Lược sử
GIÁO XỨ HƯƠNG LÂM
Nhà thờ Hương Lâm mới
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Hương Lâm, thuộc Giáo hạt Hương Quảng Phong, nằm trên địa bàn xã Điền Hương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách Tòa TGM Huế 40kmvề phía tây bắc. Đi rẽ theo con đường làng phía tay phải nhà thờ Nhất Đông, gần 1km, sẽ thấy nhà thờ Hương Lâm dâng kính Đức Mẹ.
Hương Lâm còn có tên nôm na là họ Rú. Đúng như tên gọi, giáo xứ nằm khuất sau những đồi cát, giữa những lùm cây dại. Hai bên đường, xương rồng mọc nhiều hơn những cây dại khác. Tất cả phô bày sự khắc khổ của một vùng đất cằn cỗi, thiếu nước. Biển nằm sau nhà thờ khoảng 3km.
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
A- Sinh ra và lớn lên trong gian khổ (1664)
Hương Lâm thuở khai sinh là giáo họ của Hương Triều[1], một giáo sở được thành lập năm 1664, trong thời kỳ khai phá của Dòng Tên tại vùng Dinh Cát (Quảng Trị) (1615-1665). Thời ấy trải qua nhiều giai đoạn bắt đạo của các chúa Nguyễn, khi dữ dội khi lắng dịu, kéo dài hơn một thế kỷ: năm 1644 của Thượng vương Nguyễn Phúc Lan; năm 1663 và 1665 của Hiền vương Nguyễn Phúc Tần; năm 1691 của Ngãi vương Nguyễn Phúc Trăn[2], năm 1750 của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, năm 1767 của Định vương Nguyễn Phúc Thuần.
Nhà thờ bị triệt hạ, giáo sĩ thừa sai bị trục xuất khỏi nước, linh mục bản xứ sống chui lủi rày đây mai đó, giáo dân Hương Triều trong đó có Hương Lâm sống lạc loài như đàn chiên giữa sói rừng, mạng sống bị rình rập.
Rồi cuộc nội chiến tranh giành quyền lực giữa 3 nhà Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn (1775-1802), đến các cuộc bắt đạo của Minh Mạng (1825-1841), của Tự Đức (1848-1851), lệnh Phân Sáp của ông vua này (1861-1862), chính sách “Bình Tây Sát Tả” của Văn Thân (1883-1885), tất cả lại tiếp tục đe dọa đời sống và đức tin của tín hữu. Trong vụ Văn Thân, giáo dân Hương Lâm phải chạy theo giáo dân vùng Thanh Hương vào Thuận An, có người định cư luôn ở đây, lập ra Giáo xứ Tân Mỹ. Một lần nữa, nhà thờ bị phá, nhà cửa bị đốt, tài sản bị cướp đoạt[3].
Thừa sai MEP Adolphe Delvaux (cố Văn), khi bổ chính và chú thích cho bài “Một trang lịch sử tỉnh Quảng Trị” của nguyên công sứ Jabouille, đã viết về Thanh Hương trong vụ đó như sau: “Địa sở Thanh Hương có 7 họ nhánh và ở giữa những làng ghét đạo. Phái Văn Thân dùng hịch văn thúc giục họ làm càn. Cố Bonnand (Bổn) thấy lương dân và giáo dân găng nhau, tình hình càng lâu càng nghiêm trọng, nên ngài thi hành những công việc bảo vệ. Những người giáo dân cường tráng phải dùng tre khô vạc nhọn để kháng cự. Mỗi một đêm, phải có người tuần phòng nghiêm ngặt.
“Phái Văn Thân uất ức lúc được tin một đoàn đò, trong đêm mồng 8 rạng ngày mồng 9 tây, chở một toán binh bộ Pháp do thiếu tá Roy chỉ huy, mà quan tướng de Courcy phái ra dẹp Văn Thân tại Quảng Trị.
“Những người tai mắt thúc giục cố Bổn phải đem giáo dân đi đào nạn, nên ngài định dắt đại đa số con chiên mình đi trốn trong đêm mồng 9 rạng ngày mồng 10 tháng 9 tây (1885). Sự đào nạn ấy kết quả quá sự ước vọng. Quan tướng de Courcy phái một toán binh lấy lại trại Thuận An, hộ vệ cố Bổn và dân ngài về lị sở. Nhưng về sau còn bị hăm doạ, ngài lo sợ nên dẫn một đoàn giáo dân vào trốn tại Thuận An và Huế. Ở đó, ngài được cái hân hạnh nhà cầm quyền cho phép thiết lập một đồn lính Pháp đóng thường xuyên tại Thanh Hương, để bảo tồn trị an. Nhờ đồn lính ấy, giáo dân chỉ bị thiệt hại một đôi chút mà thôi”.
