Lược sử Giáo xứ Hà Úc

17/10/2019

LƯỢC SỬ

GIÁO XỨ HÀ ÚC

Nhà thờ Hà Úc hiện nay

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Hà Úc, thuộc Giáo hạt Hải Vân, nằm trên địa bàn xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách Tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 22km về hướng đông đông nam.

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

A- GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH (1885-1902)

1- Từ vùng truyền giáo trở thành giáo họ (1885-1894)

Thời Đức Giám mục Antoine Caspar Lộc coi sóc Giáo phận (1880-1916) và cha Eugène Allys Lý làm Quản xứ Phủ Cam kiêm Quản hạt Bên Thủy (1885-1908), công cuộc truyền giáo ở vùng phía nam Giáo phận này dâng cao mạnh mẽ.

Năm 1885, cha Anphongsô Trần Bá Lữ (1845-1884-1913), phó xứ Phủ Cam được cử phụ trách việc truyền giáo tại Cầu Hai, Nước Ngọt, Diêm Tụ, Hà Úc (đến năm 1890).

Cùng lúc, khi cha Anrê Trần Văn Doãn (1837-1871-1918) làm Quản xứ Chuồn (An Truyền) từ năm 1886 (đến năm 1911), có mấy người làng Hà Úc lên Chuồn xin học đạo với cha và được rửa tội nơi này. Đó là các ông Nguyễn Oai, ông Trần Hợi và 2 mẹ con ông Võ Nhơn. Theo lời kể của những cụ cao niên, trước đó đã có một thiếu niên mồ côi được gửi lên viện dục anh (thành lập năm 1864) tại Giáo xứ Thanh Tân. Thiếu niên ấy, tên Phạm Oi, đã được rửa tội ở đây, lớn lên lập gia đình và trở về Hà Úc sinh sống. Đây là những hạt giống đức tin đầu tiên của làng Hà Úc.

Báo cáo thường niên của Đức cha Caspar gởi cho hội Thừa sai Hải ngoại Paris năm 1889 có trích bản tường trình của cha Quản hạt Allys trong đó có đoạn: “Bất chấp những mưu mô ngấm ngầm của các kẻ thù tôn giáo, đức tin đã có thể cắm rễ trong các làng Hà Úc, Hà Vĩnh, Cầu Hai, Diêm Tụ. Đó là những cuộc chinh phục mới mẻ và đầu tiên của chúng tôi, trong phần đất phía nam này, vốn vẫn bị bỏ hoang từ năm 1883” [1]

Năm 1890, Đức cha Caspar đặt linh mục François-Antoine Stoeffler (cố Thể, 1863-1887-1940) làm Quản xứ tiên khởi của Diêm Tụ kiêm Giáo họ Hà Úc (bên này và bên kia đầm Thủy Tú). Ngài có nhiều cha phó Pháp và Việt liên tục đến giúp.

Dưới thời cố Thể, người Hà Úc và các làng lân cận theo đạo khá đông. Kế hoạch truyền giáo của cố có 2 điểm: nhận nhiều tân tòng và khai phá đất ruộng.

Tại Diêm Tụ và Dưỡng Mong, cố Thể đã khai khẩn nhiều đất ruộng cho Nhà chung và giáo xứ. Tại Hà Úc, cố cũng làm như vậy. Vì thế mà nương vườn và đất ruộng của Nhà chung và của giáo xứ có nhiều. Vì hồi đó, Hà Úc đất rộng người thưa, toàn là độn hoang cát trắng bạc màu. Cố xin làng bán hay chuyển nhượng để khai khẩn.

Thời kỳ này, cố Thể đã làm cho Giáo họ Hà Úc một nhà thờ bằng tranh to lớn.

