Giáo xứ Đông Lâm
Giáo họ Thanh Cần – Giáo họ Ô Sa,
Giáo họ Đồng Bào – Giáo họ Bác Vọng
Nhà thờ Giáo xứ Đông Lâm (khánh thành ngày 25-06-2014)
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo sở Đông Lâm, thuộc giáo hạt Hương Quảng Phong, gồm giáo xứ Đông Lâm và các giáo họ Thanh Cần, Ô Sa, Đồng Bào và Bác Vọng, nằm trên địa bàn xã Quảng Vinh và Quảng Phú của huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 20km về hướng tây bắc.
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
1) Từ vùng truyền giáo huyện Quảng Điền với cứ điểm Nho Lâm.
Sau biến cố phong trào Văn Thân cực đoan thảm sát Giáo phận Huế (1883-1886), đạo được bình yên dưới triều các vua Đồng Khánh (1885–1888), Thành Thái (1889–1907), Khải Định (1917–1925). Công cuộc truyền giáo được Đức Giám mục Louis Caspar (1841-1880-1917[1]) rồi Đức Giám mục Eugène Allys (1852-1908-1936) đẩy mạnh.
Đầu thế kỷ thứ XX, huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên là một địa bàn truyền giáo rộng lớn với 5 tổng : Khuông Phò, Thanh Cần, Hạ Lang, Phước Yên, An Thành. Lúc đó, mới chỉ có giáo xứ Lãnh Thủy (Linh Thủy) ở tổng Khuông Phò, bên kia phá Tam Giang, giáo xứ Kim Đôi ở tổng An Thành và giáo họ kỳ cựu Nho Lâm (Nhu Lâm) ở tổng Phước Yên, nhưng trực thuộc giáo xứ Dương Sơn, huyện Hương Trà. Còn lại là lương dân ngoại đạo.
Vào đúng thời gian này, thừa sai MEP Pierre Guillot (cố Cao, 1853-1876-1921), cha sở Dương Sơn (1886-1921), đã mở rộng vùng truyền giáo ra 8 làng lương chung quanh, trong đó có 3 làng thuộc huyện Quảng Điền.
Năm 1902, trong Báo cáo thường niên gửi bề trên Chủng viện Thừa sai Paris, Đức cha Caspar (Lộc) cho biết: “Trong huyện Quảng Điền, cha Guillot cũng đã gặt hái nhiều chiến thắng quan trọng trên những kẻ thù của Kitô hữu. Các sở mới Thạch Bình, Hạ Lang, Nam Dương hưởng được tất cả sự yên tĩnh đáng ao ước: nay người ta không còn dám quấy phá họ nữa. Rất đáng mong ước rằng hòa bình này kéo dài lâu, vì lúc đó nhiều làng lương trong vùng sẽ có thể đến với chúng ta và theo tiếng gọi của ân sủng”.[2]
Năm 1904, linh mục hội Thừa sai Paris André Chapuis (cố Châu, 1871-1895-1957) được bổ nhiệm quản xứ Nho Lâm, phụ trách truyền giáo vùng bắc Giáo phận Huế, dọc hữu ngạn phá Tam Giang, tức phần đất thuộc huyện Quảng Điền.
Giáo họ Nho Lâm là quê hương của thánh Tử đạo Micae Hồ Đình Hy, bấy giờ được tách khỏi giáo xứ Dương Sơn để trở thành đơn vị giáo xứ mới với khoảng trên dưới 300 giáo dân, trải rộng trên địa bàn 5 tổng nói trên.
Cuối năm 1904, phúc trình của cha sở Nho Lâm Chapuis Châu được Đức cha Caspar Lộc trích lại và gửi về Bề trên Chủng viện Thừa sai Paris, trong đó có đoạn viết:
“Kitô hữu của con đa phần là tân tòng được rửa tội suốt mấy năm gần đây, và sống rải rác trong khoảng 15 làng. Vào thời bắt đạo Tự Đức, hơn 40 năm trước, trong vùng này người ta chỉ đếm được ba hay bốn gia đình Kitô hữu, mà một trong đó là gia đình của Đấng Đáng kính Hồ Đình Hy, được nơi đây biết nhiều hơn dưới tước hiệu của ngài là quan “Thái bộc”, bị trảm quyết ở An Hoà ngày 22-05-1857. Tất cả cư dân còn lại đều là ngoại đạo.
Cho đến nay, vùng này vẫn kháng cự lại ân sủng. Từ khi con đến, số Kitô hữu đã tăng lên 14 tân tòng, và ngày lễ Đức Bà Đi Viếng, con đã có niềm vui được ban phép rửa cho 11 dự tòng trong nhà thờ Thạch Bình. Những tân tòng thân thương ấy của ngày hôm qua thuộc 4 làng khác nhau. Nhiều người ngoại khác xin theo đạo, nhưng phải tiến hành thận trọng và thử thách họ trước khi thu nhận họ làm dự tòng.
Con chỉ biết tự khen mình về các Kitô hữu của con, và con có thể nói một cách chân thật rằng đó là những con người trung dũng. Con có bằng chứng về lòng trung thành của họ là họ tham dự thánh lễ các Chúa nhật và Lễ trọng, lãnh nhận các bí tích. Hơn nữa, một vài người trong họ còn biến mình thành tông đồ bên cạnh anh em ngoại đạo của mình…
Một nữ Kitô hữu 75 tuổi, đối với con là một mẫu gương đạo đức thật sự lúc chứng kiến bà đến dự lễ Chúa nhật sau khi đã đi bộ một quãng đường dài hơn tiếng đồng hồ, dưới mặt trời nắng cháy. Ngoài ra, tất cả mọi người đều hiện diện. Con cử thành thánh lễ khi chỗ này, khi chỗ khác, tuy nhiên không ai vắng mặt nơi hội họp. Các tân tòng cũng tỏ ra can đảm và sốt sắng y như các kitô hữu cựu trào vốn mang trên mặt hai chữ “Tả đạo”, kỷ niệm vẻ vang thời bách hại Tự Đức”.[3]
Qua năm sau, giáo xứ Nho Lâm đã có bước phát triển đáng kể. Trong phúc trình năm 1905, Đức cha Caspar Lộc đã viết: “Giáo xứ Nho Lâm (Nhu Lâm) rất rộng lớn, vừa tách khỏi Dương Sơn, chỉ đếm được 402 Kitô hữu; nhưng ở đó có một cánh đồng bao la và phì nhiêu mở ra cho lòng nhiệt thành táo bạo của cha Chapuis, vốn đã có niềm vui được rửa tội cho 70 người lớn và đưa về chính lộ một vài con chiên lạc đường” [4]
2) Khai sinh từ Giáo sở Thạch Bình.
