Lược sử Giáo sở Kẻ Văn

31/10/2019

GIÁO SỞ KẺ VĂN

GIÁO XỨ KẺ VĂN

GIÁO HỌ HƯNG NHƠN (KẺ VỊNH) – GIÁO HỌ AN THƠ

GIÁO HỌ PHÚ KINH – GIÁO HỌ HỘI ĐIỀN – GIÁO HỌ HÒA VIỆN 

Lược sử

GIÁO XỨ KẺ VĂN

Nhà thờ Kẻ Văn hiện thời

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Kẻ Văn thuộc Giáo hạt Quảng Trị, nằm trên địa bàn làng Văn Quỹ,[1] xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thánh đường Kẻ Văn dâng kính Đức Mẹ Lên Trời (15-8), cách Tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 42 km về phía tây bắc.

Giáo xứ cũng có các giáo họ trực thuộc là Hưng Nhơn, An Thơ, Phú Kinh, Hội Điền cũng đều nằm trong huyện Hải Lăng. Riêng Hòa Viện thuộc xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1. Hạt giống Tin Mừng sớm được gieo

Năm 1685, cha chính Giáo phận Đàng Trong là CharlesMarin Labbé (MEP)[2], trong bản tường thuật gởi Đức Giám mục Giám quản Louis Laneau (ở Thái Lan) về chuyến kinh lược của mình đến các giáo xứ vùng bắc Giáo phận là Dinh Cát, cho biết có một làng lớn có 30 gia đình Công giáo, nhưng ít sốt sắng việc đạo, tên là Van-cui. Van-cui chính là Văn Quỹ, Kẻ Văn.

Cha kể rằng vào đêm Giáng sinh năm đó có một thầy giảng bậc nhì[3] tên Giuse đi lễ về, bị nhiều kẻ ngoại giáo tại địa phương bắt vì theo đạo, buộc gông vào cổ và ép đưa tiền chuộc để được tha. Nhưng thầy không chịu nên họ đành phải thả. Sau đó, cũng để làm tiền, họ định tố cáo lên “nhà vua” (lúc ấy là chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần 1648-1687) một tín hữu già tên Ximong Can vốn đã đến truyền giáo tại vùng Văn Quỹ.

Như thế, việc mở đạo tại Kẻ Văn đã xảy ra trước năm 1685 và do các cha Dòng Tên, các thầy giảng và cả các giáo dân nhiệt thành (từ năm 1615, Dòng Tên đã đến khai phá tại Dinh Cát, tức Quảng Trị[4]). Thầy giảng Giuse và cụ Ximong Can mà cha Labbé đề cập là một bằng chứng.[5] Vụ việc do cha Labbé ghi nhận cũng cho thấy là chuyện giữ đạo lúc bấy giờ đã có những dấu hiệu khó khăn. Người có đạo thường bị chèn ép, bị bắt bớ và tống tiền cách vô tội vạ. Có thể trong bối cảnh đó, giáo dân Kẻ Văn lơ là việc đạo, ít lui tới đọc kinh xem lễ hằng ngày.

Tháng 05-1690, cha Labbé lại đưa cha Manuel Bổn (còn gọi là Lôrensô Lâu, một trong những linh mục người Việt đầu tiên được huấn luyện tại Xiêm trở về nước làm việc[6]) ra vùng Dinh Cát để lo mục vụ[7]. Trong chức vụ Hạt trưởng tiên khởi, ngài chính thức đặt trụ sở tại Giáo xứ Dương Lệ Văn, với việc xây dựng nhà thờ, nhà xứ, coi sóc 30 giáo xứ, trong đó có Văn Quỹ (1690-1691)[8]. Cha cho biết Văn Quỹ (Kẻ Văn) bấy giờ có 110 tín hữu.

2- Lớn lên trong thử thách bách hại.

2.1. Giai đoạn các chúa Nguyễn

a. Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái (1687-1691)

Ngày 18-1-1690, chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái ra sắc lệnh cấm đạo. Các thừa sai bị trục xuất, ai còn trốn ở lại mà bắt được sẽ bị đày ra hoang đảo. Các quan lớn bé nếu theo đạo sẽ bị giáng chức, người dân theo đạo phải thề từ bỏ. Phải tố cáo khi thấy “một tụ họp ba bốn người để hành đạo”. Các nhà thờ to lớn vùng Dinh Cát đều bị triệt hạ. Trong tình hình căng thẳng đó, cha Lôrensô Lâu vẫn lén lút đi thăm các họ đạo và động viên giáo dân trung thành giữ vững đức tin. Tháng 2-1691, Nghĩa vương băng hà, lệnh cấm đạo không còn nữa.

b. Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725)

Trong cuộc cấm đạo từ năm 1714 đến năm 1715 dưới thời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu, theo lời tường thuật của Đức cha CharlesMarin Labbé, tại Kẻ Văn có một sĩ quan ngoại giáo không mượn được tiền của một giáo dân khá giả, đã trả thù bằng cách đến nhà giáo dân này, định bắt anh ta vào quân ngũ. Nhưng người giáo dân đi vắng, vợ lại đang sinh con và đứa bé thì bị đau nặng. Tuy nhiên, ông sĩ quan vẫn xông vào nhà làm dữ, khiến đứa bé chết yểu. Ông chồng đưa đơn kiện, ông lính bị phạt phải bồi thường 7-8 quan tiền.

Lần này ông lính trả thù bằng cách tố cáo giáo dân Kẻ Văn phản loạn chống lại triều đình vì theo một tôn giáo bị chúa cấm. Hậu quả là đã có hơn 50 người bị bắt dẫn vào phủ chúa lúc ấy đặt tại Bác Vọng (Quảng Điền), đàn ông mang gông, đàn bà mang cùm, nhà cửa của họ thì bị cướp phá hoặc tước đoạt. Thời gian này, có cha Pierre de Sennemand (đấng lập Tu viện Mến Thánh giá Thợ Đúc-Huế năm 1719) đến viếng thăm an ủi họ. Sau chừng một tháng, chúa Minh đích thân đến xét xử. Lúc ấy thì một số đã chối bỏ đức tin, được tha về, chỉ còn 21 đàn ông và 5 phụ nữ trung kiên với đạo. Chúa đã ra lệnh thả các phụ nữ. Còn những người đàn ông, chúa tức giận định ra lệnh chém, nhưng nhờ sự can thiệp của một quan đại thần, họ chỉ lãnh án thảo tượng, nghĩa là chân và cổ bị mang xích, đi bứt cỏ nuôi voi của chúa suốt đời, trán bị thích bằng mũi kiếm hình cây Thánh giá như một dấu lăng nhục. Cũng theo Đức cha Labbé, vào năm nầy (1715), giáo xứ Kẻ Văn có đến 400 tín hữu, một con số đáng kể đương thời [9].

c. Chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765)

Năm 1750, chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát lại cấm đạo do vụ 2 thương nhân của Công ty Đông Ấn của Pháp là Friell lừa đảo, không chịu đóng thuế và nhất là Pierre Poivre[10] bắt cóc sứ giả của chúa đồng thời là người phiên dịch tên Micae Cường ra hải ngoại. Theo lệnh cấm đạo nầy, các thừa sai đều bị trục xuất khỏi nước, chỉ còn 2 cha Dòng Tên ở lại giúp việc trong phủ Phú Xuân.

