Từ một tin nhắn của một “sơ em” từ Tây Nguyên gửi cho “sơ chị” với trăn trở làm sao lo cho dân làng có bánh chưng mừng lễ, “bánh không thịt cũng được”, quý anh chị em gần xa đã mở rộng tấm lòng quảng đại. Và thế là các nữ tu ở bốn cộng đoàn khác nhau của Dòng nữ Đa Minh Rosa Lima đã mở “tiệc” Giáng Sinh đãi khoảng 3.300 người, tại 17 ngôi làng thuộc giáo phận Kontum.
Dân làng mổ heo, nhà ai có gì thì mang tới; người chặt bó củi, người nắm lá mì, người ghè rượu, người nắm rau… góp chung lại nấu nấu nướng nướng. Có những làng ở cách xa nhà nguyện gần 20 cây số, đi lễ đêm xong ngủ lại tại nhà nguyện, đêm đó nấu cháo ăn cho ấm cái bụng. Sáng hôm sau thức dậy, họ lại chung tay nấu nướng, rồi dự lễ ngày Giáng Sinh, sau đó dọn tiệc lên ăn uống.
Phòng tiệc là chính nhà nguyện, nơi cộng đoàn đã chia sẻ tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, giờ đây cùng nhau chung vui tiệc mừng Chúa Giáng sinh. Nhà nguyện chật quá không đủ chỗ thì kéo nhau ra ngoài trời.
Các làng gói bánh chưng cũng xôm tụ không kém. Tiếng cười nói của các chị các bà, tiếng mổ heo rửa thịt của các ông, tiếng đùa giỡn của đám trẻ em theo mẹ gói bánh… chốc chốc có đứa bỏ cuộc chơi chạy vào xem bánh đã gói tới đâu rồi!
Các sơ chạy từ làng này sang làng nọ… tin nhắn về thành phố chỉ vỏn vẹn: em mệt quá rồi chị, nhưng dân làng vui lắm, em hết cả mệt! Vâng, hạnh phúc của anh chị em là niềm vui của các nữ tu. Hạnh phúc của anh chị em lên dây cót cho sức khỏe, lên dây cót cho tinh thần của chúng tôi. Mệt mấy, đường xa mấy nhưng thấy anh chị em vui là chúng tôi vui.
Đến ngày gần tổ chức tiệc, một “sơ em” thỏ thẻ qua điện thoại: Chị ơi! Em tổ chức tiệc Giáng Sinh cho các làng mà em thiếu tô, đũa, muỗng… Thế là “sơ chị” phóng như bay từ Thủ Đức lên chợ Lớn Sài Gòn để mua những thứ Tây Nguyên đang cần. Không thể không đi mua ngay vì lời của sơ em vẫn bên tai tôi: em cho anh chị em J’rai ăn bằng lá chuối cũng được nhưng mà mùa này Tây Nguyên nắng cháy, gió lớn, bụi lắm chị! Những cơn gió ở Tây Nguyên xa như vậy bỗng như lùa vào lòng tôi làm rối tung mọi thứ.
Đang ở chợ Lớn, “cô sơ em” ở cộng đoàn khác lại nhắn: Chị ơi! Em tập múa Noel cho các cháu mà chẳng có đồ ông già Noel màu đỏ cho các cháu mặc, em cần 10 bộ nam và 10 bộ váy nữ, nếu không có em lại lấy đồ lung tung cho các cháu mặc như mọi năm. Tôi, vì mang danh “sơ chị” nên tức tốc đi lật từng hàng để tìm mua cho kỳ được những gì các “cô sơ em” ở góc rừng già Tây Nguyên đang cần, vì hôm ấy đã là ngày 22/12.
Các bữa tiệc diễn ra từ làng này sang làng khác. Tiệc ngon vì có thịt heo. Tiệc ngon vì có những gì của gia đình mình góp vào. Tiệc ngon vì dân làng tề tựu với nhau cùng nấu, cùng làm, cùng cười nói, cùng chia sẻ… mỗi người một tay. Thử tưởng tượng: nào là măng rừng, lá mì, nắm rau, gói gạo, muối ớt… nhà có gì góp cái ấy mà! Thế thì tiệc nấu lên sẽ ra những món gì? Vậy mà vui! Tình anh chị em cứ thắt chặt thêm, nụ cười của các cô sơn nữ, tiếng cười của các chàng trai hòa vào nhau rổn rảng một góc rừng già Tây Nguyên ấy.
