Trong sứ điệp gửi đến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhân Hội nghị Thượng đỉnh về Trí tuệ Nhân tạo (AI) đang diễn ra tại Paris, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ mong muốn về việc tạo ra một nền tảng mà những công nghệ mới này có thể trở thành công cụ để chống lại nghèo đói, bảo vệ các nền văn hóa và phát triển bền vững.
“Đừng quên rằng chỉ có trái tim con người mới có thể khai mở ý nghĩa sự hiện hữu của chúng ta”, ĐTC Phanxicô trích dẫn Blaise Pascal trong sứ điệp gởi đến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhân Hội nghị Thượng đỉnh Hành động về Trí tuệ Nhân tạo, kết thúc vào ngày 11 tháng 2 tại Paris. Sứ điệp được Đức Tổng Giám mục Celestino Migliore, Sứ thần Tòa Thánh tại Pháp đọc. ĐTC Phanxicô nhấn mạnh: trái tim không bao giờ lừa dối, “trong khi các thuật toán có thể được sử dụng để thao túng và đánh lừa”.
Nghiên cứu tác động của AI đối với các mối quan hệ, thông tin và giáo dục
Trong sứ điệp, ĐTC Phanxicô nhắc lại văn kiện gần đây “Antiqua et Nova. Văn kiện về mối quan hệ giữa trí tuệ nhân tạo và trí tuệ con người” và bày tỏ hy vọng rằng các hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn những tác động xã hội của trí tuệ nhân tạo đối với các mối quan hệ con người, thông tin và giáo dục. Một lần nữa, Ngài bày tỏ tầm nhìn toàn diện về sự phát triển mà ngài đã đúc kết trong giáo huấn của mình, và điều mà vị tiền nhiệm của ngài, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cũng đã đề cập trong Thông điệp Redemptor Hominis:
“Vấn đề cơ bản vẫn và sẽ luôn là nhân học, nghĩa là: ‘liệu con người, với tư cách là con người’, trong bối cảnh tiến bộ công nghệ, có trở nên ‘thực sự tốt đẹp hơn, nghĩa là trưởng thành hơn về tinh thần, ý thức hơn về phẩm giá nhân loại của mình, có trách nhiệm hơn, cởi mở hơn với người khác, đặc biệt là với những người nghèo khổ và yếu đuối nhất.’ Thách thức cuối cùng của chúng ta là con người và sẽ luôn là con người; đừng bao giờ quên điều đó”.
Tạo ra một nền tảng chung cho cả những người ‘không có tiếng nói’
ĐTC Phanxicô quan tâm đến việc không bỏ quên tiếng nói của người nghèo, những người không được lắng nghe, những người thường không được tham gia vào các quyết định. Hơn nữa, ngài đánh giá cao việc hội nghị thượng đỉnh tại Paris lần này đã cố gắng thu hút nhiều nhân vật và chuyên gia tham gia “vào một cuộc suy tư nhằm mang lại những kết quả cụ thể”. Và từ đó, ngài bày tỏ hy vọng dựa trên những gì ngài đã nói trong Sứ điệp Nhân Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024:
“Tôi hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh tại Paris sẽ nỗ lực để tạo ra một nền tảng công cộng về trí tuệ nhân tạo; và để mỗi quốc gia, một mặt, có thể tìm thấy trong trí tuệ nhân tạo một công cụ phát triển và chống lại nghèo đói, và mặt khác, bảo vệ các nền văn hóa và ngôn ngữ địa phương. Chỉ như thế, tất cả các dân tộc trên trái đất mới có thể đóng góp vào việc tạo ra dữ liệu, sẽ được sử dụng bởi trí tuệ nhân tạo, đại diện cho sự đa dạng và phong phú thực sự vốn là đặc điểm của toàn thể nhân loại”.
Đổi mới phục vụ lợi ích chung
Như ngài đã khẳng định tại Hội nghị G7 ở Puglia, ĐTC Phanxicô tin rằng, nếu thiếu sự kiểm soát thích hợp, trí tuệ nhân tạo, “dù là một công cụ ‘hấp dẫn’ mới, có thể bộc lộ khía cạnh ‘đáng sợ’ nhất của nó, trở thành mối đe dọa đối với phẩm giá con người”. Ngài nhấn mạnh rằng chính trị “lành mạnh” là chính trị đặt các đổi mới công nghệ trong một dự án lớn hơn nhằm tìm kiếm lợi ích chung, như Ngài đã nhiều lần nhắc lại trong Thông điệp Laudato Si’:
“Tôi tin chắc rằng trí tuệ nhân tạo có thể trở thành một công cụ mạnh mẽ cho các nhà khoa học và chuyên gia, những người cùng nhau tìm kiếm các giải pháp đổi mới và sáng tạo vì sự bền vững sinh thái của hành tinh chúng ta. Đừng quên rằng việc tiêu thụ năng lượng liên quan đến hoạt động của cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo tự nó đã rất cao”.
Nguồn: Đài Vatican News