ĐTC Phanxicô gặp gỡ liên tôn tại Đền thờ Hồi giáo “Istiqlal”

06/09/2024

Sáng thứ Năm ngày 05/9/2024, ngày thứ hai trong chuyến tông du của ĐTC Phanxicô đến Indonesia, vào lúc 8 giờ 50’ giờ địa phương, từ Toà Sứ thần Toà Thánh, ĐTC Phanxicô đi xe đến Đền thờ Hồi giáo “Istiqlal”, cách đó 1,5 km, để gặp gỡ các tôn giáo.

Đền thờ Hồi giáo “Istiqlal”

Đền thờ Hồi giáo Istiqlal nằm ở trung tâm Jakarta. Vị trí Đền thờ đối diện với Nhà thờ Công giáo, nhằm nhấn mạnh nguyên tắc triết học của quốc gia “Bhinneka Tunggal Ika – thống nhất trong đa dạng”, mong muốn tất cả các tôn giáo cùng chung sống trong hòa bình và hòa hợp. Hai tòa nhà được kết nối bởi một đường hầm dưới lòng đất, được Tổng thống Joko Widodo gọi là “đường hầm thân hữu”, để tạo điều kiện di chuyển từ tòa nhà này sang tòa nhà khác và thúc đẩy sự chung sống tôn giáo.

Được thiết kế vào năm 1954 bởi kiến trúc sư Kitô giáo Friedrich Silaban, Đền thờ được mở cửa cho công chúng bởi tổng thống đầu tiên của Indonesia Sukarno, vào ngày 22/02/1978, sau thời gian xây dựng 17 năm. Đây là Đền thờ Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á với sức chứa lên tới 120.000 người.

Từ Istiqlal xuất phát từ tiếng Ả Rập và có nghĩa là “độc lập”, và được chọn để kỷ niệm cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của đất nước. Cấu trúc được trải rộng trên năm cấp độ, đại diện cho năm trụ cột của Hồi giáo, gồm khoảng chín ha đất và được ốp bằng đá cẩm thạch.

Đền thờ có một mái vòm 45 m, được đỡ bởi 12 cột và một tháp cao 66,66 m, liên quan đến số câu trong kinh Koran (6.666). Bên trong nó có một phòng cầu nguyện hình chữ nhật, được trải thảm đỏ và được chia thành các phần dành riêng, bên phải, cho phụ nữ và bên trái cho nam giới. Đại sảnh cũng mở ra một khoảng sân lớn với các không gian cầu nguyện hình chữ nhật cá nhân, tất cả đều hướng về Mecca. Để vào Đền thờ Hồi giáo, có bảy lối vào tượng trưng cho Bảy tầng trời của Hồi giáo.

ĐTC Phanxicô thăm Đường hầm thân hữu

ĐTC Phanxicô đến Đền thờ Hồi giáo Istiqlal qua cổng chính (Cổng Alfattah) và được chào đón bởi Đại Imam bên ngoài Đền thờ. Cả hai cùng vào thăm Đường hầm thân hữu.

Tại đây, ngỏ lời với mọi người hiện diện, ĐTC Phanxicô nói khi nghĩ đến đường hầm, chúng ta dễ hình dung ra một con đường tối tăm, đặc biệt nếu chỉ có một mình, nó có thể khiến chúng ta sợ hãi. Tuy nhiên, ở đây thì khác, vì mọi thứ đều được chiếu sáng. Tuy nhiên, ngài muốn nói với mọi người rằng với tình thân hữu, sự hòa hợp, sự hỗ trợ, cùng nhau bước đi thì chính họ là ánh sáng chiếu soi đường hầm này.

Ngài nói: “Chúng ta, những người tin, thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau, có vai trò giúp đỡ mọi người đi qua đường hầm với cái nhìn hướng về ánh sáng. Vì vậy, vào cuối hành trình, chúng ta có thể nhận ra, nơi những người bước bên cạnh chúng ta, một người anh, người chị, những người mà chúng ta có thể chia sẻ cuộc sống và hỗ trợ nhau”.

Ngài cám ơn tất cả những người đang làm việc với niềm tin rằng chúng ta có thể sống hòa hợp và hòa bình, nhận thức được sự cần thiết của một thế giới huynh đệ hơn. Ngài hy vọng các cộng đồng có thể ngày càng cởi mở hơn với cuộc đối thoại liên tôn và trở thành biểu tượng cho sự chung sống hòa bình vốn là đặc điểm của Indonesia.