Từ 1750 đến 1776, 26 năm trời, vùng Dinh Cát vắng bóng các linh mục. Giáo xứ Kẻ Văn lại gặp khó khăn trong đức tin của gần một thế hệ.

Đầu tháng 8-1776, cha Jean Labartette (cố An), sau nầy làm Giám mục, từ kinh đô Phú Xuân ra thăm vùng này. Chẳng rõ lúc bấy giờ Giáo xứ Kẻ Văn ra sao, có mấy người sống đạo?

Đạo chưa được yên ổn bao năm thì mùa hè năm 1783[11], quan lưu thủ quân Trịnh vùng Dinh Cát sai tay chân khủng bố người Công giáo, đòi lo lót mới cho giữ đạo. Giáo dân đưa đơn khiếu nại đến triều đình Phú Xuân. Kết quả: những kẻ hành hung giáo dân bị tù, quan lưu thủ bị cách chức. Hẳn giáo dân Kẻ Văn cũng bị vạ chung nầy.

2.2 Giai đoạn nhà Tây Sơn

Vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản (1792-1801) và triều đình thấy Đức cha Pierre Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) giúp cho Nguyễn Ánh chống phá nhà Tây Sơn ở miền nam, rồi Đức cha Jean Labartette ở Huế xem ra cũng tiếp tay cho ông ta (vì Cảnh Thịnh có bắt được một lá thư Nguyễn Ánh gởi cho ngài), nên Cảnh Thịnh đã chống người Công giáo. Vua ra chiếu chỉ cấm đạo ngày 17-8-1798[12]. Khi chiếu chỉ được ban hành, Kitô hữu khắp trong Giáo phận Huế bị bách hại khốc liệt, nhiều nhà thờ và cơ sở tôn giáo bị triệt hạ. Giáo xứ Kẻ Văn cũng đồng số phận.

2.3. Giai đoạn các vua nhà Nguyễn (1802-1945)

Dưới triều vua Tự Đức (1847-1883), có nhiều văn kiện cấm đạo, trong đó có sắc lệnh truyền bắt tất cả quân nhân Công giáo (12-1859). Thánh Giuse Lê Đăng Thị, người Kẻ Văn, là một trong những vị bị bắt bởi lệnh nầy. Lúc bấy giờ đang phục vụ trong quân đội tại Nghệ An, ngài đã cáo bệnh xin về quê Kẻ Văn để dễ bề giữ đạo. Nhưng có kẻ ham tiền đã đi tố cáo ngài với quan.  

Tháng 1-1860, quan đem lính vây bắt ông đội Thị, giải ra Quảng Trị, rồi tuyên án xử giảo giam hậu. Bị giải vào nhốt tại Khám Đường Huế, ông đội Thị vẫn can đảm tuyên xưng đức tin và đã bị lý hình thắt cổ tại chợ An Hòa vào ngày 24-10-1860.

3. Trở thành Giáo xứ, tiếp tục gian nan và nỗ lực vươn dần (từ 1884)

Sau khi vua Tự Đức bãi bỏ lệnh cấm đạo, năm 1864, Đức Giám mục Giáo phận Joseph Sohier từ giã nơi trốn tránh là Kẻ Sen (Quảng Bình), vào Huế, thiết lập Tòa Giám mục ở Giáo xứ Kim Long và bắt đầu tổ chức Giáo phận cách quy củ, bằng việc xác định ranh giới các giáo sở, giáo xứ, giáo họ và phân bổ các linh mục quản xứ, buộc biệt cư tại nhiệm sở mình, chấm dứt cảnh làm mục vụ cơ động. Kể từ khi đó, Kẻ Văn bắt đầu có các Quản xứ:

1) Cha Giuse Bùi Văn Tuyển, Quản xứ tiên khởi (1884-1889)

Bấy giờ, phong trào Văn Thân của các sĩ phu, với chủ trương “Bình Tây Sát Tả” (đuổi Pháp và giết đạo) đang tung hoành, đặc biệt tại lãnh thổ Giáo phận Huế.

Đầu tháng 9-1885, cha Tuyển được cha Jean Bonnand (cố Bổn) ở Giáo sở Thanh Hương (1882-1885) báo cho biết tình hình nguy hiểm từ Văn Thân, cần di tản gấp giáo dân vào Huế.

Ngày 7-9-1885, quân Văn Thân tấn công vào họ đạo Kẻ Văn và giết chết 264 người mà đa số là thanh niên hăng hái bảo vệ nhà thờ, giáo xứ. Cha Tuyển chỉ kịp đem theo một số giáo dân chạy vào Kim Long – Huế, ở cạnh tòa Giám mục để lánh nạn. Đức cha Caspar (Lộc) dịp ấy đã ra lời kêu gọi tín hữu Kim Long giúp đỡ những anh chị em khốn khổ.

Sau gần một năm, giáo dân Kẻ Văn mới hồi hương, xây dựng lại giáo xứ, nhà cửa. Theo báo cáo thường niên của Đức Cha Eugène Allys năm 1909, thì vào năm 1887, số tín hữu của họ đạo này chỉ còn 379 người. Nay trước sân nhà thờ Kẻ Văn có mộ quy tập những giáo dân tử đạo thời ấy.

Mộ Tử đạo thời Văn Thân

Cũng trong biến cố trên, một số giáo dân Kẻ Văn chạy theo cha Quản sở Thanh Hương về cửa Thuận An và họ đã cùng giáo dân Thanh Hương định cư ở đây, lập ra giáo xứ Tân Mỹ hiện tại.

2) Cha Phaolô Trương Văn Vân, đang là phó cho cha Bonnand tại Giáo sở Thanh Hương, được chuyển về làm Quản xứ Kẻ Văn (1889-1895)

3) Cha Auguste Gilbert (cố Quý) (1895-1907)

Khi ngài nhận nhiệm sở thì Kẻ Văn có khoảng 450 giáo hữu. Ngài xây dựng một nhà thờ có tháp nhọn vươn cao, từ xa thấy rõ; rửa tội nhiều lương dân và nhiệt thành làm việc rất có kết quả cho đến khi mất tại Huế ngày 08-08-1907. Giáo dân của ngài lúc đó lên tới 1256 người (Báo cáo thường niên năm 1909 của Đức Giám mục Allys). Thi hài ngài hiện an nghỉ trong nhà thờ Kẻ Văn.

4) Cha Antoine Maillebuau (cố Nhiệm) (1907-1940)

Là vị Quản xứ lâu dài (33 năm) và gương mẫu, ngài cùng sống cuộc sống của giáo dân. Chính ngài luôn dạy các trẻ, thiết lập vài họ nhánh (với không ít khó khăn), chỉnh trang và chăm lo gìn giữ các nhà thờ. Năm 1940, ngài vào bệnh viện Huế. Cảm thấy cái chết đến gần, ngài bảo đưa mình về Kẻ Văn. Ngài mất ngày 10-09-1940 và được an táng tại giáo xứ trước nhà thờ, nay được đưa vào bên trong.