Vào năm 1905 −cột mốc thời gian đáng ghi nhớ− với tầm nhìn chiến lược của một nhà truyền giáo lỗi lạc, cố Châu đã di chuyển trụ sở truyền giáo từ Nho Lâm về Thạch Bình, nơi có thị trấn Sịa, với ngôi chợ Ngũ Xã nổi tiếng, được xem là trung tâm hành chính, kinh tế của huyện Quảng Điền. Giáo xứ Thạch Bình được thành lập, thuộc Giáo hạt Bên Bộ – Giáo phận Huế.
Về sự kiện này, Lịch sử Giáo phận Huế cho biết: “Khoảng năm sau (1905) ngài (cha Chapuis Châu) về Thạch Bình và đã ở đây trong vòng 15 năm. Trong thời gian này ngài đã mở nhiều họ đạo tân tòng như Niêm Phò, Bác Vọng… ra tới Lai Hà”.
Năm 1906, cha Chapuis Châu đã gửi phúc trình thường niên cho toà Giám mục Huế. Căn cứ vào đó, Đức cha Caspar Lộc đã có con số tổng quát và tương đối chính xác gởi về hội Thừa sai Paris như sau: “Sở Thạch Bình đã cho một tổng số là 120 người chịu rửa tội, gồm: 22 trẻ em lương, 16 trẻ em giáo và 82 người lớn. Con số Kitô hữu của con đã tăng từ 400 lên 500. Suốt năm nay, đã có nhiều đơn xin trở lại: con đã ghi danh 200 dự tòng. Hai nhà nguyện khiêm tốn đã được xây dựng ở Hạ Lang và Cổ Tháp, và hai sở mới đã được thành lập trong các làng mà cho tới lúc đó toàn là ngoại đạo…”[5]
Với mùa gặt đầu tiên khá bội thu, nhu cầu mục vụ đòi hỏi ngày càng nhiều, một mình cố Châu không thể đảm đương nổi. Trước tình hình đó, tân linh mục Anrê Nguyễn Hữu Tường (1878-1906-1965) được Đức cha Caspar Lộc cử làm phó xứ.
Đến năm 1908, vì lý do mục vụ, cha Anrê Tường được tòa Giám mục thuyên chuyển đến Diêm Tụ. Đức cha Allys Lý (kế vị Đức cha Caspar Lộc) bổ nhiệm linh mục Tađêô Đỗ Văn Cử (1871-1905-1949) làm phó xứ Thạch Bình.
Nhưng như thế không có nghĩa là đã đáp ứng đủ nhu cầu mục vụ khi phong trào tòng giáo ngày một cao. Chỉ riêng năm 1908, đã có tới 93 người được rửa tội. Cố Châu ngày càng vất vả hơn do nhu cầu nhập đạo và số tân tòng gia tăng.
Theo mong muốn của cố, năm 1910 cha Phêrô Lê Văn Đức (1880-1910-1937) được Đức Giám mục Allys Lý bổ nhiệm làm phó xứ thứ hai của Thạch Bình. Thành ra trong hai năm 1910 và 1911, giáo xứ Thạch Bình có đến ba linh mục phụ trách: cha sở Chapuis Châu và hai cha phó: Tađêô Cử và Phêrô Đức.
Như vậy, chỉ trong vòng 11 năm (1905-1916), với những thành quả truyền giáo đáng tự hào, Thạch Bình đã góp vào sổ truyền giáo Giáo phận Huế ba giáo sở:
– Giáo sở Thạch Bình với giáo xứ Thạch Bình và các giáo họ Thủ Lễ, Vân Căn, Đông Lâm, Thanh Cần, Ô Sa, Sơn Tùng, Phổ Lại, Đồng Bào… Quản sở là Linh mục Thừa sai Chapuis Châu.
– Giáo sở Lai Hà với giáo xứ Lai Hà và các giáo họ Cổ Tháp, Thuỷ Lập, Thuỷ Yên, Hà Lạc, Tháp Nhuận, Đông Hồ… Quản sở là Linh mục Tađêô Đỗ Văn Cử, rồi Phêrô Lê Văn Đức…
– Giáo sở Nho Lâm với giáo xứ Nho Lâm và các giáo họ Niêm Phò, Phò Nam, Hạ Lang, Bác Vọng, Xuân Tuỳ, Nghĩa Lộ… Quản sở là Linh mục Micae Nguyễn Văn Cẩm (1876-1904-1959).
Cũng trong giai đoạn này, tại giáo họ Đông Lâm (rú) số tín hữu tăng lên mỗi ngày, chưa kể số tòng giáo ở Đông Lâm (làng)[6]. Giáo họ Thanh Cần, Ô Sa, Đồng Bào cũng không thua kém là bao. Bốn họ đạo này được nhiều đời cha sở ca ngợi là Tứ đại Hộ pháp của giáo sở Thạch Bình vì lớn mạnh hơn cả.
Sau 16 năm khai phá cánh đồng truyền giáo Thạch Bình (1904-1920), vị thừa sai khai canh Chapuis Châu từ giã để ra nhận nhiệm sở mới ở Kẻ Sen thuộc hạt Quảng Bình, Giáo phận Huế.
3- Thuộc Thạch Bình với các vị quản xứ kiêm nhiệm
Tháng 09-1920 cha Gioan Võ Văn Hoằng (1883-1912-1962) được bổ nhiệm cai quản giáo sở Thạch Bình, tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm.
Ngoài công tác mục vụ, chăm lo việc truyền giáo, cha Gioan Hoằng còn có công rất lớn trong việc xây dựng cơ sở vật chất tại Giáo sở Thạch Bình, chẳng hạn nhà thờ Đông Lâm (rú)[7], nhà thờ Thanh Cần, nhà thờ Thủ Lễ vào thập niên 30, và nhà thờ Nho Lâm lẫn nhà thờ Bác Vọng vào thập niên 40 thế kỷ mới rồi. Trước đó, Đông Lâm đã được cha Chapuis xây cho một ngôi nhà thờ tranh tre, nhỏ hẹp, tồn tại hơn một thập kỷ.