2- Lên hàng Giáo xứ với Quản xứ tiên khởi: Cha Jean-Marie Héry (1894-1902)

Nhận thấy dân chúng ở Hà Úc theo đạo ngày càng đông, năm 1894, Đức Giám mục Caspar Lộc đặt linh mục Jean-Marie Héry (cố Y, 1854-1879-1905) làm cha sở tiên khởi Giáo xứ Hà Úc, với cha Mátthêô Nguyễn Văn Thăng làm phó. Qua năm 1897 (Đinh Dậu), ở Huế có trận bão lụt lớn, kéo theo nạn đói và bệnh tật hoành hành, dân tình khốn khổ. Giáo phận và giáo xứ liền tổ chức cứu trợ, nên đã lôi cuốn nhiều người theo đạo bởi thấy gương bác ái của con cái Chúa… Chính cố Y cũng đã đem hạt giống dương liễu ở ngoại quốc về trồng tại Hà Úc lần đầu tiên, từ đó loại cây này được nhân rộng ra khắp vùng duyên hải. Đây là nguồn lợi nhiều mặt (giữ đất, chắn gió, ngăn biển, làm củi, làm nhà…) cho tới ngày nay. Vì thế, để bày tỏ lòng biết ơn, hằng năm con dân Hà Úc đều xin lễ cầu nguyện cho cố. Năm 1902, cố Y bị bệnh phải về lại Pháp để chữa trị. Bấy giờ số giáo dân đã lên đến 884 người.

B- GIAI ĐỌAN PHÁT TRIỂN (1902-1943)

1- Cha Marcellin Maillebuau (cố Mầu) với công cuộc truyền giáo (1902-1930).

Trong thời gian cố Mầu làm cha sở, việc truyền giáo tại Hà Úc càng phát triển mạnh. Theo báo cáo của linh mục Tổng đại diện Alphonse Izarn (cố Ý) năm 1906, thì tại vùng này có 85 giáo điểm Tin Mừng. Các họ đạo từ Xuân Thiên, Khánh Mỹ đến Vinh Hòa dần dần được thành lập.

a/ Số giáo dân: Nếu năm 1902 số giáo dân là 884, thì chỉ 3 năm sau (1905), con số này là 1.500[2]; 8 năm sau (1910) là 1.800, và khi ngài rời Hà Úc thì lên đến gần 3.000.

b/ Các cơ sở: Dưới thời cố Mầu, một nhà thờ ngói to lớn đã được cất lên, với cột kèo bằng gỗ tốt (1904). Cố cho làm một nhà xứ rất dài, lợp tranh. Phía sau nhà xứ còn có một dãy nhà dùng để dạy giáo lý, dạy văn hóa cho trẻ. Chính cố Mầu đã mua một chuông lớn từ Pháp đem về, đánh lên ngân vang cả vùng.

c/ Các cha phó: Nhận thấy nhu cầu mục vụ to lớn của vùng đất truyền giáo, Đức cha đã cử thêm nhiều cha phó đến phụ giúp.

+ Năm 1903, mở đạo tại An Bằng: Cha Phaolô Nguyễn Văn Huồn (1903), Cha Micae Trần Văn Hiệu (1905), Cha Antôn Nguyễn Văn Sản (1907)

+ Năm 1910, mở đạo tại Xuân Thiên: Cha Giuse Trần Văn Trang (1910), Cha Gioan Baotixita Huỳnh Viết Chưởng (1912), Cha P.X. Trương Văn Lương (1913), Cha Phaolô Lê Quang Tuyến (1915)

+ Năm 1915, mở đạo tại Vinh Hòa: Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Hân (1915), Cha Batôlômêô Nguyễn Văn Khâm (1917), Cha Phanxicô Xavie Dương Văn Nguyên (1920), Cha Phêrô Huỳnh Văn Thuận (1922), Cha Đôminicô Nguyễn Thanh Chước (1926), Cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (1929), Cha Đôminicô Huỳnh Văn Thượng (1930)

Tại Hà Úc, thời bấy giờ người ta thường nói “Nương cha–Nhà cố”, nghĩa là sau khi một gia đình theo đạo, thì thường cha phó lo cho họ có một miếng đất để ở, còn nhà thì cố Mầu giúp dựng.

2- Cha G.B. Nguyễn Văn Hân với công cuộc phát triển văn hóa (1930-1937)

Sau khi cố Mầu bệnh và mất tại Huế ngày 05-12-1930, Đức cha Allys Lý đặt cha Hân làm Quản xứ Hà Úc. Ngoài việc truyền giáo nối tiếp sự nghiệp của cố Mầu, cha Hân đã lập sở các chị Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân tại Hà Úc ngày 20-01-1933, mở trường Tiểu học Mai Khôi (xây vách lợp ngói) để dạy văn hóa cho các em trong vùng, lương lẫn giáo. Rất nhiều người trong làng cũng như các vùng lân cận, được đào tạo văn hóa sơ đẳng từ đây, vẫn còn nhớ ơn những người có công khai sáng trí tuệ cho mình.

