Lược sử Giáo xứ Bố Liêu

22/08/2019

GIÁO SỞ BỐ LIÊU

GIÁO XỨ BỐ LIÊU

GIÁO HỌ AN LỘNG  –  GIÁO HỌ ĐẦU KÊNH

GIÁO HỌ BÍCH KHÊ – GIÁO HỌ HÀ MY

GIÁO HỌ VÂN HÒA

GIÁO XỨ BỐ LIÊU

Nhà thờ Bố Liêu (đã đập phá để xây mới) và lăng tử đạo (phía trước)

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Bố Liêu, thuộc giáo hạt Quảng Trị, tọa lạc trên địa bàn xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, cách cổ thành Quảng Trị khoảng 7km về hướng bắc và cách tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 72km về hướng tây bắc.

Giáo sở Bố Liêu hiện tại gồm giáo xứ Bố Liêu và 5 giáo họ nằm trên hai xã:

– Xã Triệu Hòa: Bố Liêu, An Lộng, Hà My, Vân Hòa[1].

– Xã Triệu Long: Bích Khê, Đâu Kênh.

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

  1. Giai đoạn thuộc vùng truyền giáo Dinh Cát (1617-1867)

Đây là giai đoạn hạt giống Tin Mừng được gieo vãi tại vùng Dinh Cát (Quảng Trị). Các linh mục không ở một chỗ cố định, nhưng lưu động quanh năm nơi nầy sang nơi khác, để làm mục vụ hay truyền giáo.

1.1 Từ năm 1617-1671: thời kỳ gieo hạt.

Về phía chính quyền, đó là thời của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Về phía giáo quyền, đó là thời của Đức Giám mục Đại diện Tông tòa tiên khởi Giáo phận Đàng Trong: Pierre Lambert de la Motte (1624-1659-1679)[2].

Từ năm 1617, các cha dòng Tên Francesco Buzomi[3], Alexandre de Rhodes[4], François Rivas[5] bắt đầu phụ trách việc truyền giáo vùng Dinh Cát[6], lập ra nhiều cộng đoàn nhỏ, trong đó có cộng đoàn Bố Liêu. Công việc khi dễ khi khó tùy theo tính khí của các ông chúa nhà Nguyễn. Chẳng hạn chúa Hiền khi khoan hòa khi khắt khe với đạo, tùy vào lúc ông có nhờ được các cha thừa sai liên lạc với người Bồ Đào Nha để mua khí giới mà chiến đấu và chiến thắng quân của chúa Trịnh hay không.

Thành ra đã có những giai đoạn đạo bị bách hại. Trường hợp tuẫn giáo nổi tiếng nhất là ông quan Phêrô Văn Nết (sn 1606): trở lại đạo thời cha A. de Rhodes, bị chém đầu lúc 50 tuổi vào năm 1656[7]. Đến các năm 1661-1666, lại có đợt bách hại khác. Lần này (năm 1665), có 2 người Bố Liêu bị giết: ông trùm cả Micae Miễn, ông thủ liệt Ximong Tu, được mai táng tại Bố Liêu (nhưng nay không còn di tích)[8].

Năm 1671, chúa Hiền ra lệnh trục xuất các cha Dòng Tên về Macao.

1.2 Từ năm 1672-1725: thời kỳ nẩy mầm.

Về phía chính quyền, đó là thời của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-87), chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn (1687-91), chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Về phía giáo quyền, đó là thời của các Đức Cha Louis Laneau (1679-82; 1684-87), Guillaume Mahot (1682-84) và Francisco Pérez (1687-1728). Dĩ nhiên ĐC Lambert de la Motte vẫn còn quyền bính đến năm 1679.

Việc truyền giáo do các linh mục người Pháp đảm trách, vì lúc nầy đã có Hội Thừa sai Hải ngoại Paris[9]. Các thừa sai Pháp hoạt động thời kỳ nầy gồm có: Pierre de Sennemand, Bénigne Vachet, Jean de Courtaulin, Guillaume Mahot, Charles-Marin Labbé (2 vị cuối sẽ là Giám mục).

Cùng hoạt động với các cha Pháp, có các cha người Việt: Manuêlê Nguyễn Văn Bổn (+1698), Lôrensô Huỳnh Văn Lâu (+1733). Phải chăng cha Lôrensô này (hay một cha Lôrensô khác ?) đã được an táng trong nhà thờ Bố Liêu, nơi hiện còn tấm bia khắc chữ Latinh và chữ Nôm ghi tên ngài[10] ?

Cha chính de Courtaulin đi kinh lý (1677).

Được Đức Giám mục Lambert de la Motte đặt cha làm cha chính Giáo phận (Tổng Đại diện), cha de Courtaulin liền đi thăm các họ đạo cả 3 tỉnh: Quảng Đức (Thừa Thiên ngày nay), Dinh Cát (Quảng Trị), Quảng Bình, từ năm 1674 đến 1677.

Ngài ghé Bố Liêu (năm 1677?), ở lại nhà một thầy giảng tên Giuse Con, dựng bàn thờ và tòa giải tội. Khoảng 10 giờ tối, bỗng có một kẻ chạy xộc vào, cướp cây Thánh giá bằng bạc trên bàn thờ và hét to: “Đạo phalang, đạo phalang!” Một trong hai học trò của cha de Courtaulin giật lui được cây Thánh giá. Anh ta lại cướp tượng Chúa mạ vàng rồi chạy đi gọi các viên chức trong làng. Hóa ra tên cướp này hành động theo sự xúi giục của các hương chức để họ có cớ bắt thầy giảng.

Cha de Courtaulin liền cho người đi báo với quan trấn thủ Quảng Trị. Ông ta gởi đặc phái viên tới gặp các viên chức làng Bố Liêu, triệu họ lên dinh để quở trách họ rằng: “Không hề có lệnh của chúa lẫn của ta là bắt bớ các Kitô hữu. Sao các ngươi lại cả gan cướp tượng của Cha. Phải mau trả lại”[11].

Cha chính Labbé đi kinh lý (1685).

Khi cha Mahot lên làm Giám mục, ngài đặt cha Labbé làm cha chính Giáo phận (1682) thay cha de Courtaulin. Năm 1685, cha Labbé đi thăm các họ đạo vùng Dinh Cát và truyền giáo cho cư dân vùng Quảng Trị. Nhiều người đã bỏ đạo trong cơn bắt bớ của chúa Hiền, nay xin trở về và xưng tội dịp lễ Phục sinh. Trong một lá thư gởi cha de Brisacier viết năm 1693, cha Labbé còn cho hay: ở Dinh Cát và Quảng Bình có chừng 250 giáo xứ và có 50 đến 52 nhà thờ được cha viếng thăm 9 lần để dạy dỗ bổn đạo (x. Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, t. I. Paris, Téqui, 1923. Tr. 395-396).

Trong chuyến kinh lý năm 1685, cha chính Labbé có đem theo một linh mục người Việt là Lôrensô Bùi Văn Lâu, giao cho cha này phụ trách 30 giáo xứ vùng Dinh Cát, trong đó có cả Bố Liêu nữa.

Cha sở Lôrensô Lâu đi thăm họ đạo (1691).

