GIÁO XỨ GIA HỘI
Nhà thờ Gia Hội (hoàn tất năm 2000)
Lược sử
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Gia Hội (trước đây có tên là Trung Bộ cho đến khoảng năm 1930), nguyên thủy bao gồm cả hai phần đất Thế Lại và Bãi Dâu, nay giới hạn trên phạm vi hai phường Phú Cát, Phú Hòa, cộng thêm một phần của các phường Phú Hiệp, Phú Bình, Thuận Thành và Thuận Lộc.
Thánh đường Gia Hội, cách Toà Tổng Giám mục Huế chừng 3 cây số về phía bắc đông bắc, tọa lạc ở số 10 đường Tô Hiến Thành, nằm giữa hai vị trí hành quyết các thánh Emmanuen Triệu và Gagelin Kính là Chợ Được và Chợ Dinh.
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
1- Những hạt giống đức tin tiên khởi:
Vào thời giáo xứ chưa hình thành, vùng đất này đã được ghi dấu tử đạo của hai Thánh Emmanuen Nguyễn Văn Triệu[1] (bị xử trảm [chém đầu] tại Chợ Được, ở phía bên này cầu Gia Hội tính từ chợ Đông Ba qua, cách thánh đường khoảng hơn 100 mét, vào năm 1798 dưới triều vua Cảnh Thịnh), và Thánh Isiđôrô Gagelin Kính (bị xử giảo [thắt cổ] năm 1833 tại Chợ Dinh ở cuối đường Chi Lăng bây giờ, dưới triều vua Minh Mạng).
Thời gian này (từ 1798 đến 1898), người ta ghi nhận sự hiện diện của một vài gia đình Công giáo đầu tiên còn lưu danh trong lịch sử:
a- Gia đình ông Jean-Baptiste Chaigneau
Nhờ có công giúp vua Gia Long đánh Tây Sơn để khôi phục ngai vàng cho triều Nguyễn, ông J.B. Chaigneau[2] (tên Việt là Nguyễn Văn Thắng), được phong quan tước và cho lưu lại ở kinh đô Huế. Ông kết bạn với cô Benoite Hồ Thị Huề và sống ở Phủ Cam. Sau đó tái giá với cô Hélène Barizi và chuyển về sinh sống ở Gia Hội năm 1821, làm lãnh sự đầu tiên của nước Pháp tại Đàng Trong. Đến năm 1825, do vua Minh Mạng ngày càng tỏ ra khắt khe đối với người Công giáo cũng như ác cảm đối với người Tây phương, gia đình ông đã rời Gia Hội về Pháp. (Một người con của ông là Michel Đức Chaigneau sau đó đã viết về gia đình mình và về kinh thành Huế qua một số bài được đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hué và qua cuốn sách Souvenirs de Hué, in năm 1867).
b- Gia đình bà Tham tri Trần Ngọc Giao
Bà (không rõ tên) là người Công giáo gốc Nhất Đông (Thanh Hương), bỏ làng vào sống ở vùng Đông Ba–Gia Hội. Thời Minh Mạng bách hại, bà đã bỏ đạo, làm vợ bé ông Trần Ngọc Giao, người Mậu Tài, Tham tri dưới các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
Ông bà sinh hạ được ba người con: Trần Ngọc Vịnh (1838), Trần Thị Uyển và Trần Thị Phước. Cô Uyển được ông bà gả cho Kiến Thoại vương (em vua Tự Đức). Khi ông Tham mất (1844), bà cùng hai con (cậu Vịnh và cô Phước) rời Gia Hội đến sống ở chùa Quốc Ân[3] (nay thuộc phường Trường An, thành phố Huế), do gia đình ông Tham rất sùng mộ đạo Phật, vả lại cũng vì khó khăn về gia cảnh.