5) Cha Anrê Huỳnh Văn Ấm (1940-1944)

Tuy gốc Kim Long, thuộc đất kinh thành, đáng lẽ cha có tác phong văn minh tao nhã. Nhưng ngược lại, để hòa đồng với giáo dân, ngài như một bác nhà quê, ăn mặc hết sức tầm thường, áo vải thô, quần xăn lên tận đầu gối, trông có vẻ quê mùa. Ngài đi chiếc xe đạp kêu cọc cạch. Có khi hư cả pêđan mà vẫn để vậy.

6) Cha P.X. Lê Văn Định (1944-1953).

Ngài ở đây cho tới khi bị mù hai mắt, phải về hưu tại nhà chung Huế. Vậy mà năm 1955, lại vào Đà Nẵng giúp cha Đỗ Bá Ái ở trại định cư Tam Tòa. Năm 1957, ra Đông Hà giúp cha Trần Thanh Minh là nghĩa tử. Cha Minh đổi vào Diên Sanh, ngài tiếp tục giúp cha Valour (cố Hoan).

7) Cha Giacôbê Trần Văn Thời (1950-1959).

Đang là phó ở Kẻ Văn, khi cha Định về hưu, ngài lên thay thế. Về sau, trong biến cố Mậu Thân 1968, đang khi coi sóc Giáo xứ Nước Ngọt, ngài bị bắt đem lên núi 2 tháng 5 ngày, sau được phóng thích về Huế.

8) Cha Phaolô Mai Xuân Hiến (1959-1968)

Chiến cuộc Mậu Thân vào cuối nhiệm kỳ của ngài đã làm sụp đổ nhà thờ to đẹp do cha Auguste Gilbert (cố Quý) xây dựng khi làm Quản xứ Kẻ Văn (1895-1907). Theo lịch sử, đây là nhà thờ thứ tư của giáo xứ[13]. Nhà thờ Hòa Viện, Giáo họ của Kẻ Văn và nằm đối diện với nhà thờ Kẻ Văn, cũng bị hư hại trong chiến cuộc 1968.

Từ 1968-1973, do tình hình chiến tranh ngày càng sôi động, Giáo xứ Kẻ Văn có lẽ được cha Phêrô Hoàng Kính là Quản xứ Lương Điền kiêm nhiệm.

Sau biến cố Mậu Thân, giáo xứ lại phải dâng lễ trong nhà thờ bằng gỗ thông, ván ép, cứ như vậy suốt 34 năm trời, bên cạnh những khó khăn về tinh thần lẫn vật chất thập niên 1975-1985.

 9) Cha Giuse Trần Văn Phước (1973-1975)

Đang là phó cha Hoàng Kính ở Mỹ Chánh (từ 7-7-1973) được đổi về làm Quản xứ Kẻ Văn từ 10-10-1973

10) Cha Giuse Trần Văn Tuyên (1975-1996).

Năm 1992 cha Giuse đã xây dựng lại một nhà nguyện mới, nhưng cũng chỉ tạm thời để che nắng che mưa.

 

Nhà thờ Kẻ Văn cũ, cha Trần Văn Tuyên xây dựng năm 1992

11) Cha P.X. Trần Phương (1996-2008).

Ngài thực hiện một loạt công trình xây dựng. Năm 1998: nhà xứ Kẻ Văn. 1999: nhà Mục vụ Kẻ Văn, tường quanh nhà thờ, đài Thánh Tử đạo Lê Đăng Thị, tường thành chung quanh các nhà thờ Phú Kinh, Hưng Nhơn, Hội Điền.

Năm 2001: Xây nhà xứ và nhà chống lụt tại Hội Điền, 2003: cơi nới nhà thờ Hưng Nhơn. 2004: cải tạo nhà thờ Phú Kinh, 2005: Xây đài Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ Kẻ Văn

12) Cha Phaolô Trần Văn Quang (2008-2018)

Đến năm 2009, được phép của Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể, cha Quản xứ và giáo dân Kẻ Văn khởi công xây dựng một ngôi thánh đường mới. Đức Giám mục Phụ tá Phanxicô Lê Văn Hồng đặt viên đá đầu tiên ngày 8-6-2009. Nhà thờ mới này có diện tích 680m vuông, chiều dài 40m, chiều rộng 17m, mặt tiền có ba tháp, một tháp chính và hai tháp phụ, tháp chính cao 33m tính từ mặt đất đến đỉnh Thánh giá. Ngôi nhà thờ được xây dựng theo lối kiến trúc cổ điển Gothique cách tân, mang dáng dấp của ngôi nhà thờ xưa cũ đã bị đổ nát vì bom đạn năm 1968. Thời gian xây dựng là 2 năm 10 tháng (08/6/2009-08/4/2012). Nền nhà thờ cao để tránh lụt vốn luôn phủ ngập vùng trũng này.

Nằm sâu trong một làng quê hẻo lánh, tháp nhà thờ uy nghi, vươn cao sừng sững nói lên niềm tin kiên cường, bất khuất bao đời của giáo dân Kẻ Văn. Phía trước nhà thờ có lăng các thánh Tử đạo thời Văn Thân.

Tiếp theo đó, tháng 7-2012, cha sở Phaolô cho khởi công xây dựng nhà thờ giáo họ Hội Điền và hoàn tất tháng 4-2015. Cũng to tát, đẹp đẽ và nền cao như nhà thờ Kẻ Văn[14].

13) Cha Micae Nguyễn Văn Trường (từ 9/2018…

Đến tháng 09-2018, bề trên Giáo phận bổ nhiệm cha Micae Nguyễn Văn Trường về thay thế. Cha Phaolô Trần Văn Quang được điều về làm Quản xứ Dương Sơn.

III. HOA TRÁI ĐỨC TIN

1/ Thánh tử đạo

Giáo xứ Kẻ Văn vinh dự có một vị tử đạo là thánh Giuse Lê Đăng Thị. Ngài sinh năm 1825. Làm cai đội dưới thời vua Tự Đức, bị xử giảo ngày 24-10-1860 tại An Hòa, được phong chân phước ngày 02-5-1909 do Đức Piô X, phong hiển thánh ngày 19-6-1988 do Đức Gioan-Phaolô II, kính ngày 24-10. Ngoài ra còn 264 vị Tử đạo vô danh khác (bị Văn Thân thiêu sát) mà bia và mộ phần chung vẫn còn trước sân nhà thờ như một chứng tích đức tin kiên cường anh dũng.

2/ Linh mục:

  1. Giuse Đỗ Bá Ấn (1904-1932-1985)
  2. Giuse Trần Thắng Trung (1917-1948-2002)
  3. Giuse Đỗ Bá Ái (1925-1951-…) (Nha Trang)
  4. Giacôbê Đỗ Bá Công (1934-1961-…) (Hoa Kỳ)
  5. Phêrô Đỗ Thanh Châu (1936-1973-…) (Hoa Kỳ)
  6. GB. Lê Đăng Niêm (1937-1966-2019)
  7. Giacôbê Lê Sĩ Hiền (1942-1972-…)
  8. Giacôbê Đỗ Bá Đăng (1949-1976-1976)
  9. Maria Lê Đăng Ảnh (1949-1979-2012)
  10. Bênađô Trần Lương (1955-1995-2013)
  11. Phaolô Trần Thắng Thế (1954-1996-…)
  12. Giuse Lê Văn Hồng (1978-2010-…)
  13. Phaolô Lê Văn Vĩnh (1972-2008-…) Giáo phận Xuân Lộc
  14. Giuse Trần Văn Duy (1981-2015-…) Mục vụ Pháp quốc
  15. Thầy Gioakim Đỗ Bá Thái (1960-Pt 2019) Giáo phận Sài Gòn

3/ Tu sĩ

  1. Anna Đỗ Thị Loan, sinh 1895, khấn Dòng 1931, qua đời 1984, Dòng CĐMVN.
  2. Matta Lê Thị Thoan, sinh 1905, khấn Dòng 1935, qua đời 1984, Dòng CĐMVN.
  3. Isave Lê Thị Đức, sinh 1908, khấn Dòng 1936, qua đời 1987, Dòng CĐMVN.
  4. Anna Lê Thị Tin, Dòng MTG Huế
  5. Maria Trần Thị Tường Vy, sinh 1985, vĩnh khấn 2014, Dòng MTG Huế.