ĐTC Phanxicô kết thúc nói: “Tôi dâng lời nguyện lên Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa của tất cả, xin ban phúc lành cho tất cả những ai đi qua Đường hầm này trong tinh thần hữu nghị, hòa hợp và tình huynh đệ”.

Gặp gỡ liên tôn

Sau đó cả hai đến căn lều lớn nơi diễn ra cuộc gặp gỡ liên tôn. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bầu khí thân tình hoà hợp, với bài hát trích từ Kinh Côran, đoạn Tin Mừng theo thánh Luca chương 10, 25-37 về người thông luật hỏi Chúa làm thế nào để có sự sống đời đời, và Chúa trả lời. Tiếp đến Đại Iman chào mừng ĐTC Phanxicô, đọc và ký  “Tuyên bố chung Istiqlal 2024”.

Diễn văn của ĐTC Phanxicô

Trong diễn văn sau đó, trước hết ĐTC Phanxicô bày tỏ niềm vui được có mặt ở đây, trong Đền thờ Hồi giáo lớn nhất châu Á, cùng với tất cả mọi người. Ngài cũng  cám ơn Đại Imam vì những lời tốt đẹp dành cho ngài. Những lời nhắc nhở mọi người rằng nơi thờ phượng và cầu nguyện này cũng là “một ngôi nhà lớn cho nhân loại”, nơi mọi người có thể bước vào dành thời gian cho chính mình, nhường chỗ cho niềm khao khát vô hạn mà mỗi người mang trong lòng, để tìm kiếm cuộc gặp gỡ với Thượng Đế và sống niềm vui tình thân hữu với người khác.

ĐTC Phanxicô nhắc lại Đền thờ này được thiết kế bởi kiến trúc sư Friedrich Silaban, một Kitô hữu và đã được chọn trong cuộc thi thiết kế. Điều này theo ngài chứng thực rằng, trong lịch sử của quốc gia và trong nền văn hóa của Indonesia, Đền thờ, cũng như những nơi thờ phượng khác, là không gian đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và chung sống hài hòa giữa các tôn giáo và tình cảm tâm linh khác nhau. Đây là một món quà tuyệt vời mà các tín đồ các tôn giáo được mời gọi vun trồng mỗi ngày, để kinh nghiệm tôn giáo có thể là một điểm tham chiếu cho một xã hội huynh đệ và hòa bình và không bao giờ là lý do cho sự  khép kín hoặc đối đầu.

Về vấn đề này, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh cần phải nhắc đến việc xây dựng đường hầm dưới lòng đất – “đường hầm thân hữu” – nối liền Đền thờ Hồi giáo Istiqlal và Nhà thờ Chính toà Đức Mẹ Lên Trời. Đó là một dấu chỉ hùng hồn, cho phép hai nơi thờ phượng lớn này không chỉ “đối diện”, mà còn “kết nối” với nhau. Thực tế, lối đi này cho phép một cuộc gặp gỡ, đối thoại, và khả năng thực sự của việc “khám phá và thông truyền ‘khoa thần bí’ của việc sống chung, hòa nhập, gặp gỡ, […] để lao mình vào dòng thác này, dòng thác hỗn mang nhưng có thể trở thành một trải nghiệm đích thực về tình huynh đệ, một dòng người thể hiện tình liên đới, một cuộc hành hương thánh”.

Ngài khuyến khích mọi người tiếp tục đi theo con đường này, để tất cả cùng nhau, mỗi người vun đắp linh đạo và thực hành tôn giáo của mình, chúng ta có thể bước đi tìm kiếm Thượng Đế và góp phần xây dựng các xã hội cởi mở, đặt nền tảng trên sự tôn trọng và yêu thương nhau, có khả năng bảo vệ chống lại sự cứng nhắc, thái độ cực đoan, vốn luôn nguy hiểm và không bao giờ có thể biện minh được.