Được giao nhiệm vụ, cha Lôrensô trước tiên đặt trú sở chính tại Dương Lệ Văn rồi sau chuyển qua Bố Liêu. Bấy giờ họ An Lộng đã có thầy giảng tên là Gioang. Năm 1690, có cuộc bắt bớ, cha Lâu ở lại đây 3 ngày và đặt ông Hiêrônimô Ga làm thầy phó giảng (ngày nay tên thánh Hiêrônimô rất phổ biến ở An Lộng).

Từ ngày 29-12-1690 đến 17-02-1691, cha Lâu đi thăm một số họ đạo, như Kế Môn, Văn Quỹ, Kẻ Vịnh, Hương Triều. Sau đó ghé Cổ Vưu, Phường Sãi (nơi đóng bản doanh của quan trấn thủ Quảng Trị), Bố Liêu (khi ấy gọi là Kẻ Bố, có 30 giáo hữu), An Lộng, Vệ Nghĩa, Phúc Lộc, Đại Hòa… Cha trở về Kẻ Bố làm lễ Đức Mẹ dâng Chúa vào Đền thờ, rồi đi thăm tiếp.

Đức Cha Pérez đi kinh lý (1693).

Năm 1693, Đức cha Francisco Pérez (được cha Lôrensô Lâu tháp tùng) đi kinh lý vùng Dinh Cát, trong đó có An Lộng (220 giáo dân), Kẻ Bố và Kẻ Diên (60 giáo dân). Đây là lần đầu tiên tín hữu Dinh Cát được thấy một Giám mục. Trong văn khố của Bộ Truyền giáo, còn tài liệu ghi danh sách 37 họ đạo vào cuối thế kỷ 17, trong đó có: Kẻ Bố, An Lộng, Vệ Nghĩa, Phúc Lộc, Đại Hòa (x. Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, t. I. Paris, Téqui, 1923. Tr. 422-430).

Năm 1700 rồi 1724-1725, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu ra tay bắt đạo, nhiều tín hữu Dinh Cát bị tù hay bị giết. Một cha người Việt tên Chiêu suýt bị bắt khi đang dâng lễ trong một nhà thờ. Suốt những thời kỳ khó khăn đó, chỉ có cha Lôrensô lo cho giáo dân, nhờ có giấy thông hành cha đã chạy được. Phần Đức Giám mục Pérez thì phải trốn tránh, lao đao vất vả.

1.3 Từ năm 1725-1765 : thời kỳ rối ren.

Về phía chính quyền, đó là thời của Ninh vương Nguyễn Phúc Trú (1725-1738) và Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765). Về phía Giáo quyền, đó là thời của các Đức cha Alessandro di Alexandris (1728-38), Armand Lefèbvre (1741-60), Guillaume Piguel (1762-71).

Đây là thời kỳ rối ren trong giáo phận. Vì có nhiều nhóm thừa sai hoạt động truyền giáo (như dòng Tên, dòng Phanxicô, dòng Barnabê, hội MEP) nên sinh ra tranh chấp, khiến Tòa thánh phải can thiệp. Năm 1739, Đức cha Elzéar-François des Achards de la Baume làm Khâm sai Tòa thánh sang giải quyết các vụ tranh chấp, nhân tiện đi thăm nhiều xứ đạo vùng Dinh Cát. Ngài qua đời năm 1741, có 2 vị nối tiếp công việc là cha thư ký Pierre-François Favre của ngài và vị Khâm sai thứ hai là Đức cha Hilario Costa di Jesu. Năm 1747, các vùng được chia lại. Dòng Tên được giao cho vùng Dinh Cát, trong đó có Kẻ Bố, An Lộng.

Năm 1750, do vụ Pierre Poivre và O’Friell (hai thương nhân thuộc Công ty Đông Ấn của Pháp) gian trá và bắt cóc người, Võ vương cấm đạo, trục xuất mọi thừa sai. Dinh Cát không có linh mục nào đến.

1.4 Từ năm 1765-1802: thời kỳ loạn lạc.

Về phía chính quyền, đó là thời của chúa Định Nguyễn Phúc Thuần (1765-77) và nhà Nguyễn Tây Sơn (1778-1802). Về phía giáo quyền, đó là thời của Đức cha Jean Labartette (1782-1823).

Việc truyền giáo do các linh mục người Việt đảm trách: cha Emmanuel Nguyễn Văn Bổn, Maurô Trần Thế Lộc, Emmanuel Huỳnh Văn Lâu, Phanxicô Vân, Tađêô Nghiêm.

Năm 1765, quan phụ chính Trương Phúc Loan đặt Nguyễn Phúc Thuần (mới 12t) lên ngôi nối nghiệp chúa Nguyễn Phúc Khoát qua đời. Quyền bính tập trung vào tay quyền thần này, dân tình đói khổ. Người Công giáo bị bắt đi cắt cỏ nuôi voi, cưỡng bức làm lính, phục vụ chiến trường.

Năm 1771, anh em Tây Sơn khởi nghĩa. Giặc giã liên miên. Năm 1774, lại xảy ra cuộc tấn công của quân Trịnh từ Đàng Ngoài đánh vào đến Phú Xuân. Chúa Nguyễn bỏ chạy vào Gia Định, đạo được tạm yên.

Nhưng rồi quân Trịnh cũng bắt đạo. Năm 1778, chúa Trịnh Sâm ra lệnh xử trảm các thừa sai, phạt nặng các thôn xã oa trữ linh mục, triệt hạ các nhà thờ; năm 1779, cấm đạo, giáo dân phải mất tiền lo lót, ruộng bị chiếm đoạt, tài sản bị tịch thu, nhiều người bị đuổi khỏi làng.

Thời Tây Sơn, Đức cha Labartette và các thừa sai bị nghi ngờ theo chúa Nguyễn như Giám mục Pigneau de Béhaine ở Gia Định (Sài Gòn). Đức cha phải trú ẩn ở Dinh Cát, Đất Đỏ và Quảng Bình, không mấy khi xuất đầu lộ diện. Nhà thờ bị phá hủy hoặc làm nơi đóng quân. Nhiều giáo hữu bị tra khảo bắt nộp tiền.

Từ năm 1784, trở đi, đạo được tạm yên. Năm 1788, Nguyễn Huệ (Quang Trung) đại thắng quân Thanh, bắt đầu nghi kỵ người Công giáo và dò xét các thừa sai.

Năm 1792, Quang Trung từ trần, con là Cảnh Thịnh còn nhỏ tuổi lên thay. Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, phá đạo.

Năm 1797, Nguyễn Ánh từ Gia Định đánh ra. Nghe tin, Cảnh Thịnh ra lệnh bắt đạo vì nghi ngờ Công giáo nội ứng. Nhờ có quan thân đạo báo, Đức cha Labartette bảo các cha Quảng Trị chạy trốn; giáo hữu cũng tẩu tán khắp nơi. Năm 1798, Đức Mẹ hiện ra tại La Vang với giáo hữu tị nạn.

Nguyễn Ánh ngưng đánh một năm, không có cấm đạo. Năm 1800, lại đánh. Năm 1801 lấy Phú Xuân rồi tiến ra chiếm Thăng Long năm 1802.