6- Maria Trần Thị Chi, sinh 1987, tiên khấn 2015, Dòng MTG Huế.

  1. Luxia Đỗ Thị Diễm My, sinh 1993, tiên khấn 2019, Dòng MTG HUẾ.

 4/ Giáo dân

– Năm 1691, 120 người (theo báo cáo của cha Laurensô Lâu gởi Đức cha Laneau,

– Năm 1715, 400 người

– Năm 1887, 379 người (sau vụ tàn sát của Văn Thân)

– Năm 1939, 1.174 người (theo báo Les Missions Catholiques en Indochine, Hong Kong).

– Năm 2015, 675 người. (Kẻ Văn: 150; Hưng Nhơn (Kẻ Vịnh): 120; An Thơ: 45; Phú Kinh: 170; Hội Điền: 160; Hòa Viện: 30).

– Năm 2019: 563 người (theo Lịch Công giáo Giáo phận Huế)

Các hội đoàn cộng tác với cha quản xứ để công việc mục vụ được tiến triển tốt đẹp gồm có: Hội đồng Giáo xứ, Legio Mariae, Cha mẹ Gia đình….

*******************************

GIÁO HỌ HƯNG NHƠN (KẺ VỊNH)

 

Nhà thờ Hưng Nhơn và lăng Tử đạo

1- Vị trí địa lý

Giáo họ và nhà thờ Hưng Nhơn (Kẻ Vịnh) thuộc xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách Tòa Giám mục Huế khoảng 42 km về phía tây bắc. Kẻ Vịnh không xa Kẻ Văn, đi dọc theo con kênh về phía tay phải khoảng 1km sẽ thấy nhà thờ Kẻ Vịnh, dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

2- nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển

2.1 Những tổ tiên từ miền Bắc.

Trước đây vùng đất này thuộc người Chàm, sau được Chế Mân dâng làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân đời vua Trần Nhân Tông vào năm 1306. Danh xưng sông Ô Lâu, đền thần nông, giếng vuông nằm ở ngoài đồng (một loại giếng mà người Chàm thường đào để dùng, di tích sau này đã bị lấp vào năm 1975 khi lập hệ thống thủy lợi): tất đều thuộc văn hóa Chàm.

Theo gia phả họ Trần Công mà bác Trần Công Toản (ở Tây Linh, nay đã mất) hiện lưu giữ, làng Kẻ Vịnh nay gọi là Hưng Nhơn do các ông thuộc họ Trần, Lê và Nguyễn từ Bắc vào thành lập. Riêng họ Trần Công từ Khuê Sơn tỉnh Thanh Hóa theo chúa Nguyễn vào đây và lập làng. Hiện vẫn còn đình (giáp xã An Thơ) thờ vị khai canh này tên Trần Quý với tước Hàn Lâm viện Thị thư (giữ việc thư pháp)

2- Được các thừa sai Dòng Tên thành lập và coi sóc

Năm 1627, vâng lời bề trên, cha Alexandre de Rhodes đã từ Nam ra Bắc (Đàng Ngoài) để truyền giáo. Nhận thấy tình hình tôn giáo khó khăn, cha đã lập hội Thầy giảng gồm 2 bậc. Bậc 1 gồm những thanh niên độc thân, nếu xét được, sẽ cho đi học làm linh mục. Bậc 2 gồm những người đã lập gia đình khấn. Sau đó, vào lại Nam, ngài cũng lập hội thầy giảng cho Đàng Trong năm 1642. Tại vùng Dinh Cát, các thầy giảng đã hoạt động âm thầm để giúp giáo dân giữ đạo

Năm 1685 cha chính Labbé đi kinh lược vùng Dinh Cát và cho biết cạnh làng Văn Quỹ (Kẻ Văn) có một làng tên là Kẻ Đôi (Kẻ Vịnh). Làng nầy có 30 gia đình mà một nửa theo Công giáo.[15] Và có thể đã có một nhà thờ tranh tre làm trước năm 1685.

Năm 1692, cha Emmanuen-Lôrensô Lâu (Long) đi thăm các giáo xứ vùng Dinh Cát và có nhắc đến Kẻ Vịnh. Trong báo cáo gởi cho bộ Truyền bá Đức tin, cha Lâu cho biết Giáo xứ Kẻ Vịnh có 40 giáo hữu.[16]

Năm 1694, cũng qua báo cáo của cha Lâu gởi ĐC Laneau, được biết giáo hữu Kẻ Vịnh thuộc vùng Ruộng Sâu tăng lên 50[17].

Năm 1701, trong báo cáo gởi bộ Truyền bá Đức tin, ĐC Labbé có đề cập Giáo xứ Kẻ Vịnh cùng với các họ đạo Cam Lộ, Phan Xá, Ngô Xá, Vinh Hưng, Văn Quỹ, Cầu Hai, Dương Sơn…[18].

Năm 1773, Dòng Tên tạm thời bị giải tán. Vùng Dinh Cát được giao cho các cha hội Thừa sai Paris và các linh mục bản xứ.

2.2- Lớn lên trong gian khổ thời các chúa và vua nhà Nguyễn

(Xem trên, phần nói về Kẻ Văn)

Trong vụ tấn công ngày 23-7 năm Ất Dậu (7-9-1885), quân Văn Thân theo đường bộ xông vào Kẻ Văn, rồi đi thẳng xuống Kẻ Vịnh. Kẻ Vịnh đã có 30 giáo dân bị giết chết.

Trong số những vị tử đạo nói trên, gia phả họ Trần Công cho biết mình đã có những con cháu sau đây: Tỉnh, thị Đức (Dòng Mến Thánh Giá), thị Luật, Hội, thị Ngùy, Mùi, Nguyệt, thị Ba, thị Tiền, thị Cần, Tế, Giá, thị Loan, thị Hồng, thị Hoạt, thị Minh, Hoạt, Quý, thị Long, Điểm.

Trong vụ tấn công Văn Thân vào Kẻ Vịnh (1885), nhà thờ hẳn cũng bị đốt phá tan tành.

Vào thời gian làm quản xứ Kẻ Văn kiêm Kẻ Vịnh (1895-1907), cha Auguste Gilbert (cố Quý) đã cho xây nhà thờ Kẻ Văn và cũng cho làm lại nhà thờ Kẻ Vịnh. Nhà thờ sau nầy đã bị sụp đổ vì bom đạn trong thời chiến khoảng năm 1967. Hiện chỉ còn trơ lại nền nhà thờ cũ.