Năm 1859, được ơn Chúa đặc biệt, ba mẹ con bỏ chùa về sống lại ở Gia Hội. Bà Tham Giao ăn năn hối cải, cho cậu Vịnh và cô Phước qua Dương Sơn học đạo và lãnh nhận bí tích Rửa tội tại đó (ngày 29-4-1859). Biết được chuyện này, Đức ông Kiến Thoại tức giận và truyền bắt cậu Vịnh nhưng cậu đã kịp thời trốn ra Quảng Trị, sau đó (1864) được Đức cha Sohier (Bình) gởi sang chủng viện Penang (Malaisia) theo con đường tận hiến làm linh mục. Trong thời gian hiệu lực của sắc dụ “Phân sáp” do vua Tự Đức ban ra năm 1860, bà Tham Giao cùng với cô Phước bị đưa đi tập trung “phân sáp” tại Cồn Soi (Cồn Hến). Sau sáu tháng sống đọa đày tại đây, Đức ông Kiến Thoại đã can thiệp cho hai mẹ con ra khỏi làng tập trung, trở về sống tại Gia Hội trước lúc có lệnh tha đạo. Còn cậu Vịnh, sau 11 năm tu học (1864-1875), đã được lãnh nhận chức thánh linh mục vào ngày 18-12-1875 tại Kim Long và được bổ nhiệm làm Quản xứ Ngọc Hồ.
Cô Mađalêna Phước về sau làm bạn với ông Phaolô Nguyễn Văn Cẩn (Ngọc Hồ) và họ là song thân của cha Chính, cha Chuyên và cha Mầu. Còn cha Vịnh sau đó được thuyên chuyển ra Giáo xứ Đại Lộc rồi Dương Lộc (Quảng Trị) và bị Văn Thân thiêu sát tại Dương Lộc cùng với đông đảo giáo dân nơi đây tháng 9 năm 1885.
Một người nữa có thời gian sinh hoạt tại gia đình bà Tham Giao là cha Máctinô Nguyễn Văn Thanh (1820-1848-1869), gốc An Vân. Sau khi được tha khỏi trại tập trung “Phân sáp”, bà Tham Giao rước cha Thanh về nhà nuôi giấu cùng với các linh mục khác và tuỳ lúc cũng có các nữ tu nữa. Ban ngày cha giả làm người bửa củi, gánh nước thuê ở chợ Đông Ba. Dưới lốt đó, cha đến các trại giam giáo dân từ cửa Thượng Tứ lên đến cầu Bạch Hổ để thăm viếng, an ủi và giải tội cho họ, thậm chí còn kiếm tiền giúp họ. Có lúc cha cũng lẻn vào Khám Đường[4] trong Thành Nội, ban các bí tích, đặc biệt cho những ai sắp ra pháp trường lãnh phúc tử đạo. Tối đến cha về Gia Hội ở lại tại nhà bà Tham Giao, đóng vai một người giúp việc. Cơn cấm đạo chấm dứt, cha Thanh rời Gia Hội. Về sau, trong một lễ tạ ơn long trọng tại Kim Long (tháng 8-1864) Đức cha Sohier (Bình) chầu lễ để cha Thanh chủ lễ; một số lương dân ở vùng Đông Ba – Gia Hội ngạc nhiên nói với nhau: “Bác Thanh ở tớ cho bà Tham Giao tại Gia Hội và năng đi làm thuê, té ra là một đạo trưởng mà mình không biết”. Về sau, cha Máctinô Nguyễn Văn Thanh mất tại Giáo xứ Nam Tây, Quảng Trị năm 1869.
Ngoài các sinh hoạt của gia đình được kể, bà Tham còn đón tiếp tại nhà nhiều tu sĩ, đạo trưởng khác nữa. Trong số đó có cha Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1956-1874), một vị linh mục Giáo phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) đã làm thay đổi phần nào nhãn quan của vua Tự Đức về đạo Công giáo cũng như về người Công giáo qua nhiều bản điều trần[5].