1.5 Từ năm 1802-1867: thời kỳ củng cố cơ cấu giữa cơn bách hại.

Về phía chính quyền, đó là thời của các vua Gia Long (1802-1820), Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883). Về phía giáo quyền, đó là thời của các Giám mục Jean Labartette (1782-1823), J.B. Taberd (Từ) (1827-1835), Etienne Cuénot (Thể) (1835-1861), François Pellerin (Phan) (1846-1862), Joseph Sohier (Bình) (1851-1896)

Trong giai đoạn nầy, vùng Dinh Cát chung một nhịp sống với toàn giáo phận và các giáo phận toàn quốc. Thời Gia Long, tình hình tôn giáo sáng sủa hơn trước; nhưng dưới triều các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, nhiều sắc chỉ bắt đạo được ban hành, gây ra nhiều cuộc tử đạo. Tự Đức còn ra dụ Phân Sáp, khiến tình trạng người Công giáo vô cùng khốn khổ[12].

Năm 1850, Tòa thánh thành lập giáo phận Bắc Đàng Trong (Huế), tách khỏi giáo phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn). Từ 1850 đến 1864, vùng Dinh Cát (trong đó có Bố Liêu) được cha Phêrô Trương Công Quang coi sóc. Giúp ngài có cha Đoạn Trinh Khoan (từ 1863) mà vốn thỉnh thoảng đến Bố Liêu làm mục vụ. Năm 1862, vua Tự Đức tha đạo. Đức cha Sohier (Bình) xuất đầu lộ diện, công khai điều khiển Giáo phận.\

2. Giai đoạn có các quản xứ chăm sóc mục vụ (1867-1975).

Từ 1864, Đức cha Sohier bắt đầu phân chia Giáo phận thành nhiều giáo hạt, giáo xứ và giáo họ, có quản xứ phó xứ cư trú tại chỗ hay phó xứ biệt cư, chấm dứt tình trạng một mục tử lưu động coi sóc cả một vùng rộng lớn (như trường hợp cha Trương Công Quang nói trên).

Năm 1867, tỉnh Quảng Trị (gọi là giáo hạt Dinh Cát) có 13 giáo sở. Giáo sở Bố Liêu gồm các họ đạo sau: Bố Liêu, An Lộng, Đâu Kênh, Bích Khê, Linh Yên, Phúc Lộc, Ái Tử. Lúc đó, giáo xứ chính có lúc là Bố Liêu, có lúc lại là An Lộng. Còn các giáo họ khi thì có cha phó biệt cư, khi lại có cha sở thực thụ.

Các vị quản xứ Bố Liêu

– Cha Giuse Bùi Văn Tuyển, quản xứ tiên khởi (1867-1874). Hai cha phó : Têphanô Đặng Văn Hiệp, và cha Anrê Trần Văn Doãn biệt sở Đâu Kênh (1871-74).

– Cha Claude Bonin (cố Ninh) (1875-1877) Hai cha phó: Ernest Joseph Girard (cố Hòa) 1877 và JB. Julien (cố Du) 1878.

– Cha Giacôbê Nguyễn Văn Sĩ (khoảng 1881-1884).

– Cha Inhaxiô Lê Văn Huấn (1884-1886), kiêm An Lộng. Khi Văn Thân chiếm thành Quảng Trị ngày 6-9-1885, cha Paul-Émile Mathey (cố Thiện, quản xứ Trí Bưu) khuyên ngài trốn đi. Tới 6 giờ chiều, ngài chạy theo con đường độn cát với 400 giáo hữu, cộng thêm một số các chị nhà phước (chừng 40) vào tới Thuận An ngày 8.9.1885, buổi chiều và từ đó chạy lên Huế. Hơn 100 giáo hữu của ngài ở lại Bố Liêu (cùng một số nữ tu Mến Thánh Giá) và gần 200 giáo hữu khác của ngài ở lại An Lộng (do Văn Thân phỉnh gạt) đã bị giết sạch hết[13]. Phước viện Mến Thánh Giá Bố Liêu (thành lập từ 1797) cũng bị tiêu hủy trong dịp này.

– Cha Jean Bonnand (cố Bổn) (1886-1894). Ở phó có cha Grêgôriô Đỗ Khắc Quyến (1892-1894).

Từ 1894, Bố Liêu trở thành giáo họ của giáo xứ An Lộng cho đến hết năm 1909.

– Cha Grêgôriô Đỗ Khắc Quyến (1894-1899), quản xứ An Lộng tiên khởi kiêm Bố Liêu. An táng tại An Lộng, sau nhà thờ.

– Cha Auguste Hilaire (cố Tri) (1899-1905), quản xứ An Lộng kiêm Bố Liêu. Xây nhà xứ mới ở An Lộng và xây cho nhà thờ Bố Liêu một tháp chuông.

– Cha Antoine Roux (cố Ngôn) (1905-1909). Cha Gioakim Nguyễn Văn Dụ làm phó (1907-1908)

– Cha Henri Arnoulx de Pirey (cố Huề) (1910-1917)[14]. Cha Gioakim Nguyễn Văn Khiết thay cố Huề thời gian ngắn (1915).

– Cha Jean Laffitte (cố Phi) (1918-1927). Sắm chuông cho tháp. Ở phó có cha Alêxi Phan Đức Sắc rồi cha Giuse Nguyễn Văn Kiểu (1920-1922).

– Cha Alêxi Phan Đức Sắc (1927-1933), lần I.

– Cha Tađêô Nguyễn Văn Tin (1933-1936).

– Cha Mátthêô Nguyễn Linh Giáo (1936-1945).

– Cha Alêxi Phan Đức Sắc (1945-1948) lần II. Đến Cách mạng tháng 8-1945, ngài đem giáo dân tản cư lên Thạch Hãn, ở đến 1948.

– Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Cao Đẳng (1949-1955).

– Cha Raphaen Bửu Hiệp (1955-1964). Năm 1957, xây trường trung học Piô X (sau đổi tên là trường Chân Lý).

– Cha Phêrô Trần Văn Điển (1964-1965).

– Cha Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang (1965-1967).

– Cha Phaolô Nguyễn Văn Hiển (1967-1969), quản xứ An Lộng.

– Cha Phêrô Đoàn Quang Hàm (1967-1972), hiệu trưởng trung học Bố Liêu đến 1972.

Tháng 3-1972, chiến cuộc Mùa hè Đỏ lửa. Mọi giáo xứ thuộc giáo sở đều bị tàn phá, giáo dân đa phần bỏ chạy vào nam.

3- Giai đoạn khôi phục từ hoang tàn đổ nát (1975-2008)

+ Tháng 5 năm 1975, cha Phanxicô Xavie Lê Văn Cao được phái về huyện Triệu Phong (Quảng Trị), trú tại Đại Lộc, chăm lo mục vụ cho cả một vùng mênh mông mà ngày nay là 3 giáo sở Đại Lộc, Bố Liêu và Mỹ Lộc. Công việc của cha trong 3 năm 1975-1978 đáng được kể là một kỳ tích, vì tất cả đều hoang tàn đổ nát, chưa kể vô vàn khó khăn về mặt chính trị, kinh tế, xã hội dưới chế độ mới xã hội chủ nghĩa.

Giáo hữu Bố Liêu hồi cư làm được một nhà thờ bằng tôn và ván, sát đường làng, bên trái nhà thờ cũ. Ngôi nhà thờ nầy chỉ còn lại nền đá với tháp chuông đã bị sạt mất một góc. Quả chuông vẫn còn treo trên tháp, nhưng mang nhiều vết nứt do các trận đánh bom năm 1972, nên đành phải tháo xuống. (Nó có ghi niên đại 1925, thời cố Phi)

+ Tháng 8 năm 1978, cha Augustinô Hồ Văn Quý, từ Nhà Chung Giáo phận, về chia bớt công việc mục vụ cho cha Cao. Từ nay huyện Triệu Phong có 2 Giáo sở với cha xứ riêng. 

