ĐTC Phanxicô tiếp các tham dự viên hội nghị “Phụ nữ trong Giáo hội: Những nghệ nhân của nhân loại”

08/03/2024

Trong buổi tiếp các tham dự viên của hội nghị quốc tế “Phụ nữ trong Giáo hội: Những nghệ nhân của nhân loại”, sáng thứ Năm ngày 07/3, ĐTC Phanxicô khuyến khích các trung tâm giáo dục làm cho các vị thánh được biết đến nhiều hơn, đặc biệt là các thánh nữ. Vì bằng cách này, giáo dục sẽ ngày càng có khả năng chạm đến sự toàn vẹn và độc đáo của mỗi người.

Hội nghị quốc tế do Đại học Thánh Tâm ở Roma tổ chức trong hai ngày 07 và 08/3, tập trung vào chứng tá thánh thiện của 10 phụ nữ, trong đó có Thánh Josephine Bakhita, người Sudan, bị bán làm nô lệ và bị ngược đãi, trở thành thánh bảo trợ châu Phi, Mẹ Têrêsa thánh Calcutta.

ĐTC Phanxicô bắt đầu bài nói chuyện bằng việc nhắc đến tên 10 phụ nữ thánh thiện và nhấn mạnh rằng ở những thời điểm và văn hoá khác nhau, tất cả những phụ nữ này, mỗi người theo cách riêng của mình đã làm chứng qua các sáng kiến bác ái, giáo dục và cầu nguyện và cách “nữ thiên tài” có thể phản ánh cách độc đáo sự thánh thiện của Thiên Chúa giữa thế giới.

Đề cập đến chủ đề của cuộc gặp gỡ “Những nghệ nhân của nhân loại”, ĐTC Phanxicô nói cách diễn đạt này càng làm nổi bật hơn bản chất ơn gọi của phụ nữ là “nghệ nhân” cộng tác với Đấng Tạo Hoá để phục vụ cuộc sống, công ích và hoà bình. Ở điểm này Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến hai khía cạnh của sứ vụ này, liên quan đến phong cách và đào tạo.

Về phong cách, ĐTC Phanxicô nói: “Thời đại của chúng ta đang bị xé toạc bởi hận thù, trong đó gia đình nhân loại của chúng ta vốn cần cảm nhận được sức mạnh của tình yêu, nhưng lại thường xuyên bị tổn thương bởi bạo lực, chiến tranh và những hệ tư tưởng bóp nghẹt những cảm xúc cao quý nhất của trái tim con người. Chính trong bối cảnh này, hơn bao giờ hết sự đóng góp của phụ nữ là cần thiết. Vì phụ nữ biết cách gắn kết mọi người lại với nhau bằng sự dịu dàng”.

Khía cạnh thứ hai: đào tạo. ĐTC Phanxicô nhận xét hội nghị được tổ chức với sự hợp tác của nhiều tổ chức hàn lâm Công giáo. Trong bối cảnh chăm sóc mục vụ trong các cộng đồng đại học, ngoài việc nghiên cứu hàn lâm về giáo lý và giáo huấn xã hội của Giáo hội, mọi nỗ lực nhằm cung cấp cho sinh viên những chứng từ về sự thánh thiện, đặc biệt về sự thánh thiện của phụ nữ, có thể khuyến khích họ hướng tới mục tiêu cao hơn, mở rộng tầm nhìn ước mơ, cách suy nghĩ của họ và hướng tới việc theo đuổi những lý tưởng cao đẹp. Do đó, sự thánh thiện có thể trở thành một con đường giáo dục liên ngành trong việc theo đuổi kiến thức nhiều hơn.

Vì thế, ĐTC Phanxicô hy vọng môi trường giáo dục của các trường Đại học, ngoài việc là nơi học tập, nghiên cứu, nơi “thông tin”, còn sẽ là nơi “đào tạo”, nơi tâm trí và trái tim được mở ra trước những thúc giục của Thánh Thần. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là làm cho các vị thánh được biết đến nhiều hơn, đặc biệt là các thánh nữ, trong tất cả chiều sâu và thực tế nhân tính của các vị. Bằng cách này, giáo dục sẽ ngày càng có khả năng chạm đến sự toàn vẹn và độc đáo của mỗi người.

ĐTC Phanxicô nói thêm về giáo dục: “Trong một thế giới mà phụ nữ vẫn còn phải chịu đau khổ rất nhiều vì bạo lực, bất bình đẳng, bất công và ngược đãi – và điều này là cớ vấp phạm và còn hơn thế đối với những ai tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa ‘do người nữ sinh ra’ (Gal 4, 4) – một hình thức phân biệt đối xử nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến giáo dục phụ nữ. Thực tế, điều này đáng lo ngại trong nhiều bối cảnh, tuy nhiên con đường dẫn tới những xã hội tốt đẹp hơn phải thông qua giáo dục cho trẻ nữ và phụ nữ trẻ, điều này mang lại lợi ích cho sự phát triển tổng thể của con người. Chúng ta hãy cầu nguyện và dấn thân thực hiện điều này!”

Nguồn: Đài Vatican News