Tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện, trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến vào sáng thứ Tư 05/05, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày về đề tài chiêm niệm. Theo ngài, không có đối nghịch giữa cầu nguyện và hành động. Trong Tin mừng chỉ có một tiếng gọi duy nhất, đó là theo Chúa trên con đường tình yêu. Bác ái và chiêm niệm đồng nghĩa với nhau.
ĐTC Phanxicô giải thích rằng chiêm niệm là một hành động của trái tim mà qua đó chúng ta ngắm nhìn Chúa Giê-su với đức tin, âm thầm suy tư về những lời nói và mầu nhiệm cứu độ của Chúa. Như người nông dân chất phác ở Ars đã nói với Thánh Gioan Vianê: khi cầu nguyện trước Nhà Tạm Thánh Thể, “Tôi nhìn Chúa và Người nhìn tôi”.
Khi ngắm nhìn Chúa theo cách này, chúng ta cảm nhận được ánh mắt yêu thương của Người dành cho chúng ta và tâm hồn chúng ta được thanh tẩy. Điều này cũng giúp chúng ta nhìn người khác dưới ánh sáng của chân lý và lòng trắc ẩn mà Chúa Giê-su mang đến cho tất cả mọi người. Chính Chúa Kitô là gương mẫu cho mọi cách cầu nguyện chiêm niệm: giữa lúc đang hoạt động trong sứ vụ công khai, Người luôn dành thời gian cho việc cầu nguyện, điều diễn tả sự hiệp thông yêu thương của Người với Chúa Cha.
ĐTC Phanxicô cầu nguyện rằng qua việc cầu nguyện, chúng ta được kiên trì kết hiệp với Chúa trên con đường tình yêu, nơi chiêm niệm và bác ái hòa làm một. Vì, như Thánh Gioan Thánh Giá, bậc thầy vĩ đại về cầu nguyện chiêm niệm của Giáo hội dạy chúng ta: một hành động yêu thương thuần túy hữu ích cho Giáo hội hơn tất cả những việc làm khác gộp lại.
Bản chất chiêm niệm của con người
Mở đầu bài giáo lý ĐTC Phanxicô nhận định: “Chiều kích chiêm niệm của con người – chưa phải là lời cầu nguyện chiêm niệm – hơi giống như “muối” của cuộc sống: nó mang lại hương vị, nó ướp nồng ngày sống của chúng ta. Chúng ta có thể chiêm niệm bằng cách ngắm nhìn mặt trời mọc vào buổi sáng, hoặc nhìn những hàng cây vươn mình trong sắc xanh của mùa xuân; chúng ta có thể chiêm niệm bằng cách nghe nhạc hoặc nghe tiếng chim, đọc sách, ngắm nhìn một tác phẩm nghệ thuật hoặc nhìn vào kiệt tác đó là khuôn mặt con người…”
Nhắc lại lá thư mục vụ đầu tiên của Đức Hồng y Carlo Maria Martini trong sứ vụ giám mục giáo phận Milan, có tựa đề “Chiều kích chiêm niệm của cuộc sống”, Đức Thánh Cha nhận xét: “Trong thực tế, những người sống trong một thành phố rộng lớn, nơi mà mọi thứ – chúng ta có thể nói – là nhân tạo và nơi mọi thứ đều hoạt động, có nguy cơ mất khả năng chiêm niệm. Trước hết, chiêm niệm không phải là một cách làm, mà là một cách hiện hữu.
Chiêm niệm, đức tin và tình yêu
ĐTC Phanxicô nói thêm rằng chiều kích chiêm niệm trong bản chất của chúng ta đòi chúng ta đi vào trong đức tin và tình yêu trước khi trở thành người cầu nguyện. Ngài nói: “Để là những người chiêm niệm, điều này không phụ thuộc vào đôi mắt, mà phụ thuộc vào trái tim. Và ở đây, người cầu nguyện cầu nguyện như một hành động của đức tin và tình yêu, như là ‘hơi thở’ của mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Cầu nguyện thanh lọc trái tim và nó cũng giúp chúng ta có cái nhìn chính xác, giúp nắm bắt thực tế từ một quan điểm khác.”
Trích dẫn lời của vị thánh Gioan Vianê, Cha sở xứ Ars, mô tả sự biến đổi của trái tim do tác động của cầu nguyện, ĐTC Phanxicô nói: “Chiêm niệm là lấy đức tin mà chiêm ngắm Đức Giêsu.” Và trưng dẫn sách Giáo lý Công giáo: “Một người dân quê làng Ars đã từng nói với thánh Gio-an Vianê, cha sở của mình, về những lúc cầu nguyện trước Nhà Tạm. […] Ánh sáng tôn nhan Người soi sáng con mắt linh hồn, dạy cho ta biết nhìn tất cả trong ánh sáng của chân lý và lòng thương xót Người dành cho mọi người” (GLCG, 2715), Đức Thánh Cha khẳng định: “Mọi thứ bắt nguồn từ điều này: từ một trái tim cảm thấy rằng nó được ngắm nhìn cách yêu thương. Khi đó thực tế được chiêm niệm bằng đôi mắt khác.”