2- Hình thành như Giáo họ trực thuộc Giáo sở Nam Phổ (1898)
Sau cuộc thảm sát của phong trào Văn Thân năm 1885, Đức cha Louis Caspar (Lộc), cha Eugène Allys (Lý) lúc đó là Quản xứ Phủ Cam, cụ Thượng thơ Ngô Đình Khả và một nhóm giáo dân họ đạo này đứng ra tổ chức một đoàn truyền giáo đem Tin Mừng cho vùng thuộc hai huyện Phú Lộc và Phú Vang hiện nay. Vì có sự hưởng ứng mạnh tại vùng Nam Phổ, nên Đức cha Caspar đã chọn làng Nam Phổ làm trung tâm truyền giáo. Khi đã có một số dự tòng, Đức cha vận động lập vườn, làm nhà thờ và nhà xứ bằng tranh. Năm 1896, lớp giáo lý tân tòng đầu tiên khai mở.
Kể từ năm này, Giáo xứ Nam Phổ hình thành và trực thuộc Giáo sở Phủ Cam. Năm 1897, cha Giuse Nguyễn Văn Linh, phó xứ Phủ Cam, được Đức cha Caspar sai về ở đó trong 3 năm trời. Trong thời gian ấy, ngài rửa tội khá bộn. Do số giáo dân vùng Nam Phổ ngày càng đông, vào năm 1900, Đức cha tách Nam Phổ ra khỏi Phủ Cam và thành lập Giáo sở mang cùng tên, bao gồm Giáo xứ Nam Phổ, giáo họ Gia Hội và giáo họ Tân Thủy.
Gia Hội được thành lập chính thức vào lúc nào, không có một văn kiện gì để lại. Nhưng căn cứ vào sổ rửa tội còn lưu lại tại đây, có thể quả quyết không sai lầm rằng: Giáo họ này đã được khai sinh ngày 17-3-1898, vào thời Đức cha Caspar Lộc cai quản Giáo phận (1880-1907), dưới triều vua Thành Thái (1889-1907).
Gia Hội bấy giờ được kiêm nhiệm bởi các vị Quản xứ Nam Phổ sau đây:
– Cha Đôminicô Lê Văn Phẩm 1900-1902
– Cha Henri Lefebvre (Cố Lịch) 1902-1905
– Cha Giuse Trương Văn Long 1905-1911
Dưới thời kiêm nhiệm của cha, vào năm 1907, một trường tư thục Công giáo miễn phí đã được thiết lập cách nhà thờ Gia Hội hiện thời không xa, nhằm giúp các trẻ em nghèo trong khu vực. Đó là trường nghĩa thục Saint-Louis, một chi nhánh của trường Pellerin, do các sư huynh dòng Lasan điều khiển, hiệu trưởng là Sư huynh Baptiste Marie (Marie-Jean Chabanon)[6]. Trường hoạt động đến năm 1927 thì đóng cửa do tình hình xã hội không cho phép[7].
– Cha Matthêu Nguyễn Thanh Bạch 1911-1914
– Cha Anrê Huỳnh Văn Ấm 1914-1919
– Cha Matthêu Đỗ Khắc Mỹ 1919
– Cha Inhaxiô Đặng Văn Dõng 1919-1929
3- Trở thành Giáo xứ rồi Giáo sở (1929)
Năm 1929, do giáo dân Gia Hội càng ngày càng đông, số giáo dân ở Nam Phổ lại giảm xuống, Đức cha Allys (Lý) bèn đổi Gia Hội thành Giáo xứ và đưa cha Inhaxiô Đặng Văn Dõng lên cai quản họ đạo này. Kể từ đó, các Quản xứ Gia Hội kiêm nhiệm Giáo họ Nam Phổ cho đến năm 1956, và Giáo họ Tân Thủy (Cồn Hến) cho đến năm 1999. Các ngài kế vị nhau như sau:
– Cha Inhaxiô Đặng Văn Dõng 1929-1932 (Quản xứ tiên khởi)
Nhà thờ họ đạo lúc ấy (thánh đường đầu tiên[8], được xây dựng chừng một thập niên trước khi Gia Hội trở thành giáo xứ) chỉ là ngôi nhà nhỏ ba căn một chái, mái ngói, vách gạch, tháp nhọn đơn sơ, bộ giàn trò bằng gỗ, cột tròn lớn, quay mặt theo hướng đông nam.
