Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng thứ hai, sau Đức Gioan Phaolô II, được điều trị tại bệnh viện Gemelli. Đức Gioan Phaolô II đã gọi bệnh viện này là “Vatican thứ ba”, vì ngài nhiều lần nằm điều trị bệnh tại đây. Lịch sử của bệnh viện Gemelli gắn liền với các Giáo hoàng.
Bệnh viện Gemelli
Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng thứ hai, sau Đức Gioan Phaolô II, được điều trị tại bệnh viện Gemelli. Bệnh viện đại học này có tên đầy đủ là Bệnh viện Đại học Agostino Gemelli – Đại học Công giáo Thánh Tâm, nằm trên ngọn đồi Monte Mario ở Roma. Agostino Gemelli là tên của linh mục, bác sĩ, nhà tâm lý học dòng Phanxicô, người đã thành lập Đại học Công giáo Thánh Tâm vào năm 1921 tại Milano. Với 1575 giường bệnh, bệnh viện Gemelli là bệnh viện lớn nhất ở Ý và là một trong những bệnh viện tư nhân lớn nhất ở châu Âu. Ngoài các dịch vụ liên quan đến bệnh viện, bệnh viện còn bao gồm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế-sinh học, giảng dạy y tế và các ngành điều dưỡng, đào tạo thường huấn cho nhân viên y tế.
Bệnh viện Giáo hoàng
Bệnh viện Gemelli trở thành trung tâm của sự chú ý của thế giới trong triều đại của Đức hoàng Gioan Phaolô II, vào năm 1981, khi ngài được cấp cứu sau khi bị Mehmet Ali Ağca bắn tại quảng trường thánh Phê-rô. Đây cũng là lần đầu tiên ngài được chữa trị tại bệnh viện này. Trong những năm sau đó, từ 1981 đến 2005, ngài đã 10 lần nhập viện, lần cuối là vài ngày trước khi qua đời vào năm 2005. Vì nhiều lần nằm viện tại đây, ngài đặt biệt danh cho bệnh viện Gemelli là “Vatican Terzo”, nghĩa là “Vatican thứ ba”.
“Vatican thứ ba”
Ngày 13/10/1996, sau khi đọc kinh Truyền tin từ cửa sổ phòng bệnh ở tầng 10 bệnh viện Gemelli, Đức Gioan Phaolô II nói: “Tôi cảm ơn ‘Vatican thứ ba’, bệnh viện đa khoa Gemelli này, vì tất cả những điều tốt đẹp tôi đã gặp ở đây, nơi các giáo sư, bác sĩ, nữ tu và tất cả các nhân viên”. Ngài giải thích bệnh viện Gemelli đã trở thành “Vatican thứ ba” bởi vì “Vatican thứ nhất” là quảng trường thánh Phêrô và “Vatican thứ hai” là Castel Gandolfo, nơi các Giáo hoàng nghỉ trong kỳ hè.
Lịch sử nối kết Đức Gioan Phaolô II và bệnh viện Gemelli
Đức Gioan Phaolô II cũng đã thăm bệnh viện Gemelli 3 lần: vào năm 1984, khi ngài cử hành Thánh lễ tại quảng trường phía trước Bệnh viện Đa khoa nhân kỷ niệm 25 năm ngày qua đời của cha Agostino Gemelli và kỷ niệm 20 năm thành lập bệnh viện mang tên cha. Lần thứ hai, vào năm 1988, ngài làm phép Khoa Chăm sóc Đặc biệt về Tim mạch, và lần thứ ba, vào năm 2000, ngài tham dự lễ khai giảng năm học 2000-2001 của Đại học Công giáo tại khán phòng của Khoa Y ở Roma.
Một lịch sử liên kết Đức Gioan Phaolô II với bệnh viện này có thể được nhìn thấy tận mắt bởi pho tượng của ngài, được nhà điêu khắc Stefano Pierotti tạc từ đá cẩm thạch Carrara, và được đặt tại quảng trường trước lối vào bệnh viện từ năm 2009. Mỗi ngày, pho tượng đều chào đón các bệnh nhân và người nhà của họ, các sinh viên và tất cả nhân viên của bệnh viện Gemelli.
Được xây dựng trên nền đất được Đức Pio XI tặng
Mối liên hệ giữa các Giáo hoàng và bệnh viện Gemelli trở nên rõ ràng hơn theo thời gian, cả trước và sau triều đại Giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II. Lịch sử của Bệnh viện Đại học Agostino Gemelli, một trung tâm y tế xuất sắc, có nguồn gốc xa xưa. Chính Đức Piô XI, vào năm 1934, đã tặng 37 mẫu đất trên đồi Monte Mario và Khoa Y của Đại học Thánh Tâm Công giáo ra đời ở đó. Chính thánh Gioan XXIII là người đã khánh thành Khoa Y vào năm 1961. Ba năm sau, bệnh viện tiếp nhận những ca bệnh đầu tiên và chính thức khánh thành vào ngày 10/7/1964.
Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Biển Đức XVI
Không chỉ các bệnh nhân của bệnh viện Gemelli, mà cả thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Biển Đức XVI đều đến đó. Vào ngày 17/6/1976, nhân Lễ trọng Mình Máu Chúa Ki-tô, Đức Phaolô VI đã cử hành Thánh lễ tại quảng trường trước bệnh viện. Ngài đã nói: “Thành trì này của các nghiên cứu sức khỏe, của các phương pháp điều trị khoa học y tế, của những đau khổ của con người tập trung ở đây trong trải nghiệm rất phổ biến về nỗi đau của con người và với hy vọng tìm thấy ý nghĩa và phương pháp chữa trị”.
