Lược sử Giáo xứ An Đôn

08/08/2019

Lược sử

GIÁO XỨ AN ĐÔN

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ An Đôn thuộc Giáo hạt Quảng Trị, nằm bên bờ sông Thạch Hãn, cách Trung tâm Thánh mẫu Toàn quốc La Vang khoảng 4km về hướng Tây Bắc và cách tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 62km cũng về hướng Tây Bắc. Trên phương diện hành chánh, An Đôn là một phường thuộc thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Hạt giống đức tin từ dòng Tên và hội Thừa sai Hải ngoại

Bên bờ sông Thạch Hãn, về mạn Bắc, vào năm 1443 có hai vị tiền bối đã từ Thanh Hóa vào miền Trung lập nghiệp, đặt chân lên biền bãi cát, nơi hiện có lăng hai vị Thánh Tôma Thiện và cố PX. Phan (Jaccard).

Đến thế kỷ thứ 17, một số linh mục dòng Tên từ Áo Môn (Macao) tới truyền giáo xứ Đàng Trong. Với sự cộng tác của các thầy giảng và các giáo dân, họ đã thành lập được nhiều giáo xứ, từ Phú Yên đến sông Gianh, trong đó có giáo xứ An Đôn.

Năm 1664, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) bất mãn với người Bồ Đào Nha, nên các cha dòng Tên bị trục xuất. Cũng chính năm đó có các linh mục hội Thừa sai Hải ngoại Paris đến Giáo phận Huế. Cộng tác với cha Manuen Bổn, sinh hoạt từ Thừa Thiên, Quảng Trị đến Quảng Bình, các vị đã thành lập Giáo hạt Dinh Cát gồm 16 họ đạo trong đó có An Đôn. Năm 1668, ngôi nhà thờ đầu tiên của họ đạo được dựng lên bằng tranh tre thô sơ đơn giản. An Đôn lúc nầy cùng chung cha sở Manuel Bổn.

2- Lớn lên trong gian khổ

Năm 1690, Giáo hạt Dinh Cát có sự thay đổi. Cha Lôrensô Lâu (Long) về hạt được 43 năm, đặt trú sở tại giáo xứ Dương Lệ Văn, chịu biết bao cơn cấm cách bách hại.

Năm 1725 cũng chính cha Lôrensô Lâu, sau khi từ triều đình Huế trở lại Quảng Trị, đã chọn trụ sở ở Bố Liêu, đồng thời coi sóc An Đôn.

Năm 1733, cha Lôrensô ngã bệnh nguy tử, được cha Antoine de la Court xức dầu và an táng tại Bố Liêu. Trong thời gian nầy, An Đôn vẫn chung cha sở với giáo xứ Trí Bưu và nhiều giáo xứ khác trong giáo hạt Dinh Cát.

Năm 1780, nhà thờ An Đôn được xây lại bằng gạch lợp ngói và có quản xứ biệt lập. Nhưng ít lâu lại có cơn bắt đạo dữ dội khắp nơi giữa lúc 3 phe: Trịnh, Nguyễn và Tây Sơn giao chiến với nhau, khiến các linh mục phải lẩn trốn đó đây và nhờ các chức sùng đạo trong giáo hạt che chở.

Đến các năm 1883-1886, thời vua Hàm Nghi, có phong trào Văn Thân mở cuộc “Bình Tây Sát Tả” man rợ. Họ tấn công vào các giáo xứ nam Thừa Thiên, Bắc Quảng Trị và Nam Quảng Bình. An Đôn cũng không thoát khỏi.

Báo cáo năm 1923 của Đức cha Allys (Lý) có đoạn như sau về vụ Văn Thân tại An Đôn: “Ở hạ lưu Phước Môn, có giáo xứ An Đôn. Mặc dầu gần Quảng Trị và ở trong một làng lương dân tự nhiên thù hằn, họ đạo này đã mất ít giáo dân trong các cuộc tàn sát. Nhờ cha sở dẫn đi, các Kitô hữu đã chạy trốn vào núi và ở đó cho đến khi đoàn giải cứu đến. Khỏi nói là lúc trở về, hoàn toàn chẳng còn nhà cửa cũng như những thứ gì họ đã để lại. Hiện giáo xứ này đã được xây dựng lại đầy đủ”.

Theo Biên niên sử của hội Thừa sai Hải ngoại Paris, nguyên bản Pháp ngữ, qua bài “Những người tuyên tín từ 1848 đến 1862” của Lm. Bernard, xuất bản năm 1918, các trang 574-581, thì Giáo xứ An Đôn có 1 vị như thế trong thời gian này. Nguyên văn[1] tạm dịch như sau: “Cộng đoàn Kitô hữu An Đôn. Anh lính Antôn Ky, vì từ chối bỏ đạo, đã bị giam giữ trong vòng hai tháng, vai mang gông, tại nhà lao tỉnh ở kinh đô để chờ xét x. Anh đã bị kết án xiềng xích và lưu đày bốn năm tại tỉnh Hưng Yên. Tại đây, bị viên cai tổng khuyến dụ dẫm đạp lên Thánh giá, anh từ chối, và ngay tức khắc bị chém đầu.

