GIÁO XỨ TÂN LƯƠNG
(BẾN CỘ)
Nhà thờ Tân Lương khánh thành ngày 20-4-2018
Lược sử
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Tân Lương (còn gọi là Bến Cộ), thuộc Giáo hạt Quảng Trị, nằm trên địa bàn xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách tòa Giám mục Huế 40km về phía tây tây bắc, cách Linh địa Đức Mẹ La Vang 18,7 km về phía đông nam, ẩn mình giữa một vùng quê yên bình bên cạnh dòng sông Ô Lâu nhiều giai thoại[1] và chung quanh là núi đồi bao bọc.
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
1- Từ những cư dân làng Lương Điền, xã Hải Sơn.
Từ thế kỷ 19 một số cư dân làng Lương Điền (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) lên vùng rừng núi nầy khai hoang, gầy dựng sự nghiệp, thành lập làng Tân Lương.
Năm 1896, Đức cha Antoine Caspar Lộc và cha Auguste Gilbert (cố Quí, 1867-1890-1907) ở giáo xứ Kẻ Văn (cách Tân Lương 8km về phía đông bắc) đã đến rửa tội cho một số lương dân thuộc ba họ tộc chính ở đây: Lê Giá, Lê Văn và Trương Công. Vì quan niệm “theo đạo là bỏ ông bà” nên mỗi họ tộc để dành lại một vị để sau này lo việc thờ cúng tiên tổ. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến bà con lương giáo nơi này sống rất hòa thuận và đùm bọc lẫn nhau, vì phần đông đều là họ hàng ruột thịt. Cho nên từ lâu Tân Lương – Bến Cộ được coi là Xứ đạo bình yên
Nhà nguyện đầu tiên được dựng trên đất của họ tộc Lê Giá, cách Bến Lội[2] 200m theo hướng Đông Bắc. Giai đoạn tiên khởi này, giáo dân ở đây luôn được quan tâm và chăm sóc bởi các linh mục ở giáo sở Kẻ Văn, đặc biệt cha phó Antôn Nguyễn Văn Triều, từ 1910 đến 1913.
2- Thành giáo xứ độc lập (1914)
Năm 1914, giáo xứ Bến Cộ (tên ban đầu của Tân Lương) được chính thức thành lập với việc bổ nhiệm cha Philipphê Dương Đức Kỳ (gốc An Ninh, 1863-1892-1925) làm quản xứ tiên khởi. Ngày 15 tháng 8, lễ Đức Mẹ Lên Trời được chọn làm bổn mạng của giáo xứ.
Trong việc hình thành và xây dựng giáo xứ Bến Cộ, công lao của cha Philipphê rất lớn. Ngài đã khéo léo dàn xếp các phần đất đai của giáo xứ, nhất là di chuyển nhà nguyện ở Bến Lội đến khuôn đất rộng lớn và cao ráo như hiện giờ. Các phần đất đai gồm có:
– Khuôn đất nhà thờ: 4339m2
– Vườn hoa màu trước nhà thờ: 3466m2
– Vườn lăng Tử đạo: 1441m2
– Vườn mung (còn gọi là tre lồ ồ): 4687m2
Riêng phần lăng Tử Đạo, theo truyền khẩu: một số giáo dân không rõ từ đâu chạy trốn nạn bách hại thời Văn Thân (1885-1886) đã bị giết, xác bị vứt xuống sông Thác Ma. Sau đó được vớt lên và quy tập chôn tại vườn Lăng Tử Đạo như hiện nay (tọa độ 16.6203 107.2927).
Lăng Tử đạo Văn Thân ở giáo xứ Tân Lương
Năm 1918 cha Philipphê Dương Đức Kỳ được điều đi làm quản xứ Sư Lỗ
Năm 1918, cha Phêrô Lê Văn Đức (gốc An Vân, 1880-1910-1937) đến cai quản Tân Lương cho tới năm 1923 thì đi làm quản xứ An Truyền.
Năm 1923-1932 cha Batôlômêô Nguyễn Văn Khâm (gốc Kim Long, 1881-1912-1962).
Trong Báo cáo Thường niên năm 1923 gởi hội Thừa sai Hải ngoại Paris, Đức cha Eugène Allys (Lý) viết về giáo xứ của cha Khâm như sau: “Trong số các giáo xứ cũng đã chịu nhiều đau khổ năm 1885 phải kể đến Kẻ Văn mà phần lớn cư dân đã có thể đi vào Huế. Từ con số 619 Kitô hữu lúc đó, bây giờ (1923) đã lên tới 1,175 người, không kể 5 họ nhánh cách đây ít lâu vẫn còn trực thuộc, và giờ đây đã tách ra làm thành giáo xứ Bến Cộ…”
Năm 1932-1939 cha Phêrô Ngô Văn Hiến (gốc Kim Long, 1894-1924-1949).
