LƯỢC SỬ
GIÁO XỨ SÁO CÁT
Nhà thờ Sáo Cát (Lăng Cô)
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Sáo Cát hiện thời, thuộc giáo hạt Hải Vân, nằm trên địa bàn Hathôn Đồng Dương[1], thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 65km về phía đông đông nam.
Thế nhưng, Sáo Cát đã có một lịch sử dài, bắt nguồn từ Đồng Hới, Quảng Bình.
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH & QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
1. Sáo Cát tại Đồng Hới – Quảng Bình (trước năm 1954)
a- Vị trí địa lý
Giáo xứ Sáo Cát nguyên thủy tọa lạc tại Bảo Ninh, một doi cát nhỏ miền duyên hải, phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp cửa biển Đồng Hới hay còn gọi là cửa sông Nhật Lệ, con sông đẹp nhất tỉnh Quảng Bình. Cư dân ở khu vực này (đặc biệt nơi hơi xa cửa biển) sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, bắt tôm cá bằng cách giăng trên sông, trong các vùng nước nông, những tấm sáo gọi nôm na là “sáo bùn”. Danh từ này với thời gian đã trở thành tên của một giáo xứ tại Quảng Bình[2]. Đó phải chăng là lý do khiến sau này danh xưng Sáo Cát ra đời và được gán cho một giáo xứ khác nằm gần cửa biển hơn, thành lập năm 1867, nơi cũng có những người dùng sáo đánh bắt tôm cá để độ nhật? Giáo xứ này gồm có Sáo Cát Trên và Sáo Cát Dưới.
b- Bối cảnh hình thành
Lúc bấy giờ vua Tự Đức (1847-1883) mới lên ngôi, còn khoan dung, đã ân xá cho nhiều tù nhân trong đó có tù nhân Công giáo. Lợi dụng hoàn cảnh này, các thừa sai đẩy mạnh việc mở đạo. Từ địa bàn Sáo Bùn, các vị tiến ra những vùng lân cận trong đó có Sáo Cát.
Thời điểm ấy, Tòa thánh ký sắc lệnh thành lập Giáo phận Huế ngày 27-08-1850 gồm 3 tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị và một phần lớn tỉnh Quảng Bình, tức là từ nam sông Gianh đến bắc đèo Hải Vân, trao cho Đức cha François Marie Pellerin (Phan, 1850-1862) cai quản.
Thế nhưng, niềm vui ngày khai sinh chưa được bao lâu thì Giáo phận đã bị thử thách! Do việc Hồng Bảo là anh cả của Tự Đức (Hồng Nhậm) nhiều lần mưu toan cướp lấy ngai vàng, đồng thời kêu gọi sự trợ lực của Công giáo, với lời hứa hẹn cho tự do giữ đạo nếu nắm được quyền lực, vua Tự Đức và triều đình Huế nghi ngờ các thừa sai và dân Công giáo đứng đằng sau các mưu toan của Hồng Bảo, nên đã ban hành những sắc dụ cấm đạo có hệ thống và ngày càng quyết liệt vào các năm 1851, 1855, 1857, 1860, nhất là sắc dụ “Phân sáp” năm 1861, nhằm tiêu diệt đạo toàn diện bằng cách chia rẽ các gia đình Công giáo, bắt phân tán và sáp nhập vào các làng ngoại giáo, thích vào má phải chữ “tả đạo” và má trái tên nơi lưu đày, lập trại tù nhiều nơi giam các chức việc sẵn sàng đem thiêu sát khi có lệnh.
Thế nhưng, do việc thực dân Pháp đánh chiếm được bốn tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và Vĩnh Long, nên năm 1862, triều đình Huế buộc phải ký kết hòa ước Nhâm Tuất, trong đó có điều khoản các thừa sai được tự do truyền đạo và người Công giáo được tự do giữ đạo.
c- Giáo họ trực thuộc Sáo Bùn.
Nhờ thế mà đầu năm 1863, Đức Giám mục Giáo phận Hyacinthe Sohier (Bình) mới rời khỏi nơi trốn lánh là Sen Bàng (Quảng Bình), để trở về Huế, thiết lập tòa giám mục tại Kim Long và bắt đầu tổ chức Giáo phận có quy củ bằng cách phân định rõ ràng các giáo hạt, giáo xứ và đặt để các linh mục cai quản sống tại chỗ chứ không còn làm mục vụ lưu động.
Theo danh sách các giáo sở và giáo xứ (thiểt lập tháng 08-1867), thì Sáo Cát thuộc giáo sở Sáo Bùn do thừa sai Martin Jean Pontvianne (cố Phong, 1839-1863-1879[3]) coi sóc.
Cha Pontvianne qua VN năm 1863, nhập Giáo phận Huế và được bổ nhiệm làm quản sở Sáo Bùn kiêm quản hạt Quảng Bình từ năm 1864.. Trong Báo cáo Thường niên năm 1875 gởi hội Thừa sai Paris, Đức cha Hyacinthe Joseph Sohier (Bình) cho biết: “Cha Pontvianne là bề trên tỉnh Quảng Bình; ngài lo việc hướng dẫn 6 linh mục bản xứ, hai tu viện nữ (Mến Thánh Giá) và giám sát 4.845 giáo dân, trong đó 741 người được đặc biệt giao cho ngài quản trị”[4].
Trong thời gian Văn Thân tàn sát người Công giáo (1883-1886), họ đạo Sáo Cát Trên và Sáo Cát Dưới là nơi cho các giáo xứ lân cận đến lánh nạn. Trong Báo cáo Thường niên năm 1886, Đức cha Marie Antoine Caspar (Lộc) cho hay: “Vào tháng Giêng năm nay, loạn quân chắc hẳn do vị vua chạy trốn (ct: Hàm Nghi) và cố vấn (ct: Tôn Thất) Thuyết kích động, đã tràn vào Quảng Bình mà đến lúc đó còn được xá miễn. 442 kitô hữu và 1 linh mục bản xứ bị tàn sát, 10 họ đạo bị đốt cháy và 1.800 Kitô hữu phải lâm vào cảnh khốn cùng, đó là bảng tổng kết những tháng ngày khủng khiếp mà các miền Truyền giáo và các Biên niên sử đã ghi lại với những chi tiết não lòng.
Không thể về nhà, mất hết mọi sự, các người còn sống sót đã ẩn trốn trong ba làng gần thành phố (ct: Đồng Hới) là Sáo Bùn, Sáo Cát Trên và Sáo Cát Dưới. Ở đó, để chút ít còn cứu vãn được làm của chung, họ đã sống trong nỗi mong chờ những ngày sáng sủa hơn và niềm hy vọng ấy đã nâng đỡ họ giữa cơn thử thách. Than ôi, đó là tính toán mà chẳng kể đến mối căm hờn khôn nguôi của kẻ thù họ.