Đến khi số giáo dân tăng lên khiến nhà thờ trở nên chật hẹp, thì vào năm 1927 cha Inhaxiô đã cho phá nó và xây ngôi nhà thờ bằng đá, mái ngói, cột kèo và đà ngang bằng gỗ lớn, trần cũng bằng gỗ rất đẹp. Thánh đường quay về hướng tây bắc. Việc xây dựng kéo dài 24 tháng, hoàn tất vào năm 1929.
– Cha Phêrô Nguyễn Văn Lành 1932-1936
Do mái nhà nhờ bị trụt ngói, cha đã cho xây lại kiểu tròn bằng xi-măng, mang dáng dấp nhà thờ Thánh Phêrô ở Rôma, rất mỹ thuật. Dịp này cha cũng cho xây thêm trụ biểu nằm trước cửa giữa nhà thờ, bên trên là tượng Đức Mẹ Ban Ơn. Quanh chân trụ có một bệ cao và dày là vị trí của 4 Thánh Phêrô, Phaolô, Gioan Hoan và Matthêu Phượng.
Về mặt văn hóa xã hội, để thăng tiến con người một cách toàn diện, giúp sống xứng nhân phẩm của họ, cha Phêrô (du học lâu năm từ Rôma về) đã cho mở trường Saint-Pierre, một trường tiểu học tư thục có tiếng tăm thời bấy giờ (thập niên 1930-1940). Rất nhiều kẻ sau này nên người và thành đạt ngoài xã hội là cựu học sinh của trường.
– Cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh 1937 (lần 1)
– Cha GB Trần Hữu Quý 1937-1945
Cha cùng giáo xứ tậu một ngôi nhà ba căn rộng rãi, mái tranh, tường gạch, một căn làm phòng đọc sách cho giáo dân (lấy tên là Sao Mai). Sách báo có nhiều loại, đặc biệt là sách tôn giáo. Hai căn còn lại làm quán cơm xã hội, thuê mướn người nấu ăn và phục vụ. Hằng ngày quán bán cho các đối tượng dân nghèo lao động bất luận lương giáo, với giá khoảng bằng 3/4 so với các nơi khác.
– Cha GB Bửu Đồng 1945-1947
– Cha Anrê Nguyễn Văn Cần 1947-1959
Từ năm 1956, Giáo họ Nam Phổ được chuyển cho các vị quản Phanxicô (1956-1965) và Đại Phong[9] (1965-1969) trực tiếp kiêm nhiệm.
– Cha GB Hồ Đắc Liên 1959-1962
Dưới thời các vị quản xứ Cần và Liên có ba linh mục kế tiếp nhau về làm phó xứ. Đó là các cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiên, Giuse Nguyễn Văn Trinh, Phaolô Nguyễn Khắc Hiền.
Cha phó Phaolô Nguyễn Khắc Hiền bấy giờ thành lập nguyệt san Vươn Lên, tiếng nói của đoàn Thanh niên Công giáo Gia Hội. Cha làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, có sự cọng tác của anh em trong đoàn và một ít nhà văn, họa sĩ, thi sĩ người ngoài… Nội dung báo bao gồm nhiều lãnh vực từ văn nghệ, văn hóa, xã hội, y tế đến tôn giáo. Báo được quay ronéo, bìa in, dày từ 40-50 trang, phát hành mỗi kỳ 500 số. Báo lưu hành chủ yếu nội bộ giáo xứ và một đôi xứ lân cận. Một số được gởi đi các tỉnh xa khi có yêu cầu đặt mua dài hạn. Số đầu ra mắt vào tháng 6-1957 và số cuối tháng 12-1959.
– Cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh 1962-1964 (lần 2)
– Cha Antôn Nguyễn Văn Thọ 1964-1975
Trong biến cố Tết Mậu Thân năm 1968, nhà thờ thứ hai (do cha Lành xây) bị tàn phá. Cha sở Antôn đành phải vận động các nhà hảo tâm xa gần, thậm chí các doanh nhân ngoài Công giáo lẫn chính quyền địa phương, góp công sức xây ngôi nhà thờ thứ ba như hiện còn. Thánh đường là một kiến trúc hai tầng, trên là nhà thờ, dưới là nhà hội.
Việc xây dựng chưa hoàn tất thì tháng 04-1975 cha Antôn lâm bệnh và cha Stanislaô Nguyễn Đức Vệ được chuyển về làm Quản xứ từ ngày 26-06-1975.
– Cha Stanislao Nguyễn Đức Vệ 1975-2000
* Sáng lập Gia đình Tình thương, quy tụ giới trẻ Tp. Huế và nhiều nơi trong Giáo phận (1975)
* Trùng tu nhà thờ Tân Thủy.
* Tổ chức đại lễ mừng 100 năm thành lập Giáo họ Tân Thủy (1996)[10].
* Tổ chức đại lễ mừng 100 năm thành lập Giáo xứ Gia Hội (1998)
* Xoay xở rất nhiều để có một ngôi thánh đường tạm khang trang với cung thánh tuy chưa hoàn chỉnh nhưng cũng hài hoà trong ngoài. Thời kỳ này có bà Elisabet Trần Thị Kim Oanh (tên thật là Elisabet Đào) đã dâng cúng cho việc xây dựng tháp chuông.
– Cha Giuse Đặng Thanh Minh 2000-2008
Năm 2000, cha sở Giuse đã hoàn chỉnh thánh đường với mái đôi gồm fibro-ciment và tấm lợp onduline màu lục, với cung thánh, cửa ngõ, tượng đài Chúa Cứu Thế cùng thành quách ngăn cách rõ ràng trong ngoài.
– Cha Phêrô Phan Xuân Thanh 2008-2015 (kiêm Quản hạt Thành Phố)[11].
* Năm 2008 cha tu sửa nhà xứ thành nhà mục vụ, có phòng ốc cho các lớp giáo lý. Công trình được khởi sự vào tháng 5-2012 và hoàn tất trước lễ Giáng sinh cùng năm.
* Năm 2014, cha xây dựng hang đá Đức Mẹ Lộ Đức trong khuôn viên nhà thờ, nhờ sự dâng cúng của gia đình ông Phaolô Bạch Ngọc Thi cùng con cháu họ Bạch.
– Cha George Nguyễn Thành Phương 2015-2016 (Quản nhiệm)
– Cha Giuse Nguyễn Văn Chánh 10/2016…. (kiêm Quản hạt Thành Phố).
Năm 2018, cha đã cho lát gạch chống trơn toàn bộ sân nhà thờ và tu sửa tiền đường nhà thờ.
Bên trong nhà thờ Gia Hội
III- HOA TRÁI ĐỨC TIN
1- Linh mục:
– Cha Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang (sinh năm 1933 tại Gia Hội, thụ phong linh mục năm 1959 tại Roma, hiện hưu dưỡng tại Toà Tổng Giám mục Huế).
– Cha Gioan Nguyễn Lợi (em ruột Cha Gioang, sinh năm 1938, thụ phong linh mục năm 1967 tại Giáo hoàng Học viện Piô X Đà Lạt, đỗ tiến sĩ thần học năm 1973, hiện phục vụ tại Canada và Hoa Kỳ).
– Cha Emilianô Nguyễn Văn Tâm (sinh năm 1945 và lớn lên tại Kim Long, gọi cha Phêrô Lành bằng ông bác, quê ngoại gốc Gia Hội, tu dòng Biển Đức Thiên An, chịu chức linh mục năm 1978).
– Cha Gioakim Nguyễn Chí Hữu (sinh năm 1969 tại Phú Cát, khóa I đại chủng viện Huế, 1994, thụ phong linh mục năm 2002, hiện Quản xứ Cự Lại, từ 2014).
