Dương Thị Sáng, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.
15- Nữ tu Nguyễn Thị Sen, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

15- Nữ tu Sophia Têrêxa Nguyễn Thị Lịch, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng  
16- Nữ tu Marie Claire Nguyễn Thị Bằng, Dòng Kín Carmel. 

C- Dương Lệ Văn

1- Lm. Inhaxiô Lê Văn Huấn (1837-1871-1890).

2- Lm. Inhaxiô Đặng Văn Dõng (1871-1900-1932).

3- Lm. Phaolô Võ Văn Thới (1878-1904-1932).

D- Dương Lệ Đông

1- Lm. Phêrô Đoàn Quang Hàm (1929-1955-1996).

2- Nữ tu . . . Đoàn Thị Nguyễn Dòng MTG Phủ Cam. 

2- Nữ tu . . . Đoàn Thị Mến MTG Tam Tòa Bình Tuy. 

3- Nữ tu . . . Đoàn Thị Thật Dòng Phú Xuân, Thủ Đức 

4- Nữ tu . . . Đoàn Thị Hiến MTG Tam Tòa, Bình Tuy. 

5- Nữ tu . . . Đoàn Thị Đức MTG Phủ Cam.

6- Nữ tu . . . Đoàn Thị Khiêm, gốc MTG Phủ Cam, hiện ở Quảng Biên.

 E- Phúc Lộc

1- Lm. GB Trần Hữu Quí (1905-1936-1953) (Anh của cha Trần Hữu Tôn)

2- Lm. Phêrô Trần Hữu Tôn (1907-1935-1989) (Anh của cha Trần Hữu Thanh)

3- Lm. Giuse Trần Hữu Thanh (1925-1942-2007) (Dòng Chúa Cứu Thế).

4- Nt. Simone Hoàng Thị Ôn, Dòng CĐMVN, Huế. Đã di cư qua Hoa Kỳ, mất tại Tucson OK.

5- Nt. Alphongsine Trần Thị Miên, Dòng CĐMVN, Huế. Em cha Quý, đã xin về lo giúp mẹ khi tuổi đã cao và mất tại quê nhà.

2- Giáo dân

– Năm 2010: 480 người.

– Năm 2015: 618 người.

– Năm 2019: 630 người.

Mặt tiền nhà nguyện Lăng tử đạo tại Dương Lộc hiện nay (2013)

Khu lăng mộ 2.500 vị tử đạo tại Dương Lộc (trùng tu 2002)

 

Bia đá khu lăng mộ 2.500 vị tử đạo tại Dương Lộc.

 

Nhà thờ Dương Lệ Đông (khánh thành 12/8/2017).

———————————————————————–

[1]Đó là quân binh của chúa tấn công một chiếc tàu chở lính Tây Ban Nha tại Cửa Hàn, Quảng Nam, vì nghi ngờ họ, khiến tàu này phải bỏ chạy sau khi chống trả mãnh liệt, đang lúc cha Aduarte có mặt trên tàu. Xem L.-E. Louvet, Cochinchine religieuse. Challamel Ainé, Paris 1885, t. I, tr. 232-233.

[2]Giáo xứ Dương Lệ Văn được cha Laurensô Huỳnh Văn Lâu thành hình từ 1691 đến 1721. Sau 30 năm gắn bó với giáo xứ, ngài được triều đình Huế triệu hồi làm thông dịch viên. Từ đây xem như Dương Lệ Văn vĩnh viễn không còn là một giáo xứ, mà là một giáo họ, khi thuộc Giáo xứ Đại Lộc, khi thuộc Giáo xứ Dương Lộc tùy từng thời kỳ phân chia Giáo sở. Năm 1725 khi cha Laurensô Huỳnh Văn Lâu trở lại Dinh Cát Quảng Trị, ngài đặt trú sở tại Bố Liêu. Năm 1733 ngài ngã bệnh, và được nhận bí tích xức dầu do linh mục de la Court qua đời tại Phủ Cam.

Kể từ tháng 81867 khi Đức cha Sohier (Bình) phân chia Giáo sở lần đầu tiên, thì Dương Lệ Văn là một giáo họ trực thuộc Giáo xứ Đại Lộc và do linh mục Gioan B. Bùi Công Lợi lo mục vụ. Năm 1880 Linh mục Inhaxiô Trần Ngọc Tuyên được cử làm chánh xứ Dương Lộc tiên khởi, Giáo họ Dương Lệ Văn được chuyển qua trực thuộc Giáo xứ Dương Lộc. Đến sau thời Văn Thân thiêu sát (09/1885), Dương Lộc cũng không còn là Giáo xứ chính nữa, do đó các giáo họ thuộc giáo xứ Dương Lộc được đặt trở lại trực thuộc Giáo xứ Đại Lộc.

