LƯỢC SỬ
GIÁO XỨ CHÁNH XUÂN
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Chánh Xuân, thuộc giáo hạt Hải Vân, nằm trên địa bàn xã Lộc Trì, huyện Phú lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa TGM Huế khoảng 38km về phía đông đông nam.
II- HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN
1- Giáo họ trực thuộc Giáo xứ Cầu Hai (1910)
Năm 1910, Đức Cha Allys lập Giáo sở Cầu Hai[1] với các họ nhánh Đá Bạc, Phước Tượng, Chánh Xuân.
Như vậy giáo xứ Chánh Xuân hẳn ra đời trước năm 1910. Từ lập họ đến nay, Giáo xứ Chánh Xuân luôn là họ nhánh do các cha sở Cầu Hai kiêm nhiệm:
- Phêrô Nguyễn Văn Lập (Dương Sơn) 1910-1917
- G.B. Lê Văn Tài (Kim Long) 1917-1923
- Tađêô Nguyễn Văn Tin (Kim Long) 1927-1933
- Phaolô Nguyễn Văn Mầu (Ngọc Hồ) 1933-1934
- P.X. Lê Văn Định (Trí Bưu) 1934-1939
- Phaolô Nguyễn Văn Chính (Ngọc Hồ) 1939-1943
- Phaolô Mai Xuân Hiến (Tam Tòa) 1947-1949
- Antôn Nguyễn Văn Bằng (Sáo Bùn) 1949-1953
- Giuse Lê Văn Hộ (Trí Bưu) 1953-1955
- Simon Huỳnh Văn Tâm (Vạn Thiện) 1955
- Gioan Nguyễn Đăng Bình (Ba Ngoạt) 1955-1962
Năm 1958, cha dựng một nhà thờ lợp ngói với bốn vài. Sau đó, cha Phaolô Nguyễn Văn Hiển (1968-1972) làm thêm hai vài do công đóng góp của giáo dân.
- Phêrô Huỳnh Đình Kinh (Phủ Cam) 1962-1968
- Phaolô Nguyễn Văn Hiển (Hà Thanh) 1968-1972
- Antôn Nguyễn Văn Huề (An Bằng) 1972-1975
- Gioakim Nguyễn Văn Hùng (Hà Thanh) 1975-2004
Năm 1992, nhà thờ do hai cha Bình và Hiển xây dựng và mở rộng bị mối mọt hư hại, lại có phần nhỏ so với nhu cầu, nên cha Gioakim đã cho phá và làm cái mới khác như hiện có.
Lễ đặt viên đá đầu tiên để xây dựng nhà thờ mới là mồng 6-7-1992. Hoàn tất là ngày 30-10-1992. Lễ khánh thành nhằm ngày 18-11-1992, đã được tổ chức long trọng, có các linh mục Giáo phận đến dâng lễ tạ ơn.
Kinh phí xây dựng do gia đình anh chị Matthêô Huỳnh Văn Hậu và Anê Phan Thị Bạch Đằng ở Cali. Hoa Kỳ quyên góp đồng hương dâng cúng. Giáo dân giúp công.
Nhà thờ dâng kính Thánh Phêrô, vốn cũng là bổn mạng của giáo xứ. Kích cỡ gọn nhỏ (20m x 7m), nằm trên một nền đất cao. Khi mới xây xong (chưa có tháp) thì chung quanh còn quang đãng, mặt tiền hướng ra phá Cầu Hai, cách đó khoảng 100 mét. Nhưng dần dần cư dân đến xây nhà tứ phía, ngay trước nhà thờ là những gia đình ngoại đạo. Dẫn tới nhà thờ nay chỉ là một hẻm nhỏ.
Năm 1999, cha Gioakim cũng xây một ngôi trường nhỏ, trong khuôn viên nhà thờ, phía bên trái, dùng dạy giáo lý Chúa nhật, còn thường ngày để các nữ tu dạy mẫu giáo.
- G.B. Lê Văn Nghiêm (An Vân) 2004-2013
Nhận thấy ngôi nhà thờ hiện thời vừa nhỏ lại chẳng có sân và bị chìm giữa các gia cư, năm 2006, cha GB đã mua một khu đất mới, cách đó 50 chục mét về phía tây và sát đầm Cầu Hai, dự trù trong tương lai sẽ xây nhà xứ và nhà thờ.
Cha cũng nâng tầng ngôi trường năm 2010.
Thời của cha, có những phó xứ biệt cư tại Chánh Xuân như: cha Giuse Phạm Văn Quyền (2007-2008), cha Giuse Nguyễn Văn Tiến (6 tháng đầu năm 2009), cha Matthêu Trần Nguyên (2009-2011), cha Phaolô Nguyễn Ngọc Vịnh (2011-2013).
2- Giáo xứ biệt lập (2013)
Tháng 4-2013 Xavie Lê Văn Hồng bổ nhiệm cha Phaolô Nguyễn Ngọc Vịnh vốn là phó xứ Cầu Hai biệt cư tại Chánh Xuân, làm Quản xứ tiên khởi Chánh Xuân.
- Phaolô Nguyễn Ngọc Vịnh 2013-2019.
Xây nhà xứ tại khu đất mới.
- Đaminh Trương Văn Quy 5/2019… Bài sai ký ngày 10.05.2019
Giáo xứ Chánh Xuân hiện có hai nữ tu Mến Thánh Giá giúp xứ dạy giáo lý; có tổ chức Gia đình trẻ, Các mẹ; có trường mẫu giáo (2 lớp) khang trang được xây dựng từ năm 1999.
III- HOA TRÁI ĐỨC TIN
1- Chủng sinh tu sĩ
– Đại chủng sinh : GB. Trần Tuyến
– Tu sĩ Nguyễn Văn Bình, Dòng Chúa Cứu Thế.
– Nữ tu Matta Lê Thị Mừng Dòng Mến Thánh Giá
– Nữ tu Huỳnh Thị Hiền Dòng Mến Thánh Giá
2- Giáo dân
– Năm 1999: 468 người[2]
– Năm 2015: 839 người
– Năm 2019: 839 người
Bên trong nhà thờ Chánh Xuân hiện thời (2019)
[1] Nhưng Cầu Hai xét như Giáo xứ thì lịch sử Giáo phận Huế cho biết là đã ra đời cách đây 300 năm, được thành lập bởi cha Emmanuen Nguyễn Văn Bổn, vị linh mục coi vùng Thừa Thiên lúc ấy (1672-1698), dưới đời Đức cha Lambert de la Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi xứ Đàng Trong.
[2] Theo tài liệu thống kê cho đến ngày 31-12-1999, Giáo xứ Chánh Xuân có 98 gia đình với 468 giáo dân, hành nghề đánh bắt tôm cá. Đa số sống trên ghe thuyền, chỉ có 7 gia đình có nhà trên đất liền vào năm 1994. Nhưng sau cơn lụt thế kỷ đầu tháng 11-1999, hầu hết các gia đình đã định cư trên đất liền.
———————————————————————–
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.