ĐHY Parolin: Giáo hội phải hiệp nhất để làm chứng cho Tin Mừng

06/04/2021

Trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Công giáo COPE của Tây Ban Nha, dịp Lễ Phục Sinh, Đức Hồng y Parolin Pietro, Quốc vụ khanh Tòa Thánh nói về nhiều chủ đề, từ ơn gọi linh mục của ngài đến tương quan giữa ngài với Đức Thánh Cha Phanxicô; và ngài cũng nói về những chia rẽ trong Giáo hội và thực trạng của Giáo hội ở Trung Quốc.

Củng cố tương quan giữa Tòa Thánh và các Giáo hội địa phương

Trước hết, liên quan đến hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh, Đức Hồng y Parolin tái khẳng định Giáo hội phục vụ cho sự hiệp thông, bảo vệ và cổ vũ cho sự tự do của Giáo hội, tự do tôn giáo. Ngoài ra Giáo hội còn phục vụ cho hòa bình thế giới.

Nói về thực trạng của Giáo hội ở khắp năm châu và về ơn gọi linh mục cũng như trách vụ Quốc vụ khanh, Đức Hồng y khẳng định: “Tôi xác tín linh mục là ơn gọi nền tảng của tôi. Tôi cảm nhận mình được kêu gọi để trở thành một linh mục, một thừa tác viên của Chúa, làm việc trong Giáo hội cho các linh hồn”. Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng nhắc lại rằng có những cách khác nhau để thi hành sứ vụ linh mục và con đường ngoại giao của Giáo hội là một trong những cách này. Vì vậy không có sự mâu thuẫn giữa việc trở thành một linh mục và một nhà ngoại giao. Công đồng Vatican II cũng đã xác nhận rằng nhiệm vụ của các Sứ thần là sứ vụ, nhằm củng cố mối liên kết giữa Tòa Thánh và các Giáo hội địa phương.

Cải tổ Giáo triều

Đức Hồng y nói: “Nhiệm vụ của Quốc vụ khanh sẽ không thay đổi ngay cả khi cuộc cải tổ Giáo triều đang được Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn bị, và sẽ hoàn tất. Với Tông hiến mới Praedicate Evangelium-Các con hãy loan báo Tin Mừng, Phủ Quốc vụ khanh sẽ vẫn là cơ quan trợ giúp sát cạnh Đức Thánh Cha trong việc điều hành Giáo hội, trong ba lĩnh vực về: các vấn đề chung, các vấn đề liên hệ với các quốc gia và các nhân viên ngoại giao Tòa Thánh. Phủ Quốc vụ khanh sẽ tiếp tục phối hợp ba phân bộ này và trên hết cho hoạt động ngoại giao của Giáo hội”.

Cộng tác với Đức Thánh Cha Phanxicô

Là một nhân chứng đặc biệt cho triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng y nhớ lại ngài đã bất ngờ như thế nào khi được Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị ngài làm Quốc vụ khanh. Ngài cũng cho biết giữa ngài với Đức Thánh Cha Phanxicô có những khác biệt, nhưng theo ngài điều này không là một sự xung đột nhưng là sự phong phú, cộng tác cho sứ vụ của Giáo hội.

Tiếp tục nói về hình ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng y nói thêm rằng điều ngài được đánh động nhiều nhất nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đó là sự giản dị tuyệt vời. Đức Hồng y nhận xét: “Khi bạn đến gần Đức Thánh Cha Phanxicô, bạn nhận ra rằng Đức Thánh Cha là một người giản dị và không khách sáo, một người rất quan tâm đến các mối liên hệ và gần gũi với người khác, cố gắng gặp gỡ mọi người. Đây cũng là cách làm việc đặc biệt của Đức Thánh Cha Phanxicô, với mong muốn làm cho Giáo hội đáng tin hơn trong việc loan báo Tin Mừng”.

Quan tâm đến những bất đồng trong Giáo hội

Về vấn đề bất đồng trong cộng đoàn Giáo hội của một bên được gọi là phe bảo thủ và một bên được gọi là phe cấp tiến, Đức Hồng y nhấn mạnh rằng tình trạng này chỉ gây thiệt hại cho Giáo hội, và gọi tình trạng bất đồng này là điều đáng lo âu, và ngài nghĩ rằng “vấn đề này có lẽ nảy sinh từ điều Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rất nhiều lần về việc cải tổ Giáo hội và có nhiều lẫn lộn về điều này. Cơ cấu của Giáo hội, kho tàng đức tin, các bí tích, sứ vụ tông đồ là những điều không thể thay đổi, nhưng toàn thể cuộc sống Giáo hội có thể được canh tân, đó là một cuộc sống trong đó những người tội lỗi làm việc và do đó cần phải được đổi mới liên tục”.

Đức Hồng y giải thích: “Đôi khi những chia rẽ và chống đối này nảy sinh từ sự lộn xộn, từ việc không thể phân biệt được giữa những gì thiết yếu và không thể thay đổi và những gì không thiết yếu và phải được cải tổ, phải thay đổi theo tinh thần của Tin Mừng”.

Hy vọng cho tương lai Giáo hội ở Trung Quốc

Sau đó đề cập đến thực trạng của Giáo hội ở Trung Quốc, Đức Hồng y Parolin nhấn mạnh cách Tòa Thánh xem xét điều này với sự tôn trọng, vì lịch sử đau khổ của Giáo hội Trung Quốc rất lớn nhưng cũng có nhiều hy vọng. Ngài giải thích rằng, các bước tiến được thực hiện cho đến nay, tuy không giải quyết được tất cả những vấn đề còn tồn đọng, và có lẽ sẽ cần nhiều thời gian, nhưng những bước đó tiến theo chiều hướng đúng, để đạt tới một sự hòa giải giữa lòng Giáo hội tại Trung Quốc. Điều đã và đang được cố gắng thực hiện là bảo vệ cộng đoàn Công giáo tại Trung Quốc, tuy còn nhỏ bé nhưng có một sức mạnh và sự sinh động lớn. Tất cả những gì đang được làm là nhắm mục đích bảo vệ một cuộc sống bình thường cho Giáo hội tại Trung Quốc, bảo đảm một không gian tự do tôn giáo, hiệp thông, vì không thể sống trong Giáo hội Công giáo mà không có sự hiệp thông với Người Kế nhiệm thánh Phêrô, là Đức Giáo hoàng.

Tình trạng mất đức tin tại châu Âu

Nói về châu Âu và sự xuất hiện của các luật mới về các vấn đề đạo đức đang ngày càng xa rời nguồn gốc Kitô giáo, Đức Hồng y cho rằng “đánh mất căn tính con người”, hơn cả “sự đánh mất đức tin”, thể hiện “sự đánh mất lý trí”. Vì vậy, theo Đức Hồng y Giáo hội ở châu Âu phải làm chứng cho đức tin, niềm hy vọng, lòng bác ái, không áp đặt, nhưng trình bày một chứng tá nhất quán giữa đức tin và hành động, như đã xảy ra trong những thế kỷ đầu của Giáo hội, khi các tông đồ và môn đệ đã đến một xã hội không có các giá trị Kitô và qua chứng tá của họ, họ đã thay đổi được tâm thức và giới thiệu các giá trị của Tin Mừng vào xã hội thời đó. (CSR_2438_2021)

Ngọc Yến 

Nguồn: Đài Vatican News