– Cha Micae Nguyễn Hữu Đức (sinh năm 1974 tại Phú Cát, khóa I đại chủng viện Huế,1994, thụ phong linh mục năm 2002, hiện là giáo sư đại chủng viện Huế).
– Cha Phaolô Vũ Văn Trung (sinh năm 1970 tại Phú Cát, nhập dòng Salésien Don Bosco ở Thủ Đức năm 1994, thụ phong linh mục năm 2002, hiện phục vụ tại Mông Cổ).
2- Nữ tu:
– Chị Macta Trần Thị Lệ Hằng (sinh ngày 29-1-1952, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Sài Gòn, chuyển về Lâm Đồng, từ năm 1996 là nữ tu dòng Bác Ái của Mẹ Têrêxa Calcutta ở Hoa Kỳ).
– Chị Maria Goretti Trần Đỗ Phương Lý (sinh năm 1958 tại Phú Cát, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm năm 1972, chuyển qua Dòng Phanxicô năm 1975, hiện phụ trách quản lý dòng tại Sài Gòn).
– Chị Agatha Bạch Thị Ngọc Tuyết (sinh năm 1963 tại Phú Cát, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế, khấn trọn đời ngày 21-11-1994)
– Chị Mađalêna Nguyễn Thị Xuân Thủy (sinh năm 1963 tại Phú Cát, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế, khấn trọn đời ngày 22-8-1997, hiện là Bề trên dòng)
– Chị Maria Hồ Thị Kim Dung (sinh năm 1965 tại Phú Cát, Dòng Mến Thánh Giá Huế, 1991, khấn trọn đời ngày 14-9-2000).
– Chị Anna Nguyễn Thị Thiên Trang (sinh năm 1961, Dòng Con Đức Bà Đi Viếng Huế, hiện ở Bình Triệu, Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, Sài Gòn, tuyên khấn năm 1997).
– Chị Maria Trần Hoàng Nhật Phương (sinh năm 1981, Dòng Con Đức Bà Đi Viếng Huế, khấn trọn đời năm 2015).
3- Giáo dân
– Năm 1939: 931 người.
– Năm 1952: 515 người.
– Năm 1964: 1.913 người.
– Năm 2010: 625 người.
– Năm 2015: 664 người.
– Năm 2019: 850 người.
Giáo xứ hiện có các đoàn thể: Hội Các đẳng, Từ thiện Thánh Vinh Sơn, Thanh Lao Công, Thiếu nhi Thánh Thể, Đạo binh Đức Mẹ, Con Đức Mẹ, Hùng tâm Dũng chí, Hướng đạo Công giáo, Thanh niên Công giáo, Mẹ gia đình, Thanh sinh công, Gia đình Tình thương, Gia đình trẻ, ban Giáo dục, ban Giáo lý, ban Ơn gọi, ban Phụng vụ, Ca đoàn, ban Chung Sự …
Giáo xứ hiện gồm 6 khu vực: Mông Triệu (chung quanh thánh đường, giữ trách nhiệm chủ yếu trong mọi lễ lạt quan trọng của Giáo xứ), Vô Nhiễm (tiếp giáp với khu vực Mông Triệu, bao gồm nửa trên của phường Phú Cát gần cầu Gia Hội), Mân Côi (vùng còn lại của phường Phú Cát tiếp giáp với phường Phú Hậu phía chợ Dinh), Trinh Vương (bao gồm phố Trần Hưng Đạo, bến xe Nguyễn Hoàng, Phan Đăng Lưu, Huỳnh Thúc Kháng), La Vang (trải dài từ cầu Đông Ba đến cầu Bạch Yến bao quanh Thành nội Huế), Thánh Mẫu (một phần phường Thuận Thành và một phần nhỏ phường Thuận Lộc).
Riêng các cơ sở văn hóa, xã hội nói trên (có từ 1907 đến 1975) được thành lập do chủ trương của giáo xứ (hoặc các cộng đoàn dòng tu có mặt tại giáo xứ) là nâng đỡ, phát triển về văn hóa, xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá Tin Mừng và hun đúc đời sống đức tin cho các tín hữu. Tiếc thay hiện nay các cơ sở đó chỉ còn tồn tại trong ký ức của các giáo dân Gia Hội lớn tuổi và chỉ là “vang bóng một thời”.