Trong đêm 24 rạng ngày 25 tháng 6, loạn quân tấn công trở lại. Chúng bất ngờ tiến sát hàng rào dùng làm thành luỹ bảo vệ làng Sáo Bùn. Những người canh giữ chỉ vừa đủ thời gian ra hiệu báo động, thì nhiều quả hoả pháo rơi xuống như mưa trên các mái nhà, trong phút chốc biến cả làng thành một biển lửa. Khoảng 50 kitô hữu, vì quyết chống đỡ cuộc đột kích cho tới khi đoàn cứu viện của thành phố đến như hứa hẹn, liền rút vào trong nhà thờ, nhưng đã thành nạn nhân cho lòng can đảm của mình trước khi được cứu. Tất cả các người khác đi tìm nơi trú ngụ ở Đồng Hới; họ đã gặp thấy tụ họp ở đó các anh em từ nhiều làng lân cận đã được báo trước kịp thời để chạy trốn khỏi hiểm nguy mà đến lượt họ sẽ phải gặp”[5].
d- Giáo họ trực thuộc Tam Tòa
Thời Văn Thân tấn công, Sáo Bùn ở dưới sự cai quản của cha Claude Bonin (cố Ninh, 1839-1867-1925). Cuối năm 1886, cha Bonin lập trại định cư trên sở đất gần cửa Đồng Hới, nơi dân chúng gọi là Tam Tòa. Giáo dân Sáo Bùn và một số đông giáo dân tứ xứ tỵ nạn chuyển đến định cư trên sở đất này, lập thành giáo xứ Tam Tòa, không trở về Sáo Bùn nữa[6]. Tam Tòa sau đó trở thành giáo sở, bao gồm Sáo Cát trong đó. Cha Bonin cai quản Tam Tòa cho đến 1895. Phụ giúp ngài để lo Sáo Cát là cha Édouard-Eugène Visseq (cố Vị, 1860 -1886-1891).
Ngày 15-10-1889, một cơn bão lớn kéo dài 36 giờ, tàn phá nặng nề vùng Đồng Hới-Quảng Bình. Báo cáo Thường niên cùng năm của Đức cha Caspar mô tả: “Những họ đạo Tam Toà, Sáo Cát nay khó nhận ra được. Vào tháng 10, một trận cuồng phong thuộc loại dữ dội nhất đã tung hoành trên các thôn xóm đáng thương này…. Ở Tam Toà, 3 nhà bị bay mất, 25 nhà xiêu đổ, và phần lớn các nhà khác đều bị thiệt hại và bị lay chuyển mạnh. Cô nhi viện hoàn toàn bị ngập nước. Ở Sáo Cát, ngoài trận cuồng phong mọi người phải chịu đựng, ngoài những cơn sóng đập vào các ngôi nhà nằm trên cao, một đợt thuỷ triều đã vượt qua độn cát tại nhiều nơi và đã đánh sau lưng những người dân nghèo khổ, vốn đã quá bất hạnh này. Chỉ có một ngôi nhà chống chọi được, 4 hoặc 5 nhà ít nhiều còn trụ nổi, phần còn lại, hoặc đã biến mất trong các con sóng, hoặc thấy mình lộn lạo với cát chồng chất ở nơi này, đến độ không còn nhận ra được nữa. Biển cũng đã vạch một con đường và lúc này vẫn còn băng qua độn cát. Nhà thờ Tam Toà bị tổn hại, nhưng nhà thờ Sáo Cát còn khốn khổ hơn nhiều; dầu sao, nó không hoàn toàn sụp đổ”[7].
Chẳng những thế, theo Báo cáo Thường niên năm 1890 của Đức cha Caspar: “Giáo hạt Quảng Bình đã bị trận đói tàn phá. Vì một cơn dịch làm chết gia súc, không thể cày bừa, các cánh đồng bị bỏ hoang, và nạn đói đã sớm được cảm nhận mạnh mẽ. Trong cơn hoạn nạn ấy, nhiều cha mẹ đã mang đến các cô nhi viện trong giáo hạt con cái họ không thể nuôi nổi. Những trẻ em này đến với chúng tôi trong tình trạng kiệt lực tới độ phần lớn chết liền sau khi lãnh nhận phép rửa. Các nữ tu An Nam (ct: Mến Thánh Giá) lo cô nhi viện Tam Toà thật đáng ca tụng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ; nhiều chị thậm chí đã đau nặng vì những thiếu thốn và lao nhọc phải chịu đựng”.
Trong hoàn cảnh như vậy, chắc hẳn giáo họ Sáo Cát cũng đã đối diện với nhiều khó khăn, phải gánh chịu nhiều mất mát như các giáo xứ trong giáo hạt Quảng Bình. Thế nhưng đời sống tâm linh của các Kitô hữu ở đây vẫn tiến triển. Ta thấy được điều đó qua Báo cáo Thường niên năm 1897 của Đức Cha Caspar: “Giáo hạt Nam Quảng Bình trong năm nay có được niềm an ủi thấy số dân Công giáo tăng từ 1687 lên 2737. Chính các cuộc rửa tội lương dân đã tạo nên sự gia tăng này, bởi vì số Kitô hữu chết vượt quá số sinh do một trận dịch mà từ hai ba năm nay, ngự trị trong mọi địa phương cận kề các đồi cát. Công việc quản trị và nhất là dạy dỗ các tân tòng cam chịu điều hay xảy ra là những trường hợp bệnh hoạn, khiến các thừa sai phải có những chuyến đi lâu dài và mệt nhọc. Dầu thế, các lượt xưng tội thường niên lẫn thường xuyên đã có thể đạt tới số 4424. So sánh với bản báo cáo về việc thực hành trước đây cho thấy một sự tiến triển rõ rệt, và nhiệt tâm của các thừa sai làm việc trong phần này của vùng Đại diện tông tòa (ct: Giáo phận) cho ta hy vọng rằng sự tiến triển ấy sẽ được củng cố ngày càng hơn nữa”. Đây là thời cha Jean Bonnand (cố Bổn, 1854-1880-1919) làm quản sở Tam Tòa kiêm quản hạt Quảng Bình từ 1895 đến 1905.
Hay qua Báo cáo Thường niên năm 1912 của Đức cha E.M. Allys (Lý): “Cuộc kinh lý của tôi trong giáo hạt Quảng Bình đã mang lại cho tôi nhiều vui thú dịu ngọt: nó đã cho phép tôi ban bí tích Thêm sức cho 940 người. Thật hạnh phúc khi thấy mọi linh mục giáo hạt này thi đua nhiệt thành trong việc thánh hoá các kitô hữu, chú tâm thực hiện các mệnh lệnh lẫn vâng theo các ao ước của Đức Thánh cha về việc thường xuyên nhận lãnh các bí tích, giữa các thiếu nhi cũng như giữa các người lớn. Chớ gì lòng sốt sắng này còn tăng thêm nữa. Tôi cũng mong rằng phong trào trở lại đã cảm nhận được trong phần phía Nam của giáo hạt này, lan rộng ra phần phía Bắc và thoả mãn được các ước vọng của cha Darbon cũng như của mọi ai cộng tác với ngài”.
Đây là thời cha Joseph Darbon (cố Triết, 1874-1897-1957) làm quản sở Tam Tòa kiêm quản hạt Quảng Bình từ 1909-1917. Giúp ngài lo cho Sáo Cát là cha Joseph Desportes (cố Xuân, 1887-1910-1911). Tiếc rằng cố Xuân giúp quá ít vì chết quá trẻ!