Tháng 7-1941, cha Gioan Võ Văn Hoằng đổi đi Tân Mỹ.
Nhà thờ Đông Lâm thứ hai này được dâng kính Thánh Giuse Thợ, với chiếc tháp chuông cao vút, nổi bật giữa một bên là ruộng lúa xanh rì, một bên là đồi cát trắng. Do chiến tranh, ngôi nhà thờ chỉ còn lại chiếc tháp chơ vơ loang lổ vết đạn.
Từ thời cố Châu, về mặt đạo, Đông Lâm rú thịnh đạt hơn nhiều so với Đông Lâm làng. Ngay khi cố Châu mới đặt chân đến Thạch Bình thì Đông Lâm rú đã có hơn một nửa tòng giáo, trong khi đó Đông Lâm làng chỉ lưa thưa năm ba gia đình theo đạo.
Kế nhiệm cha Võ Văn Hoằng coi sóc Thạch Bình kiêm Đông Lâm (cũng như Thanh Cần, Ô Sa, Đồng Bào, Bác Vọng) là cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (1941-1945).
Sau cha Hồ Bảo Huỳnh là cha Đôminicô Huỳnh Văn Thượng (1946-1947).
Đến thời cha Phêrô Hoàng Kính (1947-1957), do chiến tranh, hầu hết giáo dân giáo sở đã di tản, một số quy tụ chung quanh nhà thờ Thạch Bình, một số khác tha phương lập nghiệp.
Khi cha G.B Nguyễn Văn Đông làm quản sở (1957-1967), hầu hết giáo dân Đông Lâm hồi hương, cũng là lúc Đông Lâm làng có nhiều người xin tòng giáo.
Được sự trợ giúp của ông Trần Quang Phùng, một giáo dân, cựu lý trưởng làng Đông Lâm, giám đốc Hiệp hội Nông dân huyện Quảng Điền, cuối năm 1957 cha G.B Đông đã rửa tội cho 83 tân tòng. Mong muốn khẩn thiết nhất lúc này là làm sao có một nơi để giáo dân quy tụ nhau sớm hôm kinh nguyện. Ông Trần Quang Sính hiến tặng cho nhà thờ lô đất thổ cư, diện tích khoảng 800m2. Bên cạnh đó, ông Trần Quang Phùng vận động làng nhượng thêm cho nhà thờ mảnh đất 700m2 ở ngay bên cạnh. Với tinh thần hăng say phục vụ nhà Chúa, bà con giáo dân người thì góp sức, kẻ thì góp của, chẳng bao lâu sau, một ngôi nhà nguyện bằng tranh tre được mọc lên. Đây là ngôi nhà nguyện đầu tiên của Đông Lâm làng. Đến năm 1959, nhà nguyện này được tu bổ lại, tuy cũng bằng phên tre, lợp tranh, nhưng nền được nâng cao hơn, lòng nhà nguyện cũng được mở rộng đủ chỗ cho hơn 300 giáo hữu.
Trong hai năm đầu (1957-1959) đã có tới 4 lần cha sở G.B Đông tổ chức lễ Rửa tội và Thêm sức, mỗi lần trên dưới 100 tân tòng. Lần thứ tư là lần đại quy mô với 162 tân tòng: “Ngày Chúa nhật 12-04-1959, theo lời mời của cha sở Thạch Bình, Đức cha Urrutia Thi đã thân hành đến họ nhánh Đông Lâm chủ tế thánh lễ Rửa tội và ban phép Thêm sức cho 162 tân tòng. Tháp tùng Đức cha còn có nhiều linh mục. Đây là thánh lễ Rửa tội Thêm sức đại quy mô, trang nghiêm chưa từng thấy ở một họ nhánh xa xôi”.[8]
Đông Lâm đã trở thành mẫu mực của việc truyền giáo, khiến nhiều linh mục đến đây ngoài chuyện coi sóc tín hữu, còn làm nhiệm vụ nghiên cứu tại chỗ phương pháp truyền giáo.
Năm 1961, Đức Tổng Giám mục Phêrô Ngô Đình Thục trong dịp về ban bí tích Thêm sức tại Thạch Bình, đã có chuyến thăm mục vụ tại Đông Lâm làng.
Từ 1959-1961, Đông Lâm làng được cha Philipphê Trần Văn Hoài phó xứ Thạch Bình kiêm nhiệm khi ngài biệt cư giáo họ Bác Vọng. Rồi được kiêm nhiệm bởi cha Anrê Nguyễn Văn Trúc về thay cha Hoài (1961-1962). Sau đó, từ 1962-1964, Đông Lâm làng lại được cha Batôlômêô Nguyễn Văn Phước biệt cư Bác Vọng kiêm nhiệm. Ngài khởi công xây dựng nhà thờ Đông Lâm làng (kích thước 08x18m) nhưng vừa xong phần móng và lên cao khoảng 1,5m thì biến cố ngày 01-11-1963 (đảo chánh Tổng thống Công giáo Ngô Đình Diệm) làm mọi việc ngưng trệ. Kẻ quá khích lợi dụng cơ hội gây rối, phá đạo, đe dọa giáo dân….[9]
Sau biến cố đảo chánh này, đa phần giáo dân Đông Lâm làng bỏ đạo. Ngược lại, giáo dân Đông Lâm rú càng kiên vững đức tin, trọn tình theo Chúa cho đến tận ngày nay.
Vì vậy, ngày nay khi nhắc đến giáo họ Đông Lâm, nhiều người nghĩ ngay đến nhà thờ Đông Lâm rú và địa danh Đông Lâm rú… ngày xưa.
Kế tiếp làm quản xứ Thạch Bình kiêm Đông Lâm và các giáo họ trực thuộc, có các vị:
Cha Giuse Lê Hữu Huệ (1967-1969),
Cha Tôma Lê Văn Cầu (1969-1970).
Cha PX. Lê Văn Cao (1970-1972).
Cha Elia Đỗ Văn Y (1973-1975).
Cha Giuse Dương Đức Toại (1975-1995).