Cha Hân cũng làm lại nhà xứ, dời nhà thờ An Bằng đi chỗ khác, xây lại nhà thờ bằng gạch (1936), sửa sang trùng tu các nhà thờ họ nhánh trực thuộc.

Dưới thời ngài có các cha phó sau: Cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (1930), Cha Đôminicô Huỳnh Văn Thượng (1930), Cha Anrê Lê Trọng Đinh (1932), Cha Giacôbê Nguyễn Văn Ngọc 1934), Cha Phêrô Huỳnh Văn Hóa (1936)

3- Cha Jean Viry (cố Vị) với công cuộc xây dựng các thánh đường (1937-1943).

Ngài chăm lo dạy tân tòng, cho những lời khuyên để giải quyết các vấn đề mà không giây mình vào đó. Nhưng nét nổi bật nơi cố Vị trong thời gian làm cha sở Hà Úc, chính là xây nhiều nhà thờ. Trước hết ngay khi mới về nhận xứ, ngài cho phá dỡ nhà thờ cũ do cố Mầu làm và xây lại một nhà thờ mới bằng gạch kiên cố còn tồn tại đến nay. Các nhà thờ Vinh Hòa, Phường Đông, Phường Tây, Xuân Thiên, Khánh Mỹ đều được xây dựng dưới thời cố Vị.

Thấy tài tổ chức của ngài, Đức cha cũng giao cho ngài việc hướng dẫn tất cả các trường học của Giáo phận, trọng trách được ngài chu toàn một cách tuyệt hảo. Đó là một trong những lý do khiến ngài được đưa lên làm hiệu trưởng trường Providence (Thiên Hựu) ở Huế vào năm 1943.

Các cha phó dưới thời của ngài: Cha Phêrô Huỳnh Văn Hóa (1937), Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Huệ (1938), Cha Phaolô Mai Xuân Hiến (1940), biệt cư Phường Tây, Cha Phaolô Lê Văn Đẩu (1941), Cha Gioan Nguyễn Đăng Bình (1943), biệt cư Phường Tây.

C- CỦNG CỐ VÀ XÂY DỰNG (từ 1943 đến nay)

1- Kiên vững trong thử thách (1943-1975)

Từ 1943 đến 1975, đất nước trải qua nhiều biến động: chiến tranh lan tràn, an ninh bấp bênh, thời cuộc hỗn loạn. Nhưng nhờ ơn Chúa và dưới sự dẫn dắt của các vị mục tử kế tiếp nhau, Giáo xứ Hà Úc vẫn vượt qua thử thách, kiên vững niềm tin, đoàn kết xây dựng.

1.1- Cha Phêrô Huỳnh Văn Hóa (1943-1945), có cha Phêrô Hoàng Kính ở phó biệt cư Xuân Thiên (1943). Năm 1944, cha Stanislaô Nguyễn Văn Ngọc thay cha Kính.

1.2- Cha Phaolô Mai Xuân Hiến (1945-1946)

1.3- Cha Tôma Nguyễn Văn Luật (1946-1955), có các cha phó Giuse Ngô Văn Trọng (1948), Gioakim Võ Quang (1949), Anrê Nguyễn Văn Trúc (1954), Mátthêô Trần Thanh Minh (1955).

1.4- Cha Phêrô Ngô văn Triệu (1955-1961): đây là thời kỳ tương đối yên ổn, nên cha đã đóng lại bàn ghế nhà thờ, làm nhà họ, nhà từ, tháp chuông, xây hang đá Lộ Đức, lập đoàn Con Đức Mẹ.

1.5- Cha Phaolô Trần Bá Hạnh (1962-1968): mua lại ruộng Nhà chung cho giáo xứ, làm nhà xứ lại.

1.6- Cha Gioakim Võ Quang (1968-1969). Biến cố Mậu Thân gieo rắc kinh hoàng, đặc biệt tại Thừa Thiên-Huế.

1.7- Cha G.B. Hồ Đắc Liên (1969-1972). Biến cố Mùa hè Đỏ lửa cũng âm hưởng lên giáo xứ và giáo phận.