Năm 1917 cha Henri Arnoulx de Pirey (cố Huề, 1873-1897-1934) kế nhiệm, làm quản sở Tam Tòa kiêm quản hạt Quảng Bình cho tới năm 1933.
Từ 1934-1946, cha René Morineau (cố Trung, 1873-1891-1948) làm quản xứ Tam Tòa thì có cha phó Antôn Nguyễn Văn Sản (gốc Hòa Ninh, 1878-1907-1942) biệt sở Sáo Cát năm 1940.
Nhà thờ Sáo Cát Trên (Quảng Bình, ảnh chụp trước năm 1954, nay chỉ còn mặt tiền)
e- Thành giáo xứ độc lập
Năm 1947, giáo xứ Sáo Cát chính thức được thành lập, tách khỏi Tam Tòa, với cha GB. Lê Xuân Mầng (gốc Trí Bưu, 1911-1941-2005) làm quản xứ tiên khởi (1947-1953). Cha Mầng cho xây trường tiểu học, lập sở nhà phước cho các nữ tu.
Tới năm 1953 cha Mầng đổi vào Xuân Thiên (Thừa Thiên), cha Mary-Georges Cressonnier (cố Báu, 1908-1934-1968) làm quản xứ Sáo Cát từ ngày 12-12-1953. Sáo Cát lúc đó là một làng toàn tòng 700 tín hữu.
Thế nhưng, mùa hè năm 1954, giáo dân Sáo Cát, dưới sự hướng dẫn của cha sở Cressonier, phải xót xa rời quê cha đất tổ để di cư vào nam cùng với nhiều người ở phía bắc và bắc trung bộ.
2- Sáo Cát tại Lăng Cô – Thừa Thiên (từ năm 1954 đến nay)
a- Đi tìm quê hương mới
Cha quản xứ Mary Cressonnier
Sau trận Điện Biên Phủ, hiệp định Genève được ký kết giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Thực dân Pháp ngày 20-7-1954, tạm thời chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17 tức sông Bến Hải. Chính quyền Việt Nam DCCH tập trung về miền Bắc; chính quyền khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam. Có 300 ngày để dân chúng được tự do di cư giữa 2 miền. Theo sử liệu, ước tính từ 1954 đến 1956, trên 1.000.000 người đã di cư từ Bắc vào Nam, trong đó có khoảng 700.000 người Công giáo, tức gần 2/3 số tín hữu miền Bắc trong thời điểm này.
Giáo xứ Sáo Cát dưới sự hướng dẫn của cha sở Cressonnier, đã vào định cư ở xã Lộc Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên[8] đúng hôm 25-07-1954, ngày chuyển sang trang sử mới đáng ghi nhớ của họ đạo[9]. Bài “Kỷ yếu Hành trình Đức tin” của ông Giuse Nguyễn Hoàng (một giáo dân Sáo Cát) kể lại rằng: “Mùa hè 1954 giáo xứ Sáo Cát đi thuyền vào Lăng Cô… Lúc đoàn người giáo dân khăn gói ra đi, Cố Báu cũng đi theo để đem Lời Chúa và Bí tích cho họ. Ngài không quan tâm đến thời sự hay quốc sự, vì ngài là nhà truyền giáo thuần túy. Lúc ra đi thì đàn ông và thanh niên đi thuyền vào Lăng Cô, đàn bà và trẻ em tập trung ở trường trung học Chân phước Phượng – Đồng Hới[10] mấy ngày để chờ ra sân bay Đồng Hới vào Đà Nẵng. Tất cả các hàng ghế trên máy bay dành cho hành khách đã được tháo bỏ, để rỗng chỗ chứa được nhiều người. Khi đến sân bay Đà Nẵng, có xe chở về tập trung tại sân vận động Chi Lăng, để chờ lên ga Đà Nẵng đi tàu ra ga Lăng Cô”[11].
Từ Đồng Hới, giáo dân Sáo Cát đi thuyền phải mất một tuần lễ mới đến Đà Nẵng và sau 2 tuần lễ tìm kiếm đã dừng chân tại Lăng Cô. Lăng Cô phía nam giáp Hải Vân Quan, phía bắc liền với đèo Phú Gia, phía tây là đầm nước lớn[12] với dãy Trường Sơn xa xa, phía đông giáp biển Đông.
Vào khoảng tháng 8-1954, cố Báu đã tiếp tục đưa bà con giáo dân từ Đà Nẵng ra Lăng Cô, và quyết định chọn mảnh đất Lăng Cô làm quê hương mới. Ngày 14-08-1954, cố Báu đã rửa tội người Sáo Cát đầu tiên tại nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu ở nơi này.
Khi di cư vào vùng đất mới (thuộc xã Lộc Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên), giáo xứ Sáo Cát vẫn giữ nguyên tên gọi của mình.
b- Tái xây dựng với vị quản xứ 2 thời kỳ.
– Phân chia lô đất.
Công việc đầu tiên của giáo xứ là làm sao để giáo dân được an cư[13] ngõ hầu lạc nghiệp. Vậy là những chiếc xe cày bắt đầu cày vỡ đất, diện tích chừng 4km2 được phân ra thành nhiều lô nhỏ cho mỗi hộ gia đình, rồi sau đó bốc thăm. Giáo xứ cũng không quên dành riêng một mảnh đất lớn để xây dựng nhà thờ, nhà cha, nhà chị, nhà trường; và phía bắc 30.000m2 nghĩa địa để lo hậu sự. Nhà thờ là tâm điểm của giáo xứ, bốn phía là nhà ở của bà con giáo dân. Đó là bốn xóm giáo mang tên: Chúa Thánh Thần (x. 1), Thánh Giuse (x. 2), Chúa Hiển Linh (x. 3), và Mẹ Mân Côi (x. 4).
– Xây dựng nhà thờ.
Ban đầu, giáo xứ dùng lều vải làm nhà thờ tạm; một phần cuối lều làm nơi ở tạm cho cố Báu, rất chật hẹp. Năm 1955, cố xây một trường học gồm 5 phòng, ở tạm một phòng (phía biển), còn 4 phòng dạy học trò và làm nhà ở cho các nữ tu Mến Thánh Giá; rồi làm thêm 1 trường trên dưới đều bằng tôn. Sau đó ngài làm một nhà thờ nhỏ hẹp, từ trên xuống dưới bằng tôn xi-măng. Nền cũ của nhà thờ ngày trước nay là nền nhà cha sở.
Năm 1956 cha Cressonier chính thức cho khởi móng nhà thờ Sáo Cát. Thợ nề chỉ có 2 người, thợ mộc cũng 2 người, thanh niên nam nữ trong giáo xứ lo gánh cát đổ nền thôi. Nhà thờ hoàn tất đầu mùa thu 1958 và tồn tại cho đến ngày nay. Riêng cố Báu, ngài trú ngụ trong phòng lễ phía phải cung thánh!
Đây là nhà thờ được xây bằng đá chẻ granite của địa phương, trông rất chắc chắn và mỹ thuật. Tiền đường nhà thờ quay về hướng Đông, nhìn ra biển. Nhờ sự chắc chắn và bền vững như vậy nên mỗi lần có sóng to, bão lớn, nhà thờ chính là nơi nương náu an toàn nhất cho giáo dân. Mặt tiền nhà thờ nổi bật với chiếc tháp ngay chính giữa, hình hộp chữ nhật, vừa vững chắc, vừa trang nhã, với hai tầng ô chạy những hoa văn giản dị mà không kém phần mỹ thuật. Cây Thánh giá mảnh mai cắm phía trên tháp. Bên trong tháp là quả chuông tây.
