ĐTC Phanxicô: Cầu nguyện là hơi thở mang lại ý nghĩa cho công việc của chúng ta

09/06/2021

ĐTC Phanxicô nhận xét rằng cầu nguyện trở thành bối cảnh mà mọi hành động trong cuộc sống của chúng ta đều tìm thấy ý nghĩa sâu xa nhất của nó. Nếu Thiên Chúa có thể tìm thấy thời gian cho mỗi người chúng ta, chắc chắn chúng ta có thể tìm thấy thời gian cho Người! ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu dâng những lời nguyện đơn sơ trong ngày sống của mình.

Từ hơn một năm nay ĐTC Phanxicô dành các bài giáo lý trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần để nói về đề tài cầu nguyện. Trong bài giáo lý áp chót của loạt bài về cầu nguyện, trình bày với các tín hữu hiện diện tại sân Damaso trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 9/6/2021, ĐTC Phanxicô nói về sự kiên trì trong cầu nguyện, nghĩa là cầu nguyện không ngừng.

Suy tư về lời thánh Phaolô khuyến khích các tín hữu không ngừng cầu nguyện, các nhà tu đức đặt câu hỏi làm thế nào để luôn ở trong trạng thái cầu nguyện. Sách Giáo lý trình bày về các gương mẫu cầu nguyện không ngừng. Truyền thống khổ tu của Nga phát triển lời cầu nguyện của trái tim dựa trên việc lặp lại những lời “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con, một kẻ tội lỗi!” cho đến khi nó trở thành như không khí chúng ta thở. Một đan sĩ Hy Lạp so sánh cầu nguyện như ngọn lửa cháy liên lỉ trong tâm hồn chúng ta ngay cả khi chúng ta làm những công việc hàng ngày.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Lời cầu nguyện của trái tim

 “Trong bài giáo lý áp chót về cầu nguyện chúng ta sẽ nói về sự kiên trì cầu nguyện. Đó là một lời mời gọi, thật sự là một lệnh truyền từ Kinh Thánh. Hành trình thiêng liêng của Tín hữu hành hương người Nga bắt đầu khi ông đọc thấy một câu từ thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi cộng đoàn Thêxalônica: “Cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.” Những lời của thánh Tông đồ đã đánh động người đàn ông và ông tự hỏi làm thế nào có thể cầu nguyện không ngừng, vì cuộc sống của chúng ta bị chia cắt thành rất nhiều khoảnh khắc khác nhau, không phải lúc nào cũng có thể tập trung được. Từ câu hỏi này, ông bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình, và ông đã  khám phá điều được gọi là lời cầu nguyện của trái tim. Nó bao gồm việc lặp lại với đức tin: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con, một kẻ tội lỗi!”.

ĐTC Phanxicô nói rằng đây là một lời cầu nguyện đơn giản nhưng thật hay. Ngài yêu cầu các tín hữu hiện diện cùng lặp lại lời cầu nguyện trên. Ngài nhận xét rằng đó là “một lời cầu nguyện, từng chút một, tự thích ứng với nhịp thở và kéo dài suốt cả ngày.” Ngài lại yêu cầu các tín hữu lặp lại thật lớn lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con, một kẻ tội lỗi!”. Ngài khẳng định: “Thật vậy, hơi thở không bao giờ ngừng, ngay cả khi chúng ta ngủ; và cầu nguyện là hơi thở của cuộc sống.

Vậy làm thế nào để luôn có thể duy trì trạng thái cầu nguyện? ĐTC Phanxicô nhắc lại những trích dẫn tuyệt vời từ lịch sử tu đức được Sách Giáo lý đưa ra, những trích dẫn nhấn mạnh đến nhu cầu cầu nguyện liên tục, điều có thể là điểm tựa của cuộc sống của Kitô hữu.

Cầu nguyện: ngọn lửa thiêng cháy trong tâm hồn

Trước hết là lời của Đan sĩ Evagrius Ponticus khẳng định: “Chúng ta không bị yêu cầu làm việc, tỉnh thức và ăn chay không ngừng , nhưng cầu nguyện không ngừng là quy luật của chúng ta” (2742). Do đó, theo ĐTC Phanxicô, “có một sự hăng hái nhiệt thành trong đời sống Kitô hữu, điều không được bao giờ mất đi. Nó giống như ngọn lửa thiêng được lưu giữ trong các ngôi đền cổ, liên tục cháy sáng và các tư tế có nhiệm vụ giữ cho nó cháy. Vì vậy, trong chúng ta cũng phải có một ngọn lửa thiêng, ngọn lửa cháy liên tục và không gì có thể dập tắt được.”

Trong khi đó, Thánh Gioan Kim Khẩu, một mục tử chú ý đến đời sống thực tế, đã giảng: “Ngay cả khi đi bộ ở nơi công cộng hoặc đi dạo một mình, hoặc ngồi trong cửa hàng của bạn, khi mua bán, hoặc ngay cả khi đang nấu ăn” (2743). ĐTC Phanxicô giải thích thêm rằng chúng ta có thể dâng những lời cầu nguyện đơn sơ như: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con”, “Lạy Chúa, xin giúp con”. Đức Thánh Cha nói thêm: “Cầu nguyện là một trang nhạc, nơi chúng ta viết lên những giai điệu của cuộc đời mình. Nó không trái ngược với công việc hàng ngày, nó không mâu thuẫn với nhiều nghĩa vụ và nhiệm vụ bé nhỏ; nếu có, nó là nơi mà mỗi hành động tìm thấy ý nghĩa, lý do và sự bình yên của nó.”