1.8- Cha Giacôbê Trần Văn Thời (1972-1975), có cha Anrê Nguyễn Văn Phúc làm phó (1973). Giai đoạn canh tân Hội đồng Giáo xứ và các đoàn thể Công giáo Tiến hành.

2- Xây dựng trong hòa bình (1975…)

Tuy đất nước hòa bình, nhưng việc xây dựng đời sống đạo chẳng phải là không khó khăn.

2.1 Cha Giacôbê Lê Sĩ Hiền (1975-2001):

Sau chiến cuộc 1975, hòa bình trở lại, giáo dân Hà Úc đa phần trở về quê hương, xây dựng giáo xứ. Số tín hữu lúc ấy là 4.970 người. Bấy giờ Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền cử cha già Antôn Trần Văn Đức, phó Phủ Cam về làm cha sở, có cha GB. Lê văn Hiệp, Quản xứ Phường Tây và cha PX. Nguyễn Hoàng Hải, Quản xứ Hà Thanh hỗ trợ trong việc mục vụ. Cha Đức chỉ hiện diện từ tháng 05 đến tháng 09.

Ngày 10-9-1975, Đức Tổng Philipphê Nguyễn Kim Điền đưa cha Giacôbê Lê Sĩ Hiền từ trường Thiên Hựu (nay đã mất) về làm Quản xứ Hà Úc kiêm An Bằng như giáo họ. Năm 1976, cha GB Lê văn Nghiêm làm phó xứ đến năm 1977 thì đổi ra làm Quản xứ An Bằng. Khi cha Nghiêm rời khỏi nhiệm sở tháng 6-1981 thì An Bằng được cha sở Hà Úc kiêm lại.

Cha Giacôbê Lê Sĩ Hiền đến với giáo xứ trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước về mặt kinh tế và của tôn giáo về mặt sống đạo. Ngài coi sóc giáo xứ trong một thời gian dài: 26 năm, chia làm 2 giai đoạn: 1975-1990 và 1990-2001.

+ Giai đoạn 1975-1990: Đây là thời cực kỳ gian khổ cho cuộc sống và đức tin. Nhiều giáo dân Hà Úc lên đường đi vùng “kinh tế mới” theo chính sách nhà nước hoặc di dân tự do vào miền Nam. Trong giai đoạn này, chừng 1.500 người đi lập nghiệp ở vùng Nam Đông, A Lưới, Bình Điền. Sau đó phần lớn tiếp tục đi vào Long Khánh, Kontum, Ban Mê Thuột[3].

+ Giai đoạn 1990-2001: Sau thời kỳ đổi mới (1985-1990), chính sách kinh tế và tôn giáo có phần thông thoáng, khiến người dân ổn định cuộc sống hơn, nên cha Giacôbê bắt tay ngay vào việc tái lập sinh hoạt các hội đoàn Công giáo Tiến hành và trùng tu, xây dựng các cơ sở của họ đạo:

– Năm 1991: xây dựng tháp chuông.

– Năm 1993: đại trùng tu thánh đường.

– Năm 1996: xây lại các đài: đài thánh Giuse (giáp/xóm Bắc), Đức Mẹ Mân Côi (giáp Tây), Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (giáp Trung) và Đức Mẹ Đi Viếng (giáp Nam).

– Năm 1997: xây dựng bộ tượng đàng Thánh giá ngoài trời, quanh nhà thờ, lớn bằng người thật.

– Năm 1998: xây dựng đài Đức Mẹ La Vang

– Năm 1999: xây dựng đài Thánh Giuse & Bia Cảm tạ Thiên Chúa và Tri ân các Tiền nhân.

Tháng 12 năm 2001, cha Giacôbê Lê Sĩ Hiền thuyên chuyển vào giáo xứ Nước Ngọt.

2.2 Cha Phaolô Nguyễn Luận (2001-2015)

Được Đức Tổng Giám mục Têphanô đặt làm Quản xứ năm 2001, cha Phaolô tiếp tục việc mục vụ của các vị tiền nhiệm, trên nền móng mà cha Giacôbê đã dày công vun đắp gìn giữ: tổ chức Hội đồng giáo xứ, các ban ngành, các hội đoàn, các giới lớn nhỏ, xây dựng nhiều công trình mới… với sự cộng tác tích cực của các cha phó và giáo dân, nhằm kiến tạo một cộng đoàn phát triển.