———————————————————————–
[1] Ngài là thánh tử đạo đầu tiên của Giáo phận Huế
[2] Ông là người Pháp (1769-1832), từng là một nhà thám hiểm và là một quân nhân điều khiển pháo thuyền, đã được Đức Giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) tuyển mộ từ Pháp cùng với nhiều sĩ quan hải quân và kỹ sư khác rồi đưa sang Việt Nam, đến Đàng Trong năm 1789.
[3] Nhà sử học Nguyễn Lý Tưởng cho là chùa Báo Quốc (nay thuộc phường Phường Đúc, thành phố Huế)
[4] Khám Đường (còn gọi là Nhà Tù Lớn), nơi giam giữ những ai đã có án (lưu đày, chung thân hoặc tử hình). Nó nằm ở góc phía tây của Thành Nội, cách tường thành một khoảng. Góc này nằm giữa cửa An Hòa và cửa Chánh Tây. Nhà giam xây giữa đầm lầy, bao quanh bởi một vòng thành lớn hình chữ nhật dài khoảng 100m và rộng 60m.
[5]Cha Gioakim Đặng Đức Tuấn sinh tại làng Qui Hoà, tức thôn Qui Thuận, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngoài tư cách linh mục, ngài còn là một danh nhân văn hóa, nhà thơ, nhà Hán Nôm với nhiều tác phẩm có giá trị trong lĩnh vực đạo lẫn đời. Ngài giữ vai trò thông ngôn cho phái đoàn do vua Tự Đức cử gồm sứ bộ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Định thương nghị rồi ký hòa ước với Thực dân Pháp vào năm 1862. Ngài góp phần quan trọng trong việc khiến vua Tự Đức ra “Chỉ dụ bãi bỏ lệnh phân sáp” bằng những bảng điều trần gửi cho triều đình thời đó. Ở Huế hiện có con đường mang tên cha chạy ngang trước nhà thờ Nguyệt Biều (10 Đặng Đức Tuấn).
[6] Sư huynh là em trai của Đức cha Paul-Marie Chabanon, Giám mục Đại diện Tông tòa cai quản Giáo phận Huế từ 1930 đến 1936.
[7] Cơ sở này sau được bán lại cho Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân, đổi tên thành trường Saint Agnès. Về sau trường được mở rộng và lại đổi tên lần nữa, thành trung tiểu học Mai Khôi (có cấp Trung học từ năm 1974). Trường này về sau cũng mở thêm chi nhánh bằng cách mua lại trường Chấn Lai của thầy Giản, một dãy nhà sáu căn đối diện với thánh đường ngay bên kia đường Tô Hiến Thành. Trường vừa là nơi cho học sinh lương, giáo trong vùng theo học, vừa là nơi dạy văn hóa cho các thanh tuyển của dòng. Các nữ tu và thanh tuyển ở đây, tuy độc lập trong việc dạy dỗ học hành, nhưng trực thuộc cha xứ Gia Hội trong hoạt động hỗ trợ mục vụ. Hằng ngày họ đi lễ chung với giáo dân tại thánh đường Gia Hội. Sau năm 1975, trung tiểu học Mai Khôi bị đổi thành trường nhà nước, nữ tu và thanh tuyển phải ra đi.
[8] Từ khi thành lập (1898) đến nay, Gia Hội có ba ngôi Thánh đường lấy thánh hiệu Mẹ Lên Trời làm bổn mạng.
[9] Giáo xứ Đại Phong, bây giờ là Phú Hậu.
[10] Từ năm 1999, Tân Thủy trở thành giáo xứ biệt lập, có quản xứ riêng của mình.
[11] Cha qua đời ngày 22-10-2015 vì bệnh ung thư gan, tại Nhà Chung Huế. Thọ 68 tuổi, 42 năm linh mục
———————————————————————–
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.