Năm 1939-1944 cha P.X. Lê Văn Định (gốc Trí Bưu, 1884-1913-1964)
Năm 1944 (th.3) cha Anrê Huỳnh Văn Ấm (gốc Kim Long, 1879-1909-1945). Ngài chỉ ở một tháng rồi lâm bệnh phải về quê. Đến ngày 19-01-1945 thì qua đời. Giáo xứ vắng cha sở 1 năm.
Năm 1946-1947 cha G.B. Lê Xuân Mừng (gốc Trí Bưu, 1911-1941-2005). Sau đó ngài đổi đi Sáo Cát (Quảng Bình), làm quản xứ tiên khởi của giáo xứ này.
3- Trở thành giáo họ trực thuộc (1947)
Từ năm 1947, Tân Lương trở thành giáo họ trực thuộc các giáo xứ Kẻ Văn rồi Mỹ Chánh. Năm 1947-1954 cha phó rồi cha sở Kẻ Văn Giacôbê Trần Văn Thời kiêm nhiệm.
Năm 1954, tháng 7, giáo xứ Mỹ Chánh bắt đầu thành lập, do có một số giáo dân cư trú tại tỉnh Quảng Bình, thuộc giáo xứ Bình Thôn, Trung Quán – Mỹ Duyệt và Tam Tòa, di cư vào miền Nam sau khi chia đôi đất nước. Linh mục quản xứ Mỹ Duyệt là cha Tađêô Nguyễn Văn Tin (gốc Kim Long) đã đi theo để phục vụ cả tinh thần lẫn vật chất cho họ. Cha đã dẫn đoàn chiên vào định cư tại đồi đất làng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Giáo họ Tân Lương được cha Tin, nay là quản xứ Mỹ Chánh kiêm nhiệm cho đến năm 1963.
Năm 1963-1966 cha sở Mỹ Chánh Tôma Trần Văn Dụ kiêm nhiệm.
Năm 1967-1972 cha sở Mỹ Chánh Giuse Nguyễn Như Tự kiêm nhiệm.
Năm 1972-2007 cha sở Mỹ Chánh Phêrô Hoàng Kính coi sóc.
Công lao của cha Phêrô rất lớn. Suốt 35 năm dài chăm sóc đoàn chiên giáo xứ, cha đã gieo vãi Tin Mừng tình thương của Chúa cho nhiều thế hệ, xây dựng tình đoàn kết lương giáo, đặc biệt cổ võ đời sống ơn gọi. Hoa trái thiêng liêng khởi từ thời của ngài thật là nhiều: một linh mục triều cha Giuse Nguyễn Văn Tiến, một đan sĩ Thiên An thầy Giuse Trương Công Thiệu và 9 nữ tu.
Về cơ sở vật chất, dưới thời của ngài, giáo xứ có thêm 8.000m2 đất nghĩa địa, các nữ tu Mến Thánh Giá đến phục vụ, và từ quà tặng quý giá của Đức Tổng Têphanô, giáo xứ có thêm một nhà mẫu giáo để phục vụ con em bất kể lương giáo và một quả chuông vẫn đang sử dụng cho tới nay.
Đặc biệt vào năm 1983 ngôi nhà nhỏ bé của giáo xứ bị sập và nước lũ cuốn trôi, làm 5 giáo dân thiệt mạng khi đang trú trong đó. Với niềm tin phó thác vào Chúa, vượt qua đau thương và khốn khó, cha Phêrô đã cùng với đoàn chiên chung sức chung lòng từng bước xây dựng lại ngôi nhà thờ như hiện nay.
4- Lại thành giáo xứ độc lập (2007)
Năm 2007, Tân Lương lại thành giáo xứ độc lập với cha Giuse Nguyễn Điền (gốc Kẻ Bàng, Quảng Bình, 1945-1998-) làm quản xứ. Ngày 15-5-2007 thật là ngày khó quên của cộng đoàn xứ đạo. Cha Giuse về như cơn mưa tươi mát sau cả một kỷ chờ đợi. Giáo xứ như được thay da đổi thịt. Đời sống đạo thăng tiến rõ rệt: Thánh lễ hằng ngày, các hội đoàn như Legio Mariae, Hiền mẫu, Thăng tiến Hôn nhân, Thiếu Nhi Thánh Thể, Ca đoàn khởi sắc sinh hoạt, các lớp giáo lý thật là sống động. Khung cảnh giáo xứ trở nên khang trang và đẹp đẽ hơn nhiều: cổng thành, khuôn viên nhà thờ được tôn tạo và đặc biệt một nhà xứ bề thế được xây dựng mới.
Ngày 13-11-2012, cha Mátthêu Mai Nguyên Vũ Thạch (được bổ nhiệm làm quản xứ thay cho cha Giuse.
Ngày 27-4-2014 cha đã xây dựng và khánh thành tượng đài Lòng thương xót Chúa
Tháng 6-2015 xây dựng Nhà hội Giáo xứ .
