Ba cái búa

12/06/2021

Từ “ba cái búa” – gia sản của một người dân tộc Jrai – được chôn theo truyền thống, với trăn trở về những khác biệt về văn hóa, người nữ tu đã dùng những hình ảnh đơn giản và gần gũi để khuyến khích người dân bỏ đi những gì là lạc hậu, không đúng. Từ “ba cái búa”, mà người dân tin rằng nếu lấy về dùng sẽ bị người chết về đòi lại, người nữ tu đã giúp người dân hiểu là cần cầu nguyện để linh hồn người chết được hưởng hạnh phúc trên Nước Trời với Chúa, chứ không cần chôn theo các đồ đạc.

Giữa cái nóng bức như đổ lửa của mùa hè tháng 5 trên vùng Tây Nguyên – nơi tôi đang phục vụ theo sứ vụ của Dòng. Đây không phải là lần đầu tiên tôi đi chôn cất người anh em Jrai, nhưng là lần đầu tiên tôi làm một chuyện mà chính người Jrai ai cũng sợ, đó là xin đồ dùng của người chết đem về nhà để sử dụng.

Theo phong tục truyền thống của người Jrai, sau khi thả xác người chết xuống huyệt, người ta sẽ đem tất cả đồ đạc  người chết đã sử dụng khi còn sống chôn theo. Nhiều lần tôi nói với họ: “Sao phí quá, mình có thể để lại cho con cháu sử dụng, chôn theo làm gì. Cái xe honda kia còn tốt, đem về cho con cháu đi học chứ, nó toàn đi bộ đến trường kia mà”. Tức thì trong số họ hàng của người chết có người nói: “Yă ơi, con ma nó về đòi, sợ lắm!” Người khác lại bảo: “Đem về nhà nhìn thấy đồ vật lại nhớ, đau lòng rồi khóc hoài không nguôi.” Tôi bất lực nhìn họ mà lòng xót xa. Một cơn gió mát thoảng qua xoa dịu cái nóng oi nồng nhưng lòng tôi thì vẫn còn nóng lắm.

Đã rất nhiều lần tôi ưu tư về văn hóa truyền thống có phần lạc hậu này. Hôm nay, khi người ta ném những vật dụng của một cụ già đã chết xuống mồ, có lẽ nhà nghèo hơn những gia đình khác nên đồ dùng của cụ là những thứ gần giống như phế liệu chứ không có những thứ giá trị như: xe honda, quạt máy, tivi,… như những người chết trước đó mà tôi từng được thấy, tôi nhìn thấy 3 cái búa đóng đinh còn rất mới. Tôi liền chạy tới cầm lên và nói với người nhà: “Thôi đừng bỏ những cái búa này, cho sơ xin về để đóng đinh làm nhà và sử dụng nó”. Ngay lập tức mọi ánh nhìn đổ dồn về phía tôi, đa số đều kinh ngạc hoảng hốt, trong số đó có người thốt lên: “Không được đâu Yă ơi, tối nay Ơi Nhút sẽ về đòi lại. Nếu Yă không trả, nó sẽ đi theo Yă đòi miếtmình thì mình sợ lắm”.

Chỉ có thế, thấy họ có vẻ không làm căng hơn, tôi liền chớp lấy cơ hội, nói với họ: “Không, sơ không sợ con ma đâu. Ơi Nhút được rửa tội rồi, được làm con Chúa. Nó đã sống theo Chúa thì hiền lành lắm, không theo sơ hù dọa đâu, nếu có theo thì sơ cũng không sợ, dân làng mình để cho sơ đem về nhé”. Không ai nói gì. Được thể, tôi ôm 3 cái búa trong tay cho đến khi họ chôn Ơi Nhút xong, chúng tôi đọc kinh cầu nguyện rồi kết thúc ra về. Lúc ấy, những người khác không có đạo cũng vẫn đang xầm xì bàn tán về 3 cái búa trên tay tôi.

Trên đường về nhà, tôi vẫn không ngừng suy nghĩ làm cách nào để giúp cho dân làng có thể thay đổi chút ít thôi về cái nhìn này. Từ từ thôi, khó lắm, nhưng tôi sẽ cố gắng.