Nhà thờ Kẻ Vịnh hiện tại xây trên nền nhà thờ cũ, nhưng kích thước nhỏ hơn: rộng 5m, dài 10m, do cha Giuse Trần Văn Tuyên làm năm 1991. Nhà thờ có mái uốn vươn lên nhẹ nhàng với tượng Đức Mẹ chắp tay cầu nguyện. Phía trên là hình chim bồ câu biểu tượng Chúa Thánh Thần với 2 cánh đang mở ra ngự xuống. Trước sân nhà thờ hiện có mộ tập thể và bia tử đạo của giáo dân Kẻ Vịnh bị Văn Thân sát hại vào năm 1885.

3- Hoa trái đức tin

1) Lm. Hiêrônimô Nguyễn Đức Phú, Dòng Thánh Tâm (1913-1968-2007)

2) Lm. Phêrô Trần Công Vang, DCCT (1950-1983-) Hoa Kỳ

3) Lm. Phaolô Nguyễn Đức Sách. (hồi tục)

********************

GIÁO HỌ AN THƠ

Nhà thờ An Thơ

1- Vị trí địa lý

Giáo họ và nhà thờ An Thơ thuộc xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách Tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 42 km về phía tây bắc. Đi dọc con hói Kẻ Vịnh, xuôi về phía dưới khoảng 2 km, sẽ thấy nhà thờ An Thơ hiện ra. Đây là công trình nhỏ gọn (rộng 6m, dài 8m), kiến trúc đơn giản, không nét hoa văn rườm rà. Tất cả đều tỏa lên sự đơn sơ mộc mạc.

2- Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển

Giáo xứ An Thơ được thành lập vào đời Duy Tân (1907-1916). Vua lên ngôi lúc còn nhỏ (7, 8 tuổi), nên việc nước đều do quan Phụ chánh Trương Như Cương đảm trách. Chủ trương giết đạo đánh Pháp xem ra lỗi thời, không còn thích hợp. Đó là thời gian Thế chiến I (1914-1918). Trong bối cảnh đó, đạo không còn bị làm khó dễ, và việc truyền giáo lại được đẩy mạnh.

Về phía Giáo phận Huế, đó là vào thời Đức cha Eugène Allys (Lý) (1908-1930). Ngay từ khi còn là linh mục, ngài đã sốt sắng truyền giáo, tìm cách đưa nhiều người trở lại đạo.

Trong hoàn cảnh thuận lợi cả đạo lẫn đời đó, cha Maillebuau (Nhiệm), Quản xứ Kẻ Văn lúc ấy (1907-1940), cũng đã nhiệt thành mở Nước Chúa. Từ Kẻ Văn, Kẻ Vịnh, ngài truyền giáo xuống An Thơ nói riêng và vùng Dinh Cát nói chung. Phải chăng nhờ máu thánh tử đạo của Kẻ Văn (264 vị), Kẻ Vịnh (30 vị) trong vụ Văn Thân tấn công vào các họ đạo năm 1885 mà An Thơ đã đón nhận Tin Mừng?

Lúc bấy giờ khoảng 7 hay 8 gia đình trở lại đạo. cha Maillebuau liền mua đất làng lập họ và dựng nhà thờ; có thể đó là nhà thờ đầu tiên của giáo họ An Thơ. Nay nhà thờ nầy đã bị chiến tranh tàn phá, gần như bình địa, chỉ còn lại bờ móng cũ kỹ, rêu phong. Nhà thờ hiện có nằm trên nền nhà thờ cũ, do cha Giuse Trần Văn Tuyên xây dựng vào năm 1993

Từ 1910-1957, họ An Thơ phát triển chậm, vì dựa vào số gia đình trên làm nòng cốt, rồi sinh con đẻ cháu mà nhân lên.

Từ 1957-1958, có khoảng 5 đến 7 gia đình trở lại. Nhưng sau biến cố 1963[19], các gia đình nầy lại bỏ đạo vì lý do thời cuộc.

Nay Giáo xứ An Thơ còn 10 gia đình khoảng 65 người, được cha Quản sở Kẻ Văn là Micae Nguyễn Văn Trường coi sóc.

3- Hoa trái đức tin.

– Linh mục Phaolô Nguyễn Thanh Vũ (sn: 1970, lm: 2005), Giáo phận Bà Rịa Vũng Tàu

– Nữ tu Matta Lê Thị Thu (sn: 1977, kd: 2004), Dòng MTG Huế.

********************

GIÁO HỌ PHÚ KINH

Nhà thờ Phú Kinh

1- Vị trí địa lý

Giáo họ và nhà thờ Phú Kinh thuộc xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách Tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 41 km về phía tây bắc.

2- Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển

Năm 1908, khi Đức cha Louis Caspar (Lộc) xin từ chức, cha Eugène Allys, Quản xứ Phủ Cam, được Tòa thánh chọn làm Giám mục. Một trong những lý do là lúc còn ở tại Phủ Cam, Đức cha đã lập nhiều nhóm tông đồ giáo dân, gởi họ đi vào các vùng nông thôn để mở đạo, rửa tội các trẻ sơ sinh ngoại giáo lâm cơn nguy tử.

Chính trong bối cảnh tôn giáo và xã hội ấy, Phú Kinh đã đón nhận Tin Mừng. Về nguồn gốc giáo họ, bác Nguyễn Khâm (người lớn tuổi của giáo họ, có hiểu biết lịch sử) cho biết Phú Kinh được thành lập vào những năm 1897-1900 do cha Auguste Gilbert, Quản xứ Kẻ Văn. Lúc bấy giờ cha đang hoạt động truyền giáo tại vùng Dinh Cát cũ. Một số bà con đã lên Kẻ Văn học đạo và trở lại. Cha còn mở lớp Tông đồ giáo dân, theo gương cha Allys.            

Sau khi có nhiều người trở lại đạo, nhờ mối tương giao tốt đẹp giữa giáo dân với lương dân, làng đã hiến đất để làm nhà thờ và dân làng đã giúp xây dựng. Đây là một nét đẹp đáng trân trọng của người dân nơi đây.

Vào đời cha Maillebuau, gần một phần ba dân làng Phú Kinh trở lại đạo. Theo nhận xét của bác Khâm, đó là hoa trái từ hạt giống máu tử đạo mà giáo dân Kẻ Văn và Kẻ Vịnh đã đổ ra trong vụ Văn Thân thiêu sát.

Được biết những năm cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn (sau nầy lên Giám mục 1876-1935-1948), ở phó Giáo xứ Kẻ Văn, đồng thời giúp cha Gilbert phụ trách Phú Kinh (1903-1907), giáo họ này trở nên sống động. Các giáo dân Phú Kinh lớn tuổi nay còn nhớ những buổi văn nghệ, những đoàn múa lân do cha Cẩn và một thầy giúp xứ tổ chức. Cha Giuse Lê Hữu Huệ (1903-1934-1984, em ruột Đức cha Lê Hữu Từ) cũng kế thừa truyền thống nầy, lúc ngài làm phó cho cha Maillebuau và ở Phú Kinh như biệt sở (1936-1940).