Ngày 14-7-2015 khởi công xây dựng Nhà thờ. Đức TGM PX Lê Văn Hồng đặt viên đá.
Ngày 19-3-2018 xây dựng và khánh thành tượng đài Thánh Giuse
Ngày 20-4-2018 cung hiến bàn thờ và khánh thành Nhà thờ do Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục Huế. Thánh đường mới cao 32m, dài 32m, ngang 15m.
Ngoài các công trình xây dựng ra, cha còn duy trì và tổ chức sinh hoạt 5 giáo khóm và các hội đoàn: Gia trưởng, Hiền mẫu, Legio Mariae, Lòng Chúa thương xót, Hội chuông, Ca đoàn, Giáo lý.
Ngày 1 tháng 6 năm 2019, cha Batôlômêô Nguyễn Phúc được bổ nhiệm làm quản xứ thay cho cha Mátthêu, đổi đi làm quản xứ Diêm Tụ (từ 22-05-2019)
Hiện cha cũng lập một trang Facebook để thông tin và giao lưu với các độc giả trong lẫn ngoài giáo xứ: https://www.facebook.com/Nh%C3%A0-th%E1%BB%9D-Gi%C3%A1o-x %E1%B B%A9-T%C3%A2n-L%C6%B0%C6%A1ng-626303114511368/
Tính đến nay giáo xứ đã có 124 năm hồng ân lãnh nhận Đức tin (1896-2020) và 106 năm hình thành (1914-2019) với 10 đời cha sở, trải qua 25 năm được các cha giáo sở Kẻ Văn và 53 năm được các cha giáo xứ Mỹ Chánh coi sóc. Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, tất cả chỉ biết dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì bao hồng ân Người đã đổ trên giáo xứ. Giáo xứ cũng bùi ngùi thương nhớ và tri ân sâu xa các bậc tiền nhân, các linh mục, các nữ tu, các chức việc còn sống cũng như đã qua đời, đã dày công vun trồng và xây dựng giáo xứ.
IV- HOA TRÁI ĐỨC TIN:
1- Linh mục:
Cha Giuse Nguyễn Văn Tiến (1976-2008-)
2- Nam tu sĩ:
Thầy Giuse Trương Công Thiệu (Dòng Thiên An).
3- Nữ tu sĩ
1- Maria Trương Thị Hóa, sn: 1957, vk: 1990. MTG Huế
2- Isave Trương Thị Tiên, sn: 1958, vk: 1991. MTG Huế
3- Anna Trương Thị Thủy, sn: 1973, vk: 2010. MTG Huế
4- Anna Lê Thị Thảo, sn: 1976, vk: 2008. MTG Huế
5- Anna Trần Thị Ảnh, sn: 1979, vk: 2009. MTG Huế
6- Catarina Lê Thị Huyền. Nữ tử Bác ái Vinh Sơn Sài Gòn
7- Matta Bùi Thị An Duy, sn: 1979, vk: 2015. CĐMVN Huế
8- Maria Lê Thị Mary, sn: 1981, vk: 2014. CĐMĐV Huế
9- Anna Lê Thị Thúy Kiều, sn: 1980, vk: 2010. MTG Huế
10-Matta Lê Thị Năm, sn: 1991, tk: 2016. MTG Huế
11-Matta Lê Thị Trâm Anh, sn: 1991, tk: 2017. MTG Huế
4- Giáo dân
– Năm 2010: 418 người.
– Năm 2015: 420 người
– Năm 2020: 422 người (Lịch Công giáo Giáo phận Huế)
Nhà thờ Tân Lương ngày đón cha tân quản xứ Batôlômêo Nguyễn Phúc 01-06-2019
——————————————————————————————
[1] Một trong các giai thoại này liên quan đến địa danh Bến Cộ (Bến cũ). Có truyền thuyết cho rằng nơi một bến đò trên dòng sông Ô Lâu đã xảy ra một mối tình cao đẹp, chung thuỷ nhưng kết thúc bi thảm. Mối tình giữa một cô lái đò địa phương với một chàng trai xứ Nghệ vào Kinh ứng thí nhiều bận. Hai bên gặp nhau mỗi lần chàng vào Kinh và cả hai đã thề non hẹn biển. Nhưng rồi chàng trai xem ra biền biệt nên cô gái đã quyên sinh. Lần vào Kinh sau đó, chàng mới biết người yêu không còn nữa. Còn 4 câu thơ ghi lại câu chuyện: “Trăm năm trót lỡ hẹn thề. Cây Đa Bến Cộ con đò khác đưa. Cây Đa Bến Cộ còn lưa. Con đò đã thác năm xưa tê rồi!” (theo http://www.saimonthidan.com – Youtube)
[2] Bến Lội này (tọa độ 16.6197 107.2882) khác với Bến Lội ở thôn Giang Phao, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
—————————————————————–
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.