Tháng 8-1993, ngài đã khởi công đại trùng tu nhà thờ Đông Lâm, với kinh phí khoảng hơn 100 triệu đồng. Vì trong thời gian chiến tranh, nhà thờ bị tàn phá nặng nề, chỉ còn lại chiếc tháp và khoảng một phần ba vách phía sau.
Sau hơn 9 tháng thi công, ngôi nhà thờ hoàn thành, khang trang, thoáng mát, đẹp đẽ, diện tích 7x15m, với tháp cao 21m. Nhà thờ được tái thiết gần như nguyên trạng, duy phần trang trí ở mặt tiền và tháp chuông bị lược bỏ đi nhiều. Lễ khánh thành được tổ chức vào tháng 5-1994[10]
Cha PX. Nguyễn Văn Cần kế nhiệm cha Toại từ năm 1995 đến năm 2001.
Trong những năm 2000-2001, cha xây dựng cầu bêtông, tường thành, lợp tôn mái nhà thờ Đông Lâm thay cho mái ngói đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.
Từ 2001 đến 2003 là cha Giuse Phạm Văn Tuệ, quản xứ Thạch Bình kiêm Đông Lâm.
Nhà thờ Đông Lâm (cũ, tồn tại đến 2013) nhìn từ phía trước và phía sau.
4- Thành giáo sở Đông Lâm với các quản xứ biệt lập
Năm 2003, theo quyết định của Toà TGM Huế, Thạch Bình được chia làm hai: giáo sở Thạch Bình và giáo sở Đông Lâm.
Ngày 14-05-2003 Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể đã bổ nhiệm cha Antôn Lê Anh Quốc (1974-2002-) làm quản sở tiên khởi giáo sở Đông Lâm, gồm giáo xứ Đông Lâm và các giáo họ: Thanh Cần, Ô Sa, Đồng Bào và Bác Vọng. Giáo dân sống chủ yếu trên địa bàn xã Quảng Vinh, một số ít ở xã Quảng Phú.
Giáo sở có bốn ngôi nhà thờ: nhà thờ Đông Lâm, nhà thờ Ô Sa, nhà thờ Thanh Cần và nhà thờ Đồng Bào. Hằng năm mừng lễ bổn mạng vào ngày 01-05 (lễ Thánh Giuse Thợ).
Những ngày đầu mới được thành lập, giáo sở gặp phải muôn vàn khó khăn, cả về vật chất lẫn nhân sự. Trong hoàn cảnh đó, cha Antôn đã khởi công xây dựng và hoàn thành nhà thờ Ô Sa.
Cũng trong khoảng thời gian đó, cha đã cố gắng tìm nguồn ủng hộ từ các ân nhân trong và ngoài nước, tiến hành đổ cát, san lấp hai hồ trũng trước mặt nhà thờ Đông Lâm. Ngài xây tháp chuông cao vút và ngôi nhà xứ hai tầng, khang trang, thoáng mát. Đến ngày 24-12-2007 các công trình được hoàn tất, đưa vào sử dụng, giúp cải thiện bộ mặt của giáo xứ, đồng thời có chỗ để tổ chức các chương trình, hoạt động và sinh hoạt giáo lý.
Sau thời gian hơn 7 năm (14.05.2003–23.08.2010) chăm lo mục vụ tại giáo xứ, Cha đã để lại nhiều thành quả tốt đẹp, không chỉ ở những công trình xây dựng vật chất, mà cả đời sống đức tin nữa.
Ngày 26-08-2010 cha Phêrô Nguyễn Vũ (1975-2008-) đến nhận nhiệm sở Đông Lâm.
Cha đã bắt tay vào việc tổ chức các đoàn thể, kiến thiết và xây dựng lại giáo xứ, cụ thể là:
– Ngày 28-11-2010 nhóm Giới trẻ được chính thức thành lập và đi vào sinh hoạt, học tập.
– Ngày 16-01-2011 giới Gia trưởng và Hiền mẫu được thành lập; củng cố ban Lễ sinh và đội ngũ Giáo lý viên.
Sau đó, cha tu sửa lại một số công trình: nhà thờ Thanh Cần, tường thành và nhà thờ Đồng Bào, nhà thờ Đông Lâm.
Ngày 15-09-2011, cha Phêrô đã quyết định khởi xướng chương trình xây dựng mới ngôi thánh đường Đông Lâm.
Ngày 19-03-2013 Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng đến chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên, khởi công xây dựng mới nhà thờ Đông Lâm, và ngày 25-06-2014 cũng chính ngài chủ sự đại lễ khánh thành ngôi nhà thờ này.
Cha cũng xây Nhà mục vụ và đền Đức Mẹ tại Đông Lâm.
Nhà thờ Đông Lâm mới (bên trong)
Ngày 26-10-2017 cha Phêrô Nguyễn Bính (1979-2015-) đến nhận nhiệm sở Đông Lâm.
Tiếp nối các vị tiền nhiệm, ngài xây dựng phát triển các hội đoàn. Tháng 7-2019 thành lập hội “Đạo binh Hồn nhỏ”; mở lớp dự tu, đoàn lễ sinh; đào tạo lớp đàn và cắm hoa phục vụ nhà thờ, sửa chữa các nhà thờ và xây dựng để có nơi dâng lễ hàng tuần ở giáo họ Bác Vọng.
Tháng 4-2019 cha đã viết đơn yêu cầu trả lại đất nhà thờ Bác Vọng (nay là hợp tác xã) và xin cấp thêm đất ở nhà thờ Đông Lâm, và công việc đang tiếp diễn…
III- HOA QUẢ ĐỨC TIN
1- Linh mục:
1- Cha Phaolô Nguyễn Kim Bính (1922-1951-1996) (gốc Đại Lộc, sinh ở Hạ Lang, giáo sở Đông Lâm).