Những màn trình diễn vui nhộn, những tiếng trống lân rộn ràng là những kỷ niệm khó quên nơi những tâm hồn dân quê chất phác nầy. Sau khi cha Giuse Huệ đổi về Lại Ân (1940-1948), tinh thần đạo đức họ Phú Kinh bị giảm sút.

Trước năm 1945, số người trở lại nhiều. Giáo họ Phú Kinh có hơn 30 gia đình.

Năm 1963, số giáo dân lại giảm xuống, một số người bỏ đạo.

Sau 1975, khoảng 15 gia đình vào miền Nam để làm ăn sinh sống.

Năm 1994, chỉ còn 24 gia đình gồm hơn 120 giáo dân.

Năm 2019: ????

3- Ngôi nhà thờ giáo họ

Được biết nhà thờ Phú Kinh đầu tiên làm bằng tranh tre do cha Gilbert cho cất lúc làm Quản xứ Kẻ Văn (1895-1907). Sau nầy cha Maillebuau (1907-1940), đã cho xây lại bằng gạch, lợp ngói, có tháp, ngài cũng làm nhà xứ cho giáo họ này nữa. Năm Mậu Thân (1968), nhà thờ bị bom đạn làm sụp đổ.

Năm 1993, cha Giuse Trần Văn Tuyên đã cho xây nhà thờ Phú Kinh như hiện có, kể cả nhà lều. Bác Nguyễn Khâm (63 tuổi), ông câu họ, tham gia thiết kế.

Nhà thờ Phú Kinh hiện tại kết hợp hai phong cách kiến trúc đông tây với một tam giác cân ở giữa, có Thánh giá ngự bên trên, với hai tháp tả hữu, thấp hơn, có mái uốn cong duyên dáng và Thánh giá nhỏ trên đỉnh. Hai tháp trổ cửa phía trước và hai bên hông, với một hành lang nối cả hai lại.

Thoạt trông nhà thờ phảng phất hình dáng đình chùa Việt Nam mà vẫn không mất vẻ đặc thù của thánh đường Công giáo. Đó là nét riêng của nơi thờ phượng này. Kích thước: rộng 6m, dài 8m. Kinh phí xây dựng: 80 triệu đồng. Xây trên nền nhà thờ cũ.

Giữa một vùng đồng quê có lũy tre bao bọc, với xóm làng chụm lại với nhau, với dòng sông Ô Lâu chảy qua trước mặt, thánh đường Phú Kinh tạo ra một sự gần gũi thân mật với người Việt Nam không phân biệt lương giáo. Cung thánh với những họa tiết trang trí vừa phải, tạo thành 3 phần rõ rệt với đường uốn lượn nối liền, với các trụ đắp nổi, toát lên một vẻ tôn nghiêm linh thánh thường gặp ở các thánh đường Công giáo dù lớn hay nhỏ.

4- Hoa trái đức tin

* Linh mục

– Giuse Lê Văn Hồng (1978-2010-)

* Nữ tu:

– Isave Lê Thị Hòa, sinh 1970, khấn trọn 2007, Dòng MTG Huế,.

– Mađalena Lê Thị Hậu, sinh 1986, khấn trọn 2017, Dòng MTG Huế.

– Anna Nguyễn Thị Thương, sinh 1989, tiên khấn 2017, Dòng MTG Huế.

– Anna Nguyễn Thị Thu Hà, sinh 1990, tiên khấn 2017, Dòng MTG Huế.

– Madalena Nguyễn Thị Thủy, sinh 1984, khấn trọn 2018, Dòng CĐMĐV,

– Êlisabet Nguyễn Thị Huệ, sinh 1985, khấn trọn 2019, Dòng CĐMĐV.

– Maria Nguyễn Thị Hồng Vân, sinh 1990, tiên khấn 2018, Dòng CĐMĐV.

*******************
GIÁO HỌ HỘI ĐIỀN

Nhà thờ Hội Điền cũ và mới (2015)

1- Vị trí địa lý

Giáo họ và nhà thờ Hội Điền thuộc thôn Hội Điền, xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách Tòa Giám mục Huế khoảng 45 km về phía tây bắc

2- Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển

Ngày 19-9-1885, Đồng Khánh lên ngôi thay thế Hàm Nghi. Cuối năm 1886 tình hình lắng dịu, vua ngự giá an dân các tỉnh phía Bắc, khuyến khích “lương giáo đôi bên tương an”. Ngày 27-12 Mậu Tý (28-1-1889), Đồng Khánh lâm bệnh và qua đời lúc 25 tuổi, làm vua được 3 năm. Ông hoàng Bửu Lân được hai nhà nước Việt – Pháp tôn lên làm vua, hiệu là Thành Thái (1889-1907).

Về tôn giáo, đó là vào thời Đức cha Caspar Lộc (1880-1907). Ngài đã có những việc làm như kêu gọi các giáo dân tỵ nạn Văn Thân về làng họ cũ, xây dựng và củng cố các họ đạo tan hoang trong các kỳ bắt đạo trước đó, tái thiết các nhà thờ bị đốt phá, chấn chỉnh các dòng tu, mở các tiểu và đại chủng viện.

Trong bối cảnh trên, giáo họ Hội Điền đã ra đời, có thể đã được thành lập khoảng 1897-1910.

Tuy nhiên, theo bác Trần Công Toản, người Kẻ Vịnh, sau vào ở Giáo xứ Tây Linh (nay đã mất), thì đất làng Hội Điền trước đây thuộc xã Hội Kỳ. Người Hội Điền nguyên là dân chài lưới, bắt cá, đánh chim. Theo sắc lệnh vua Khải Định công bố, thì cứ 30 dân họp lại, có thể lập thành một ấp. Lúc bấy giờ những dân chài chất phác nầy đã nhờ cha Maillebuau đứng ra làm đơn xin. Quan chánh tổng bấy giờ là ông Trần Công Cử, đã chấp đơn. Và làng Hội Điền ra đời, được phân địa, phân điền gồm 60 mẫu ruộng.

Nhớ ơn cha Maillebuau, toàn thể dân làng Hội Điền đã xin theo đạo. Từ Hội trong tên Hội Điền là để nhớ vùng đất gốc, quê quán cũ của dân làng là Hội Kỳ. Mà cha Antoine Maillebuau làm Quản xứ họ Kẻ Văn từ 1907 đến 1940. Vậy giáo xứ và làng Hội Điền ra đời vào khoảng thời gian nầy. Đây là một dải đất được ruộng sâu bao bọc ba phía, còn phía bắc bởi con hói chạy dọc sau làng. Dải đất dài không quá 1 km và rộng khoảng 400m.

Sau năm 1975, Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể, lúc bấy giờ là Giám mục phó cho Đức cha Nguyễn Kim Điền, đã ngồi ghe ra Giáo xứ Hội Điền ban phép Thêm sức, không ngại khó khăn vì đoàn chiên bé nhỏ.

Đa số giáo dân Hội Điền sống bằng nghề nông, một ít bằng nghề nuôi vịt bầy thả ngoài đồng. Vì còn nghèo phải ăn trước trả sau nên cái khó cứ đeo đẳng họ mãi. Vào mùa gặt, các chủ nợ đem ghe đến chở lúa gần như hết sạch. Trong nhà có người đau, nhiều lúc không đủ tiền mua thuốc.