Trong thời gian cha Joseph Gontier (cố Công, 1862-1889-1911) làm Quản xứ vùng Thanh Hương[4] (1892-1910), cố xây dựng nhiều nhà thờ, nhà nguyện cách hăng say đến quên cả việc ăn uống. Vậy, rất có thể ngài đã cho xây cất hay ít ra sửa chữa nhà thờ Hương Lâm. Theo bác G.B. Tống Thể, một bô lão từng là chủ tịch hội đồng Giáo xứ Nhất Đông, lúc bấy giờ Giáo họ Hương Lâm có thánh đường loại nhà rường Việt Nam canh tân với 2 hàng cột.
B- Khi Giáo xứ, khi Giáo họ; lúc thời loạn, lúc thời bình (1919).
Năm 1919, Hương Lâm trở thành Giáo xứ biệt lập, có chủ chăn riêng của mình.
1) Cha Jules Montagnon (cố Minh, 1873-1899-1926), Quản xứ tiên khởi (1919-1923)
2) Cha Gabriel Pieters (cố Phiên, 1872-1896-1946)[5], vị Quản xứ thứ nhì (1923-1936, có gián đoạn từ 1926-1932), đã xây dựng nhà thờ với chiếc tháp cao thẳng vút lên trời, trên mảnh đất 3 sào do ông Trần Mến dâng cúng. Con cháu ông hiện sống ở phía tay phải nhà thờ.
Đặc biệt ngài còn cho xây đập phía sau nhà thờ dài gần 100m cao 4-5m để giữ không cho nước ngoài bàu chảy vào ruộng. Nhờ đó nông dân có thể làm ruộng và có đất ở.
Trong giai đoạn 2 ở giáo xứ này (1932-1936), ngài đã được các nữ tu đến giúp coi sóc trẻ nhỏ.
3) Cha Vinh sơn Nguyễn Thế Thảo (gốc An Do Tây, 1900-1932-1947), Quản xứ Đại Lược kiêm Hương Lâm (1940-1947). Hương Lâm lại trở thành Giáo họ.
Ngài bị phục kích chết, với hai giáo hữu giữa đường ở gần làng Vĩnh Xương ngày 6-5-1947, thọ 47 tuổi, 15 năm linh mục. Mai táng tại nhà thờ Nhất Đông.
4) Cha Inhaxiô Võ Văn Bảo (gốc Kẻ Bàng, 1898-1928-1980) Quản xứ vùng Thanh Hương (1948-1949) rồi chạy giặc ra Mai Xá.
5) Cha Giuse Đỗ Bá Ái (gốc Kẻ Văn, 1925-1951-), phó xứ Nhất Đông kiêm Hương Lâm (1951-1953).
Trong thời gian này, có cha Phaolô Nguyễn Văn Huồn (gốc Hương Lâm) về hưu tại quê nhà từ ngày 25-12-1941. Ngài qua đời ngày 26-8-1955 và được an táng tại Hương Lâm. Có thể ngài đã làm mục vụ ít nhiều cho tới khi giáo xứ có quản xứ mới.
6) Cha Marcel Douchet (cố Lan, 1906-1932-1957), Quản xứ Hương Lâm từ 1955 đến 1957.
Về vị quản xứ này, “Tiểu sử 101 Thừa sai MEP phục vụ Giáo phận Huế từ 1850-1975” viết như sau: “Được bổ nhiệm làm cha sở Hương Lâm, một giáo xứ của những người đạo dòng, vẫn trung thành một cách đáng ngạc nhiên qua cơn biến loạn, ngài nới rộng nhà thờ, xây lại một nhà xứ dễ thương và một trường học. Dưới sự chăn dắt rất được đánh giá cao của ngài, đời sống đạo được lập lại rất sốt sắng và chiếu tỏa đến tận các vùng chung quanh. Những nhóm người từ các làng lân cận đến xin học đạo. Cùng lúc đó, không rời nhiệm sở, ngài đã chấp thuận đảm nhận chức vụ Bề trên vùng, rao giảng bằng gương sáng còn hơn là bằng những lời khuyên bảo hoặc truyền lệnh” (Bản dịch của cha Stanislaô Nguyễn Đức Vệ).