2- Cha Giuse Trần Viết Viên (1965-2001-) (sinh tại Đông Hà, gốc giáo họ Thanh Cần)
2- Nữ tu:
1- M. Anê Phạm Thị Tơ 1948 CĐMDV Huế
2- Anna Phạm Thị Tuyết Sương 1973 CĐMDV Huế
3- Magarita Đặng Thị Thu Trang 1974 CĐMDV Huế
4- Anna Nguyễn Thị Thành 1977 CĐMDV Huế
5- Matta Trần Thị Thu Hương 1981 CĐMDV Huế
6- Têrêxa Lê Thị Kim Yến 1984 MTG Huế
7- Lucia Đặng Thị Hơn 1948 MTG Huế
8- Maria Mai Thị Mộng Thương 1984 MTG Huế
9- Matta Mai Thị Thu Trang 1987 MTG Huế
10- Maria Mai Thị Lệ Trinh 1991 CĐMVN Huế
11- Isave Đặng Thị Thúy Loan 1990 Phaolô Đà Nẵng
2- Đại chủng sinh
1- Giuse Mai Văn Nghiễm 1988 ĐCV Huế, thần học III/2019)[11]
2- Giuse Nguyễn Thanh Tùng 1991 ĐCV Huế, thần học I/2019
3- Giáo dân:
– Năm 2010 : 500 người
– Năm 2015 : 572 người
– Năm 2019 : 582 người
****************************************
1- Lịch sử hình thành
Hạt giống Tin Mừng được vãi gieo và sinh hoa kết quả trên mảnh đất Ô Sa là nhờ công lao to lớn của cha Chapuis (Cố Châu). Cha Chapuis là một linh mục sống nhiều năm ở nông thôn Việt Nam, hiểu biết cặn kẽ đời sống nông dân Việt, những vất vả, khó khăn của họ, nhất là những phong tục tín ngưỡng của người dân Việt.
Trong bối cảnh đó, cha Chapuis đã lặn lội mở các họ đạo khắp vùng Quảng Điền, từ Sịa ra tới Lai Hà, ngược lên Bác Vọng, Niêm Phò…
Ô Sa là một trong những giáo họ nòng cốt của vùng Đông Lâm.
Mặc dầu trải qua bao nhiêu khó khăn của thời cuộc, thiên tai, kinh tế nông nghiệp nghèo khổ… giáo dân ở đây vẫn một lòng trung thành theo Chúa, giữ được nét đạo đức đơn sơ của người bình dân, sớm hôm quây quần bên nhau đọc kinh, cầu nguyện.
Hiện nay nhà thờ Ô Sa tọa lạc tại thôn Trọng Đức, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nó nhìn ra cánh đồng lúa và con sông nhỏ, cùng với con đường làng chạy phía trước, mang dáng dấp của vùng nông thôn bình lặng. Đây là một trong bốn ngôi nhà thờ nhỏ vùng truyền giáo xã Quảng Vinh.
Ô Sa là nơi quy tụ giáo dân của hai thôn Ô Sa và Trọng Đức, với khoảng 180 giáo dân của 30 hộ gia đình. Chủ yếu là người già và trẻ em, còn những người trẻ đã đi lập nghiệp hay tới phương xa để kiếm kế sinh nhai.
Mỗi năm giáo xứ Ô Sa mừng lễ bổn mạng vào ngày 8-12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
2- Nhà thờ Ô Sa qua các thời kỳ
Ngôi nhà thờ Ô Sa cũng đã được hình thành, xây dựng và tu sửa dưới nhiều thời cha sở khác nhau.
Được biết, nhà thờ thứ nhất của họ Ô Sa do cha Chapuis cho xây cất lúc ngài làm cha sở Thạch Bình, phụ trách trung tâm truyền giáo cho vùng này (1905-1920). Đó là một nhà thờ bằng tranh tre, đã bị cháy trong chiến tranh.
Năm 1957, cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đông đã khởi công xây dựng lại nhà thờ Ô Sa. Đó là một ngôi nhà thờ tường gạch, mái tôn, với diện tích khá khiêm tốn, trên dưới khoảng 100m2.
Ngôi nhà thờ hoàn tất và được Đức cha Urrutia Thi làm phép và cắt băng khánh thành vào ngày 08-11-1959. Trong dịp này Đức Cha cũng ban phép Thêm sức cho gần 100 tín hữu.
Đây là thành quả đầu tay của cha GB. Đông tại giáo xứ Ô Sa.
Khi cha Giuse Dương Đức Toại làm quản xứ Thạch Bình, kiêm giáo họ Ô Sa, cha đã cho sửa chữa, tái thiết ngôi nhà thờ, lợp tôn mái lại.
Trong những tháng ngày đầu tiên đến nhận nhiệm sở Đông Lâm, cha Antôn Lê Anh Quốc đã bắt tay ngay vào việc kiến thiết và xây dựng mới ngôi nhà thờ Ô Sa. Ngày 20-04-2005 Đức cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Giám mục phụ tá Giáo phận Huế đã đến chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng nhà thờ Ô Sa.
Và sau hơn 3 năm xây dựng, bị chính quyền đình chỉ nhiều lần, vào ngày 26-08-2008 giáo dân Ô Sa và toàn thể giáo sở Đông Lâm hân hoan đón chào Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể, cùng Đức cha phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng đến chủ tế thánh lễ khánh thành và làm phép nhà thờ, đồng thời ban Bí tích Thêm sức cho 60 giáo lý sinh.
Đánh dấu bước trưởng thành của giáo xứ, một nhà thờ mới khang trang được mọc lên, thỏa lòng ước mơ của bao thế hệ ngày đêm hằng mong mỏi, đợi trông, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử hình thành và phát triển của giáo xứ Ô Sa.
Nhà thờ Ô Sa cũ
Nhà thờ Ô Sa mới
**********************************
1- Lịch sử hình thành
Trên tỉnh lộ 11A từ An Lỗ về tới Đồng Bào, rẽ trái theo con đường nhựa khoảng 3,5km, người ta sẽ ngang qua các nhà thờ Ô Sa, Đông Lâm rồi tới nhà thờ Thanh Cần.
Theo lời kể của những người lớn tuổi tại địa phương, thì Thanh Cần có một chỗ đứng quan trọng trong vấn đề hành chính vào các năm 1940-1960 vì là tổng. Có lẽ đây là một trong những nơi đã được bước chân truyền giáo của cha Chapuis (Cố Châu) quan tâm và dày công xây dựng.
Cũng như Đông Lâm, Thanh Cần là một trong những nơi hưởng ứng công cuộc truyền giáo của cố Châu sớm nhất, với số người theo đạo đông hàng đầu của giáo sở Thạch Bình.