Giáo dân Bố Liêu dời cả ngôi nhà thờ tôn và ván sang bên phải ngôi nhà thờ cũ, đặt lên trên nền nhà xứ cũ đã sụp đổ. họ còn làm cho cha sở một nhà xứ mái tranh vách đất; nhà xứ nầy tồn tại 14 năm, chỉ có lợp tranh lại vài ba năm một lần.

Cơn bão số 8 năm 1985 xô gãy tòa tháp cũ và làm sập nửa nhà cha xứ. Nên năm 1990, xây  nhà xứ mới tại chỗ cũ; tiếp theo là nhà các chị tại nơi cha Quý đã ở 14 năm.

Nhưng trước đó, từ 1986 đến 1989, cha Augustinô bị quản chế tại chỗ[15]

Năm 1992, đặt viên đá đầu tiên nhà thờ Bố Liêu. Đầu năm 1994, làm phép khánh thành.

Song song với việc tái thiết cơ sở vật chất, tài sản thiêng liêng cũng được phát triển. Là một trong những xứ theo đạo từ thuở truyền giáo, cho tới lúc đó Bố Liêu chỉ sản sinh được có 3 linh mục và vài nữ tu suốt 350 năm, dù là một giáo xứ toàn tòng. Vị linh mục cuối cùng xuất thân Bố Liêu là cha Antôn Nguyễn Văn Thọ, cũng chỉ đạt đến chức linh mục được nhờ sinh trưởng ở quê ngoại là Cổ Vưu.

Năm 1996, Bố Liêu có thầy Đại Chủng viện đầu tiên từ năm 1975; năm 1998, thêm một thầy nữa. Năm 1999, đã có 4 chị khấn lần đầu.

Năm 1978, khi cha Hồ Văn Quý về nhậm xứ, con số thống kê những kẻ đã rửa tội vào khoảng 400. Người đi lễ Chúa nhật và trẻ con đi học giáo lý tại Bố Liêu đến từ hai xã Triệu Long và Triệu Hòa. Các nơi khác, giáo hữu không đến với cha và cha cũng không đến với họ được.

Từ năm 1990, nhờ tình thế cởi mở hơn, các nơi đó mới nối lại liên lạc đã bị gián đoạn gần 20 năm trời. Năm 1991 có Hà Tây và Tường Vân. Năm 1994 có Lệ Xuyên, An Trạch và Linh Yên. Năm 1995 có Vân Trường, và năm 1997 có Long Quang… Họ lục tục xin “ăn năn trở lại”. Gọi là “ăn năn trở lại” để phân biệt với hạng tân tòng, chứ thật ra họ đã hoàn toàn trở thành ngoại giáo. Nhiều người xin theo đạo chỉ vì biết rằng cha ông họ ngày xưa hay chính họ từng có đạo, hầu hết đều trở lại cả gia đình. Trong thời gian học đạo, luôn luôn có 3 lớp giáo lý: đàn ông, đàn bà và thiếu nhi. Nghi lễ Rửa tội và Thêm sức luôn luôn cử hành chung với Hôn phối. Rất may, từ năm 1994, Bố Liêu đã có 2 nữ tu phục vụ thường xuyên tại giáo xứ: các chị chia nhau ba lớp dự tòng nói trên.

Thống kê năm 2000: nam 529 người, nữ 540 người. Tổng cộng 1.069 người đã rửa tội.

Ngày 15-03-2004, cha Giuse Trần Đức Diễn về nhậm chức quản xứ thay cha Augustinô Hồ Văn Quý đổi đi An Đôn. Trong thời gian này, dù là một giáo sở có giáo xứ chính là Bố Liêu với 13 giáo họ, nhưng chỉ có hai nhà thờ là Bố Liêu và Mỹ Lộc (cách Bố Liêu 4km về phía bắc). Bởi thế, về nhận xứ một thời gian, cha Diễn bắt tay vào việc xây dựng thêm nhà Chúa.

Trước hết là cải tạo khuôn viên nhà thờ Bố Liêu: xây lại đài Đức Mẹ, đài Thánh Giuse, cổng nhà thờ và tường rào phía trước nhà thờ, trùng tu lăng Tử đạo và chỉnh trang đài Thánh tâm Chúa Giêsu. Đầu năm 2010, chỉnh sửa và nới nhà thờ rộng ra hai bên và xây thêm phòng thánh.

Trước đó, tháng 6-2005, cha đã bắt đầu xây nhà thờ mới An Lộng, thay thế nhà thờ cũ bị sụp đổ vụ Mùa hè Đỏ lửa năm 1972. Sau đó cải tạo khuôn viên và làm tường rào xung quanh nhà thờ. Rồi trùng tu lại lăng Tử đạo An Lộng và xây mộ mới cho cha Grêgôriô Đỗ Khắc Quyến là Quản xứ đầu tiên của giáo xứ này, qua đời tại nhiệm sở, hưởng dương 49 tuổi.

Về đời sống đức tin trong giáo xứ, cha mời gọi nhiều người tham gia vào Hội đồng Giáo xứ khi chia Giáo xứ thành 6 khu vực để sinh hoạt vào các tối thứ 7 hàng tuần. Củng cố các ban ngành. Thành lập Legio Mariae (trưởng thành lẫn thiếu niên), hội Gia đình cùng theo Chúa, đoàn Lễ sinh phục vụ bàn thờ, ca đoàn Giáo lý và Thiếu nhi Thánh Thể. Bên cạnh đó là chia các lớp giáo lý thành các khối: Khai tâm, Vỡ lòng, Thêm sức, hậu Thêm sức và Bao đồng.

4. Giai đoạn tách thành 2 giáo sở: Bố Liêu và Mỹ Lộc (10-2008)

Vào năm 1978, Giáo sở Bố Liêu gồm giáo xứ Bố Liêu và các giáo họ sau đây: An Lộng, Mỹ Lộc, Hà My, Vân Hòa (xã Triệu Hòa), Bích Khê, Đâu Kênh (xã Triệu Long); Lệ Xuyên, An Trạch, Vân Trường, Long Quang, Linh Yên (xã Triệu Trạch), Hà Tây, Tường Vân (xã Triệu An).

Từ ngày 02 tháng 10 năm 2008, tất cả được tách làm hai: Giáo sở Bố Liêu và Giáo sở Mỹ Lộc theo lệnh của Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể. Ngài bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Văn Phước làm quản xứ Mỹ Lộc, kiêm thêm các giáo họ: Hà Tây, Tường Vân, Lệ Xuyên, Vân Tường, Long Quang, Linh Yên, An Trạch.

Cha Giuse Trần Đức Diễn tiếp tục cai quản giáo sở Bố Liêu với nhẹ gánh hơn.

Ngày 12-05-2014, cha Đôminicô Lê Đình Du đến nhận giáo sở. Năm 2017, ngài tu sửa nhà xứ. Tiếp đó xây lễ đài tại đất thánh Bố Liêu. Đóng trần, sơn vách, làm ghế nhà thờ An Lộng và Đầu Kênh. Năm 2015, trùng tu mộ thân sinh cha Phanxicô Salêsiô Trần Văn Đông (1868-1902-1944, gốc Bố Liêu). Năm 2017, trùng tu lăng Tử đạo An Lộng.  

