Do ĐTC Phanxicô bị đau thần kinh tọa, vào lúc 5 giờ chiều ngày 31/12, Đức Hồng y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng y đoàn, đã thay thế ĐTC Phanxicô chủ sự giờ Kinh Chiều I lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và hát thánh thi Te Deum ¬– Lạy Thiên Chúa – để tạ ơn Chúa về năm dương lịch đang kết thúc.
ĐTC Phanxicô bị đau thần kinh tọa
Theo truyền thống hàng năm, lẽ ra Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự giờ kinh này. Nhưng sáng ngày 31/12, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo rằng “do bị đau thần kinh tọa nên Đức Thánh Cha không chủ sự các cử hành phụng vụ chiều nay (31/12/2020) và sáng mai (1/1/2021) tại Bàn thờ Ngai tòa của đền thờ thánh Phê-rô.” Thay vào đó, Đức Hồng y Re sẽ thay thế ngài chủ sự giờ kinh.
Hàng năm, giờ Kinh Chiều Tạ Ơn cuối năm vào chiều ngày 31/12 tại đền thờ thánh Phê-rô được cử hành với sự tham dự của hàng ngàn tín hữu. Năm nay, do đại dịch, giờ Kinh được cử hành tại Bàn thờ Ngai tòa thay vì Bàn thờ Tuyên xưng đức tin, với khoảng 30 Hồng y và 100 tín hữu tham dự.
Sau các Thánh vịnh và bài đọc ngắn Đức Hồng y Re đã đọc bài giảng đã được ĐTC Phanxicô dọn trước. Mở đầu bài giảng, ĐTC Phanxicô nhắc lại hai khía cạnh của giờ Kinh Chiều này: đây là phụng vụ bắt đầu lễ trọng Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và đồng thời chúng ta kết thúc năm dương lịch với thánh thi chúc tụng. Nhưng trong bài giảng này ngài tập trung vào khía cạnh tạ ơn về năm đang kết thúc.
Kinh Te Deum mở đầu với câu: “Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng, tuyên xưng Ngài là Đức Chúa.” ĐTC Phanxicô nhận xét rằng có vẻ như là ép buộc, gượng ép để tạ ơn Chúa vào cuối một năm như năm này, năm được đánh dấu bởi đại dịch. “Chúng ta nghĩ đến các gia đình đã mất một hay nhiều người thân, nghĩ đến những người bệnh, nhiều người chịu sự cô đơn, những người bị mất việc làm…”
Ý nghĩa của thảm kịch: Khơi dậy lòng cảm thương, thái độ gần gũi, quan tâm
Đâu là ý nghĩa của thảm kịch như thế này? ĐTC Phanxicô khuyên chúng ta đừng vội đưa ra câu trả lời. Ngài nhận xét rằng Thiên Chúa không trả lời cho các câu hỏi “tại sao” tuyệt vọng của chúng ta bằng cách viện đến các “lý do cao siêu”, nhưng bằng con đường Nhập thể, như câu tiền xướng của kinh Magnificat: “Vì lòng Chúa yêu ta rất mực nên đã sai Con Một giáng trần trong thân phận phàm nhân tội lỗi.” Vì thế, Thiên Chúa mà Chúa Giê-su mặc khải cho chúng ta không phải là Thiên Chúa hy sinh con người vì một kế hoạch vĩ đại, nhưng là một “người Cha vĩnh hằng” với trái tim cảm thương vô hạn, là một mục tử không để con chiên nào bị lạc mất.
Từ hình ảnh người Samaria nhân hậu đầy lòng cảm thương cúi xuống giúp đỡ người anh em xa lạ, ĐTC Phanxicô nêu lên “ý nghĩa” của thảm kịch đại dịch, cũng như những tai ương khác: nó “khơi dậy lòng nhân ái trong chúng ta và khơi gợi thái độ, cử chỉ gần gũi, quan tâm, liên đới.”
Tạ ơn Chúa về những điều tốt xảy đến trong thời gian đại dịch
Tiếp tục bài giảng, ĐTC Phanxicô nói chiều nay ngài muốn tạ ơn Chúa về những điều tốt xảy ra trong thời gian lockdown, phong tỏa, cách chung là trong thời gian đại dịch. Ngài nhận xét: “Nhiều người, âm thầm, tìm cách làm cho gánh nặng của thử thách có thể dễ chịu đựng hơn. Với sự dấn thân hàng ngày của họ, được thúc đẩy bởi tình yêu đối với tha nhân, họ đã thực hiện những lời trong bài thánh thi Te Deum: ‘Chúng con chúc tụng Chúa mỗi ngày, chúng con ca ngợi Danh Ngài mãi mãi’. Bởi vì lời chúc tụng và ngợi khen mà Thiên Chúa yêu thích nhất chính là tình huynh đệ.”
Bên cạnh các nhân viên y tế, các linh mục tu sĩ, những người đi đầu trong đại dịch, đáng được cầu nguyện và biết ơn, ĐTC Phanxicô nói đến những người nỗ lực mỗi ngày để duy trì gia đình của họ và công việc phục vụ công ích như các nhà điều hành trường học và các giáo viên, những người lãnh đạo, những người thực sự tìm kiếm lợi ích cho tất cả mọi người,bắt đầu từ những người kém may mắn nhất.
Nhờ sức mạnh của Thiên Chúa thúc đẩy
Tất cả những điều tốt này đều do ơn Chúa, nhờ lòng từ bi của Người. Những người làm việc tốt đã tìm ở đâu được sức mạnh để chăm sóc cho người khác? Điều gì đã thúc đẩy họ từ bỏ những thứ thuộc về mình, sự tiện nghi, thời gian, của cải của họ, để trao cho người khác? ĐTC Phanxicô nhận định: “Ngay cả khi họ không nghĩ đến, tận thẳm sâu, chính sức mạnh của Thiên Chúa, điều mạnh hơn sự ích kỷ của chúng ta, đã thúc đẩy họ.”
ĐTC Phanxicô nói tiếp: “Do đó, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa bởi vì chúng ta tin và biết rằng tất cả những điều tốt lành đang được thực hiện trên trái đất này, ngày qua ngày, cuối cùng, đều đến từ Thiên Chúa. Và nhìn về tương lai đang đến, một lần nữa chúng ta cầu khẩn: ‘Xin Chúa luôn thương xót chúng con, chúng con đã hy vọng nơi Chúa.”
Sau khi kết thúc giờ Kinh Chiều, Đức Hồng y và cộng đoàn đã chầu Mình Thánh Chúa và hát kinh Te Deum tạ ơn Thiên Chúa. (CSR_9690_2020)
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News