Năm 1964, sau thời gian nghỉ phép tại Pháp (từ 28 tháng 02 đến 18 tháng 08), trở lại giáo phận Huế, cha Cressonnier được bổ nhiệm làm quản xứ Lại An, gần Đông Hà, phía bắc Huế, cách vĩ tuyến 17 không xa. Nhưng vào cuối năm 1965, ngài được đổi vào Huế, vừa để trông coi trụ sở của các cha thừa sai MEP, một biệt thự khá đẹp ở đường Phan Đình Phùng (gần cầu Lò Rèn), cách trường Thiên Hựu một quãng ngắn, vừa để dạy Latinh cho các tiểu chủng sinh Hoan Thiện đang theo học ở trường này.
Tiếc thay, biến cố Mậu Thân 1968 đã tước đi mạng sống vị mục tử thân yêu và người bạn là cha Pierre Poncet (lúc ấy đang là quản xứ Khe Sanh) vào ngày 13-02-1968, lúc hai vị đang trên đường trở về trụ sở các cha MEP sau khi thăm viếng cộng đoàn Bêtania của các chị Con Đức Mẹ Vô Nhiễm ở giáo xứ Phủ Cam giữa cơn chiến sự.
Bên trong nhà thờ Sáo Cát hiện thời
c- Những vị chủ chăn tiếp tục công trình (quản xứ hay kiêm nhiệm):
Sau vị chủ chăn tiên khởi của Sáo Cát-Thừa Thiên, tức cha Mary Cressonnier vốn cai quản giáo xứ 10 năm trời (1954-1964), thì đến lượt:
2- Cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh: 1964-1966. Xây dựng nhà xứ tồn tại cho đến nay (2016).
3- Cha P.X. Trần Văn Cần: tháng 03-12/1966. Quản xứ Lăng Cô kiêm nhiệm Sáo Cát.
4- Cha Raphaen Bửu Hiệp: 1966-1968: Quản xứ Lăng Cô kiêm nhiệm Sáo Cát.
5- Cha Batôlômêô Nguyễn Văn Phước: 1968-1991.
Từ trường Thiên Hựu vào làm cha sở Sáo Cát mùa hè tháng 8-1968. Quan tâm việc học hành của con em trong giáo xứ, ngài cho xây lại trường tiểu học nhỏ hơn trường cũ nhưng vẫn giữ tên xưa là “Tiểu học Tư thục Đồng Nguyên”. Từ sau 1975, dù nằm trong khuôn viên nhà thờ, trường vẫn bị nhà nước trưng dụng làm trường tiểu học Lăng Cô 2 và không muốn trả lại cho giáo xứ[14]. Khuôn viên nhà thờ bị phân mảnh làm 6 phần với nhiều phần bị chiếm đoạt. Năm 1975, vì kiêm thêm giáo xứ Lăng Cô, nên đến ngày 09-12-1991, cha Phước rời Sáo Cát dọn về Lăng Cô.
6- Cha Gioan Baotixita Lê Quang Quý: 1991-1998.
Quản xứ Thừa Lưu kiêm Sáo Cát. Cha cho mở rộng tiền đường, mở rộng mặt bằng cung thánh và hai bên hành lang nhà thờ, lát đường đá từ cổng làng đến nhà thờ[15]. Năm 1994, lần thứ nhất, cung thánh được sửa lại và phòng thánh mở rộng phía sau; tường bên trong nhà thờ được tô phẳng cho sáng sủa, trần nhà thờ cũng được đóng; tất cả nhờ vào số tiền dâng cúng của giáo dân giáo xứ đang ở nước ngoài.
Từ năm 1998-1999, cha quản nhiệm GB cùng Hội đồng Giáo xứ có nhã ý muốn mời các nữ tu Mến Thánh Giá (vốn đã có mặt tại Sáo Cát trước năm 1975) đến lại. Dòng nhận thấy nhu cầu của tòan thể giáo dân nơi đây, nên đã cử hai chị đến để cộng tác. Thế là cộng đoàn nữ tu Mến Thánh Giá Sáo Cát đã thành lập chính thức với công tác mục vụ là : tập hát ca đoàn, hướng dẫn các giáo lý viên, phục vụ bàn thánh.
7- Cha Giuse Cái Hồng Phượng: 1/1999-2/2002.
Quản xứ Loan Lý kiêm nhiệm Sáo Cát. Xây đài Đức Mẹ trong một diện tích nhỏ ở phía phải nhà thờ, trước nhà xứ, hướng về biển. Tượng Đức Mẹ[16] đứng giữa trời chơ vơ không mái che.
8- Cha P.X. Lê văn Cao: 3/3/2002-3/2007: Quản xứ Sáo Cát. Cha hăng say hoạt động Thăng tiến hôn nhân và Tân dự tòng. Năm 2003, cùng với giáo xứ, cha xin trả lại tiểu học tư thục Đồng Nguyên nhưng không được. Khoảng tháng 03-2007 ngài về hưu dưỡng tại Nhà chung Giáo phận.
9– Cha Phaolô Trần Khôi: từ 14-05-2007 đến nay.
Ngày 14-05-2007, cha từ giáo xứ Diêm Tụ đến làm quản xứ Sáo Cát, được Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể đưa về nhiệm sở. Khi xe đi ngang ngôi trường bị chiếm đoạt trong khuôn viên nhà thờ, Đức TGM nhắc cha tân quản xứ quan tâm xin lại ngôi trường.
Từ năm 1975 đến 2007, đất đai và cơ sở trong nơi thờ tự của giáo xứ Sáo Cát hầu hết bị chia cắt và bị chiếm dụng. Từ năm 2007 đến ngày 04-6-2008, dưới sự hướng dẫn của cha Phaolô, giáo xứ hoàn toàn thu hồi cơ sở và đất đai trong nơi thờ tự và từ đó cùng nhau sửa trường thành nhà mục vụ Giáo xứ cho đến ngày nay (2016).
Ngày 04-08-2008, vạn Phêrô-Phaolô xây hai trụ Thánh Phêrô-Phaolô bổn mạng của vạn trước nhà thờ phía biển. Ngày 02-09-2008 đặt tượng hai Thánh.
Ngày 16-02-2009, tu sửa lại cung thánh và xê dịch bàn thờ về phía trước.
Ngày 30-04-2009, khởi công xây dựng đài Đức Mẹ.
Ngày 31-08-2009, khởi công xây mới nhà ngang để dự định cho cha phó tương lai.
Ngày 21-03-2010, tiếp tục thu hồi mảnh đất phía sau nhà thờ và khởi công xây đài Thánh Giuse. Ngày 08-06-2010 đặt tượng Thánh Giuse và làm phép tượng ngày 10-06-2010 nhân lễ tạ ơn mừng tân linh mục Inhaxio Nguyễn Đức Việt [17].