Các công việc xây dựng mới gồm có:

– Năm 2002: xây dựng nhà sinh hoạt chung.

– Năm 2003: xây dựng dãy nhà dạy giáo lý và cơ sở khám chữa bệnh từ thiện.

– Năm 2004: sửa chữa cung thánh nhà thờ, thay ghế và hệ thống âm thanh, chuẩn bị mừng 120 năm lãnh nhận đức tin của giáo xứ (1885-2005)

– Năm 2006: xây mới trường Mai Khôi Hà Úc, do gia đình ông Phạm Văn Quý, cựu học sinh, định cư ở Hoa Kỳ tài trợ.

– Năm 2008: xây mới nhà xứ, hội trường và nhà cha phó.

– Năm 2012: xây mới nhà Chầu Thánh Thể, nhà tang lễ.

– Năm 2013: xây dựng nhà ở của cộng đoàn các nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Thời điểm từ năm 2000 đến 2010, kinh tế quốc gia, nhất là ở miền nam, phát triển mạnh với những khu công nghiệp tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Phước… đã thu hút người trẻ vào tìm kiếm công ăn việc làm. Khi ổn định cuộc sống và lập gia đình, họ ở lại tại đó. Chính vì thế, số giáo dân Hà Úc tăng không đáng kể, dù tỉ lệ sinh con chẳng giảm.

Các phó xứ trong thời kỳ này gồm: cha Đaminh Lý Thanh Phong (2002-2004), cha Matthêu Mai Nguyên Vũ Thạch (2004-2007), cha Giuse Đặng Văn Niên (2007-2008), cha Phêrô Hoàng Minh Tuân (2008-2010), cha Augustinô Nguyễn Đại Vũ (2010-2012), cha Gioan Baotixita Trần Sơn Lâm (2012-2015)

2.3 Cha Đaminh Phan Văn Anh (tháng 7-2015…..).

Ngày 28-7-2015, Đức cha Phanxicô X. Lê Văn Hồng đưa cha Đôminicô Phan Văn Anh về nhận xứ Hà Úc[1]. Tại đây, theo lời dạy của Đức Giáo hoàng Bênêđíchtô 16: “Muốn thay đổi một điều gì, hãy bắt đầu từ trong nhà thờ”, cha Đôminicô quyết định không có Thánh lễ hàng tuần tại các đài giáp; thay vào đó, tại nhà thờ của Giáo xứ, mỗi ngày luôn luôn có hai Thánh lễ sáng chiều. Tại mỗi đài giáp, một năm chỉ còn chừng mười thánh lễ trong các dịp Tết, Giáng sinh, tháng Đức Mẹ, lễ Các Đẳng, lễ Bổn mạng và lễ an táng cho người chết không tiện đưa đến nhà thờ. Nhờ tập trung về nhà thờ, đời sống đức tin của Giáo xứ biểu lộ thành một khối mạnh mẽ. Việc dạy giáo lý cũng tập trung vào sáng Chúa nhật sau lễ nhì.

Hội đồng Giáo xứ được trẻ hoá, mọi việc đối ngoại đều qua cha sở là người đứng mũi chịu sào; cũng không còn nhiệm kỳ 4 năm của Hội đồng như trước đó nhưng ai làm tốt thì sẽ làm cho đến khi không còn sức khoẻ; ai không tốt, cha sở cho nghỉ sớm. 

Tên gọi Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung của 5 giáp được thay đổi, lấy theo ngày bổn mạng của giáp mình. Giáp Giuse thay vì giáp Bắc; giáp Mân Côi thay vì giáp Tây; giáp Trinh Vương thay vì giáp Trung; giáp Đi Viếng thay vì giáp Nam và giáp Thánh Tâm thay vì giáp Đông. Các ca đoàn cũng được gộp lại, chỉ còn hai, cùng ngày bổn mạng là Mẹ Thiên Chúa (01/01).