Trong thời gian này, cha cũng đưa một số gia đình lơ là trở về đời sống đức tin và sinh hoạt với giáo xứ. Tại giáo họ Vân Hòa, năm 2017, có một cụ bà 86 tuổi đã xin tòng giáo. Cha cũng duy trì sinh hoạt của các hội đoàn như Legio (lớn và nhỏ), hội Vinh Sơn, Thiếu nhi Thánh Thể.

Từ tháng 10-2018, cha Mátthêu Trần Nguyên về kế nhiệm. Nhận thấy ngôi nhà thờ Bố Liêu xây năm 1994 đã xuống cấp lại còn nhỏ hẹp, cha đã chạy vạy xin kinh phí để xây nhà thờ mới. Lễ đặt viên đá đầu tiên đã được cử hành ngày 4-6-2019, dưới quyền chủ sự của Đức TGM Giáo phận Giuse Nguyễn Chí Linh. Công trình này đang tiến hành với tất cả sự nhộn nhịp

III. HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục:

1- Phanxicô Salêdiô Trần Văn Đông (1868-1902-1944)

2- Giuse Trần Văn Lương (1872-1902-1909)

3- Antôn Nguyễn Văn Thọ (1928-1948-1988)

4- Phanxicô Xaviê Trần Vương Quốc Minh (1970-2004-).

5- Phêrô Trần Văn Minh (1970-2004-) Giáo phận Đà Lạt.

6- Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thương (1975-2008-)

7- Phanxicô Xaviê Nguyễn Thiện Nhân (1975-2008-) 

2- Nữ tu:

1- Mađalêna Nguyễn Thị Quế (sn 1899, vk 1930, qđ 1979), Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

2- Catarina Trần Thị Luật (sn 1900, vk 1975) (+), Dòng Mến Thánh Giá

3- Anna Đỗ Thị Uyển (sn 1910, vk 1939, qđ 1996) Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

4- Agata Nguyễn Thị Hồng (sn 1934, vk 1962), Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

5- Anê Nguyễn Thị Sen (sn 1939, vk 2008) (+), Dòng Mến Thánh Giá. 

6- Ysave Nguyễn Thị Vịnh (sn 1964, vk 2004), Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

7- Anê Lê Thị Mai (sn 1965, vk 2001), Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng. 

8- Anna Trần Thị Thân Xuân  (sn 1968, vk 2008) (+), Dòng Mến Thánh Giá.

9- Anna Trần Thị Kim Huyên, (sn 1969, khấn 2004), Dòng Kín Huế. 

10- Isave Trần Thị Lệ Huyền (sn 1972, khấn 2001), Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng. 

11- Isave Trần Thị Đào Như (sn 1975, khấn 2008), Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. 

12- Catarina Nguyễn Thị Thu Hương (sn 1980, vk 2011), Dòng Mến Thánh Giá. 

13- Isave Đỗ Thị Hoài Nhân (sn 1981, vk 2012), Dòng Mến Thánh Giá.

14- Xêxilia Trần Thị Lệ Thu, (sn 1990, tk 2016), Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng. 

15- Maria Nguyễn Thị Cẩm Nhi, (sn 1990, nhà tập), Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

16- Catarina Nguyễn Thị Ngọc Bích (sn 1990, tk 2016), Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng. 

3- Giáo dân:

– Năm 2010: 825 người.

– Năm 2015: 771 người.

– Năm 2020: 643 người.

****************************

GIÁO HỌ AN LỘNG

Nhà thờ An Lộng

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo họ An Lộng -trên phương diện hành chính- thuộc xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Nằm phía đông Bố Liêu. Hai nhà thờ cách nhau khoảng khoảng 1,3 km

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN:

1- Nhận đức tin từ các Thừa sai

Vào cuối thế kỷ 17 đã có nhiều cộng đoàn Kitô hữu hiện diện tại vùng Quảng Trị, theo một báo cáo của linh mục Laurent Emmanuel (Lôrensô Huỳnh Văn Lâu) gởi Đức Cha Giám quản Louis Laneau (đang ở Thái Lan) ngày 17-02-1691[16]. Các cộng đoàn ấy gồm Văn Quỹ (Kẻ Văn), Kẻ Vịnh, Vĩnh Hương, Hương Triều, Kim Long, Cổ Vưu, Kẻ Bố (Bố Liêu), Phường Chuối, An Đôn, Đại Be (Đại Lộc), Nhu Lý, Kẻ Giáo (Giáo Liêm), Dou Giam (Đồng Giám), Bai Bloi (Bái Trời), An Lou (An Lộng).

Tiếp đó, trong báo cáo gởi về thánh bộ Truyền bá Đức tin ngày 07-02-1694, cha Lôrensô Lâu cho biết số tín hữu ở An Lộng (giáo hạt Dinh Cát) là 216 người[17].

Vào năm 1747, thừa sai Jacques Graff, dòng Tên người Đức (tới VN năm 1734), trong một danh sách về các cộng đoàn Kitô ở Dinh Cát, lại nhắc đến địa danh An Lộng dưới cái tên An Lon bên cạnh những xứ đạo như Co Buu (Cổ Vưu), Da Han (Thạch Hãn), Ba Lang (Ba Lòng?), Dinh Cat, Ke Bo (Kẻ Bố), Nhu Lý, Duong Le (Dương Lệ), Dou Giam (Đồng Giám). An Lộng lúc ấy có số tín hữu là 70 người[18]. Đó là lúc Đức Khâm sai Tòa thánh thứ hai Hilario Costa di Jesu (đang là Giám mục Tông tòa Giáo phận Đông Đàng Ngoài) đến Đàng Trong để giải quyết cho xong cuộc tranh chấp dai dẳng giữa các hội dòng truyền giáo. Dòng Tên đã trình bày những gì mình đang làm tại Dinh Cát và do vậy sau đó đã được giao cho vùng này.

2- Sống đạo trong gian khổ

Kể từ năm 1747 ấy cho tới lúc Văn Thân thiêu sát tín hữu tại đất Quảng Trị tháng 9-1885, An Lộng -như mọi họ đạo ở Giáo phận Đàng Trong- chắc chắn cũng đã trải qua nhiều cuộc bắt bớ truy nã giết hại của các chúa rồi vua nhà Nguyễn (và ngắn hạn hơn, của vua quan Tây Sơn lẫn quân Trịnh).

Theo Biên niên sử của Hội Thừa sai Hải Ngoại (nguyên bản tiếng Pháp), trong bài viết của linh mục Théodore Bernard có tựa đề: “Những người tuyên tín từ 1848 đến 1862” xuất bản năm 1918, các trang 574-581, thì Giáo xứ An Lộng có 7 vị, nạn nhân chủ yếu của cuộc Phân sáp thời Tự Đức. (https://archives.mepasie.org/fr/annales/confesseurs-de-la-foi-de-1848-a-1862-4-suite)

Nhưng thê thảm nhất chính là vụ giết hại ngày 12 và 13 tháng 9 năm 1885. Trước đó, hôm mồng 6 tháng 9, cha Emile Mathey (cố Thiện) ở Cổ Vưu được tin Văn Thân sẽ đến tàn sát giáo hữu, bèn sai người về Bố Liêu báo tin cho cha quản xứ Inhaxiô Lê Văn Huấn. Chiều hôm đó, cha Huấn với 40 nữ tu Mến Thánh Giá và 300 giáo dân theo đường biển chạy vào Huế lánh nạn.