Giáo họ Thanh Cần mừng lễ bổn mạng vào ngày 15-08, lễ Đức Mẹ Hồn xác Lên trời. Số giáo dân hiện nay là 105, với 19 hộ gia đình.
2. Nhà thờ Thanh Cần qua các thời kỳ.
Một ngôi nhà thờ bằng tranh tre được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Năm 1923, với sự giúp đỡ về mặt tài chính của ông Bát phẩm Trần Viết Cốm (Bát Cốm), ngôi nhà thờ tranh được dỡ bỏ, thay vào đó là một nhà nguyện bằng gỗ, kiểu một gian hai chái, trên nóc đặt cây thánh giá gỗ. Diện tích nơi thờ phượng này chỉ vỏn vẹn 4 x 6m. Ngày khánh thành có rước tri huyện Quảng Điền lúc bấy giờ là ông Ngô Đình Diệm về dự lễ. Nhà nguyện gỗ này tồn tại trên dưới 10 năm.
Năm 1932, cha Gioan Võ Văn Hoằng cho triệt hạ nó để xây dựng ngôi nhà thờ lớn hơn, nhưng công trình dở dang, kéo dài đến 66 năm mới hoàn thành (1932-1998).
Nhà thờ được xây bằng gạch, lợp ngói, với bộ giàn trò theo kiểu nhà rường Việt Nam. Mặt tiền khá đơn giản, với 3 cửa dạng vòm nhọn kiểu gô-tích, bằng nhau về kích thước. Trên 3 cửa vòm là một bức tường hình tam giác cân đặt cây Thánh giá ở đỉnh.
Tuy vẫn đưa vào sử dụng, nhưng tháp chưa hoàn thành, tường chưa phẳng, nền chưa tráng xi măng, bàn ghế chưa có, giáo dân phải trải chiếu ngồi khi tham dự thánh lễ.
Khi cuộc chiến tranh chống Pháp bùng nổ, Việt Minh yêu cầu phải dỡ bỏ nhà thờ vì sợ quân Pháp lập đồn tại đây. Sau đó cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh cho sửa lại, lợp tranh. Đến thời cha Phêrô Hoàng Kính, nhà thờ được lợp lại ngói, nhưng vẫn ở trong tình trạng dang dở.
Năm 1967 để tránh bom đạn, một lần nữa mái ngói nhà thờ được hạ xuống. Bộ giàn trò được bán với giá 110.000 đồng.
Đến năm 1970, cha sở Tôma Lê Văn Cầu nhận kinh phí từ việc bồi thường chiến tranh, nhưng chưa kịp sửa chữa thì ngài đã đổi đi. Nhà thờ Thanh Cần chỉ còn lại như một phế tích.
Năm 1998, nhân chuyến về thăm quê, bà Trần Thị Nghĩa, một người con của giáo họ đi lập nghiệp nơi xa, đã giúp đỡ một phần kinh phí trong việc tái thiết và hoàn thành nhà thờ.
Năm 2000, cha P.X Nguyễn Văn Cần lại trùng tu nhà Chúa, với tổng kinh phí lên đến 150 triệu đồng, diện tích 7.5m x 22m.
Đến thời cha Phêrô Nguyễn Vũ, ngài đã lên kế hoạch tái tạo, chỉnh trang. Công việc khởi sự vào tháng 5-2011. Trần nhà thờ được đóng, tường vách được sơn mới, cung thánh được cải tạo, nền được lát gạch mới hoàn toàn. Hệ thống chiếu sáng, quạt gió cũng được nâng cấp. Tổng kinh phí trên dưới 60 triệu đồng.
Công trình hoàn tất vào tháng 8-2011, dịp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời (2011).
***********************************
GIÁO HỌ ĐỒNG BÀO
1- Lịch sử hình thành
Trên tỉnh lộ 11A từ An Lỗ về Sịa khoảng 3km, bên phía tay phải người ta thấy một ngôi nhà thờ nhỏ mới được trùng tu vào năm 1997, đó là nhà thờ Đồng Bào.
Nhà thờ Đồng Bào tọa lạc tại thôn Đồng Bào, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Giáo họ Đồng Bào được khai sinh trong những năm cố Châu làm quản xứ Thạch Bình (1905-1920), cùng với các giáo họ lân cận trong vùng như Niêm Phò, Bác Vọng, Hạ Lang.
2- Nhà thờ Đồng Bào qua các thời kỳ.
Những giáo dân lớn tuổi ở đây cho biết nhà thờ bằng tranh đầu tiên của giáo họ được cất vào năm Đinh Mùi (1907), thời cha Chapuis (cố Châu).
Nhà thờ lúc ấy hướng mặt về phía đông nam, tồn tại gần 60 năm, thể hiện đức tin tuyệt vời trước mọi thử thách nghiệt ngã của cuộc sống. Nghĩa là dù nghèo khổ, giáo dân Đồng Bào vẫn một lòng theo Chúa.
Năm 1964, với nguồn kinh phí do cố Châu để lại, cha Nguyễn Văn Đông cho làm nhà thờ mới. Đó là ngôi nhà thờ tường xây, mái lợp tôn, với diện tích khoảng 100m2, quay mặt về hướng tây nam như nhà thờ mới hiện nay.
Sau cuộc chiến dài ác liệt, nhà thờ Đồng Bào cũng đồng số phận với những nhà thờ khác, chỉ còn lại bộ vách loang lổ, xác xơ. Một người lính Công giáo hành quân ngang qua đã nhặt cây Thánh giá trong đống gạch vụn bỏ vào ba lô. Gần 30 năm sau, cha sở Thạch Bình nhận được điện thoại của ai đó sắp xuất cảnh diện HO, báo cho biết cây Thánh giá năm xưa vẫn còn. Cha xin nhận lại. Hiện cây thánh giá, kỷ vật thiêng liêng của giáo họ, đã trở về nằm vị trí cũ trong ngôi nhà thờ mới trùng tu.
Ba mươi năm sau, 1997, cha P.X Nguyễn Văn Cần cố gắng tìm kiếm nguồn kinh phí để lợp lại mái tôn. Năm 1998, qua sự giới thiệu của cô Mai Chi (Việt kiều gốc Phủ Cam), ông Paul Chin, người Singapore, đã tài trợ kinh phí trùng tu nhà thờ Đồng Bào, với số tiền là 90 triệu đồng. Nhà thờ được phục hồi nguyên trạng, cùng vị trí, với diện tích như cũ, có mở rộng thêm tiền đường và hai hành lang đúc bê tông kiên cố, thoáng mát.