Năm 1951 do nhu cầu mục vụ, Giáo phận Huế chia Giáo sở Đại Lộc thành hai: Giáo sở Đại Lộc và Giáo sở Dương Lộc. Giáo xứ Đại Lộc có hai giáo họ: Dương Lệ Đông và Phúc Lộc. Giáo xứ Dương Lộc hai giáo họ: Dương Lệ Văn, Đồng Giám cùng một ít giáo dân làng An Lợi và Gia Độ. Giáo sở Dương Lộc này sẽ tồn tại cho đến 03/1972 là thời kỳ chạy tránh bom đạn trong Mùa hè Đỏ lửa. Sau tháng 04/1975, một lần nữa giáo họ Dương Lệ Văn lại trở về trực thuộc Giáo sở Đại Lộc cho đến nay. (http://www.giaoxugiaohovietnam.com/Hue/01-Giao-Phan-Hue-Duong-Le-Van.htm)

[3]Lm. Mai Đức Vinh, Các văn kiện cấm đạo (7/25/2013).

http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GiaoHoiVN/LichSu/22VaKienCamDao.htm

[4]Theo Biên niên sử của Hội Thừa sai Hải Ngoại nguyên bản bằng Pháp ngữ xuất bản năm 1918, trong bài “Những người tuyên tín từ 1848 đến 1862” của linh mục Bernard, từ trang 574-581, thì Giáo xứ Đại Lộc có 3 vị trong thời gian trên. Nguyên bản và tạm dịch như sau:

Chrétienté de Đại Lộc (Cộng đoàn Kitô hữu Đại Lộc)

Les soldats Duc et Thanh, arrêtés pour leur religion et détenus à la cangue durant un grand mois, dans les prisons de la préfecture de la capitale, puis condamnés à l’exil avec la chaine dans la province de Thanh Hóa, y sont morts au cachot de maladies et d’afflictions. (Các binh sĩ Duc va Thanh, bị bắt vì theo đạo bị giam giữ, cổ mang gông suốt một tháng tại các nhà tù của dinh thống đốc ở kinh đô, rồi bị kết án lưu đày với xiềng xích tại tỉnh Thanh Hóa. Họ đã chết ở đây trong xà lim vì bệnh tật và khổ sở).

Le médecin Khue, ayant recu sans s’émouvoir près de deux cent coups de rotin, un moment vaincu par la douleur, apostasia: il se repentit et se rétracta de suite. On le renvoya mourir chez lui, et en effet, à peine était-il entré dans sa maison qu’il expira. (Y sĩ Khue, sau khi lãnh gần 200 roi mây mà chẳng xúc động, rồi trong chốc lát bị nỗi đau đớn đánh gục thì đã chối đạo; nhưng ông đã lập tức hối hận và phản cung. Người ta trả ông về nhà chờ chết. Và thật vậy, vừa bước chân vào nhà, ông đã tắt thở).

– Chrétienté de Dương Lộc (Cộng đoàn Kitô hữu Dương Lộc)

Le premier catéchiste de cette chrétienté, nommé Can, fut détenu en cette qualité à la prefecture du Quảng Trị, à la cangue et aux entraves pendant un an et trois mois. Ensuite, placé sous la surveillance d’un village paien du voisinage, il y est mort de maladie et de(Thầy giảng đầu tiên của cộng đoàn Kitô hữu này, tên Can, đã bị giam vì tư cách đó tại dinh trấn thủ Quảng Trị, phải mang gông và xiềng một năm ba tháng. Sau đó, bị đặt dưới sự quản chế của một làng lương bên cạnh, ông đã chết nơi đây vì bịnh và vì…)

Le second catéchiste de la même chrétienté, nommé Hoang, recut, en punition de sa fidélité à la religion chrétienne, 60 coups de rotin. Il est mort quelques jours après, dans sa prison, par suite de ce cruel traitement. (Thầy giảng thứ hai của cùng cộng đoàn Kitô hữu, tên Hoang, đã nhận 60 roi như hình phạt trung thành với Kitô giáo. Ông đã chết vài ngày sau trong tù do lối đối xử hung bạo đó).