Khi đi ngang An Lộng, cha Huấn khuyên giáo hữu chạy theo. Nhưng những người không Công giáo bảo đừng đi, ông Chánh tổng lại còn hứa bảo vệ họ.

Văn Thân lúc đó bị đánh bại ở Chợ Sãi, bèn chạy về ngã An Lộng, kéo dân làng bên cạnh là Bích La đến đánh phá, đồng thời ra lệnh cho các làng quanh vùng không được để cho giáo hữu ẩn núp hoặc trốn thoát.

Ngày 12+13 tháng 9, Văn Thân tràn vào An Lộng, giết chết 176 tín hữu. Chỉ có 40 người thoát nạn (theo Jabouille, Một trang lịch sử tỉnh Quảng Trị, tháng 9 năm 1885. Nguyên bản tiếng Pháp trên Bulletin des Amis du Vieux Hué, số 4 năm 1923).

Trong Báo cáo thường niên gởi hội Thừa sai Hải ngoại Paris năm 1923, Đức cha E. Allys (Lý) đã kể lại vụ tàn sát của Văn Thân tại An Lộng như sau: “…Khi chạy về Huế, cha sở Bố Liêu đã hết sức thúc bách dân Công giáo An Lộng đi theo ngài và như thế thoát khỏi một cuộc tàn sát khó tránh được: bị 2 ông quan người lương trong làng đánh lừa, những kẻ đáng thương ấy mất nhuệ khí vì sợ hãi, đã chuộng ở lại. Ngoại trừ nhiều kẻ vắng mặt và một số ít gia đình chạy lên Quảng Trị được, tất cả đều đã bị tàn sát. Chúa Quan Phòng rõ ràng đã bảo vệ những người còn sống sót; nhiều cuộc trở lại của lương dân đã xảy ra, ngay cả trong gia đình của một trong những ông quan đã gây ra cái chết cho nhiều người công giáo do sự xảo quyệt của ổng. Cộng đoàn Kitô An Lộng có 480 tín hữu; và nếu con số này, vốn đã cao hơn con số của năm 1885 trước các cuộc tàn sát, được cộng thêm con số những tân tòng tại các làng lân cận từ khoảng 15 năm nay, thì ta có một tổng số là 1.259 cho toàn cả giáo xứ mà An Lộng là trung tâm. Chắc hẳn sẽ còn nhiều hơn, nếu không thiếu nhân sự giảng dạy, vì các đơn xin trở lại luôn tương đối đông đảo”.

Lăng Tử đạo An Lộng hiện ở cách nhà thờ An Lộng hơn 200m về phía đông đông nam.

Lăng Tử đạo An Lộng hiện thời

3- Lớn lên với các vị quản xứ

1- Cha Grêgôriô Đỗ Khắc Quyến, quản xứ tiên khởi kiêm Bố Liêu (1894-1899). Năm 1895, cha đã làm nhà thờ An Lộng, lợp ngói, chạm trổ bàn thờ công phu đẹp đẽ.

2- Cha Auguste Hilaire (cố Tri), kiêm Bố Liêu (1899-1905). Xây nhà xứ mới ở An Lộng và xây cho nhà thờ Bố Liêu một tháp chuông.

3- Cha Antoine Roux (cố Ngôn) (1905-1909). Cha Gioakim Nguyễn Văn Dụ làm phó (1907-1908)

4- Cha Max. Arnoulx de Pirey (cố Đề) (1910-1924). Xây nhà thờ mới. Ngài sống tại đây 14 năm, nhưng bị đứt đoạn vì thỉnh thoảng đau ốm. Làm cho nhiều người trở lại nhờ công tác mục vụ hăng say (năm 1909, được Đức cha Louis Caspar khen ngợi). Cha sống rất bình dị và nghèo khó. Người ta thỉnh thoảng gặp ngài trên đường với chiếc xe đạp cũ kỹ, đầu đội chiếc mũ kiểu xưa, vai mang một túi dết mà các linh mục thừa sai bạn thường gọi đùa là “Tàu ông Noe”, vì chất đầy mọi thứ dụng cụ trong đó.

5- Cha Phaolô Nguyễn Văn Chuyên (1925-1934). Cha GB. Trương Đình Thắng làm phó (1925-1928).

6- Cha Phêrô Nguyễn Văn Oai (1935-1942).

7- Cha Alexi Phan Đức Sắc (1942-1945).

8- Cha Philipphê Lê Thiện Bá (1945-1961).

9- Cha Mátthêu Lê Văn Thành (1962-1967)

10- Cha Phaolô Nguyễn Văn Hiển (1967-1969).

11- Cha Phêrô Trần Văn Điển (1969-1972).

Từ 1972 xảy ra vụ Mùa hè Đỏ lửa ở Quảng Trị, dân chúng phải di tản vào trong nam hầu hết, cả vùng này không có linh mục quản xứ cho tới sau tháng 4-1975. Từ đó đến nay, An Lộng ở dưới quyền chăm sóc của các linh mục quản xứ Bố Liêu.

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

A- Giám mục, Linh mục

1- Tôma Trần Văn Dụ (1916-1943-2010). Mất tại Chí Hòa, Sài Gòn. .

2- Đaminh Cẩm Nguyễn Đình Cẩm (1936-1965-). Sau 1975, nhập Phan Thiết. Hưu trí.. 

3- Giêrônimô Nguyễn Ngọc Hàm (Đức ông) (1939-1968-). Sang Mỹ trước 4-1975. Hưu trí.

4- Phaolô Bùi Văn Đọc (Giám mục) (1945-1970-1999-2018). TGM Tổng giáo phận Sài Gòn.

5- Giêrônimô Bùi Thiện Thảo (1971-2005-). Dòng Đa-minh. Hiện du học tại Pháp.

6- G.B Nguyễn Hoàng Bảo Kim: Sinh 1971, thụ phong: 2014. Giáo phận Bà Rịa.

7- Tôma Bùi Thiện Hiền (1978-2015-). Giáo phận Parramatta, Úc.

B- Tu sĩ

1- Anna Trần Thị Pha. Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa 
2- Matta Trần Thị Tuyến. Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa 
3- Ysave Trần Thị Điểm. Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa 
4- Maria Nguyễn Thị Bĩnh. Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng 
5- Maria-Agatha Bùi Thị Mến. Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế. 
6- Maria Nguyễn Thị Hồng Dung. Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế.

C- Giáo dân:

– Năm 1975: 146 người

– Năm 2016: 152 người

****************************

GIÁO HỌ ĐÂU KÊNH

Nhà thờ Đầu Kênh và lăng Tử đạo phía trước

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo họ Đầu Kênh, trên phương diện hành chính, thuộc xã Triệu Long, huyện Triệu Phong,  tỉnh Quảng Trị. Nhà thờ Đâu Kênh cách nhà thờ Bố Liêu 1,7 km về phía tây.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Vì nằm bên cạnh làng Bố Liêu, nên có thể làng Đầu Kênh cũng đã đón nhận hạt giống Tin Mừng vào đầu thế kỷ 17, khi các linh mục dòng Tên bắt đầu truyền giáo ở vùng Dinh Cát.