Luôn nhìn vào chiều sâu

Tiếp đến, ĐTC Phanxicô đưa ra hai đề nghị. Đầu tiên là luôn nhìn vào chiều sâu, bởi vì chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể tìm thấy những gì hợp nhất vượt lên trên sự khác biệt. Thực tế, trong khi phía trên có các không gian của Đền thờ Hồi giáo và Nhà thờ Chính toà, được xác định rõ ràng và thường xuyên lui tới bởi các tín đồ của hai tôn giáo, nhưng dưới lòng đất, dọc theo đường hầm, chính những người đó có thể gặp gỡ và tiếp xúc với thế giới tôn giáo của người khác. Hình ảnh này nhắc nhở chúng ta về một điều quan trọng: các khía cạnh hữu hình của các tôn giáo – nghi lễ, thực hành, v.v. – là một di sản truyền thống phải được bảo vệ và tôn trọng. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói rằng những gì ở “bên dưới”, những gì chảy dưới lòng đất, như “đường hầm của tình thân hữu”, là cội rễ chung cho tất cả các nhạy cảm tôn giáo: tìm kiếm cuộc gặp gỡ với Thượng Đế, khao khát sự vô hạn mà Đấng Tối Cao đã đặt trong tâm hồn chúng ta, tìm kiếm một niềm vui lớn hơn và một cuộc sống mạnh mẽ hơn bất kỳ cái chết nào, điều đó làm sinh động hành trình cuộc sống chúng ta và thúc đẩy chúng ta thoát ra khỏi cái tôi của mình để đi ra ngoài gặp gỡ Thượng Đế. Ở đây, chúng ta hãy nhớ điều này: bằng cách nhìn sâu, bằng cách nắm bắt những gì tuôn chảy trong sâu thẳm cuộc sống chúng ta, ước muốn viên mãn ở trong sâu thẳm trái tim chúng ta, chúng ta khám phá ra rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em, tất cả đều là những người hành hương, tất cả đều đang trên đường đến với Thượng Đế, vượt lên trên những gì phân biệt chúng ta.

Chăm sóc các mối liên kết

Lời mời thứ hai: chăm sóc các mối liên kết. Đường hầm được xây dựng từ bên này sang bên kia để tạo ra sự liên kết giữa hai nơi khác nhau và cách xa nhau. Đây là những gì lối đi hầm làm được: kết nối, nghĩa là tạo ra một liên kết. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng cuộc gặp gỡ giữa các tôn giáo là vấn đề bằng mọi giá tìm kiếm những điểm chung giữa các giáo lý và tôn giáo khác nhau. Thực tế, có thể xảy ra rằng một cách tiếp cận như vậy cuối cùng chia rẽ chúng ta, bởi vì các giáo lý và giáo điều của mỗi kinh nghiệm tôn giáo khác nhau. Điều thực sự đưa chúng ta đến gần nhau hơn là tạo ra một liên kết giữa những khác biệt, chăm sóc để nuôi dưỡng các mối quan hệ thân hữu, quan tâm, hỗ tương. Đó là những mối quan hệ trong đó mỗi người mở lòng ra với người khác, trong đó chúng ta dấn thân cùng nhau tìm kiếm sự thật, học hỏi từ truyền thống tôn giáo của người kia; để đáp ứng nhu cầu nhân bản và tâm linh. Chúng là những mối dây cho phép chúng ta làm việc cùng nhau, cùng bước đi để theo đuổi một mục tiêu, trong việc bảo vệ phẩm giá con người, trong cuộc chiến chống nghèo đói, trong việc thúc đẩy hòa bình. Sự thống nhất được sinh ra từ mối quan hệ cá nhân của tình thân hữu, tôn trọng, bảo vệ nhau về không gian và ý tưởng của nhau.

Trong diễn văn, ĐTC Phanxicô còn bày tỏ biết ơn tín đồ của các tôn giáo vì hành trình chung mà mọi người đang thực hiện. Indonesia là một đất nước tuyệt vời, một bức tranh khảm của các nền văn hóa, các nhóm dân tộc và truyền thống tôn giáo, một sự đa dạng rất phong phú, cũng được phản ánh trong sự đa dạng của hệ sinh thái và môi trường xung quanh.

ĐTC Phanxicô kết thúc: “Cám ơn vì nụ cười dễ thương của anh chị em, luôn tỏa sáng trên khuôn mặt và là một dấu hiệu của vẻ đẹp và sự cởi mở bên trong của anh chị em. Xin Thượng Đế ban cho anh chị em món quà này. Với sự giúp đỡ và phúc lành của Người, hãy tiếp tục, Bhinneka Tunggal Ika, thống nhất trong đa dạng. Xin cám ơn!”

Nguồn; Đài Vatican News