Người già ngồi với nhau kể cho nhau nghe những câu chuyện thường ngày, những vụ mùa, những tổn hại mưa bão vừa qua, những ánh mắt xa xăm nhưng ánh lên niềm vui khi các nữ tu nhập hội, góp chung câu chuyện.
Những lời cám ơn chắc là không đủ đến từng anh chị em đã “dốc cạn túi” cho anh chị em trên Tây Nguyên có bữa tiệc mừng Chúa Giáng Sinh ra trò. Các nữ tu chỉ biết nói với dân làng cầu nguyện cho quý ân nhân, để Chúa Hài Đồng chúc lành cho quý vị. Các sơ cũng mời gọi dân làng đi hai lễ Giáng Sinh để cầu nguyện cho quý ân nhân không được đi lễ trong mùa Covid đại dịch này… coi như đi lễ thay!
Từ năm 2005, theo lời mời của Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, các nữ tu Đa Minh Rosa Lima đã “cắm lều” trên giáo phận Kontum; đến nay đã có năm cộng đoàn đang phục vụ vùng Tây Nguyên. Các cộng đoàn này giúp cho các trẻ dân tộc đến trường, lấy con chữ “dằn bụng” cho các em trong tương lai. Các sơ vẫn duy trì văn hóa bản địa cho các em từ trang phục, ngôn ngữ cho đến văn hóa. Nhớ lời của Đức Cha Micae, các sơ chia sẻ: lên Tây Nguyên này thì phải học tiếng người Anh Em, sáu tháng mà không nói được thì cho… về! Thế là chị em chúng tôi ai cũng phải trở lại thời học sinh cắm cúi học. Học trong lớp, học khi tiếp xúc để tập nói, học văn hóa, học cách “xoang” mỗi khi lễ hội…. Và một số chị em đã nói ro ro khi vào làng.
Đôi khi một trong những sơ khi nói chuyện với tôi cũng buông tiếng J’rai làm tôi chẳng hiểu gì. Hình như máu của Anh chị em Tây Nguyên đã ngấm vào máu thịt của chị em nữ tu chúng tôi rồi. Mà có lẽ thế thật, chúng tôi noi gương thầy Giêsu, Đấng đã làm người, ở giữa con người, nên giống con người mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Chúng tôi cũng nên giống anh chị em mình mọi đàng và ở giữa các anh chị em người J’rai.
Những nữ tu Đa Minh Rosa Lima vẫn là những nhịp cầu nối đôi bờ trao và nhận. Các nữ tu đón nhận yêu thương từ quý ân nhân và lại gửi đến anh chị em J’rai. Rồi từ Tây Nguyên các nữ tu nhận những lời cám ơn từ ánh mắt, nụ cười từ những tấm lòng chân chất giữa núi rừng… và xin trao gửi lại đến quý vị ân nhân.
Tiệc Giáng Sinh với bánh chưng không thịt. Tiệc Giáng Sinh với lá mì. Tất cả đã trở nên một bữa tiệc thực thụ có thịt. Đó như là phép lạ Chúa ban cho dân làng từ tấm lòng quảng đại của nhiều người. Cha Hùng Cường lúc ấy còn trên giường bệnh ở nhà thương đã nhắn: sẽ cố gắng gửi hai con heo cho bà con!
Những con đường ngoằn ngoèo vào làng, những ổ voi ổ gà với đường đất đỏ bụi ngập đầu, những làn gió lạnh buốt sáng sớm hay đêm khuya, các nữ tu đều như quên hết. Tất cả trong đám bụi mờ ấy, các nữ tu chỉ thấy những nụ cười. Nụ cười của đứa bé lẫm chẫm theo mẹ gói bánh chưng, nụ cười của bọn trẻ thơ được tụ tập đông hơn ngày thường và được chứng kiến bố mẹ nấu tiệc, nụ cười của các sơn nữ và chàng trai phụ việc tiệc tùng, nụ cười của các ông bố bà mẹ chỉ huy nấu nướng và nụ cười của người già chùm khăn cho ấm bên nhau thủ thỉ…
Giáng Sinh, mừng Sinh Nhật Chúa là một ngày vui. Đó là ngày thế giới đón hồng ân cứu độ, ngày loài người hân hoan vì Đấng Cứu Tinh, ngày đất trời giao hòa, ngày tình yêu của người chưa quen biết gửi đến những người xa lạ. Đẹp như chưa có ngày nào đẹp hơn.
Minh Du OP
Nguồn: CTV Vatican News