Từ năm 1860 đến năm 1880, các linh mục hội Thừa sai Hải ngoại Paris đến hoạt động tại vùng này[19]. Lúc đó số dân theo đạo khoảng 20 gia đình.

Năm 1880-1884, nhà thờ được xây dựng với mái tranh vách đất và cộng đoàn tín hữu được hình thành.

Năm 1885, thời quản xứ của cha PX Lê Thiện Cần (1880-1885), do nạn “Bình Tây Sát Tả” dữ dội của Văn Thân, một số giáo dân theo đạo phải ẩn trốn tại các nhà thờ và bị thiêu sát. Hiện có lăng Tử đạo, khoảng trên dưới 100 vị, nằm tại sân nhà thờ[20].

Lăng Tử đạo trước nhà thờ Đâu Kênh

Phần cha Lê Thiện Cần thì bị Văn Thân bắt, nhưng ngài thoát được và trốn tại truông Ái Tử 15 ngày, gặp cha Tôma Nguyễn Ngọc Mẫn và chừng 12 giáo hữu họ An Đôn cũng núp tại đó. Sau ngài được thầy Ưu, người Cổ Thành (lương dân) tiếp đón tận tình và lo lắng cho.

Đến năm 1905 cộng đoàn lớn mạnh, có ban hành giáo, có ông trùm, biện, giáp cộng tác với các cha quản xứ. Lúc đó nhà thờ được xây dựng bằng gạch nung, vôi vữa với kèo cột gỗ lim.

Đến năm 1927 nhà thờ được trùng tu. Có một tháp lớn ở giữa, lầu chuông, hai tháp phụ hai bên; lúc đó giáo dân khoảng 40-45 gia đình. Từ đó đến năm 1972, giáo họ Đầu Kênh trực thuộc giáo xứ Bố Liêu và Bích Khê, dưới sự chăn dắt của nhiều đời linh mục quản xứ kiêm nhiệm.

Năm 1972 nhà thờ sập đổ hoàn toàn do chiến tranh, giáo dân tản mác khắp nơi, nên chỉ có thánh lễ vào các dịp Giáng sinh, Tết Nguyên đán, Phục sinh tại tư gia.

Năm 2011, cha Giuse Trần Đức Diễn xây dựng lại nhà thờ mới trên nền móng cũ. Năm 2015, cha Đôminicô Lê Đình Du thay mới bộ ghế ngồi cho giáo dân.

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Tu sĩ

1- Đoàn Minh Thảo, Dòng Ngôi Lời, Khánh Hòa – Nha Trang

2- Đoàn Minh Đức, Dòng Phước Sơn, Vũng Tàu.

3- Madalena Đoàn Thị Tề, (sn 1907, vk 1945, qđ 1989) Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng. 

4- Catarina Đoàn Thị Hồng (sn 1941, vk 1966), Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

5- Anna Võ Thị Chi Lan (sn 1981, vk 2011), Dòng Mến Thánh Giá.

6- Anna Châu Thị Quỳnh Trang (sn 1981, vk 2015), Dòng Mến Thánh Giá.

2- Giáo dân

– Năm 2015: 103 người.

IV. HOA TRÁI ĐỨC TIN TẠI VÀI GIÁO HỌ KHÁC

Bích Khê :

– Cha Phêrô Trương Công Quang (1819-1849-1889).

– Cha Tađêô Đỗ Văn Cử (1871-1905-1949). Bia mộ ghi là Đỗ Thiên Cử. Chú ruột của cha Đỗ Thiên Tuân. Cả hai chú cháu được an táng chung trong một khu lăng nằm trước lăng Tử đạo Bích Khê.

– Cha Phaolô Đỗ Khắc Tuân (1922-1950-1950). Bia mộ ghi là Đỗ Thiên Tuân. Làm linh mục được một tuần, vì trong mấy hôm về Bích Khê mừng lễ vinh quy, ngài bị ám sát gần cầu chợ Sãi.

5) Linh Yên:

– Cha PX. Nguyễn Văn Thành (1937-1964-2008). Hồi tục.

Lăng Tử đạo giáo họ Bích Khê, xây trên nền nhà thờ cũ, thuộc xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, vĩ độ 16.7819, kinh độ 107.1772. Cách nhà thờ Bố Liêu 2,04km về phía nam tây nam.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

[1] Hai giáo họ Hà My và Vân Hòa chỉ còn nền nhà nguyện cũ. Tại Xóm Triêu (hay còn gọi là Đâu Kênh Thượng) cũng chỉ còn lại vách của nhà nguyện. Nhà nguyện này năm bên tỉnh lộ 580, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, vĩ độ 16.7867, kinh độ 107.1784. Cách nhà thờ Bố Liêu 1,5 km theo đường chim bay về phía nam tây nam.

[2] Sau tên các Giám mục hoặc Linh mục, khi có ghi 3 niên đại thì số đầu chỉ năm sinh, số giữa chỉ năm chịu chức (giám mục hoặc linh mục), số cuối chỉ năm qua đời. Còn đối với tên vua chúa, khi ghi 2 niên đại thì thường số đầu chỉ năm lên ngôi, số sau chỉ năm băng hà.

[3] Cha bề trên Francesco Buzomi cùng đoàn truyền giáo cập bến cửa Hội An (Faifo) năm 1615. Khởi sự truyền giáo từ thời gian nầy đến năm 1639. Xem Tanítlaô Nguyễn Văn Ngọc và Giuse Nguyễn Văn Hội, Lịch sử Giáo phận Huế qua các triều đại vua chúa 1596-1945. Huế, 1993, trang 07.

[4] Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Văn Hội, sđd, trang 08. Ngoài việc truyền giáo, cha Alexandre de Rhodes có công rất lớn trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Đặc biệt, cha đã đệ trình lên Tòa thánh ý kiến thiết lập Giám mục Tông tòa ở hai miền nam bắc, tách khỏi chế độ bảo hộ của người Bồ. Cha hoạt động tại Đàng Trong từ 1624 đến 1645.

[5] Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Văn Hội, sđd trang 31-32. Cha bề trên François Rivas hoạt động từ 1655 đến 1664 (theo trang web của giáo phận Qui Nhơn).

[6] Dinh Cát là vùng mà các chúa Nguyễn tiên khởi (Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên) đã chọn để lập dinh (làng Ái Tử rồi làng Trà Bát) từ 1558 đến 1626. Như một chiến thuật truyền giáo, các thừa sai đầu tiên đã ra tận đó, gặp chúa, trao quà, xin phép và được chúa cho phép giảng đạo.

[7] Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Văn Hội, sđd, trang 35-36

[8] Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Văn Hội, sđd, trang 40

[9] tức Société des Missions Etrangères de Paris: MEP. Dưới sự thúc đẩy của cha Alexandre de Rhodes, hai Giám mục François de Pallu và Lambert de la Motte đã thành lập hội này năm 1653. (Theo Wikipedia)

[10] Bia bằng đá, có kích thước 0m39 x 0m54, có ghi dòng chữ Latinh: In hoc sacello jacet ut fertur pater Laurentius qui saeculo XVIII in districtu Dinh Cát ad laboravit. (Dịch nghĩa: Trong nhà nguyện nầy, tương truyền có mai táng cha Lôrensô, vào thế kỷ 18 đã làm việc tại hạt Dinh Cát) và dòng chữ Nôm (Đọc: Trong nhà thờ ni có mả cha Lôrensô).

