Bình An – Con đường của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV

09/05/2025

Giữa khung cảnh trang nghiêm của quảng trường Thánh Phêrô, hàng triệu con tim đang hồi hộp chờ đợi vị Giáo Hoàng mới. Từ mọi ngả đường của thế giới, ánh mắt người tín hữu hướng về ban công đền thờ Thánh Phêrô – nơi sẽ vang lên lời công bố “Habemus Papam”. Và rồi, vào tối ngày 8 tháng 5 năm 2025, Đức Hồng y Dominique Mamberti, Hồng y đẳng phó tế đã long trọng loan báo:

“Annuntio vobis gaudium magnum: Habemus Papam! Eminentissimum ac reverendissimum Dominum, Dominum Robertum Franciscum, Sanctae Romanae Ecclesiae Cardinalem Prevost, qui sibi nomen imposuit Leonem XIV.”

(Tôi loan báo cho anh chị em một niềm vui lớn: Chúng ta đã có Giáo Hoàng! Đức Hồng y rất đáng kính Robert Francis Prevost của Giáo hội Rôma, người đã chọn cho mình tên là Lêô XIV).

Khoảnh khắc ấy không chỉ là sự kiện bầu chọn một vị Giáo Hoàng mới, mà còn là dấu chỉ của một khởi đầu mới – một cánh cửa mở ra cho hy vọng, sự canh tân và hiệp nhất trong Giáo Hội và toàn thế giới.

Khi Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV xuất hiện trên ban công Đền thờ Thánh Phêrô, Ngài không chỉ chào đón các tín hữu với nụ cười hiền từ và lời cầu chúc bình an, mà còn để lại dấu ấn sâu đậm bằng một “thông điệp” đầy tính ngôn sứ: Thông điệp về sự Bình An. Đó không chỉ là lời nói, mà là một định hướng mục vụ – một tiếng kêu gọi mạnh mẽ giữa thời đại đầy xung đột, nơi lòng người khao khát được chữa lành.

Theo Vatican News, trong suốt bài phát biểu đầu tiên ấy, Ngài đã nhắc đến cụm từ “bình an” ít nhất 7 lần – từ lời chào mở đầu “Bình an ở cùng anh chị em” cho đến những lời khuyến khích đối thoại, hiệp nhất, và lòng cảm thông giữa con người với nhau. Ngài nhấn mạnh rằng để có được sự bình an thật sự, nhân loại cần học cách đối thoại, cần “xây những cây cầu thay vì dựng lên những bức tường”.

Thế giới hôm nay bị giằng xé bởi chiến tranh, phân cực chính trị, xung đột tôn giáo, khủng hoảng môi trường và sự đổ vỡ trong các mối quan hệ con người. Trong bối cảnh ấy, “thông điệp” về sự bình an của Đức Tân Giáo Hoàng vang lên như một lời mời gọi trở về với cốt lõi của Tin Mừng: “Phúc cho ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (x. Mt 5,9).

Ngay trong những lời đầu tiên của triều đại giáo hoàng, Đức Lêô XIV đã mời gọi toàn thể Giáo Hội trở nên khí cụ của bình an – không phải thứ bình an tạm bợ hay chỉ là sự im tiếng của bạo lực, mà là sự bình an xuất phát từ nội tâm, từ sự hòa giải, tha thứ và lòng nhân hậu.

Bình an, theo Ngài, không thể đến nếu con người chỉ bảo vệ quyền lợi cá nhân hay thể chế, mà phải đến từ việc dám bước ra khỏi mình để lắng nghe người khác, để đối thoại và cộng tác. Ngài khuyến khích Giáo Hội trở nên “một mái nhà mở rộng”, nơi mọi người – kể cả những ai đang ở bên lề – đều được đón nhận.

Trong tinh thần ấy, Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV kêu gọi thế giới hãy xây dựng những cây cầu, nghĩa là hãy tạo ra những không gian nối kết con người với nhau bằng tình liên đới và trách nhiệm, thay vì dựng lên những bức tường ngăn cách vì định kiến, sợ hãi hay quyền lực. Đây là lời mời gọi không chỉ dành cho các nhà lãnh đạo mà cho từng người tín hữu: hãy là người kiến tạo hòa bình ngay trong gia đình, nơi làm việc, và trong chính trái tim mình.

Giáo hội không thể là một thành trì đóng kín, nhưng phải là một người bạn đồng hành – kiên nhẫn, khiêm tốn và chân thành – giữa một thế giới đang rạn nứt.

LỜI KẾT

Khi ánh đèn nơi quảng trường Thánh Phêrô dịu lại, bài phát biểu đầu tiên của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV đã kết thúc – nhưng âm hưởng của “thông điệp” về sự bình an vẫn còn ngân vang trong lòng hàng triệu người. Đó không phải là lời nói của một vị đứng đầu thể chế, mà là tiếng nói của một Mục Tử – Người Cha đang mở rộng vòng tay đón nhận đàn chiên, bất kể khác biệt, quá khứ hay lầm lỗi.

Chúng ta được mời gọi bước vào hành trình ấy – hành trình dấn thân, yêu thương và kiến tạo hòa bình. Bình an sẽ không đến nếu chỉ dừng lại ở ước muốn, nhưng phải được bắt đầu bằng những hành động cụ thể: lời tha thứ, ánh nhìn cảm thông, cử chỉ chia sẻ, và sự dấn thân cho công lý.

Ước gì mỗi người chúng ta trở thành cộng tác viên của bình an, và trong lời cầu nguyện mỗi ngày, xin hãy nhớ đến Đức Thánh Cha Lêô XIV – để Ngài luôn được Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ, hầu tiếp tục sứ mạng ngôn sứ giữa thế giới hôm nay: đem lại bình an cho toàn thể nhân loại.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Tiến