– Chrétienté de Dương Lệ (Cộng đoàn Kitô hữu Dương Lệ)

  1. Le lettré Lan, détenu au ministère pendant trois mois pour cause de religion, fut transféré ensuite à la grande prison de la capitale, où neuf mois après, il mourut de maladie, la chaine au cou et les pieds aux ceps. (Văn nhân Lan, bị giam giữ tại bộ ba tháng vì lý do tôn giáo, sau đó đã được chuyển đến khám lớn ở kinh đô, nơi mà 9 tháng sau, ông đã chết vì bệnh tật, cổ còn mang xích và chân còn bị cùm).
  2. Le soldat Kim, détenu au ministère pendant trois mois, comme le précédent, sans vouloir apostasier, fut ensuite mis a la chaine et conduit dans la même prison que lui.Il y est mort de maladie environ un an après. Son corps est enterré dans la chrétienté de Phu Cam. (Binh sĩ Kim, bị giam tại bộ suốt ba tháng, như vị trên, mà không muốn bỏ đạo, sau đó đã bị xiềng xích và điệu về cùng một nhà tù với người kia. Anh đã chết vì bệnh tật khoảng một năm sau. Thi hài được mai táng tại cộng đoàn Kitô hữu Phủ Cam).

Le bourgeois Boi, est mort en prison pour la foi, avant toutefois d’avoir confessé Jésus-Christ, mais bien décidé à le faire aussitôt qu’on l’appellerait pour l’interroger. (Thị dân tên Boi, đã chết trong tù đức tin, tuy nhiên trước khi tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, thì đã quyết định làm điều ấy ngay khi người ta gọi ông đến để hỏi cung).

[5] Adrien Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, Téqui, Paris, 1923, t. I, tr. 430.

[6] Xem Lê Ngọc Bích, Nhân vật Giáo phận Huế, 2000, tập I, trang 66-67; 71-76.

[7]Riêng giáo họ Dương Lệ Đông, hình thành vào khoảng 2 thập niên cuối thế kỷ XIX, đã được sự bao che, bảo toàn của anh em lương dân cùng các họ tộc trong làng, nên không ai bị giết vì đạo. Hầu hết cả giáo họ đều mang họ Đoàn Quang (Theohttp://www.giaoxugiaohovietnam.com/Hue/01-Giao-Phan-Hue-DuongLeDong.htm)

[8]Nay Phúc Lộc không còn giáo họ, chỉ còn lăng tử đạo đã được trùng tu và còn quả chuông đang nằm tại nhà xứ Đại Lộc. Đồng Giám thì cùng với Giáo Liêm, Nhu Lý, Phan Xá hợp thành Giáo sở Phan Xá.

[9]Trong báo cáo năm 1912, Đức cha Allys viết: “Cha Sĩ thoải mái gánh lấy tuổi 76 của mình. Ngài không ngừng khuyến khích giáo dân siêng năng lãnh nhận các bí tích, và các ý kiến của ngài đã mang lại nhiều hoa trái cứu rỗi. Ngài cho xây lại nhà nguyện đã dựng lên gần ngôi mộ chôn cất hài cốt của hàng ngàn Kitô hữu bị tàn sát năm 1885 do lòng ghét đạo. Ngài đã hoàn thành nhà thờ Đại Lộc mà từ xa người ta thấy được tháp nhọn nổi lên ở tiền đường, vươn cao trên những lùm tre. Ngài cũng ước mơ hoàn thành nhà thờ Dương Lộc”.

Qua trích đoạn của bản báo cáo này, chúng ta xác định được thời điểm xây dựng lại ngôi nhà nguyện các vị Tử đạo Dương Lộc là vào năm 1912 thời cha Giacôbê Nguyễn Văn Sĩ làm chánh xứ Đại Lộc. Nhà nguyện này cùng ngôi mộ người địa phương gọi là “Lăng Tử Đạo Dương Lộc”. Lăng Tử Đạo Dương Lộc đã trở nên một nơi linh thiêng cho những ai chạy đến kêu khấn với các ngài khi gặp tai ương khốn khó hay bệnh hoạn tật nguyền;thậm chí họ còn hái lá cây, hoa cỏ trong khuôn viên lăng đem về sắc uống để chữa bệnh và nhiều người đã được toại nguyện. Một điều khá đặc biệt là lương dân đến cầu xin lại được ơn lành nhiều hơn giáo dân. Lăng tử đạo này sẽ lại được trùng tu năm 2006.

————————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.