3- Hết cơn bách hại, đến thời chiến tranh

Cơn bách hại trôi qua, giáo dân trở lại an cư sinh sống, các linh mục trở lại làm quản xứ là cha Tôma Nguyễn Ngọc Huệ, cha René Morineau (cố Trung), cha Alexi Phan Đức Sắc… Cha Tôma Nguyễn Ngọc Huệ mất tại giáo xứ An Đôn và an táng ở đây năm 1905.

Trong báo cáo gởi hội Truyền giáo Paris năm 1912, Đức cha Allys (Lý) cho biết: Năm 1912 Giáo xứ An Đôn có 2 họ nhánh là Trinh Thạch và Nà Nẫm nằm dưới chân núi. Giáo xứ do cha Giuse Nguyễn Ngọc Quyền cai quản.

Năm 1944, An Đôn bị chiến tranh, giáo dân phải tản mác, nhà thờ sụp đổ. Đến năm 1954, sau hiệp định Genève chia đôi đất nước, bình an trở lại, An Đôn đã giang tay đón nhận di dân từ bên kia vĩ tuyến 17 vào. Linh mục Phaolô Trần Công Khôi (1919-1950-1994) được phái đến làm cha sở, lo việc định cư đồng bào. Năm 1956, nhà thờ được dựng lại, xây vách, lợp tôn xi măng.

Năm 1959, cha Khôi đưa di dân đi lập nghiệp ở phía ngoài An Đôn, sau dời lên phía Tây gọi là An Đôn Thượng (hay còn gọi là dinh điền Thượng Phước hoặc thôn Linh Xuân/Linh Phong). Từ đây có An Đôn Thượng và An Đôn Hạ cách khoảng nhau chừng 2 cây số. An Đôn chính đón cha Đôminicô Nguyễn Hồng Lạc về làm quản xứ (1960).

Năm 1962, linh mục Raphael Fasseaux (cố Phương) về thay cha Lạc. Được ít lâu lại có chiến tranh lớn, giáo dân sơ tán về Đồng Mậu, dựng một ngôi nhà nguyện nhỏ bé. Qua năm 1965, cố Phương về nước, cha Phaolô Văn Đình Vĩnh đến làm bổn sở.

Năm 1966, cha Matthia Nguyễn Văn Triêm đến thế cha Vĩnh. Tới năm 1969, cha G.B. Lê Xuân Mầng về thay cha Triêm, chiến tranh càng ngày càng lớn và tàn khốc hơn nữa. Năm 1972, giáo dân phải vào Đà Nẵng lánh nạn.

4- Hòa bình trở lại, làm giáo họ rồi giáo xứ

Năm 1975, hòa bình trở lại, dân cư An Đôn trở về quê hương sinh sống. Giáo hữu phần lớn đi nam lập nghiệp, một số rất ít hồi cư. Tinh thần của họ tuy vậy vẫn hoang mang và bất định. May nhờ có cụ G.B. Của tìm về Trí Bưu gặp cha quản xứ Tôma Lê Văn Cầu và cha phó xứ PX Nguyễn Văn Huy xin giúp đỡ nên giáo dân An Đôn được phần an ủi. Dù khó khăn nhiều mặt, nhưng nhờ sự hy sinh và cổ vũ của cụ Của, cộng với sự chung sức đoàn kết của bà con, một ngôi nhà nguyện thô sơ bằng tranh tre đã được dựng, từ đó An Đôn mỗi tháng có một lễ. Năm 1988, cụ qua đời.

Cha Antôn Dương Quỳnh, quản xứ Trí Bưu (1985-1997) lại quyết định xây nhà thờ mới. Năm 1993 khởi công và năm 1994 hoàn thành, nhờ mọi giáo dân đoàn kết chung lưng đấu cật, nhất là nhờ sự giúp đỡ của ông bà Hạnh. Qua năm sau, 1995 giáo xứ đã dâng lên Chúa một vị tư tế là linh mục Inhaxiô Hồ văn Thông, nay ở giáo phận Nha Trang.

Năm 1997, An Đôn vẫn cùng chung quản xứ Trí Bưu là cha Antôn Nguyễn Ngọc Hà rồi cha GB. Lê Quang Quý (từ năm 1999).

Từ tháng 5-2005, An Đôn trở thành giáo xứ độc lập, có quản xứ riêng. Đó là cha Augustinô Hồ Văn Quý, được Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể bổ nhiệm[2]. Giáo họ là Ba Lòng, và tổng số tín hữu cả hai là 380 người. Cha Augustinô là mục tử nhân lành sống gương mẫu đạo đức cho người dân lương giáo tại địa bàn cha cai quản. Cha đã cùng với tín hữu xây dựng nhà nữ tu và tường thành phía bên nhà thờ.