Ngày 14-02-2011, giáo xứ sửa lại toàn bộ mái ngói nhà thờ đã bị xuống cấp theo thời gian. Hoàn tất ngày 06-03-2011.
Ngày 15-03-2011 lát toàn bộ nền nhà thờ.
Ngày 08-08-2011 xây đài Thánh Tâm Chúa Giêsu ở tiền đường nhà thờ. Ngày đặt tượng 19-08-2011. Hoàn tất và làm phép tượng 02-10-2011.
Ngày 14 và 15-06-2012, nhân dịp lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, mừng Bổn mạng giáo xứ, Tam niên Hội ngộ lần thứ I của giáo xứ được khai mở với chợ quê và văn nghệ.
Ngày 01-04-2008 xây thêm phòng khách nhà xứ. Tháng 09-2008, sửa nhà Mục vụ giáo xứ.
Ngày 04-04-2012 xây tiếp phòng cho khách tạm trú và hoàn thành ngày12-5-2012.
Ngày 29-09-2014 toàn giáo xứ đổ bêtông đường xuống biển trước nhà thờ.
Ngày 09-12-2014 giáo xứ thu hồi hội quán. Thôn Đồng Dương đã mượn cơ sở này làm nhà mẫu giáo từ 1996 đến 2014. Sau khi hết sử dụng, chính quyền định tâm chiếm đoạt nên không giao lại chìa khóa. Nhưng với ý chí kiên cường, với những văn bản lập luận vững chắc về mặt pháp luật, giáo xứ đã lấy lại cơ sở của mình và sử dụng làm nhà chung sự hiếu đạo.
Ngày 16-12-2017, khởi công lát khuôn viên nhà thờ.
Ngày 18-02-2019, khởi công xây dựng tầng đàn nhà thờ.
Ngày 03-05-2019, sửa chữa toàn bộ trần nhà thờ cho phù hợp với thiết kế mới của tầng đàn.
III- HOA TRÁI ĐỨC TIN
A- Linh mục:
1- Cha Anrê Nguyễn Văn Trúc (1922-1951-2003). Linh mục tiên khởi, “quả bói” đầu tiên của giáo xứ. Vào tiểu chủng viện An Ninh năm 1937 và nhập đại chủng viện Phú Xuân năm 1945. Năm 1950, ngài lãnh nhận chức phó tế. Ngày 08-06-1951, giáo xứ Sáo Cát, lúc đó đang ở Quảng Bình, đón tin vui lớn lao khi một người con đầu tiên của mình thụ phong linh mục. Giáo xứ khi ấy nghèo lắm, nên chưa dám ước mơ có người con làm linh mục. Thế nhưng, “Thiên Chúa đã đoái thương đến phận tôi tớ Ngài”. Để rồi, từ “quả bói” đầu tiên, tốt lành này, nhiều hoa trái khác tiếp tục được sản sinh, góp phần làm cho khu vườn Giáo hội thêm phong phú xinh đẹp.
2- Cha Đôminicô Nguyễn Thành Thái. Sinh năm: 1974. Linh mục: 27-7-2004. Hiện đang phục vụ tại Giáo phận Phú Cường. Cháu ngoại Sáo Cát
3- Cha Inhaxiô Nguyễn Đức Việt. Sinh năm: 1980. Linh mục: 25-5-2010. Hiện đang phục vụ tại Giáo phận Phú Cường. Cháu ngoại Sáo Cát
4- Cha Têphanô Lương Tử Lân. Sinh năm: 1979. Linh mục: 26-05-2012. Dòng Ngôi Lời – Hoa Kỳ. Hiện đang phục vụ tại Uruguay
5- Cha Philipphê Nguyễn Bá Thông. Sinh: 19-10-1978. Linh mục: 19-06-2010. Cháu ngoại Sáo Cát
6- Cha Đôminicô Nguyễn Hữu Khôi. Sinh: 20-04-1982. Linh mục: 12-06-2015
7- Cha Simon Trương Duy Lam. Sinh: 16-01-1986. Linh mục: 28-08-2019
B- Đại chủng sinh:
01- Thầy Maria-GB. Nguyễn Hiếu Đức (nhập ĐCV Huế tháng 9-2011)
02- Thầy Giuse Nguyễn Việt Thư (nhập ĐCV Huế tháng 9-2016)
03- Thầy Gioan Nguyễn Phước Thiện (nhập ĐCV Huế tháng 9-2017)
04- Thầy Gioan Nguyễn Thanh Vinh (ĐCV Thánh Giuse, Giáo phận Dumaguate, Philippin)
C- Tu sĩ:
+ Dòng Lasan:
- Sư huynh Phêrô Nguyễn Văn Phát, vĩnh khấn (Hiện là Bề trên Giám tỉnh Lasan Việt Nam)
- Sư huynh Phêrô Nguyễn Đình Hòa, vĩnh khấn 29-06-2019.
+ Đan viện Thiên An:
- Thầy Gioan Nguyễn Văn Hoàng, vĩnh khấn
+ Dòng Thánh Tâm:
- Thầy Luca Nguyễn Quý Thiện, nhà thử
+ Dòng Phaolô:
- Maria Nguyễn Thị Xuân Hường, vĩnh khấn
- Anna Nguyễn Thị Bảo Ngọc, tiên khấn
- Maria Nguyễn Thị Hằng, tiên khấn
- Catarina Nguyễn Thị Hồng Vân, nhà tập
+ Dòng Mến Thánh Giá Huế:
- Têrêxa Nguyễn Thị Thùy Châu, vĩnh khấn
- Maria Mađalêna Nguyễn Thị Thuận, vĩnh khấn
- Catarina Nguyễn Thị Kim Nguyên, vĩnh khấn
- Anna Nguyễn Thị Anh Thư, vĩnh khấn
- Maria Nguyễn Thị Kim Cúc, vĩnh khấn
- Maria Nguyễn Thị Kim Anh, vĩnh khấn
- Têrêxa Nguyễn Thị Hồng Vân, tiên khấn
- Maria Nguyễn Phước Thủy, tiên khấn
- Maria Goretti Nguyễn Thị Tâm, nhà tập
- Matta Nguyễn Thị Bích Thương, nhà thử
- Maria Nguyễn Thị Ánh Vân, nhà thử
- Têrêxa Nguyễn Thị Thúy Vinh, nhà tập
+ Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn
- Anê Nguyễn Thị Kim Cương, tiên khấn
+ Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm:
- Maria Nguyễn Thị Khẩn, vĩnh khấn
- Maria Nguyễn Thị Thảo, vĩnh khấn
- Anna Nguyễn Thị Minh Trang, vĩnh khấn
- Maria Têrêsa Nguyễn Thị Hoàng Oanh, vĩnh khấn
- Maria Nguyễn Thị Thùy Hoa, vĩnh khấn
- Xêxilia Nguyễn Thị Thùy Hương, vĩnh khấn
+ Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng:
- Maria Nguyễn Thị Hải Giăng, thanh tuyển
D- Giáo dân:
– Năm 2010: 1410 người
– Năm 2015: 1271 người
– Năm 2020: 1238 người
Các hội đoàn gồm có: Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, Vạn Phêrô & Phaolô, Ca đoàn, Ban lễ sinh, Ban giáo lý, Cha gia đình, Mẹ gia đình, Legio, Ban Chung sự Hiếu đạo, Ban trật tự, Ban công lý & hòa Bình, Ban bác ái xã hội, Hội khuyến học, Hội Thiếu nhi Thánh Thể.