7) Cha P.X. Bùi Quang Ninh (gốc Kim Long, 1886-1913-1975), Quản xứ từ 1957 đến 1968.
Trong biến cố Mậu Thân năm 1968, giáo dân Hương Lâm lại chạy giặc về Thuận An (như tổ tiên họ năm 1885) và ở đây gần 3 năm trời. Có người đến năm 1975 mới hồi hương. Lúc đó, cha Bùi Quang Ninh, dù 82 tuổi, vẫn đem bổn đạo -cha con cùng cuốc bộ-di tản về Linh Thủy, giáo xứ của cha PX Lê Văn Cao hồi đó. Ở đây một thời gian ngắn, ngài lại dẫn giáo hữu về Thuận An, lập nên trại định cư, sau thành Giáo xứ Tân Thuận với cha Trần Công Khôi làm Quản xứ. Cha Ninh ở với cha Khôi giúp mục vụ trong tuổi già. Một thời gian sau, Đức cha cho phép hưu trí, ngài mới về Nhà chung của Giáo phận..
Còn giáo dân, lúc mới về lại Hương Lâm (1972), họ chưa vào làng cũ mà dựng lều trại ở đồi cát, nay là khuôn viên đài Đức Mẹ, nằm khoảng giữa con đường chạy từ nhà thờ Nhất Đông ra nhà thờ Hương Lâm. Sau năm 1975, bà con mới vào thôn làng cũ, sửa chữa lại lòng nhà thờ.
8) Cha Phaolô Tống Văn Đơn (1918-1951-1988), Quản xứ vùng Thanh Hương(1970-1972).
9) Cha Giacôbê Lê Sĩ Hiền, Quản xứ vùng Thanh Hương (1972-1974).
10) Cha Gioan Nguyễn Đức Tuân, Quản xứ vùng Thanh Hương (1975-1976), kiêm thêm Đồng Dương, Đại Lược, Thế Chí Tây, sau đó kiêm thêm Phú Xuân, có cha Ximong Võ Hoàng Y và cha Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ làm phó[6].
11) Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ (Phủ Cam) trông coi Nhất Đông và Hương Lâm từ 1977 đến 1995. Ngài di chuyển nhà xứ qua lại ở hai nơi này.
Từ 1996-1999, Hương Lâm và Nhất Đông lại được cha Nguyễn Đức Tuân kiêm nhiệm.
6) Đôminicô Nguyễn Tưởng (gốc An Do Bắc), cai quản vùng Thanh Hương gồm Giáo xứ Hương Lâm, Nhất Đông, Nhất Tây, Nhì Đông, Đại Lược. Nhậm chức ngày28-01-1999. Trú tại giáo xứ Hương Lâm. Đến năm 2003, các Giáo xứ Nhất Đông, Nhì Đông và Nhất Tây được tách, giao cho cha Inhaxiô Lê Quang Hòa cai quản, gọi là Giáo sở Nhất Đông.
Năm 2002, cha Đôminicô Nguyễn Tưởng đã phá nhà thờ Hương Lâm cũ và xây nhà thờ mới, cung hiến ngày 20-8-2002, lấy lễ Sinh nhật Đức Mẹ làm thánh hiệu.Cha cũng xây nhà xứ mới.
7) Cha Giuse Phạm Văn Tuệ (gốc Bến Củi), cai quản Hương Lâm, Đại Lược và Kế Môn (2010-2019). Xây nhà thờ Đại Lược, khánh thành 22-7-2016.
Cha tổ chức các lớp giáo lý từ mẫu giáo đến cấp 6 (dành cho thanh niên). Mỗi cấp học kéo dài 2 năm. Có ca đoàn và đội chung sự (gánh đám). Có lớp phục hồi chức năng các em tàn tật (5 em).
8) Antôn Lê Văn Thắng (An Vân). Nhận xứ Hương Lâm ngày 23-05-2019, theo bài sai ký ngày 10-05-2019 bởi Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh.
Giáo xứ hiện được 2 nữ tu Mến Thánh Giá giúp. Tài sản có 4 sào ruộng sâu, úng nước, không trồng trọt gì được.