Tháng 08/2010, bề trên cử cha Giuse Võ Văn Phú làm quản xứ thay thế. Thỉnh ý Đức TGM, cha Giuse đã cùng với bà con giáo dân quyết tâm xây dựng lại nhà thờ. Khởi công từ năm 2011, ngôi thánh đường mới đã được cung hiến và khánh thành ngày 18-9-2013 do Đức TGM PX. Lê Văn Hồng. Cũng từ lúc này, giáo họ Ba Lòng được nhập thuộc giáo xứ Khe Sanh.

Nhà thờ An Đôn 27/8/2010, lúc đón cha tân quản xứ Giuse Võ Văn Phú

 

Lễ khánh thành làm phép nthờ giáo xứ An Đôn (1892013)

Ngày 20-7-2015, Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xavie lại bổ nhiệm cha Gioan Baotixita Nguyễn Hiệp làm tân quản xứ. Cha Gioan Baotixita tiếp tục củng cố lòng đạo cho giáo dân bằng việc thiết lập hay duy trì các đoàn như ban Giáo lý, Ca đoàn, hội Lòng Chúa thương Xót Chúa, hội Cầu nguyện, xứ đoàn Thiếu nhi Thánh Thể. Cùng với cha sở, giáo xứ đã xây dựng nhà mục vụ, tượng đài Đức Mẹ, tường thành chung quanh nhà thờ. Tiếp xúc, thăm hỏi các gia đình lương dân tại làng Nhan Biều và làng An Đôn cũng là một hoạt động mục vụ của cha.

III- CÁC MỤC TỬ CAI QUẢN

Giáo xứ An Đôn kể từ 1780 đã có các linh mục đến phục vụ trực tiếp (trước đó là những chủ chăn di động cho toàn giáo đoàn/giáo hạt Dinh Cát).

Những vị được ghi nhận tên tuổi gồm có:

– Lm Tôma Nguyễn Ngọc Huệ 9/1893-10/1905 chánh xứ kiêm Ba Lòng.

– Lm Adolphe Delvaux (cố Văn) 3/1906-9/1908, chánh xứ kiêm Ba Lòng. 

– Lm René Morineau (cố Trung), quản xứ Trí Bưu (1922-1934) kiêm An Đôn. 

– Lm Batôlômêô Nguyễn Văn Khâm 6/1932-1933 

– Lm Alexi Phan Đức Sắc 1933-1942 

– Lm André Eb (cố Hương), quản xứ Trí Bưu (1941-1945) kiêm An Đôn. 

– Lm Trần Công Khôi 1954-1959.

– Lm Đôminicô Nguyễn Hồng Lạc 1959-1962 

– Lm Raphael Fasseaux (cố Phương) 1962-1965 

– Lm Phaolô Văn Đình Vĩnh 1965-1966 

– Lm Mathia Nguyễn Văn Triêm 1966-1669 

– Lm Gioan B. Lê Xuân Mầng 1969-1972

Từ sau 04/1975 An Đôn trực thuộc Giáo xứ Trí Bưu cho đến 03-2004.

– Lm Augustinô Hồ Văn Quý 5/2005-8/2010 

– Lm Giuse Võ Văn Phú 08/2010-30/7/2015

– Lm Gioan B. Nguyễn Hiệp 30/7/2015- …

IV- HOA TRÁI ĐỨC TIN:

1- Linh mục

  1. Inhaxiô Hồ Văn Thông, sn: 1956, lm: 1995, hiện phục vụ tại Giáo phận Nha Trang.
  2. Gabriel Hoàng Sơn, sn: 1979, lm 2015, hiện phục vụ tại Philippin.
  3. Mactinô Hoàng Bảo, sn 1984, lm 2014, hiện phục vụ tại Giáo phận Nha Trang.

2- Tu sĩ

  1. Hồ Thị Túy Vân, dòng Phaolô Đà Nẵng
  2. Hoàng Thị Nhung, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế

3- Giáo dân

– Năm 2010: 340 người

– Năm 2015: 350 người.

– Năm 2019: 205 người.

————————————————————–

[1] Chrétienté de An Đôn. Le soldat Antoine Ky, sur son refus d’apostasier, fut détenu pendant deux mois, la cangue sur les épaules, à la prison de la prefecture de la capital, en attendant sa sentence. Il fut condamné à la chaine et à l’exil, dans la province de Hưng Yên, pour quatre ans. Là, sommé par le préfet de fouler la croix, il refusa net, et fut aussitôt décapité.

[2] Theo cha PX Trần Vương Quốc Minh, nghĩa tử của cha Augustinô, từng theo giúp nghĩa phụ, thì cha Augustinô làm quản xứ An Đôn từ tháng 3-2004

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.