Ngày 3/2, Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Quyền Trẻ em tại Vatican và kêu gọi lắng nghe các em nhỏ để nói “không” với chiến tranh, bạo lực, bất công và văn hóa loại bỏ.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một bài phát biểu dài khai mạc Hội nghị với chủ đề “Yêu thương và Bảo vệ trẻ em” tại Hội trường Clementina trong nội thành Vatican. ĐTC Phanxicô nói về những trẻ em bị thế giới, với những điều xấu và bạo lực, làm tổn thương. Những con số phản ánh tình trạng của trẻ em ngày nay khiến chúng ta phải kinh hoàng, và chúng ta không thể không nhìn vào đôi mắt của những đứa trẻ yếu đuối, không thể không lắng nghe sự im lặng, tiếng khóc và tiếng kêu của các em.
Ngài nhấn mạnh: “Điều đau lòng là trong thời gian gần đây, hầu như ngày nào chúng ta cũng chứng kiến cảnh trẻ em chết dưới bom đạn, bị hiến tế cho những thần tượng quyền lực, ý thức hệ và lợi ích của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Thực tế, không gì có thể đổi lấy sự sống của một đứa trẻ. Giết hại trẻ em đồng nghĩa với việc chối bỏ tương lai”.
Thông điệp từ các em nhỏ
Ngay trước khi ĐTC Phanxicô bước vào hội trường, các em nhỏ đã tặng ngài nhiều bức tranh đầy màu sắc và một thông điệp nhân danh những trẻ em trên thế giới, bày tỏ lòng biết ơn vì ngài đã lắng nghe những câu hỏi của các em và vì niềm tin ngài đặt nơi trẻ em để thay đổi thế giới.
Mở đầu buổi gặp gỡ là lời của cha Enzo Fortunato, Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Ngày Thế giới Trẻ em: “Tất cả chúng con đang ở đây cùng với Đức Thánh Cha để bảo vệ kho báu quý giá nhất của tình yêu, hy vọng và sự sống”. Tiếp theo, Phó Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng, ông Aldo Cagnoli, nhấn mạnh rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy biến động, đặc biệt là các cuộc chiến tranh khiến trẻ em trở thành nạn nhân. Đồng thời, ông kêu gọi hành động để mỗi trẻ em đều cảm thấy tự hào.
Tuổi thơ – vùng ngoại biên của sự sống
Trong bài phát biểu của mình, ĐTC Phanxicô hướng đến “những vùng ngoại biên khó khăn, nơi trẻ em thường là nạn nhân của sự yếu kém và những vấn đề mà chúng ta không thể xem nhẹ”. Những vùng ngoại biên này bị đánh dấu bởi “nghèo đói, chiến tranh, thiếu thốn giáo dục, bất công và bóc lột”. Đó không chỉ là những vùng ngoại biên bụi bặm của các khu ổ chuột hay những khu nhà ở tạm bợ, mà còn là những vùng ngoại biên của các quốc gia giàu có, nơi “thế giới không tránh khỏi những bất công”.
Giết hại trẻ em là chối bỏ tương lai
Đáng buồn và đáng lo ngại là cách những người trẻ nhìn về tương lai. Họ là “những dấu chỉ hy vọng trong xã hội” nhưng bị chao đảo bởi sự thiếu việc làm và cơ hội, điều này làm mờ đi những giấc mơ của họ. Nhưng “giết hại trẻ nhỏ cũng đồng nghĩa với việc chối bỏ tương lai”. Và cũng có nhiều trẻ em bị ảnh hưởng bởi ma túy và bị các băng đảng tội phạm kiểm soát. ĐTC Phanxicô cảnh báo về chủ nghĩa cá nhân cực đoan ở các nước phát triển, đó là chất độc đối với trẻ nhỏ. Ngài nói thêm: “Đôi khi, các em bị ngược đãi hoặc thậm chí bị giết hại bởi chính những người phải bảo vệ và nuôi dưỡng các em; các em là nạn nhân của những cuộc cãi vã, của sự bất ổn xã hội hoặc tâm lý, và của sự lệ thuộc của cha mẹ”.
Tuổi thơ bị chối bỏ là tiếng kêu thầm lặng
ĐTC Phanxicô cũng nhắc đến những trẻ em chết trên biển, trong sa mạc, trên những chuyến đi đầy nguy hiểm, “trên những con đường hy vọng bị tuyệt vọng”. Một số chết vì thiếu sự chăm sóc hoặc do nhiều hình thức bóc lột khác nhau. Những bất công này, theo các tổ chức quốc tế, là một phần của “cuộc khủng hoảng đạo đức toàn cầu”.
Những con số bi kịch
ĐTC Phanxicô đưa ra những con số phản ánh bi kịch của tuổi thơ bị chối bỏ: 40 triệu trẻ em phải di tản vì xung đột, khoảng 100 triệu trẻ không có nhà ở cố định, 170 triệu trẻ em “là nạn nhân của lao động cưỡng bức, nạn buôn người, lạm dụng và bóc lột dưới mọi hình thức, kể cả hôn nhân cưỡng ép”. Hiện tượng trẻ em không có người thân đi cùng ngày càng gia tăng.
Những đứa trẻ “vô hình”
Một bất công nghiêm trọng khác là khoảng 150 triệu trẻ em “vô hình” không có sự tồn tại hợp pháp cũng như không có cơ hội tiếp cận giáo dục hoặc chăm sóc y tế, khiến các em trở nên dễ bị tổn thương hơn và có thể rơi vào nạn buôn người, bị bán làm nô lệ.
ĐTC Phanxicô mời gọi “nhớ đến những trẻ em Rohingya, thường gặp khó khăn trong việc đăng ký khai sinh, những trẻ em không có giấy tờ ở biên giới Hoa Kỳ, những nạn nhân đầu tiên của cuộc di cư tuyệt vọng và hy vọng của hàng ngàn người từ miền Nam lên Hoa Kỳ, và nhiều trẻ em khác”.
Bài học từ lịch sử
ĐTC Phanxicô nhắc đến câu chuyện của ông bà của ngài về Thế chiến thứ nhất. Khi về già, những ký ức từ khi còn bé vẫn in sâu trong họ về “bóng tối, mùi hôi thối, cái lạnh, đói khát, bẩn thỉu, nỗi sợ hãi, cuộc sống lang thang, mất cha mẹ, mất nhà cửa, bị bỏ rơi và mọi hình thức bạo lực”. Và “đáng buồn thay, lịch sử áp bức trẻ em vẫn tiếp diễn”.
Những ánh mắt và sự im lặng biết nói
ĐTC Phanxicô kết luận: Chúng ta cũng cần lắng nghe những người không có tiếng nói, như những đứa trẻ bị kết liễu bởi phá thai, “một hành động giết người cắt đứt nguồn hy vọng của toàn xã hội”. “Chúng ta phải nhận ra rằng trẻ nhỏ nhìn, hiểu và nhớ. Với ánh mắt và sự im lặng của mình, các em đang nói với chúng ta. Hãy lắng nghe các em!”
Nguồn: Đài Vatican News