Chúa nhật lễ Chúa Thăng Thiên, không có cha đến làm lễ vì tình hình Covid trong nước đầy phức tạp. Tòa Giám mục Kontum gởi thông báo yêu cầu tất cả giáo dân phải ngưng tập trung đông người trong các lễ hội, Thánh lễ không quá 20 người và phải đeo khẩu trang, thực hiện 5K và phải đứng cách xa nhau 2m. Làng mình thì đông lắm, cha xứ phải ngưng luôn, không có Thánh lễ. Thế nhưng theo thói quen họ cùng nhau lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện với Đức Mẹ và cử hành lời Chúa, chia sẻ lời Chúa cho nhau nghe. Họ hứa hẹn với nhau, mỗi tuần không có Cha dâng lễ giảng cho mình thì các Ko Khul trong làng sẽ đọc và suy ngẫm lời Chúa rồi chia sẻ lại cho dân làng. Thật tuyệt, ai cũng hồ hởi đồng ý.

Dân tộc Jrai trong vùng sâu này ít học, không rành tiếng Kinh, tôi suy nghĩ phải nói thế nào cho họ hiểu; tôi phải lựa chọn những ngôn từ bình dân nhất để nói với họ. Tôi kể về một Giê-su chịu chết và phục sinh và hôm nay Người về trời. Tôi mới nói với họ, Thăng có nghĩa là lên, Thiên có nghĩa là trời, Chúa Thăng Thiên là Chúa lên trời. Jrai mình gọi là Jêsu Khoa đi pơ Adai. Nhìn vẻ mặt ai cũng thích thú gật gù, mọi người im ắng tập trung. Tôi hỏi họ, khi chịu chết, Chúa Giê-su có mang theo cái búa đóng đinh mà xưa kia Nguời dùng để phụ giúp cha nuôi Giuse của mình không? Cả nhà thờ đều trả lời: “không”. Thấy thế tôi tiếp tục: Đức Mẹ có chôn theo Chúa Giê-su những vật dụng của Chúa khi còn sống như chúng ta đây không. “Cũng không”, họ đáp. Vậy những Ko Khul năm ngoái khi đi lễ đám tang mẹ của Sơ ở Đồng Nai có thấy người ta chôn theo gì không? Những người ấy đều thưa: “Dạ không”.

Một thoáng nhớ mẹ khiến tôi suýt bật khóc, nhưng tôi đã kìm lại. Nếu tôi òa khóc lúc này thì còn niềm tin nào cho anh em Jrai tin vào những gì mà tôi sắp nói với họ.

Chúa Giê-su không mang theo gì khi chết, mẹ của sơ cũng không mang theo gì. Văn hóa của người Kinh khác Jrai, nhưng những gì tốt đẹp thì chúng ta nên giữ lại học hỏi, còn những gì không tốt ta nên bỏ đi. Từ nay đừng chôn theo người chết nào là xe công nông, xe honda, máy cắt cỏ, quạt, nồi cơm điện, chén bát, tủ, giường, bàn ghế,… Chúng ta chỉ đốt đi những đồ dùng hư hỏng, không còn sử dụng được, cho sạch sẽ, gọn gàng; chúng ta giữ lại những vật dụng có giá trị cho con cháu, không có người chết nào về đòi lại đâu. Chúng ta cầu nguyện để người chết được lên Thiên Đàng với Chúa, để khi được lên với Chúa họ lại cầu nguyện cho chúng ta là những người đang sống ở trần gian này. Theo Chúa Giê-su chúng ta học nơi Chúa những điều tốt đẹp của Nguời.

Cả nhà thờ im lặng nhưng tôi biết những dòng suy nghĩ của mỗi người sẽ thi nhau chạy. Kết thúc buổi chia sẻ lời Chúa, tôi nói với họ: “Sơ luôn cầu nguyện cho tất cả mọi người trong làng mình luôn biết đặt niềm tin nơi Chúa, siêng năng học hỏi lời Chúa để hiểu biết và sống lời Chúa một cách tốt đẹp hơn. Đặc biệt là cho đến giờ phút này, trên thế giới, dịch bệnh Covid vẫn đang hoành hành tràn lan mà chúng ta vẫn được bình an mạnh khỏe. Chúng ta phải luôn luôn tạ ơn Chúa về điều đó nên chúng ta phải dành nhiều thời gian cầu nguyện cho mọi người trên thế giới

Maria Thanh Tú

Nguồn: Đài Vatican News