Đến thời cha Phêrô Nguyễn Vũ, vào tháng 4-2012, đã lập dự án xin kinh phí cải tạo nhà thờ và xây thành xung quanh. Tường thành được xây dựng với tổng chiều dài 197m, chiều cao 1.7m, tổng diện tích (197m x 1.7m) 334.9m2. Công trình được hoàn tất vào ngày 22-6-2012, với tổng kinh phí trên dưới 70 triệu đồng.
Cùng lúc, Cha Phêrô đã cho sữa chữa, cơi nới và cải tạo nhà thờ. Phần cung thánh được dịch chuyển và mở rộng ra phía chái, giúp cho lòng nhà thờ có diện tích lớn, đáp ứng nhu cầu tham dự thánh lễ của giáo dân vào Chúa nhật và các ngày Lễ trọng. Phòng thánh được xây mới, rộng rãi và thoáng mát hơn.
Tiền đường được sửa chữa, trần nhà được đóng, tường nhà thờ được sơn mới hoàn toàn, hệ thống âm thanh, ánh sáng cũng được làm mới. Kinh phí sửa chữa là 200 triệu đồng. Công trình được hoàn thành với thánh lễ tạ ơn diễn ra vào ngày 30-11-2012, lễ thánh Anrê Tông đồ.
Nhà thờ Đồng Bào sau khi trùng tu (11-2012)
Hiện nay giáo họ Đồng Bào có 19 hộ gia đình, với 80 giáo dân, phần lớn giới trẻ di dân đến các thành phố lớn để làm ăn, chỉ còn lại những người già và trẻ em, học sinh.
Lễ bổn mạng vào ngày 30-11, lễ Thánh Anrê Tông đồ.
*********************************
1. Lịch sử hình thành
Bác Vọng là một làng cổ ở Thuận Hóa, phía bắc giáp làng Xuân Tùy, phía tây giáp Hạ Lang và Bao La, phía đông giáp Nam Phù, phía nam giáp sông Bồ. Thời Nguyễn, làng tách thành Bác Vọng Đông giáp và Bác Vọng Tây giáp thuộc tổng Hạ Lang, huyện Quảng Điền. Ngày nay được chia thành hai thôn là Bác Vọng Đông và Bác Vọng Tây, thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Năm 1905, cố Chapuis (Châu), với tầm nhìn chiến lược của một nhà truyền giáo lỗi lạc, đã di chuyển trụ sở truyền giáo từ Nho Lâm về Thạch Bình, nơi có thị trấn Sịa, được xem là trung tâm hành chính, kinh tế của huyện Quảng Điền.
Năm 1916, Đức cha Allys Lý lại có một quyết định khác, tách các họ đạo vùng tổng Hạ Lang và tổng Phước Yên (nay là địa bàn các xã Quảng Phú, Quảng Thọ và một phần Quảng Vinh) để thành lập giáo sở mới: Giáo sở Nho Lâm gồm giáo xứ Nho Lâm với các giáo họ Niêm Phò, Phò Nam, Hạ Lang, Bác Vọng, Xuân Tuỳ, Nghĩa Lộ… Linh mục Micae Nguyễn Văn Cẩm được bổ nhiệm làm cha sở tiên khởi Nho Lâm.
Nhưng cũng như Nho Lâm lần I (1904-1905), Nho Lâm lần II là sự thử nghiệm không thành công. Vả lại, do ảnh hưởng của Thế chiến Thứ nhất (1914-1918), giáo phận gặp khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt cả về kinh tế lẫn nhân sự, Cha Micae Cẩm được điều động lên Ngọc Hồ. Không có cha sở, Nho Lâm và các giáo họ trực thuộc đều trở lại làm giáo họ của giáo xứ Thạch Bình.
Năm 1925, Thạch Bình lại hân hoan đón rước cha phó thứ hai: Philipphê Nguyễn Văn Tự (1893-1924-1947), chuẩn bị cho cha phó thứ nhất Anrê Nguyễn Văn Từ (1889-1920-1974) đi quản xứ Nho Lâm (Nho Lâm lần III) vào năm 1927. Nhưng Nho Lâm lần III cũng không thành công, vì có sự bất đồng giữa giáo dân và cha sở. Cha Từ chỉ ở Nho Lâm chưa đầy một năm thì xin đổi. Cha Giacôbê Nguyễn Linh Kinh (1893-1922-1955) được sai về thay thế và ngài đã khôn khéo chọn Bác Vọng làm xứ chính. Từ đó, vùng truyền giáo hai tổng Phước Yên, Hạ Lang mới tạm ổn định.
2. Nhà thờ Bác Vọng qua các thời kỳ.
Năm 1929, cố Châu được bổ nhiệm làm cha sở Bác Vọng, nơi mà một phần tư thế kỷ trước ngài đã đặt bước chân thăm dò, khai phá.
Năm 1930, vì nhu cầu, cố Châu quyết định xây dựng một ngôi nhà thờ lớn, thay thế cho ngôi nhà thờ bằng tre mục nát. Địa điểm được chọn là một mảnh đất cao ráo và đẹp hẳn lên nhờ một con đường mới mở, đâm thẳng từ bờ sông Bồ đến chính diện sân nhà thờ. Con đường nầy mở được cũng là nhờ công lao của ông Ngô Đình Diệm, tri phủ Hải Lăng, nguyên tri huyện Quảng Điền.
Nhà thờ Bác Vọng có kiểu giống nhà thờ Đông Lâm. Chẳng lạ gì bởi vì cả hai đều do một kỹ sư người Pháp thiết kế. Tuy nhiên, Bác Vọng lớn hơn và tháp cao hơn. Nhà thờ được lợp ngói liệt, dạng mái hai tầng, không có hành lang. Bước vô nhà thờ, đập vào mắt là bộ giàn trò vững chắc, bóng láng, cao tới 5m.
Năm 1934, cố Châu rời Bác Vọng đi nhận xứ Trí Bưu, để lại thành quả đáng khích lệ với họ đạo 300 giáo hữu.
