Hôm thứ Tư 09/6, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến Diễn đàn do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức, về chủ đề “Chúng ta đang ở đâu với Amoris laetitia? Các chiến lược cho việc áp dụng Tông huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô”.
Diễn đàn là một phần của Năm Gia đình Amoris laetitia, kỷ niệm 5 năm ban hành Tông huấn Amoris laetitia. Sự kiện có sự hiện diện của đại biểu của các Văn phòng Gia đình của hơn 60 Hội đồng Giám mục và hơn 30 phong trào quốc tế.
Trong video gửi đến sự kiện, ĐTC Phanxicô nhận xét rằng, trong bức tranh toàn cảnh về các sáng kiến quan trọng cho “Năm Gia đình Amoris laetitia”, Diễn đàn thể hiện một thời điểm thiết yếu của cuộc đối thoại giữa Tòa thánh, các Hội đồng Giám mục, các phong trào và các hiệp hội gia đình. Chúa Thánh Thần biến Diễn đàn thành một thời điểm hữu ích để Giáo hội, các mục tử và giáo dân cùng nhau đến để lắng nghe những nhu cầu cụ thể của các gia đình và giúp đỡ nhau trong việc thực hiện những tiến trình cần thiết để đổi mới việc loan báo của Giáo hội.
ĐTC Phanxicô nói: “Câu hỏi ‘Chúng ta đang ở đâu với việc áp dụng Amoris laetitia?’ là nhằm mục đích khuyến khích phân định hiệu quả của Giáo hội về cách thức và mục tiêu của việc chăm sóc mục vụ gia đình từ quan điểm của việc tái truyền giảng Tin Mừng. Tông huấn Amoris laetitia là kết quả của sự suy tư sâu xa của Thượng Hội đồng về hôn nhân và gia đình, và như vậy, đòi hỏi sự kiên nhẫn trong việc thực hiện và hoán cải truyền giáo. Diễn đàn này được đặt trong sự liên tục với đường lối Thượng hội đồng, nhưng để có thể thực hiện được trong các Giáo hội địa phương, đòi hỏi sự hợp tác, chia sẻ trách nhiệm, khả năng phân định và sẵn sàng gần gũi với các gia đình”.
Theo ĐTC Phanxicô, giữa những khó khăn do đại dịch gây ra, đang xé nát đời sống gia đình và sự hiệp thông mật thiết của sự sống và tình yêu, ngày nay hơn bao giờ hết gia đình là dấu chỉ của thời đại, và trên hết Giáo hội được mời gọi lắng nghe cách tích cực các gia đình, đồng thời để họ tham gia như những đối tượng chăm sóc mục vụ.
Cần phải gạt bỏ mọi “thông điệp chỉ mang tính lý thuyết, nhưng lại không liên quan đến các vấn đề thực tế của con người”, cũng như ý tưởng cho rằng việc loan báo Tin Mừng chỉ dành cho một tầng lớp ưu tú mục vụ. Tất cả những ai được rửa tội đều là “tác nhân của việc loan báo Tin Mừng”. Để mang tình yêu của Thiên Chúa đến với các gia đình và những người trẻ, những người sẽ xây dựng các gia đình của ngày mai, chúng ta cần sự giúp đỡ của chính các gia đình, kinh nghiệm cụ thể của họ về cuộc sống và sự hiệp thông. Chúng ta cần những người vợ và người chồng, cùng với các mục tử, để cùng đi với các gia đình khác, giúp đỡ những người yếu hơn, để loan báo rằng, ngay cả trong khó khăn, Chúa Kitô hiện diện trong Bí tích Hôn phối nhằm trao ban sự dịu dàng, kiên nhẫn và hy vọng cho tất cả mọi người, trong mọi hoàn cảnh đời sống.
ĐTC Phanxicô mời gọi các tham dự viên nhìn lại Amoris laetitia để xác định, trong số các ưu tiên mục vụ được chỉ ra trong đó, những ưu tiên nào phù hợp nhất với nhu cầu cụ thể của từng Giáo hội địa phương và theo đuổi chúng với sự sáng tạo và lòng nhiệt thành truyền giáo. Bởi vì, trong thời đại dịch, Chúa đã ban cho chúng ta cơ hội để suy nghĩ lại không chỉ về nhu cầu và ưu tiên của chúng ta, mà còn cả cách thức chúng ta lập kế hoạch và tham gia mục vụ.
Cần phải có một nỗ lực đặc biệt trong việc đào tạo giáo dân, đặc biệt là vợ chồng và gia đình, để họ có thể hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc dấn thân trong Giáo hội, nghĩa là ý nghĩa của sứ vụ phát xuất từ việc trở thành vợ chồng và gia đình. Bởi vì nhiều gia đình không ý thức được món quà tuyệt vời mà họ đã lãnh nhận trong Bí tích, một dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Chúa Kitô luôn đồng hành trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời họ. Khi một gia đình khám phá đầy đủ món quà này, họ cảm thấy muốn chia sẻ nó với các gia đình khác, bởi vì niềm vui được gặp gỡ với Chúa có xu hướng lan rộng và tạo ra sự hiệp thông khác, là truyền giáo một cách tự nhiên.
Cuối sứ điệp, ĐTC Phanxicô nhận xét rằng con đường được thực hiện với Thượng Hội Đồng về gia đình đã giúp Giáo Hội làm sáng tỏ nhiều thách đố cụ thể mà các gia đình phải trải qua, như áp lực tư tưởng cản trở tiến trình giáo dục, các vấn đề quan hệ, nghèo đói vật chất và tinh thần, và tận gốc là rất nhiều cô đơn do khó ý thức được sự hiện diện của Chúa trong đời sống. Một số thách thức này vẫn đang gặp khó khăn để được đáp ứng và đòi hỏi một động lực mục vụ mới trong một số lĩnh vực cụ thể. Vì vậy cần phải có sự chuẩn bị hôn nhân, đồng hành với các cặp vợ chồng trẻ, giáo dục, quan tâm đến người già, gần gũi với các gia đình bị tổn thương hoặc những người, trong một sự kết hợp mới, mong muốn sống trọn vẹn kinh nghiệm Kitô giáo.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News