Nhận định về Ngày Quốc tế Ông bà và Người cao tuổi, ông Vittorio Scelzo, phụ trách về chăm sóc mục vụ những người cao tuổi thuộc Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống nói: “Trong ước mơ của người già có tương lai của xã hội. Khi quyết định thiết lập ngày này, ĐTC Phanxicô muốn thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ, giữa người trẻ và người già, bởi vì không ai được cứu một mình”.
Với việc công bố của ĐTC Phanxicô, từ nay, hàng năm, Ngày Quốc tế Ông bà và Người cao tuổi được cử hành vào Chúa nhật thứ Tư tháng 7, năm nay là ngày 24/7, gần lễ Thánh GioaKim và Anna, ông bà của Chúa Giêsu.
“Người nghèo, Kinh Thánh và người già là ba ưu tiên trong triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đây cũng là ba ưu tiên được định hướng cho tương lai của Giáo hội”, ông Vittorio Scelzo nhận xét và khẳng định: “Cần phải gắn kết lại khoảng cách giữa người già và các thế hệ khác. Người ta không thể tự cứu họ được. Trong đại dịch, chúng ta đã chứng kiến bao nhiêu người già không được cứu. Đức Thánh Cha muốn nói với chúng ta rằng, ngay cả những người trẻ, người lớn và xã hội cũng không tự cứu mình nếu không có người già. Đối thoại giữa các thế hệ là điều cần thiết. Để thoát khỏi khủng hoảng, mỗi xã hội cần phải giải quyết tận gốc rễ những vấn đề và phát triển một tổng hợp mới các giá trị của nó, trong đó việc đối thoại với người lớn tuổi là một phần phải được lưu ý”.
Theo ông Scelzo, điều đối lập với văn hóa vứt bỏ chính là việc chăm sóc mục vụ cho người lớn tuổi: mỗi ngày đặt họ vào trung tâm cuộc sống của cộng đoàn, không chỉ trong những trường hợp khẩn cấp và không để khi chúng ta nhận ra đã quá muộn. Người già là cây luôn đem lại hoa trái là ước mơ của họ. Chúng ta phải đặt người trẻ đối thoại với ước mơ của người già.
Vị phụ trách mục vụ cho người lớn tuổi của Bộ Giáo dân Gia đình và Sự sống giải thích: “Ước mơ của những người cao tuổi là những gì đã xây dựng nên xã hội của chúng ta. Ví dụ, tôi nghĩ về châu Âu, về một thế giới không còn chiến tranh nữa. Thông điệp Fratelli tutti chứa đầy giấc mơ về một thế giới không có chiến tranh. Đó là ước mơ mà những người lớn tuổi của chúng ta, ông bà của chúng ta đã có sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Chúng ta cần phải đối thoại với những ước mơ này. Để qua đó chúng ta có thể hiểu ước mơ cho tương lai của xã hội phải như thế nào”.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News