Kinh Truyền Tin 28/02: lên núi nhưng không quên thực tại

28/02/2021

Trưa Chúa Nhật 28/2, từ cửa sổ Dinh Tông Toà, Đức Thánh Cha đã cùng đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, ĐTC có một bài huấn dụ ngắn dựa trên bài Tin Mừng của Chúa Nhật II Mùa Chay. Ngài nói rằng: lên núi nhưng quên thực tại, cầu nguyện không trốn tránh những khó khăn của cuộc sống.

Bài huấn dụ trước khi đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúa nhật thứ Hai Mùa Chay này mời gọi chúng ta chiêm ngắm việc Chúa Giêsu biến hình trên núi, trước ba môn đệ (x. Mc 9,2-10). Trước đó không lâu, Chúa Giê-su đã loan báo rằng, tại Giê-ru-sa-lem, Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ, bị từ chối và bị giết chết. Chúng ta có thể hình dung những gì diễn ra trong lòng những người bạn thân, những môn đệ của Người: hình ảnh về một Mê-si-a mạnh mẽ và kiên cường bị rơi vào khủng hoảng, ước mơ của họ tan tành, và nỗi thống khổ hành hạ họ với suy nghĩ rằng vị Thầy mà họ tin sẽ bị giết như một kẻ xấu xa nhất. Chính lúc đó, với nỗi thống khổ trong lòng này, Chúa Giê-su gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan và dẫn họ lên núi.

Tin Mừng cho biết: “Người đã dẫn họ lên núi” (c. 2). Trong Kinh Thánh, núi luôn là nơi có ý nghĩa đặc biệt: ở trên cao, nơi giao nhau giữa trời và đất, nơi Mô-sê và các tiên tri đã có kinh nghiệm lạ thường về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Lên núi thì gần với Thiên Chúa hơn một chút. Chúa Giê-su cùng ba môn đệ đi lên và dừng lại ở đỉnh núi. Tại đây, Người biến hình trước mặt họ. Khuôn mặt rạng ngời và y phục sáng chói của Người, báo trước về hình ảnh Đấng Phục sinh, mang lại cho những người sợ hãi ấy ánh sáng, ánh sáng của hy vọng, để vượt qua bóng tối: cái chết sẽ không phải là chấm hết của mọi sự, vì nó sẽ mở ra vinh quang Phục sinh. Do đó, khi Chúa Giêsu loan báo cái chết của Người, Người đem họ lên núi để cho thấy điều gì sẽ xảy ra sau đó, sự Phục Sinh.

Như tông đồ Phêrô đã nói (x. câu 5), ở lại với Chúa trên núi thì thật tuyệt, để “nếm trước” ánh sáng giữa Mùa Chay. Đây là một lời mời để nhắc nhở chúng ta, đặc biệt khi chúng ta đang trải qua một thử thách khó khăn, rằng Chúa đã Phục sinh và không cho phép bóng tối có lời cuối.

Đôi khi phải trải qua những khoảnh khắc tăm tối trong đời sống cá nhân, gia đình hoặc xã hội, và sợ rằng không có lối thoát, chúng ta cảm thấy khiếp sợ khi đối mặt với những bí ẩn lớn như bệnh tật, nỗi đau của người vô tội hoặc mầu nhiệm của cái chết. Trong cùng hành trình đức tin, chúng ta thường vấp ngã khi gặp phải thử thách của thập giá và những đòi hỏi của Tin Mừng, vốn đòi chúng ta dành cả sự sống để phục vụ và dám mất nó trong tình yêu, thay vì giữ chặt cho riêng mình và bảo vệ nó. Vì vậy, chúng ta cần một cái nhìn khác, một ánh sáng soi rọi vào mầu nhiệm của cuộc sống và giúp chúng ta vượt ra khỏi những kế hoạch và tiêu chuẩn của chúng ta về thế giới này. Chúng ta cũng được mời gọi đi lên núi, chiêm ngắm vẻ đẹp của Đấng Phục sinh, Đấng thắp lên ánh sáng trong mọi mảnh mỡ của cuộc sống chúng ta và giúp chúng ta giải thích lịch sử khởi đi từ chiến thắng Phục sinh của Người.

Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn thận để cảm giác của Phêrô “chúng ta ở đây thật là hay” không trở thành một sự lười biếng thiêng liêng. Chúng ta không thể ở lại trên núi và một mình tận hưởng niềm hạnh phúc của cuộc gặp gỡ này. Chính Chúa Giêsu đưa chúng ta xuống núi, trở lại giữa anh em chúng ta và trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta phải đề phòng sự lười biếng thiêng liêng: chúng ta tốt rồi với việc cầu nguyện và phụng vụ, và điều này đủ đối với chúng ta. Không! Lên núi không phải quên thực tại; cầu nguyện không bao giờ là trốn tránh những khó khăn của cuộc sống; ánh sáng đức tin không phục vụ cho một cảm xúc thiêng liêng đẹp. Không, đây không phải là sứ điệp của Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi có được kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô bởi vì, được chiếu soi bởi ánh sáng của Người, chúng ta có thể mang nó đi và làm cho nó tỏa sáng khắp mọi nơi. Thắp lên những ánh sáng nhỏ trong lòng người; trở thành những ngọn đèn nhỏ của Tin Mừng để mang lại một chút tình yêu và hy vọng: đây là sứ mạng của người Kitô hữu.

Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta, với sự ngạc nhiên, đón nhận, bảo vệ và chia sẻ ánh sáng của Chúa Kitô.

Văn Yên, SJ

Nguồn: Đài Vatican