*********************************
PHỤ LỤC
GIÁO XỨ SÁO CÁT, KỶ YẾU HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN
Giáo xứ Sáo Cát là một trong các giáo xứ nằm về phía cực bắc của Giáo phận Đàng Trong gồm có: Kẻ Bàng, Kẻ Sen, Đá Mài, Phong Nha, Vạn Lộc, Gia Hưng, Tam Hòa, Sáo Cát, Cồn Hàu, Trung Quán, Mỹ Hương, Hướng Dương, Dinh Mười.
Các giáo xứ nằm dọc theo bờ nam sông Gianh: Thanh Bồ, Thanh Hải, Phú Thuỷ, Tùng Thống, Phú Mỹ.
Ngược dòng sông Gianh về thượng nguồn hướng tây, có nhiều nhà thờ nằm trên các cồn nổi giữa lòng sông Gianh, thì không khẳng định được các giáo xứ này thuộc về Đàng Trong hay Đàng Ngoài.
Thời Hậu Lê, giáo dân hai bờ nam bắc sông Gianh và giữa lòng sông Gianh sống phập phòng lo sợ bởi án lệnh triều đình và các quan quyền địa phương thi hành lệnh cấm đạo Gia-tô. Hai bờ giới tuyến sông Gianh cảnh gươm đao giáo mác thường xuyên áp đặt lên người theo đạo Gia-tô.
Từ Thành Nội Đồng Hới đi về hướng tây 50km sát với đường mòn Hồ Chí Minh, có giáo xứ Đồng Tróoc (điện thoại nhà thờ số 052.3679.414), thuộc thôn 2 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch. Sống chung với đồng bào sắc tộc thiểu số từ đời này sang đời khác, họ vẫn giữ gìn đức tin qua mọi thời đại nơi chốn núi rừng sâu thẳm. Thời quá khứ đường xá đi lại xa xôi hiểm trở vất và khó khăn, y tế và nhu yếu phẩm khan hiếm, họ vẫn sống bám víu với đồng ruộng nương rẫy, ngày nay đường xá đi lại thông suốt, đời sống no ấm sung túc.
Ơn lành của Chúa đã che chở gìn giữ tín hữu nơi chốn rừng sâu, họ đã sống trong niềm tin tươi sáng, trọn niềm phó thác và vững lòng trông cậy tình thương của Chúa.
Giáo xứ Tam Tòa và giáo xứ Sáo Cát nằm cách bờ nam sông Gianh 30km. Giáo xứ Sáo Cát được thành lập bởi giáo dân các giáo xứ khác qui tụ gồm: Sáo Bùn, Cồn Hàu là làng Văn La, Dinh Mười là làng Tráng Thiệp, nằm về phía nam Đồng Hới, và giáo dân xứ Mỹ Hòa nằm về phía bờ bắc sông Gianh thuộc Giáo phận Đàng Ngoài, ngày nay thuộc Giáo phận Vinh. Họ đến Đồng Hới để sống nghề chài lưới, lập nghiệp, sinh con đẻ cháu và tồn tại cho đến ngày nay. Giáo xứ Sáo Cát số dân tăng dần lên là do giáo dân các giáo xứ khác đến nhập cư lẻ tẻ, cho nên giáo xứ Sáo Cát thường được gọi là giáo xứ có nhiều người góp.
Trải qua các thời kỳ cấm đạo Thiên Chúa của các triều đại phong kiến, một số giáo dân Sáo Bùn chạy ra phía bắc Đồng Hới lập ra làng Đồng Mỹ là giáo xứ Tam Tòa. Giáo xứ Sáo Cát có một số giáo dân Sáo Bùn lẫn giáo dân các xứ khác qui tụ về và đã đồng lòng đặt tên là giáo xứ Sáo Cát. Đến khi lập làng thì Sáo Cát ở bên bờ sông Nhật Lệ Đồng Hới, có người làng Hướng Dương ở phía tây nam Đồng Hới về ở chung, và đã đặt tên cho làng là Đồng Dương. Từ giáo xứ Sáo Cát đi về hướng nam thường được gọi là đi vô hay đi xuống, ngang qua làng Sa Động, làng Trung Bính, làng Hà Thôn, đến làng Nguyên Cát, hoàn toàn là người Công giáo, song do số giáo dân quá ít nên đó là những giáo họ thuộc giáo xứ Giáo Cát, sống bằng nghề nông. Nhưng vì chỗ ở và nhà thờ của các giáo họ này nằm trên đồi cát cao, nên được đặt tên chung là Sáo Cát Trên, còn giáo xứ Sáo Cát vì ở bên bờ sông Nhật Lệ, địa thế thấp hơn thì được đặt tên là Sáo Cát Dưới. Thế kỷ 19 giáo xứ Sáo Cát được gọi là giáo xứ có nhiều người góp là vì vậy.
Các triều đại phong kiến đã cho rằng chỉ người Trung Hoa và người Việt Nam có văn hiến là tốt đẹp, còn người Tây Dương không có văn hiến là xấu xa là ma quỷ, nên đạo Thiên Chúa bị họ gọi là “tả đạo” (đạo trái), từ đó đã nghiêm cấm đạo Thiên Chúa và tàn sát người theo tả đạo rất tàn nhẫn.
Thời Tây Sơn, con vua Quang Trung là Cảnh Hưng và Cảnh Thịnh đã cấm đạo rất nghiêm ngặt, ra lệnh giết người theo tả đạo Gia-tô, làm cho giáo dân tứ bề nguy khốn. Đến triều nhà Nguyễn thì đã ra 53 chỉ thị cấm tả đạo Gia-tô (Gia-tô là phiên âm một từ Hán diễn tả tên Chúa Giê-su).
Giáo xứ Sáo Cát nằm sát bên bờ Nhật Lệ, dòng sông lịch sử oanh liệt thời Hậu Lê, lúc Trịnh – Nguyễn phân tranh chia cắt đất nước ra làm hai, lấy sông Gianh Quảng Bình làm ranh giới. Trong cuộc chiến Trịnh Nguyễn, quân Trịnh án ngữ ở đèo Ngang đến bờ bắc sông Gianh. Bờ nam sông Gianh đến sông Nhật Lệ là tuyến phòng thủ của quân Nguyễn.
Ông Đào Duy Từ ở Thanh Hóa Đàng Ngoài, qua Lào rồi vào Đàng Trong giúp Chúa Nguyễn ở tỉnh Quảng Bình, đã xây dựng Thành Nội tại Đồng Hới. Ở hướng đông Thành Nội là đường đi rất lớn, dưới đường có lắp đặt cống lớn để thủy triều lên xuống được thông suốt. Nhờ cống lớn này mà nhiều lần quân Văn Thân, Cần Vương ban đêm truy lùng bắt bớ người theo đạo Gia-tô, thì giáo dân Sáo Cát chèo thuyền vào đó lẩn trốn. Khi đến cống lớn này, bị lính gác hỏi mà trả lời “Catholic” (Công giáo) thì được phép chèo thuyền lòn qua cống mà trú thân. Đào Duy Từ cũng xây nhiều lũy bảo vệ gần bờ biển, do đó bảo vệ các làng ngư dân trong đó có Sáo Cát. Nhờ có cống lớn vào Thành Nội Đồng Hới, và các lũy gần cửa sông Nhật Lệ, dân Sáo Cát nhiều phen thoát nạn và đã biết ơn tài kiến trúc và tài mưu lược của ông Đào Duy Từ. Thành Nội Đồng Hới bị chiến tranh san bằng năm 1972.
