Các Giám mục của Liên minh châu Âu và Caritas châu Âu đang kêu gọi Liên minh châu Âu, tăng tốc trong việc chích ngừa Covid-19 và đảm bảo việc phân phối vắc-xin Covid-19 một cách công bằng, khi khối 27 quốc gia đang cố gắng tăng tốc trong chương trình chích ngừa.
Liên minh châu Âu khởi đầu chậm chạp chương trình chích ngừa Covid-19 so với các nước giàu khác. Trong khi Anh quốc có 21% và Hoa Kỳ có 14% dân số được chích ngừa thì châu Âu mới chỉ có khoảng 5%.
Trong tuyên bố của mình, các nhà lãnh đạo Công giáo đã đưa ra một số câu hỏi liên quan đến chương trình. “Các thỏa thuận đã được đàm phán như thế nào giữa các tổ chức của Liên minh châu Âu và các công ty dược phẩm? … Và tại sao các tổ chức công dường như không được chuẩn bị?”
Liên đới của Liên minh châu Âu
Tuy nhiên, các giám mục và Caritas ca ngợi cam kết của Liên minh châu Âu đối với nguyên tắc liên đới, được thể hiện rõ nhất trong quyết định của liên minh về việc mua vắc-xin với tư cách là một khối hơn là các quốc gia đơn lẻ.
Các giám mục châu Âu và các nhà lãnh đạo Caritas đã thúc giục EU thúc đẩy việc tiêm chủng trên diện rộng vì sức khỏe và sự an toàn của tất cả mọi người, ngay cả những người sống ở các quốc gia nghèo hơn. Các ngài nói: “Cần phải nhanh chóng triển khai các chiến dịch chích ngừa đại trà. Đảm bảo quyền tiếp cận vắc-xin cho tất cả mọi người – nghĩa là vắc-xin có sẵn và giá cả phải chăng – là một điều cấp bách về đạo đức trên toàn cầu.”
Bảo đảm công bằng về vắc-xin
Các giám mục cũng than phiền về việc triển khai vắc-xin Covid-19 “không công bằng và bất bình đẳng” trên quy mô toàn cầu khi nói rằng “cạnh tranh vắc xin” và “chủ nghĩa dân tộc vắc xin” đã làm tổn thương người dân ở các quốc gia nghèo hơn thông qua lệnh cấm xuất khẩu và các biện pháp bảo hộ khác. Các ngài viết: “Các quốc gia vốn đã dễ bị tổn thương lại càng bị cô lập và dễ bị tổn thương hơn”, “có nguy cơ đảo ngược nhiều thập kỷ phát triển của con người”.
Ủng hộ chương trình Covax
Cuối cùng, các giám mục của Liên minh châu Âu và Caritas châu Âu khen ngợi những nỗ lực của châu Âu ủng hộ chương trình COVAX – chia sẻ vắc-xin với các nước đang phát triển. Các ngài khuyến khích sự hợp tác để vận hành nhanh chóng cơ chế chia sẻ vắc-xin chung của Liên minh châu Âu đã được công bố gần đây, để cho phép nguồn cung cấp vắc-xin bổ sung đến các vùng khó khăn trong khu vực lân cận của EU, châu Phi và các khu vực khác của thế giới. (CSR_1340_2020)
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News