Là nhà giáo, ưu tư đời sống tri thức, cha Đôminicô đặc biệt chú trọng khai dân trí, tổ chức dạy nhiều môn học. Các lớp ra đời hàng năm như thanh nhạc, đánh đàn, chiếu máy, múa ba-lê, cắm hoa nhà thờ, viết chữ nghệ thuật, võ cổ truyền và cổ vũ việc đọc sách cho các em.

Về cơ sở, ngay khi mới nhậm chức, vì nhà thờ không đủ chỗ, cha đã cho xây một lễ đài ngay giữa khuôn viên (sau nhà thờ) để dùng vào các đại lễ cũng như các sinh hoạt ngoài trời. Trong hai năm, nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan Toà thánh, Đức TGM. Leopoldo Girelli, giáo dân và ân nhân gần xa, ngài xây một Nhà Mục vụ lớn với 25 phòng được trang bị tốt nhất từ khung ngoại cửa, bàn ghế, bảng kính cường lực với một khuôn viên khang trang bao quanh với các tường thành.

Nhà Mục vụ đã được Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh đặt đá, làm phép và chủ sự Thánh lễ Tạ ơn ngày 12-8-2019. Trong dịp này, cũng có hơn 200 thiếu nhi được rước lễ lần đầu. Ngoài ra, nhà thờ cũng được lát gạch và sơn lại, cung thánh được sửa, bàn ghế được làm mới, hệ thống âm thanh và thông gió được tân trang.

Ngoài ra, để ứng dụng các phương tiện truyền thông hiện đại vào sinh hoạt cộng đoàn và làm nhịp cầu liên kết với mọi người gần xa, cha đã lập một trang Facebook cho giáo xứ Hà Úc theo địa chỉ: https://www.facebook.com/pg/giaoxuhauc/posts/

Các phó xứ trong thời kỳ này gồm: cha Mátthêu Lê Anh Khoa (2015-2016), cha Gioan Bosco Trần Anh Thao (2016-2017), cha Đôminicô Trần Bá Kha (2017-2018), cha Antôn Hồ Đắc Dũng (2018-2019), cha Phaolô Đào Ngọc Duy (2019-)

—————————————–

[1] Ngài còn được gọi là Minh Anh, một nhạc sĩ đã sáng tác nhiều thánh ca. Từ 2001-2018, cha phụ trách Thánh nhạc Giáo phận; ngoài ra, ngài cũng dạy Anh ngữ và thanh nhạc tại Đại chủng Viện Huế. Cha Đôminicô còn có một hoạt động trí thức (khá ít ỏi tại Giáo phận Huế) là dịch các sách đạo nhằm đem lại của ăn tinh thần cho mọi tín hữu. Cho tới nay, cha đã dịch được 18 đầu sách, trong đó đặc biệt có cuốn “Huế cổ-Vết tích đạo và đời” của linh mục thừa sai J.B. Roux (cố Ngôn). Đây là tài liệu quý, nói về các pháp đình, nhà tù và pháp trường liên can đến các vị tử đạo tại Giáo phận Huế. Sách này đã được tái bản nhiều lần. Cha là cộng tác viên của nhiều trang mạng Công giáo.

 

Nhà thờ Hà Úc (bên trong)

IV . HOA TRÁI ĐỨC TIN :

1- Linh mục:                                                

  1. Antôn Nguyễn Văn Tuyến (GP Huế 1976)
  2. Gioakim Hồ Quang Tâm (CSsR, 1994 +2006)
  3. Phaolô Phạm Tá (Huế, 1996 +2019)
  4. Antôn Nguyễn Ngọc Hà (GP Huế, 1996)
  5. Bênêđictô Nguyễn Phi Hành (GP Xuân Lộc, 2000)
  6. Louis Trương Sinh (OSB, 2000)
  7. Giuse Trần Viết Viên (GP Huế, 2001)
  8. GB. Phạm Quốc Huy (Hoa Kỳ, 2002)
  9. Giuse Võ Văn Phú (GP Huế, 2006)
  10. Phaolô Ngô Văn Phi (CSsR, 2007)
  11. Phêrô Nguyễn Vũ (GP Huế, 2008)
  12. Giuse Huỳnh Đình Hào (GP Huế, 2010)
  13. Giuse Phạm Xuân Cường (GP Huế, 2011)
  14. Hier. Trần Văn Trạch (GP Kontum, 2011)
  15. Patriciô Maria Nguyễn Ngọc Quang (CMC Hoa Kỳ, 2012)
  16. Giuse Phạm Thanh Vũ (GP Bà Rịa, 2013)
  17. G.Bosco Mai Xuân Hữu (GP Xuân Lộc, 2013)
  18. Phaolô Nguyễn Duy Khánh (GP Huế, 2015)
  19. Phaolô Nguyễn Hữu Khoa (GP Huế, 2017)