Nhưng trong cảnh thiếu thốn và vất vả đó, giáo dân Hội Điền vẫn tương trợ lẫn nhau. Hằng năm, khi có nhà nào cần sửa chữa hay làm lại, cả giáo xứ kéo nhau đến giúp.

Trước đây, vào những năm linh mục đi lại khó khăn, giáo dân Hội Điền thường chống ghe ban đêm lên Kẻ Văn dự lễ. Hiện tại, nhà nước đã cho làm đường lộ nên việc giao thông thuận tiện hơn cho cư dân trong vùng

Giáo xứ Hội Điền gồm 2 xóm: xóm trên và xóm dưới cách nhau bởi con hói chạy qua thôn chia hai họ đạo. Xóm trên ở phía tay phải và cao hơn.

Giáo dân Hội Điền hiện có 164 người, gồm những bà con xa gần trong các nhánh họ và một số người không bà con với nhau.

3- Ngôi nhà thờ giáo họ

Theo những giáo dân lớn tuổi ở Hội Điền thì nhà thờ đầu tiên của giáo họ được cha Gilbert (Quý) cho xây dựng trong những năm ngài làm cha sở Giáo xứ Kẻ Văn (1895-1907). Nhà thờ dâng kính Thánh Giuse (19-3).

Đây là một nhà thờ cổ kính, rêu phong, có những hoa văn tỉ mỉ và khá tinh xảo. Nhà thờ còn có chiếc tháp cao ở phía trước. Nghe nói tháp này lung lay mỗi lần chuông đặt trong tháp được kéo, nên vào năm 1993 cha Giuse Trần Văn Tuyên đã cho gia cố lại và dời chuông sang một tháp gỗ tách biệt với nhà thờ.

Kiến trúc bên trong thánh đường là nhà rường Việt Nam với hai hàng cột giữa và hai hàng cột hai bên. Đây là một bộ giàn trò với các vì kèo chạm trổ hoa lá sắc sảo. Nhà thờ có kích thước: rộng 8m, dài 20m.

Qua dòng thời gian, chịu ảnh hưởng của thời tiết lẫn chiến tranh, nhà thờ có nhiều vết nứt trên tường và ngôi tháp cũng đã bị nghiêng. Vào năm 2012, được phép của Đức Tổng Giám mục Têphanô, Linh mục Quản xứ là Phaolô Trần Văn Quang đã cho triệt hạ nhà thờ cũ để xây dựng lại. Ngày 10-5-2012, Đức Giám mục Phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ mới cho giáo họ, với chiều dài 32m, chiều rộng 14m và tháp cao 28m. Ngôi nhà thờ đã được hoàn thành và làm phép ngày 23-04-2015.

5- Hoa trái đức tin:

* Linh mục:

– Đôminicô Võ Văn Thông (1954-2002….

* Nữ tu:

– Anna Nguyễn Thị Mỹ, sinh 1978, vĩnh khấn 2009, Dòng MTG Huế.

– Maria Nguyễn Thị Thuỷ, sinh 1978, vĩnh khấn 2009, Dòng MTG HUẾ.

– Maria Nguyễn Thị Hồng Phúc, sinh 1988, vĩnh khấn 2018, Dòng MTG Huế.

Sinh hoạt trong Giáo xứ có: Hội đồng giáo xứ, Hội hiền mẫu và gia trưởng, ca đoàn n

***********************

GIÁO HỌ HÒA VIỆN

1. Vị trí địa lý:

Giáo họ Hòa Viện nay thuộc xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách Tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 40km về phía tây bắc.

Giáo họ nầy có điểm đặc biệt: về hành chánh thì thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhưng về tôn giáo thì thuộc hạt Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, trực thuộc cha Quản xứ Kẻ Văn.

2. Hình thành và phát triển giáo họ:

Cho đến nay, không có tài liệu nào nói đến thời điểm hình thành giáo họ nầy. Chúng ta có thể dựa vào câu chuyện sau đây về cha Giuse Tống Văn Vĩnh[20] để suy đoán sự ra đời của giáo họ:

Ngài sinh tại Hòa Viện (Phong Điền) năm 1825, sau nhập Phủ Cam. Có tên khác là Chức. Cha mẹ mất sớm, ngài phải học nghề thợ nhuộm để kiếm kế sinh nhai, nuôi 3 em dại.

Hồi cha chính Jean Labartette (An) tới lập chủng viện Dương Sơn, lối năm 1840, ngài sắm thêm một máy in chữ, lúc đó chú Vĩnh trở thành một tay thợ khắc chữ trên gỗ nổi tiếng.

Là nghĩa tử của linh mục Anrê Nguyễn Hòa An, thầy nhập học trường Pinang ngày 27-4-1843 tới 17-4-1851. Lãnh phép cắt tóc ngày 25-7-1852, bốn chức nhỏ 23-01-1853, chức năm 19-2-1854, chức sáu ngày nào không rõ.

Dầu ngài nói tiếng Latinh thành thạo, bề trên vẫn để ngài làm thầy giảng cho tới khi lãnh chức linh mục ngày 8-3-1879. Lúc nầy ngài đã 54 tuổi.

Đức cha Pontvianne (Phong) đặt ngài làm cha phó xứ Thừa Lưu, biệt sở Phú Lộc, sau đó làm cha sở Nước Ngọt (1880)

Cuộc tàn sát của quân Văn Thân do phò mã Cát điều khiển khiến 35 giáo hữu họ đạo Truồi và 12 giáo hữu họ đạo Cầu Hai bị giết ngày 6-12-1883. Vào ngày 7-12-1883, cha Vĩnh chuẩn bị cho giáo hữu của ngài ở Nước Ngọt sẵn sàng chịu chết vì đạo. Ngài nói với họ: “Anh chị em ai muốn trốn thì trốn. Còn tôi già rồi tôi xin ở lại”.

Suốt cả đêm đó, ngài giải tội cho giáo hữu dọn mình chết. Sáng hôm sau, ngài chuẩn bị dâng Thánh lễ như thường lệ, thì quân Văn Thân đột nhập vào. Khi thấy ngài, chúng dùng mã tấu bửa vào đầu. Ngài chết ngay tại chỗ, thọ 58 tuổi, 4 năm linh mục.

Xác ngài chúng ném xuống ngay một cái giếng gần nhà cha sở. Về sau cha Giuse Nguyễn Thế Chánh cho cải táng với 44 giáo hữu bị thiêu sống trong nhà thờ.

Với tiểu sử cha Vĩnh như vậy, chúng ta có thể suy đoán: Giáo họ Hòa Viện có thể đã lãnh nhận hạt giống Tin mừng và cuối thế kỷ XIX hoặc đầu thế kỷ XX.

3. Hoa trái đức tin:

– Linh mục:

+ Giuse Tống Văn Vĩnh (1825-1879-1883)

– Nữ tu:

+ Tống Thị May, Dòng MTG Trí Bưu, bị bắt và chôn sống thời 1947-1948 tại Thanh Hương.

+ Trần Thị Lan, Dòng MTG Huế, gia đình di cư vào Nam.