[11] Quan trấn thủ này là Nguyễn Phúc Diễn, con trưởng của Hiền Nguyễn Phúc Tần, chẳng may chết sớm, không kế vị được. Ông có một con nhỏ là cậu hoàng Tôma 8 tuổi, đã trở lại đạo do cha Mahot dạy và rửa tội. Khi nghe chuyện ở Bố Liêu, cậu bỏ ăn cả ngày, chỉ nằm khóc; bố cậu phải nhờ cha de Courtaulin đến an ủi. Cậu mừng rỡ ra đón cha và mời cha ở lại với mình một hôm. Cha khuyên cậu đừng bỏ đạo, mặc dù mẹ cậu đã bỏ rồi. Cậu hoàng 8 tuổi liền nói với vị thừa sai: “Con thà chết, chẳng thà chối Chúa!”. Xem Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, t. I, tr.211.

[12] Theo Biên niên sử của Hội Thừa sai Hải Ngoại (nguyên bản tiếng Pháp), trong tập sách của linh mục Théodore Bernard (cố Thới) có tựa đề: “Những người tuyên tín từ 1848 đến 1862” xuất bản năm 1918, các trang 574-581, thì giáo xứ Bố Liêu có 9 vị. Tạm dịch như sau:

Cộng đoàn Kitô hữu Bố Liêu: Tháng cuối cùng năm thứ 12 đời Tự Đúc, mọi thân hào nhân sĩ của cộng đoàn này đều bị bắt do lòng thù ghét tôn giáo, bị gởi đến pháp đình kinh đô, bị mang gông, bị tống ngục, rồi sau đó đa phần bị giao cho các làng ngọai đạo lân cận theo dõi. Trong số họ, một người duy nhất đã chết trong ngục tù, đó là phú hào Thương.

Các nam kitô hữu Nhuan và Le, các nữ kitô hữu Quyen, Hoa và Tuu, bị lưu đày và tống ngục vì đức tin, cả năm người đều đã chết vì bệnh tại nhà giam giữ, sau khi đã lãnh nhận lãnh các bí tích cuối cùng.

Cô bé tên Mat, vì không chịu chối đạo, đã lãnh 30 roi; cô đã chết trong tù vài ngày sau, do lối đối xử man rợ ấy.

Thầy giảng tên Que, bị bắt, bị đánh đập và bị giam giữ vì đức tin, đã quá đau khổ đến nỗi vì động lòng thương, người ta đã thả anh ra khỏi ngục, cho về nhà. Anh đã chết tại đó một vài ngày sau.

Phú hào tên Luong, bị cầm tù vì nhiệt thành xưng đạo, nên phải mang thêm gông và xiềng thêm cùm suốt mười ba ngày đêm. Cuối thời gian đó, ông đã chết vì kiệt lực và đau đớn trong tù”.

[13] Jabouille, Một trang lịch sử tỉnh Quảng Tri tháng 9-1885, đã kể lại như sau: “400 giáo dân và 40 nữ tu giáo xứ Bố Liêu, chiều Chúa nhựt mồng 6 tháng 9, đã theo cha xứ của mình mà vào Huế, men theo con đường các động cát. Khoảng 100 người nhất quyết ở lại nơi cư trú cũng như một vài nữ tu. Thoạt nghe có sự tàn sát, họ vào nhà thờ đóng chặt cửa lại. Thứ hai mồng 7 tháng 9, vâng lệnh Văn Thân, những làng lân cận, hành động như tại các cộng đoàn kitô hữu khác, tràn ngập Bố Liêu, và từ mọi phía tiến đến nhà thờ nay đã biến nên thành trì. Bấy giờ họ châm lửa đốt nhà thờ: những người công giáo đã cố sức thoát ra trong tuyệt vọng, nhưng họ đã bị đẩy lui, người thì chết vì lửa, người thì chết vì đạn bắn hay giáo đâm. Từ 120 đến 130 nạn nhân đã được thêm vào danh sách bi thảm”.

[14] Hai anh em Arnoulx de Pirey (cố Đề và Huề), mỗi cha có 2 bộ sưu tập tiền đồng của Trung Quốc và Việt Nam, gần đầy đủ (từ trước Công nguyên đến hiện đại), để tại trường Thiên Hựu, trong tình trạng lộn xộn. Năm 1974 đã được cha Hồ Văn Quý (vốn giỏi Hán văn) chuyển cho các cha MEP đem về Pháp sau khi đã bỏ nhiều năm sắp xếp, phân loại.

[15] Vì khi đang còn là giám đốc đại chủng viện Huế (1975-1977), cha đã phổ biến cho các thầy hai bài phát biểu tháng 4-1977 của Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền trước Mặt trận Tổ quốc Bình Trị Thiên.

[16] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques I (1658-1728), tr. 415-421

[17] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques I (1658-1728), tr. 430.  

[18]Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques II (1728-1771), tr. 187.

[19] Đâu Kênh đã từng là giáo xứ với 3 giáo họ Bích Khê, Ái Tử và Phúc Lộc (xem câu chuyện của Jabouille dưới đây).

[20] Jabouille, Một trang lịch sử tỉnh Quảng Trị tháng 9-1885, đã kể lại như sau: 

Giáo xứ Đâu Kênh. Nằm trên hữu ngạn sông Quảng Trị, giáo xứ ở gần tổng hành dinh của Văn Thân. Từ ngày 6 tháng 9, cộng đoàn thấy mình bị cắt đứt với thủ phủ của huyện. Ngay khi nghe tin Thành (Quảng Trị) và quan tuần vũ bị (Văn Thân) hạ, giáo xứ cảm thấy số phận dành cho mình và nghĩ tới chuyện chạy trốn. Quả thế, một phần giáo dân đã lánh nạn tại Đại Lộc, phần khác tại Dương Lộc. Còn cha quản xứ, thấy tín hữu mình không khí giới, không lương thực, bèn quy tụ một vài tín hữu, chạy lên núi và đã có thể tới được đó dẫu các toán tuần tiễu Văn Thân canh phòng nghiêm nhặt.

Ngày 7 tháng 9, sau khi trưng dụng các làng lân cận, Văn Thân vượt qua sông và lao vào Đâu Kênh. Khoảng một trăm người Công giáo còn ở lại đã nhốt chặt mình trong nhà thờ. Nhà thờ bị đốt và 30 kitô hữu đã ngã xuống chết ngạt hay chết cháy. Sau khi đã kỹ lưỡng cướp bóc các nhà công giáo, Văn Thân phóng hoả và rút lui.

Phúc Lộc, họ nhánh của Đâu Kênh, bị bao vây, mất 250 kitô hữu do giết chết hay thiêu sống trong nhà thờ, trên số 300 thành viên của mình.

Bích Khê, một họ nhánh khác, ở gần Chợ Sãi, nơi có tổng hành dinh của Văn Thân, bị bao vây liên tục trên sông lẫn trên đường. 60 người Công giáo, sáng ngày Chúa nhựt, đã có thể chạy vào rừng, nhưng 130 người đã không thể theo họ. Tất cả đều bị tàn sát ngày Thứ hai 7 tháng 9.

Ái Tử, họ nhánh thứ ba của Đâu Kênh, cũng bị bao vây, và 35 người Công giáo họ này đã chết trong ngôi nhà thờ bốc cháy..