Tiếp nối cố Châu cai quản Bác Vọng là cha Phaolô Bùi Thông Tuần (1934-1936), cha Mary Cressonnier (cố Báu) (1936-1937), cha Micae Nguyễn Văn Tường (1937-1938), cha Phaolô Trần Văn Khánh (1938-1943), cha Gioan Võ Văn Hoằng (1943-1949), cha Đôminicô Lê Hữu Luyến (1949-1951). Trong những năm vắng bóng linh mục (1951-1959), Bác Vọng lại trở thành giáo họ, được cha sở Thạch Bình kiêm nhiệm.
Năm 1959, cha Philipphê Trần Văn Hoài (1929-1959-2010) trở thành phó xứ Thạch Bình, biệt cư Bác Vọng (sau làm Đức ông ở hải ngoại). Cha Hoài đến đây trong cảnh hoang tàn, đổ nát của một giáo xứ vừa trải qua chiến tranh. Ngài cấp tốc tạo dựng cơ sở vật chất, ổn định cuộc sống, nhanh chóng đưa các chương trình sinh hoạt của giáo xứ đi vào nề nếp.
Ngài cho tu sửa ngôi nhà thờ cũ đã hư hỏng nhiều do mưa nắng và bom đạn. Việc sửa nhà thờ đã được cha GB. Đông dự liệu kế hoạch, lo liệu tài chính, theo đó nhà thờ được lợp lại mái ngói, tu bổ ngọn tháp, sửa chữa giàn cửa hai lớp, toàn bộ bàn ghế và quét vôi vàng.
Cha Hoài còn mở trường tiểu học và lập sở các chị dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng. Ngày 01-09-1960, ngài long trọng tổ chức lễ rửa tội cho 120 tân tòng. Đây là đợt rửa tội đầu tiên sau hơn một năm tìm hiểu đạo, kết quả này hứa hẹn đem lại cho Bác Vọng một mùa gặt bội thu.
Năm 1961, cha Hoài được bổ nhiệm làm giáo sư Tiểu chủng viện Hoan Thiện.
Năm 1961-1962, cha Anrê Nguyễn Văn Trúc thay cha Hoài.
Năm 1962-1964, cha Batôlômêô Nguyễn Văn Phước về Bác Vọng kiêm nhiệm Đông Lâm làng. Ngài khởi công xây dựng nhà thờ làng này nhưng vừa xong phần móng và lên cao khoảng 1,5m thì biến cố ngày 01-11-1963 làm mọi việc ngưng trệ.
Năm 1964-1967, cha Jean Conan (MEP) trông coi Bác Vọng.
Năm 1967 nhà thờ Bác Vọng bị bom đạn cày nát, sập đổ tan tành.
Sau 30-04-1975, nhà nước trưng dụng đất vườn nhà thờ để làm hợp tác xã, nay là hợp tác xã nông nghiệp Phú Hòa.
Năm 2015, giáo họ Bác Vọng có 14 hộ gia đình, với 60 giáo dân. Bổn mạng mừng vào ngày 22-05, lễ Thánh Micae Hồ Đình Hy tử đạo.
Tháng 6-2018, cha sở Phêrô Nguyễn Bính, với sự đồng ý của gia đình ông Phêrô Ngô Tư, đã dựng nơi dâng lễ hàng tuần cho giáo dân tại nhà của ông.
Nơi dâng lễ hiện nay (từ 6/2018) của giáo họ Bác Vọng
Tháng 4-2019 cha sở Phêrô Nguyễn Bính đã làm đơn xin trả lại đất nhà thờ Bác Vọng.
——————————————————————–
[1] Khi sau tên các Giám mục và Linh mục có 3 niên đại, thì số đầu chỉ năm sinh, số giữa: năm chịu chức Giám mục hoặc chức linh mục, số cuối: năm qua đời.
[2] Mgr Caspar, Rapport annuel des évêques 1902.
[3] Mgr Caspar, Rapport annuel des évêques 1904.
[4] Mgr Caspar, Rapport annuel des évêques 1905.
[5] Mgr Caspar, Rapport annuel des évêques 1906.
[6] Giáo họ Đông Lâm có đặc điểm là gồm hai phần: Đông Lâm rú và Đông Lâm làng cách xa nhau khoảng 3-4 km, cả hai đều có chung đơn vị hành chính là làng hay thôn Đông Lâm. Đông Lâm rú là một xóm thuộc làng Đông Lâm.
[7] Nhà thờ được khởi công từ năm 1930, nhưng vì những lý do khách quan (tài chánh eo hẹp, chiến tranh…), và chủ quan (kiện tụng…) nên mãi cho đến năm 1944 mới được khánh thành.
[8] 100 năm Giáo xứ Thạch Bình (Trần Quang Chu 05-2005)
[9] Sau 1975 người ta đã đến phá lấy bờ-lô (khoảng hơn 4000 viên), đất nền và lấn chiếm. Nay nhà thờ Đông Lâm làng không còn nữa. Năm 2019: đất này nay thuộc nhà ông Trần Cải ở Đông Lâm làng. Xem: Trần Quang Chu, 100 năm giáo xứ Thạch Bình, Tháng 5-2005, tr.90-91.
[10] Diễn tả ngôi nhà thờ này, sách Lược sử các giáo xứ nói rằng: “Nhà thờ nằm trong một khuôn viên hẹp, không rào dậu, nhìn ra con đường xóm nhỏ và cách một con hói hẹp có những cây gỗ và tre kết bè bắc ngang. Nhà thờ trông bình yên một cách lạ. Nhà thờ là niềm tự hào của giáo dân Đông Lâm, với chiếc tháp chuông lồng lồng, nổi bật giữa một vùng ruộng lúa bằng phẳng. Chiếc tháp vươn thẳng không một đường gãy khúc, như một niềm hy vọng vô biên vào Thiên Chúa…Vào những ngày trời trong, nắng đẹp, đứng từ làng Thanh Cần có thể trông rõ tháp nhà thờ”.(100 năm Giáo xứ Thạch Bình của Trần Quang Chu 05-2005)
[11] Tưởng cũng nên thêm đại chủng sinh Nguyễn Văn Thứ, gốc giáo họ Đồng Bào, nghĩa tử của cha Phaolô Nguyễn Kim Bính, bị tử nạn tại Phủ Cam trong biến cố Tết Mậu Thân 1968.
————————————————————————-
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.