Giáo dân tỉnh Quảng Bình ở bờ bắc cũng như bờ nam sông Gianh đã cam chịu cảnh khốn khổ do triều đình phong kiến và quan quyền địa phương gây ra như thế, để kiên vững đức tin qua mọi thời kỳ.
Giáo xứ Sáo Cát hàng năm rước kiệu Thánh Thể, rước kiệu Thánh Tâm, có giáo xứ Cồn Hàu cùng tham dự. Sau rước kiệu có phép lành trọng thể, sau phép lành thì một trong hai bài hát Latinh vang lên, một là bài Te Deum, hai là bài Laudate Dominum rất linh thiêng, thánh thiện, nâng cao lòng yêu mến, diễn tả lòng biết ơn. Rước kiệu Đức Mẹ thì giáo xứ Tam Tòa và giáo xứ Sáo Cát luân phiên, cũng có giáo xứ Cồn Hàu tham dự.
Vì thiếu linh mục, cha sở Tam Tòa coi sóc luôn giáo xứ Sáo Cát và qua nhiều đời cha sở như vậy. Quản xứ đầu tiên của Sáo Cát là cha Lê Xuân Mầng 1947-1953, tiếp đó là cha Maria Cressonnier (1953-1964), tên Việt là cố Báu. Mùa hè 1954 giáo xứ Sáo Cát di cư vào Lăng Cô. Đó là vì thập niên 20-30 của thế kỷ 20, các bậc lão ngư thường chạy thuyền từ Đồng Hới vào Phan Thiết để đánh cá, tháng 3 âm lịch thì đi, tháng 8 âm lịch thì về, nhờ thuận gió nồm. Trên các chuyến hải hành phải ghé Lăng Cô để lấy nước uống, mua thêm lương thực và nghỉ ngơi. Thấy địa thế Lăng Cô có đầm nước mặn, thuận lợi cho đời sống ngư nghiệp bốn mùa, nên dân Sáo Cát đã chọn Lăng Cô làm điểm đến khi di cư vào Nam.
Lúc đoàn người giáo dân khăn gói ra đi, cha Báu cũng đi theo, để đem theo Lời Chúa và bí tích cho họ. Ngài không quan tâm đến thời sự hay quốc sự, vì ngài là nhà truyền giáo thuần túy. Lúc ra đi thì đàn ông và thanh niên di chuyển vào Lăng Cô trước bằng thuyền, đàn bà và trẻ em tập trung ở trường trung học Chân phước Phượng (Đồng Hới) mấy ngày để chờ ra sân bay Đồng Hới vào Đà Nẵng. Tất cả các hàng ghế trên máy bay dành cho hành khách lúc ấy đều được tháo bỏ, để rỗng chỗ chứa được nhiều người
Khi đến sân bay Đà Nẵng, có xe chở về tập trung tại sân vận động Chi Lăng, để chờ lên ga Đà Nẵng đi tàu ra ga Lăng Cô. Khi đến Lăng Cô, nhờ có cha Báu mà mỗi gia đình giáo dân Lăng Cô cho một gia đình giáo dân Sáo Cát ở nhờ; và thực phẩm cứu trợ bắt đầu cấp phát trước mặt nhà cha sở Lăng Cô. Những chiếc xe cày cũng bắt đầu cày vỡ đất, để phân chia đất cho giáo dân làm nhà ở. Còn nhà nguyện thì dùng lều vải, phần cuối của lều làm nơi ở tạm cho cha Báu được mấy mét vuông quá sức chật hẹp, thời tiết mùa hè lại oi bức như thiếu đốt, thế mà cha Báu vẫn cam lòng chịu đựng sống với giáo dân. Năm 1955 cha Báu cho xây dựng trường học gồm 5 phòng, cha ở tạm 1 phòng, còn 4 phòng dạy học trò và làm nhà ở cho các dì phước, rồi làm thêm 1 trường học trên dưới đều bằng tôn, chưa mưa đã lạnh, chưa nắng đã nóng. Tiếp đó cha làm một nhà thờ nhỏ, từ trên xuống dưới bằng tôn xi-măng, giáo dân ai đến trước thì vô bên trong, ai đến sau thì đứng ngoài ngó vào. Về mùa mưa, thời buổi chưa văn mình chưa có áo mưa, giáo dân mang tơi lá, che dù đứng ngoài mưa gió ngó vào bàn thờ để hiệp thông Thánh lễ. Nền cũ nhà thờ ngày trước nay là nền nhà cha sở.
Năm 1956 cha Báu cho khởi móng nhà thờ. Đầu năm 1958 nhà thờ bắt đầu xây dựng, thợ nề chỉ có 2 người, thợ mộc cũng 2 người, thanh niên nam nữ trong giáo xứ gánh cát đổ nền. Nhà thờ hoàn tất đầu mùa thua 1958. Nhưng từ đó đến nay, nhà thờ chưa được cung hiến, bàn thờ cũng chưa thánh hiến (Nghĩa là chưa được Đức Giám mục đến làm phép khánh thành).
Sáo Cát Trên chung sống với Sáo Cát Dưới, họ làm ruộng sát bên ga xe lửa Lăng Cô. Cuối năm 1958 họ đi khẩn hoang lập nghiệp ở Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Long. Tại đây cũng có nhiều giáo dân ở xứ khác đến lập nghiệp và đã lập ra giáo xứ Tích Thiện, ngày nay thuộc giáo phận Phú Cường, tỉnh Bình Phước, nơi đã sinh ra 2 Linh mục: cha Thái thụ phong năm 2004, cha Việt thụ phong năm 2010. Chúa đã thi ân giáng phúc che chở giáo xứ Tích Thiện để họ giữ đạo, giữ đức tin Công giáo cho ngày càng bền vững, thăng tiến và tốt đẹp
Năm 1964 cha Báu về giáo xứ Phước Sở ở Gio Linh Quảng Trị. Cha Hồ Bảo Huỳnh, cha Trần Văn Cần, cha Bửu Hiệp nối tiếp cai quản Sáo Cát từ năm 1964 đến 1968. Mùa hè năm 1968 cha Nguyễn Văn Phước tới giáo xứ Sáo Cát cho đến ngày về hưu dưỡng tại Nhà chung (1991), nhường chỗ cho cha Cái Hồng Phượng, cha Lê Quang Quý, cha Lê Văn Cao. Đầu năm 2007 cha Cao về hưu dưỡng ở nhà Chung, kế nhiệm là đương kim cha sở Trần Khôi từ đó tới giờ.