Bên trong nhà thờ Hương Lâm mới
IV- HOA TRÁI ĐỨC TIN
1- Linh mục:
– Phaolô Nguyễn Văn Huồn (1875-1902-1955)
– Gioakim Nguyễn Văn Khiết (1877-1907-1952)
– Micae Nguyễn Văn Tường (1908-1930-1999)
– Giacôbê Trần Văn Thời (1923-1950-1994)
– Máctinô Trần Văn Đoàn (1940-1968-) Giáo phận Đà Nẵng
– Micae Trần Minh Huy (1940-1972-) Tu hội Xuân Bích
– Đaminh Lê Đình Du (1969-2002-)
– Gioakim Trần Minh Kông (Lm: 2006) Giáo phận Nha Trang
– Mactinô Hồ Đình Hải (Lm: 2018) Giáo phận Nha Trang
– Đôminicô Trần Thật (Sn. 1976; Lm 28.06.2007) Dòng Chúa Cứu Thế.
2- Tu sĩ nữ[7]
Maria Trần Thị Châu (Sn.1892) Dòng MTG Huế, qua đời 1969
Anna Trần Thị Luật (Sn. 1907) Dòng MTG Huế, qua đời 1979
Agata Trần Thị Tuyết Dòng MTG Huế, qua đời
Maria Trần Thị Sự Dòng MTG Huế, qua đời
Luxia Võ Thị Lục Dòng MTG Huế, qua đời
Agata Trần Thị Mỹ Dòng MTG Huế, qua đời
Anna Trần Thị Thú Dòng MTG Huế, qua đời
Anna Nguyễn Thị Vui Dòng MTG Huế, qua đời
Maria Trần Thị Tứ Dòng MTG Huế, qua đời
Maria Trần Thị Thành Dòng MTG Huế, qua đời
Têrêxa Trần Thị Tuỳ (Sn.1958 ; Vk.1987) Dòng MTG Huế
Têrêxa Trần Thị Giúp (Sn.1956; Vk.1987) Dòng MTG Huế
Luxia Trần Thị Liên (Sn.1963; Vk.1997) Dòng MTG Huế
Anna Trần Thị Tha (Sn. 1935) Dòng MTG Huế
Anna Trần Thị Thương (Sn. 1950) Dòng MTG Huế
Anna Trần Thị Diệp Liên (Sn. 1957, Vk.1982) Dòng MTG Huế
Anna Trần Thị Huệ (Sn. 1985) Dòng MTG Huế
Agata Võ Thị Trúc Dòng MTG Huế
Agata Võ Thị Diệp Dòng MTG Huế
Agata Trần thị Kim Quyên Dòng MTG Huế
Maria Nguyễn Thị Quỳnh Vân Dòng MTG Huế
Catarina Hồ Thị Hiên Dòng MTG Huế
Maria Trần Thị Lịch (Sn. 1956; Vk. 1988) Dòng MTG Huế
Catarina Trần Thị Tiếp (Hưu dưỡng) Dòng MTG Huế
Anna Nguyễn Thị Diệp (Sn.1934) Dòng MTG Huế
Anna Nguyễn Thị Viếng (Sn.1942; Vk.1972) Dòng MTG Huế
Anna Trần Thị Phú (Sn. 1942) Dòng MTG Xuân Lộc
Maria Md. Trần Thị Minh Hiệp (Sn.1967;Vk.2005) Dòng MTG Thủ Thiêm
Agata Hồ Thị Hằng Dòng MTG Bà Rịa
Anna Hồ Thị Quyết Dòng MTG Khiết Tâm
Maria Trần Thị Minh Tuyền (Sn. 1989; Tk. 2016) Dòng MTG Huế
Anna Trần Thị Thu Nhi (Sn.1990; Tk. 2015) Dòng MTG Huế
Anê Trần Thị Minh Tiển (Sn. 1995; Tập sinh) Dòng MTG Huế
Maria Hồ Thị Thu Hồng (Sn.1992; Tk. 2017) Dòng MTG Huế
Anna Trần Thị Tuyền (Sn 1994; Tập sinh) Dòng MTG Huế
Anê Hồ Thị Thu mai (Sn.1998; Đệ tử) Dòng MTG Huế
Maria Trần Thị Thanh Thảo (Sn. 2000, Đệ tử) Dòng MTG Huế
Luxia Lê Thị Cầm (Sn. 1920; Vk. 1947) Dòng CĐMVN Huế, qua đời 2003
Têrêxa Trần Thị Thanh Thuý (Sn.1968;Vk.2004) Dòng CĐMVN Huế, qua đời 2008
Cephas Trần Thị Diệp (Sn. 1931; Vk. 1958) Dòng CĐMVN Huế
Anna Trần Thị Tuyết Nhung (Sn. 1972;Vk.2007) Dòng CĐMVN Huế
Anna Trần Thị Quyên (Sn.1930; Vk.1958) Dòng Phaolô Tỉnh Dòng Sài gòn
Maria Trần Thị Huệ (Sn.1943; Vk.1967) Dòng Phaolô Tỉnh Dòng ĐN
Maria Hồ Thị Kim Anh Dòng Phaolô Tỉnh Dòng ĐN
3- Tu sĩ nam và đại chủng sinh
Bonaventure Trần Công Lao (Sn.1932;Vk. 1957) Dòng Thánh Tâm Huế,gia nhập Maristes, Pháp.