4. Nhà thờ Hòa Viện[21]

Ông Tống Viết Hoàng, 84 tuổi, người cao niên nhất giáo họ Hòa Viện hiện nay cho biết: ông lớn lên đã có nhà thờ và nhà thờ được trùng tu hai lần: năm 1945 và khoảng năm 1967.

Giáo dân Hòa Viện, phần lớn, đã di cư vào miền nam sinh sống, hiện nay chỉ còn lại số ít mà thôi. Kế sinh nhai của họ vẫn là nông nghiệp.

——————————————————————–

[1] “Kẻ” (danh từ, nghĩa cũ): đơn vị dân cư, thường là nơi thành thị hoặc nơi có chợ búa (Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2007, tr.748).

[2] Về sau trở thành Giám mục phó (1648-1697-1723) cho Đức Cha chính Francisco Pérez (1643-1687-1728)

[3] Hội Thầy giảng là tổ chức do cha Đắc Lộ Dòng Tên thiết lập ở Đàng Ngoài năm 1627 và ở Đàng Trong năm 1642. Có hai bậc: bậc nhất gồm những người nam sống độc thân (có thể cho đi học để làm linh mục) và bậc hai gồm những người nam có gia đình (có thể chọn làm chức việc trong giáo xứ).

[4] Năm 1739, Đức cha Elzear-François des Achards de la Baume, Khâm sai Tòa thánh tới Huế để giải quyết vấn đề phân chia địa giới truyền giáo giữa các Dòng tu đang tranh chấp nhau. Kết quả giải quyết là vùng Dinh Cát được giao cho các Thừa sai Dòng Tên trong đó có giáo xứ Kẻ Văn, vì các ngài đã đến truyền giáo ở đây ngay từ lúc đầu. Năm 1773, Tòa thánh giải thể Dòng Tên, giáo đoàn Dinh Cát mới được giao cho các linh mục thuộc hội Thừa sai Paris (MEP) và các linh mục Việt Nam coi sóc. (x. Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques II, 1728-1771. Paris, Téqui, 1924, tr. 81). 

[5] Cha Labbé còn cho biết cụ Ximong là người giúp việc cho một trong các phò mã (rể chúa Hiền), thông minh và can đảm. Thấy mưu đồ xấu xa của đám người ngoại đạo, cụ đã lập một danh sách những vụ ăn chặn đất đai của các viên chức đầu làng, giả vờ đem trình lên chúa. Thấy vậy, đám người ngoại đã hạ heo mở tiệc làm hòa với cụ và hứa sẽ không làm khó dễ người bên đạo nữa (x. Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques I, 1658-1728. Paris, Téqui, 1923, tr. 330). 

[6] Cha Manuel Bổn gốc Đồng Nai, sinh khoảng năm 1654-1655, được Đức Giám mục Laneau phong chức tại Xiêm khoảng năm 1685. Vì có một linh mục khóa đàn anh trùng tên (Manuel Nguyễn Văn Bổn, được ĐC Lambert de la Motte tấn phong, mất năm 1698), nên sau ngài đổi tên thành Emmanuêlê Lân/Long hay Lôrensô Huỳnh Văn Lâu. Mất khoảng 1733. (Lê Ngọc Bích, Những Giáo dân, Tu sĩ, Linh mục Việt Nam thế kỷ XVII, tr. 238.243).

[7] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques I, 1658-1728 , tr. 353-356.   

[8] Năm 1693, Cha Lôrensô Lâu đã đưa Đức Cha Francisco Pérez đi kinh lược và ban phép Thêm sức cho giáo dân vùng Dinh Cát. Đây là lần đầu tiên bóng dáng Giám mục xuất hiện ở vùng mới truyền giáo nầy. Trong thư gởi Đức cha Laneau đề năm 1693, cha Lâu cho biết Đức cha Pérez đã ban phép Thêm sức cho 54 giáo dân ở Kẻ Văn (A. Launay, sđd, q. I, tr. 425-429).

[9] A. Launay, sđd, q. I, tr. 568-569.

[10] Xem Stanislao Nguyễn Văn Ngọc và Giuse Nguyễn Văn Hội, Lịch sử Giáo phận Huế qua các triều đại vua chúa 1596-1945. 1993, trang 133-138.

[11] Vào năm 177, từ ấp Tây Sơn, tỉnh Bình Định, 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dấy binh chiếm thành Quy Nhơn. Ở bắc chúa Trịnh Sâm đem quân vào chiếm Quảng Bình, Dinh Cát, rồi thành Phú Xuân làm cho chúa Nguyễn phải chạy vào Gia Định (1775). Đất nước rơi vào cảnh chiến tranh giành ngôi báu giữa ba phe: Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn (1774-1801), đời sống dân chúng rất cơ khổ, đạo bị bắt bớ dữ dội.

[12]“Nhân dân trong nước phải giữ đạo tam cang, ngũ thường: quân thần phụ tử phu phụ, nhân lễ nghĩa trí tín.” “Đạo Gia Tô (Bồ Đào Nha) có nhiều tà khuyết phải cấm triệt để. Do đó, muốn ích quốc lợi dân, Hoàng đế truyền tiêu diệt đạo ấy là đạo đáng ghét. Phải phá tất cả nhà thờ, nhà xứ và bắt tất cả thừa sai, các linh mục VN.” (X. Lm Stanil. Nguyễn Văn Ngọc và Lm Gs. Nguyễn Văn Hội, Lịch sử GPH qua các triều đại 1596-1945. 1993, tr. 161)

[13] Có thể nhà thờ thứ nhất của Giáo xứ Kẻ Văn là một thánh đường bằng tranh tre do các cha Dòng Tên làm trước năm 1685, như suy ra từ câu chuyện cha CharlesMarin Labbé kể ở trên.

Năm 1740, Đức cha Elzear-François des Achards de la Baume, Khâm sai Toà thánh, có đến thăm các họ đạo vùng Ruộng Sâu và ghé viếng nhà nguyện thánh hiệu Phêrô của họ Kẻ Văn. (A. Launay, sđd, t. 2, tr. 73). Có thể đây là nhà thờ thứ hai được dựng lên sau hai năm bắt đạo (1714-1715) đời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Sau nầy, vào thời cấm đạo đời chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765), các nhà thờ đều bị triệt hạ. Nhà nguyện nầy hẳn cũng không tránh khỏi.

Trong vụ tấn công của Văn Thân (1885) vào giáo xứ Kẻ Văn, nhà thờ bị đốt. Nhà thờ nầy có thể là nhà thờ thứ ba được làm lại sau thời gian cấm đạo (24 năm) của chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát.

[14] Muốn tìm hiểu thêm về sinh hoạt hiện thời của giáo xứ Kẻ Văn, xin mời vào: http://giaoxukevan.blogspot.com/

[15] x. Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques I, 1658-1728. 1923, tr. 330. 

[16] A. Launay, sđd, T.I, tr. 423

[17] A. Launay, sđd, T.I, tr. 430

[18] A. Launay, sđd, T.I, tr. 502-503

[19] Tổng thống Công giáo Ngô Đình Diệm bị lật đổ và ám sát tại Sài Gòn.

[20] Tài liệu Tiểu sử các linh mục Giáo Phận Huế, tập 1.

[21] Hòa Viện có cái chuông, Gx Mỹ Chánh đang mượn dùng.

———————————————————————-

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.