Từ trước đến nay, giáo xứ Sáo Cát chỉ được một người con duy nhất làm linh mục, là cha Anrê Nguyễn Văn Trúc, sinh năm 1922, thụ phong 1951. Lúc già yếu ngài hưu dưỡng tại Nhà chung và đã về nhà Chúa. Lớp trẻ hiện nay có 3 chủng sinh, là thầy Nguyễn Hữu Khôi, thầy Trương Duy Lam, thầy Nguyễn Hiếu Đức, nữ tu khoảng hơn 10 người.
Cộng đoàn giáo xứ Sáo Cát cảm tạ Chúa, biết ơn tiên tổ cha ông đã dày công vun đắp đức tin cho con cháu qua nhiều thế hệ, biết ơn các đức Giám mục đã coi sóc giáo phận, biết ơn các cha sở đã vâng lời Chúa dẫn dắt cộng đoàn giáo xứ qua mọi thời đại, biết ơn các dì phước của 2 dòng Mến Thánh Giá Kẻ Bàng và Tam Tòa đã tận tình phục vụ giáo xứ hơn 150 năm. Xin Chúa chúc lành cho các Ngài khi còn sống hồn an xác mạnh, lúc qua đời được thưởng công trọng vọng trên Thiên đàng, vì các Ngài đã sống xứng đáng cuộc đời tận hiến, để làm sáng danh Chúa giữa thế gian.
Giáo xứ Sáo Cát ngày càng thăng tiến, biết noi gương tiền nhân để gìn giữ đức tin, cho dù thế sự thăng trầm biến đổi, vẫn vững lòng trung thành với Thập giá Chúa Kitô, với Mẹ Maria và Giáo Hội./.
Nguyễn Hoàng
————————————————————–
[1] Khoảng năm 2009 được đổi tên gọi là tổ dân phố Đồng Dương.
[2] Giáo xứ Sáo Bùn đã được thành lập khoảng năm 1631 với tên gọi ban đầu là “xóm đạo Ðồng Hới” hay “họ Lũy” (vì do một số dân và binh lính Công giáo tham gia xây dựng công trình phòng thủ lũy Trường Dục do Đào Duy Từ chỉ huy năm 1630 tại Đồng Hới). Khoảng năm 1774, sau khi lực lượng Chúa Trịnh chiếm được Ðàng Trong và san bằng lũy Trường Dục, giáo xứ được chuyển lên phía Bắc, cách Quảng Bình Quan độ 3km về phía nam, nằm ở tả ngạn sông Nhật Lệ (tại khu vực nay gọi là Cầu Ngắn, phường Phú Hải, thành phố Đồng Hới), và được gọi là giáo xứ Sáo Bùn. Vào năm 1885, Sáo Bùn có khoảng 200 nóc nhà với khoảng 1,200 giáo hữu, có viện dục anh để giúp nuôi trẻ em nghèo, có tu viện Mến Thánh Giá phục vụ từ thiện và giáo dục. Sau vụ Văn Thân đốt phá nhà thờ và tàn sát giáo dân (1886), Sáo Bùn lại chuyển lên phía bắc lần nữa, gần cửa biển Đồng Hới, mang tên mới là giáo xứ Tam Tòa, sát tả ngạn sông Nhật Lệ (nơi hiện còn phế tích nhà thờ Tam Tòa).
[3] Thừa sai Pontvianne, vào ngày 31-8-1877, đã được Tòa thánh chọn làm Giám mục thứ 3 của Giáo phận Huế kể từ ngày thành lập. Ngài được truyền chức tại nhà thờ Kim Long ngày 12-5-1878, cai quản Giáo phận tới tháng 7-1879.
[4] Trích dịch nguyên bản Pháp ngữ “Các Báo cáo Thường niên của các Giám mục Giáo phận Huế gởi Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris từ 1872-1940”.
[5] Trích dịch nguyên bản Pháp ngữ “Báo cáo Thường niên năm 1886 của Đức Giám mục Caspar gởi Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris”.
[6] Theo Lê Ngọc Bích, Nhân vật Giáo phận Huế, tập I, 2000, tr. 92. Báo cáo Thường niên năm 1910 của Đức Cha Allys viết: “Khác hẳn là giáo xứ Tam Tòa với 4 giáo họ, với 1.169 tín hữu, với tu viện nữ, với 4.007 lượt xưng tội và 9.011 lượt rước lễ. Giáo xứ này, nay là giáo sở của giáo hạt Quảng Bình, mới ra đời gần đây, vì chỉ hiện hữu từ năm 1886. Chính cha Bonin đã thành lập nó, để đón nhận những tín hữu từ giáo xứ cũ Sáo Bùn, một giáo xứ đã bị loạn quân phá hủy hoàn toàn, có vị trí chật, ở chỗ tồi, ít an toàn cho các kitô hữu thoát khỏi gươm đao của đoàn quân ám sát”
[7] Trích dịch nguyên bản Pháp ngữ “Báo cáo Thường niên năm 1889 của Đức Giám mục Caspar gởi Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris”.
[8] Nay là thôn Đồng Dương, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
[9] Trong sổ Rửa tội số 267 năm 1954, ngày 25 tháng 07, sau khi rửa tội cho một trẻ nữ tên là Anna Mỹ Hòa, con ông Uyên và bà Miên tại nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu thuộc Sáo Cát Dưới, cha Cressonnier đã ghi một dòng chữ nhở “25-7-54 đi di cư”.
[10] Trường mang tên thánh tử đạo Matthêu Nguyễn Văn Phượng (khi ấy mới là chân phước)
[11] Theo ông Nguyễn Quít, sinh 1924, một giáo dân Sáo Cát kỳ cựu kể: “Ngày thứ bảy các chức họp, ngày Chúa nhật cha giảng trong nhà thờ, ngày thứ hai sửa soạn qua Tam Tòa, ngày thứ ba lên đường. Từ Quảng Bình vào Đà Nẵng mất một tuần, tới Đà Nẵng ở hai tuần rồi ra Lăng Cô. Một số đi máy bay, số còn lại đi tàu há mồm và đi ghe chèo.
[12] Ngày nay gọi là vụng An Cư hay đầm Lăng Cô hoặc đầm Lập An.
[13] Khi đến Lăng Cô, nhờ có cha Cressonnier mà mỗi gia đình giáo dân Lăng Cô cho một gia đình giáo dân Sáo Cát ở nhờ, và thực phẩm cứu trợ bắt đầu cấp phát trước mặt nhà cha sở Lăng Cô (Xem bài viết “Kỷ yếu Hành trình Đức tin” của ông Giuse Nguyễn Hoàng)
[14] Từ đó Giáo xứ mất cơ sở nên không có chỗ cho các em học giáo lý.
[15] Con đưòng nầy tới năm 2011 mới được lát bêtông như ngày nay.
[16] Tượng Đức Mẹ nầy đúc ở Gò Vấp, do anh chị Chính và Lê dâng cúng. Chuyên chở từ trong nam ra rất khó khăn vì không có xe nào dám nhận chở. Cuối cùng, có một xe chở giúp không nhận tiền. Xây đài Đức Mẹ lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn phức tạp trước sự kềm chế của chính quyền xã Lộc Hải (tức thị trấn Lăng Cô ngày nay).
[17] Cha Việt là cháu ngoại của giáo xứ Sáo Cát.
————————————————————–
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.