Phêrô Trần Thế Anh (Sn.1989; Vk.2017) Dòng La San
Micae Trần Gia Bảo (Sn.1985; Vk. 2011) Dòng Tên, Philippin
Nguyễn Hồng Phúc (Sn.1987) ĐCV. Huế (2014)
Micae Trần Long Thành (Sn.1990) ĐCV. Huế (2015)
Phêrô Trần Thành Công (Sn.1989) ĐCV. Huế (2015)
Gioakim Trần Minh Tín (Sn.1987) ĐCV. Huế (2019)
Phêrô Trần Thanh Duẩn (Sn.1991) ĐCV Canada (2015)
4- Giáo dân
– Năm 1921: 386 người
– Năm 1939: 502 người[8]
– Năm 2010: 983 người
– Năm 2018: 1.018 người
Nhà thờ Hương Lâm cũ, do cha Gabriel Pieters xây dựng
—————————————————————————
[1]Hương Triều là tên đạo của vùng Thanh Hương (tên hành chánh). Từ năm 1664 đến năm 1853:Hương Triều là một giáo xứ bao gồm nhiều giáo họ. Tuy nhiên, giáo xứ lớn lao này chưa có ai bị đổ máu đào tử đạo dù vẫn luôn rạng ngời đức tin qua nhiều cuộc bách hại dưới thời các chúa rồi các vua Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và thời của Văn Thân, với bao thăng trầm gian khổ. Năm 1853, Đức cha Pellerin (Phan) chia vùng Thanh Hương thành 3 giáo xứ: Nhất Đông, Nhất Tây, Hương Lâm. Nay thì gx. Nhất Đông cũng gọi là gx. Thanh Hương. (x. Lược sử Gx Nhất Đông)
[2] Theo báo cáo của thừa sai MEP Laurent Emmanuel ngày 16-02-1692 lên bộ Truyền bá Đức tin, thì Hương Triều lúc ấy có 420 tín hữu. Xem Adrien Launay, Histoire de la mission de Cochinchine. Documents historiques, t. I, tr. 423.
[3]Do đó Hương Lâm từng có những nhà thờ bằng tranh tre dễ dựng lên hạ xuống trong những thời kỳ bắt đạo.
[4]Vùng Thanh Hương từ thời này bao gồm các họ đạo: Nhất Đông, Nhất Tây, Nhì Đông, Nhì Tây và Hương Lâm.
[5]Tháng 02-1923, ngài đến ở Hương Lâm. Tháng 06-1926 được bổ nhiệm đi Đá Hàn, rồi 6 năm sau, 1932, ngài trở lại Hương Lâm. Năm 1942, sức khỏe không cho phép làm việc nữa, ngài lui về Sở quản lý (Nhà chung giáo phận). (Theo Tiểu sử các Thừa sai MEP phục vụ Giáo phận Huế, bản dịch của Lm Stan. Nguyễn Đức Vệ)
[6] Từ tháng 9-1977 tách xứ. Cha Tuân lên ở Nhất Tây, lo mục vụ cho Nhất Tây, Đồng Dương, Phú Xuân, Phong Nguyên
[7] Không chỉ tại Hương Lâm mà còn cả vùng Thanh Hương.
[8]Theo “Sổ các phép Địa phận Huế”, năm 1921 làng Thanh Hương có 6 giáo xứ: Nhất Đông, Nhì Đông, Trung Đông, Nhất Tây, Nhì Tây và Hương Lâm. Hương Lâm lúc nầy có 386 người.
Theo tạp chí Les Missions Catholiques en Indochine (1939)(xb tại Hongkong, lúc bấy giờ Hương Lâm có 502 giáo dân.
———————————————————————
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.