Thiên Chúa chăm lo cho cả vũ trụ vẫn có giờ nhớ đến chúng ta

ĐTC Phanxicô nhận xét: “Chắc chắn là thực hành những nguyên tắc này không phải là điều đơn giản. Một người cha và một người mẹ, bị cuốn vào hàng ngàn công việc, có thể cảm thấy nhớ về một thời điểm trong đời khi mà họ dễ dàng tìm thấy thời gian và không gian thường xuyên để cầu nguyện. Rồi con cái, công việc, cuộc sống gia đình, cha mẹ già yếu… Người ta có ấn tượng rằng sẽ không bao giờ có thể vượt qua được tất cả. Và vì vậy thật tốt cho chúng ta khi nghĩ rằng Thiên Chúa, Cha của chúng ta, Đấng phải chăm sóc tất cả vũ trụ, luôn nhớ đến mỗi người chúng ta. Vì vậy, chúng ta cũng phải luôn nhớ đến Nguời!”

Cân bằng nội tâm giữa cầu nguyện và công việc

Tiếp tục bài giáo lý ĐTC Phanxicô khẳng định cần có sự cân bằng nội tâm giữa cầu nguyện và công việc. “Chúng ta cũng có thể nhớ rằng trong đời sống đan tu Kitô giáo, công việc luôn được đánh giá cao, không chỉ vì bổn phận đạo đức chăm lo cho chính mình và người khác, mà còn vì một loại cân bằng nội tâm: thật là nguy hiểm cho con người khi nuôi dưỡng một sở thích quá trừu tượng đến nỗi mất liên lạc với thực tế. Công việc giúp chúng ta tiếp xúc với thực tế. Đôi bàn tay chắp lại cầu nguyện của vị đan sĩ mang vết chai của những người cầm xẻng cầm cuốc. Trong Phúc âm thánh Luca (xem 10, 38-42), khi nói với Thánh Martha rằng điều duy nhất thực sự cần thiết là lắng nghe Thiên Chúa, Chúa Giêsu không có ý chê bai nhiều công việc mà bà đã rất cố gắng làm.”

ĐTC Phanxicô giải thích: “Mọi thứ trong con người đều ‘có đôi’: cơ thể chúng ta cân xứng, chúng ta có hai cánh tay, hai con mắt, hai bàn tay… Vì vậy, công việc và cầu nguyện cũng bổ sung cho nhau. Cầu nguyện – vốn là ‘hơi thở’ của mọi thứ – luôn là bối cảnh sống động của công việc, ngay cả trong những thời điểm mà điều này không rõ ràng. Thật là thiếu chiều kích con người khi bạn mải mê với công việc đến mức bạn không còn có thể tìm thấy thời gian cho việc cầu nguyện.”

Một lời cầu nguyện xa lạ với cuộc sống không phải là lời cầu nguyện ý nghĩa

ĐTC Phanxicô khẳng định rằng “một lời cầu nguyện xa lạ với cuộc sống không phải là lời cầu nguyện ý nghĩa. Một lời cầu nguyện tách rời bản thân khỏi sự cụ thể của cuộc sống sẽ trở thành duy tâm, hay tệ hơn, trở thành duy nghi lễ. Chúng ta hãy nhớ rằng, sau khi tỏ cho các môn đệ thấy vinh quang của Người trên Núi Tabor, Chúa Giê-su không muốn kéo dài giây phút hạnh phúc đó, nhưng ngược lại, Chúa cùng họ xuống núi và tiếp tục cuộc hành trình hàng ngày. Bởi vì kinh nghiệm đó phải ở lại trong tâm hồn họ như ánh sáng và sức mạnh của đức tin của họ, là ánh sáng và sức mạnh cho họ trong những ngày tương lai, những ngày trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Bằng cách này, thời gian dành riêng để ở lại với Chúa làm sống lại đức tin, giúp chúng ta trong thực tế của cuộc sống, và đến lượt mình, đức tin nuôi dưỡng sự cầu nguyện, không bị gián đoạn. Trong sự tuần hoàn giữa đức tin, đời sống và việc cầu nguyện này, người ta giữ cho ngọn lửa đời sống Kitô hữu mà Thiên Chúa mong đợi nơi mỗi người chúng ta cháy sáng.

Cuối bài giáo lý, ĐTC Phanxicô mời các tín hữu cùng lập lại lời cầu nguyện đơn giản, điều mà ngài cho là sẽ rất tốt nếu chúng ta lặp lại trong ngày sống: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!”. ĐTC Phanxicô nói rằng lặp lại lời cầu nguyện này không ngừng sẽ giúp chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu.

Hồng Thủy

Nguồn: Đài Vatican News