2- Đại chủng sinh Huế:

  1. Gioakim Phạm Chiến
  2. Đaminh Phạm văn Hoàng
  3. Gioakim Phạm Thái
  4. Giuse Hoàng Cường

3- Nam tu sĩ:

Phaolô Phạm Văn Trung (Gioan TC, Áo quốc)

 4- Nữ tu vĩnh khấn:

  1. Maria Nguyễn Thị Luyến (CĐMVN Huế )
  2. Maria Nguyễn Thị Quý (2009, CĐMVN Huế )
  3. Catarina Phan Thị Linh (2010, CĐMVN Huế )
  4. Matta Hoàng Thị Thu Nở (2013, CĐMVN Huế )
  5. Madalêna Đỗ Thị Diệu Linh (2013, CĐMVN Huế )
  6. Maria Nguyễn Thị Thanh Thủy (2013, CĐMVN Huế )
  7. Matta Nguyễn Thị Hồng Phúc (2013, CĐMĐV Huế)
  8. Catarina Lê Thị Mộng Thu (2013, CĐMĐV Huế)
  9. Lucia Phạm Thị Ny Ny (2018, CĐMĐV Huế)
  10. Catarina Phạm Thị Sương (2019, CĐMĐV Huế)
  11. Matta Lê Thị Cẩm (Kinh viện, CĐMĐV Huế)

5- Giáo dân

– Năm 2010:    3.025 người

– Năm 2015:    3.117 người

– Năm 2019:    3.117 người.

Giáo xứ hiện có các hội đoàn: 1- Legio Mariae. 2- Cộng đoàn Khôi Bình (Kolping). 3- Thiếu nhi Thánh Thể. 4- Chương trình Thăng tiến Hôn nhân Gia đình (Song nguyền). 5- Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm. 6- Phan Sinh tại thế.

Giáo xứ hiện phân chia thành các giới: 1- Gia trưởng – Hiền mẫu. 2- Cha mẹ Gia đình trẻ.

3- Đoàn Thanh niên Chúa Kitô Vua. 4- Giáo lý viên. 5- Ca đoàn. 6- Nhóm Ơn gọi. 7- Hội Lễ sinh Piô X. 8- Nhóm thiện nguyện “Phục vụ Agape”.

Nhà thờ Hà Úc – Bia cảm tạ và tri ân

—————————————————————–

[1] Malgré les sourdes menées des ennemis de la religion, la foi a pu être implantée dans les villages de Hà-Úc, Hà-Vĩnh, Cầu-Hai, Diêm-Tụ. Ce sont nos nouvelles et premières conquêtes, dans cette partie méridionale, restée désolée depuis 1883.         

[2] Theo Báo cáo thường niên năm 1905 của Đức Giám mục Caspar gởi hội Thừa sai Hải ngoại Paris

[3] Năm 1978, nhân một buổi tối, có người đến kêu cha Giacôbê đi “xức dầu kẻ liệt”. Ngài vội vàng lên đường với người ấy mà không đem một giáo dân đi tháp tùng. Chẳng ngờ đó là một âm mưu của kẻ xấu. Ngài đã bị đánh thừa sống thiếu chết ở chỗ vắng, phải bò lết về nhà.

[4] Cha Đaminh còn có một hoạt động trí thức (khá ít ỏi tại Huế) là dịch các sách đạo nhằm đem lại của ăn tinh thần cho mọi tín hữu. Cho tới nay, cha đã dịch được 18 đầu sách, trong đó đặc biệt có cuốn “Huế cổ-Vết tích đạo và đời” của linh mục thừa sai J.B. Roux (cố Ngôn). Đây là tài liệu quý, nói về các pháp đình, nhà tù và pháp trường liên can đến các vị tử đạo tại Giáo phận Huế. Sách này đã được tái bản nhiều lần.

—————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.