Về phần Đức Biển Đức XVI, sau khi được bầu làm Giáo hoàng, ngài đã vài lần đến bệnh viện Gemelli để thăm anh trai của ngài là Đức ông Georg Ratzinger được điều trị ở đây, cũng như tham dự lễ khai mạc năm học 2005-2006 của Đại học Công giáo trong giảng đường của Khoa Y. Vào năm 2009, ngài đến bệnh viện thăm Đức Hồng y Roger Etchegaray bị ngã gãy chân và xương hông.
Đức Thánh Cha Phanxicô – bệnh nhân Giáo hoàng thứ hai của bệnh viện
Còn Đức Thánh Cha Phanxicô, hiện là bệnh nhân Giáo hoàng thứ hai của bệnh viện Gemelli, đang phục hồi sau cuộc giải phẫu đại tràng tại phòng bệnh nơi thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nằm trong nhiều lần điều trị tại bệnh viện, bao gồm lần cấp cứu sau khi bị bắn trong một vụ ám sát năm 1981 và lần phẫu thuật đại tràng vào năm 1992 …
Bác sĩ riêng của Đức Thánh Cha Phanxicô, bác sĩ Roberto Bernabei, là giáo sư nội khoa tại Đại học Công giáo Thánh Tâm và là giám đốc Khoa Lão hóa, Chỉnh hình và Y học phục hồi tại bệnh viện Gemelli.
Phòng bệnh Giáo hoàng nằm ở tầng 10
Phòng bệnh của Đức Giáo hoàng nằm trên tầng 10 của bệnh viện rộng lớn, trong một cánh dành riêng cho các trường hợp khẩn cấp về y tế của Giáo hoàng. Từ đường phố người ta có thể nhận ra phòng bệnh của Giáo hoàng bởi năm cửa sổ lớn được che rèm trắng. Phòng bệnh có giường nằm, phòng tắm, tivi và một số dụng cụ đo áp suất và các thông số quan trọng khác. Trong khu vực này cũng có nơi tiếp khách, một bàn thờ nhỏ có Thánh giá và một bàn nhỏ. Bên cạnh phòng bệnh cũng có một nhà nguyện để cầu nguyện và cử hành Thánh lễ.
Được canh gác nghiêm nhặt
Năm cửa sổ lớn của phòng bệnh nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đang dưỡng bệnh nhìn ra lối vào chính của bệnh viện, nơi các nhân viên của các đài truyền hình từ khắp nơi trên thế giới đang chờ đợi tin tức. Lối vào tầng mười và hành lang dài được kiểm soát chặt chẽ bởi Cảnh sát Ý, Hiến binh Vatican và các nhân viên an ninh của bệnh viện. Ngoài các nhân viên y tế và điều dưỡng của bệnh viện Gemelli, hai y tá tin cậy của Vatican đã hỗ trợ Đức Thánh Cha Phanxicô ngày đêm.
Cần ít là một tháng để hồi phục
Bản tin y tế của Phòng báo chí Tòa Thánh vào trưa ngày 6/7 cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô phục hồi bình thường. Ngài ngủ ngon, ăn điểm tâm, đọc báo, đứng dậy đi lại và kết quả các cuộc kiểm tra tái khám định kỳ của ngài đều tốt.
Theo chương trình, từ ngày 12 đến 15/9 tới đây Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Hungary và Slovakia. Theo bác sĩ Jorge Baixauli Fons, làm việc tại Khoa Ngoại tổng quát tại bệnh viện Đại học Navarra, Tây Ban Nha, vì các chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô thường diễn ra theo một lịch trình dày đặc các hoạt động nên ngài cần ít nhất một tháng nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng sau khi phẫu thuật để có thể thực hiện các chuyến tông du, đó là chưa kể đến vấn đề tuổi tác của ngài.
Theo một số hãng tin, ca phẫu thuật được bắt đầu bằng phương pháp nội soi như dự định để giảm bớt ảnh hưởng đến sức khỏe của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nhưng sau đó các bác sĩ đã cần phải thực hiện theo phương pháp cổ điển, nghĩa là mổ mở. Nguyên nhân có thể là vì trước đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một ca phẫu thuật nhỏ ở vùng bụng và vết sẹo của lần mổ này có thể đã ngăn cản việc đưa những “cánh tay nhỏ” của robot vào để phẫu thuật. Vatican chưa xác nhận việc này. Nhưng nếu đúng là Đức Thánh Cha Phanxicô được phẫu thuật mở thì ngài sẽ cần nhiều thời gian hơn để hồi phục.
Khả năng chịu đựng đau khổ cách mạnh mẽ
Ở tuổi 84, trong 8 năm Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicôchỉ mới chịu một cuộc giải phẫu vào năm 2019 để lấy cườm mắt, nhưng đây là lần đầu tiên ngài nằm viện. Tuy nhiên, hồi đầu năm nay, ngài đã không thể tham dự một số sự kiện công khai do đau thần kinh tọa, chứng bệnh ngài đã bị từ nhiều năm. 63 năm trước, ở tuổi 21, Đức Thánh Cha đã phải chịu phẫu thuật cắt bỏ lá phổi phải. Cuộc phẫu thuật này khiến ngài phải từ bỏ ước mơ đi truyền giáo ở Nhật Bản. Trong những giây phút đặc biệt của cuộc đời, Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy ngài có khả năng chịu đựng đau khổ cách mạnh mẽ.
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News