Chiêm ngắm Chúa là đủ; không cần nhiều lời
Tiếp tục bài giáo lý, ĐTC Phanxicô trích dẫn lời thánh Gioan Vianê: “Tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi!”, và nhận định: “Sự chiêm niệm yêu thương, tiêu biểu của lời cầu nguyện thẳm sâu nhất, không cần nhiều lời. Chỉ cần một ánh nhìn là đủ . Nó đủ để tin chắc rằng cuộc đời của chúng ta được bao bọc bởi một tình yêu bao la và thủy chung mà không gì có thể chia cắt chúng ta với tình yêu này.”
ĐTC Phanxicô nói thêm: “Chúa Giê-su là một bậc thầy về cái nhìn này. Cuộc sống của Người không bao giờ thiếu thời gian, không gian, sự tĩnh lặng, sự hiệp thông yêu thương, điều cho phép sự hiện hữu của một người không bị tàn phá bởi những thử thách không thể tránh khỏi, nhưng duy trì vẻ đẹp nguyên vẹn. Bí quyết của Chúa chính là mối quan hệ của Người với Cha trên trời.”
Sự kiện Chúa biến hình là một ví dụ ĐTC Phanxicô dùng để giải thích cuộc sống cầu nguyện của Chúa Giê-su. “Các sách Tin Mừng đặt sự kiện này vào thời điểm quan trọng trong sứ mệnh của Chúa Giê-su khi sự chống đối và chối từ đang gia tăng xung quanh Người. Ngay cả trong số các môn đệ của Người, nhiều người đã không hiểu Người và đã rời bỏ Người; một trong số Mười Hai nuôi dưỡng ý nghĩ phản bội. Chúa Giê-su bắt đầu công khai nói về sự đau khổ và cái chết đang chờ đợi Người ở Giêrusalem. Chính trong bối cảnh đó, Chúa Giê-su đã đi lên một ngọn núi cao cùng với Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan. Tin Mừng thánh Mác-cô kể: ‘Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy’ (9, 2-3). Ngay vào thời điểm người ta không hiểu Chúa Giê-su – họ đã bỏ Ngài mà đi, họ bỏ mặc Người vì họ không hiểu – trong thời điểm mà Người bị hiểu lầm, ngay khi mọi thứ dường như trở nên mờ mịt giữa cơn lốc của sự hiểu lầm, đó lại là nơi ánh sáng thần linh chiếu rọi. Đó là ánh sáng của tình yêu thương của Chúa Cha; nó lấp đầy trái tim Chúa Con và biến đổi toàn thể Con người của Người.”
Không có đối nghịch giữa chiêm niệm và hành động
ĐTC Phanxicô cảnh giác chống lại lối suy nghĩ tách biệt chiêm niệm và hành động. Ngài nói: “Một số bậc thầy tu đức ngày xưa hiểu việc chiêm niệm trái ngược với hành động, và đề cao những ơn gọi chạy trốn khỏi thế gian và các vấn đề của nó để dâng mình hoàn toàn cho việc cầu nguyện. Trong thực tế, Chúa Giêsu Kitô, trong con người của Người và Tin Mừng, không có sự đối lập giữa chiêm niệm và hành động. Trong Tin Mừng và trong Chúa Giêsu không có gì mâu thuẫn. Sự đối lập này có thể xuất phát từ ảnh hưởng của trường phái triết học tân Platon, nhưng chắc chắn nó chứa đựng một thuyết nhị nguyên, điều không thuộc về sứ điệp Kitô giáo.”
Tiếng gọi duy nhất trong Tin Mừng: theo Chúa trên hành trình của tình yêu
Và ĐTC Phanxicôa khẳng định: “Chỉ có một tiếng gọi quan trọng, một lời kêu gọi quan trọng duy nhất trong Tin Mừng, đó chính là đi theo Chúa Giêsu trên con đường tình yêu. Đây là đỉnh điểm và là trung tâm của mọi thứ. Theo nghĩa này, bác ái và chiêm niệm đồng nghĩa với nhau, chúng có cùng một ý nghĩa.
Những phép lạ vĩ đại Ki-tô hữu có thể thực hiện
ĐTC Phanxicô kết thúc bài giáo lý bằng việc nhắc lại giáo huấn của Thánh Gioan Thánh giá, một trong những nhà thần bí nổi tiếng nhất và bậc thầy về cầu nguyện chiêm niệm: “Một hành động nhỏ của tình yêu trong sáng sẽ hữu ích cho Giáo hội hơn tất cả những việc làm khác cộng lại. Điều phát xuất từ kinh nguyện chứ không phải từ sự giả định của bản ngã của chúng ta, điều được thanh tẩy bởi sự khiêm nhường, cho dù đó là một hành động yêu thương thầm kín và thầm lặng, là phép lạ vĩ đại nhất mà một Ki-tô hữu có thể thực hiện: Tôi nhìn Chúa và Người nhìn tôi.” Chính hành động yêu thương ấy trong cuộc đối thoại thầm lặng với Chúa Giêsu đã đem lại rất nhiều lợi ích cho Giáo hội.
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News