Lễ Tiệc Ly: Người yêu họ đến cùng

02/04/2021

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, lúc 6 giờ theo giờ Roma, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng y đoàn, đã chủ sự Thánh Lễ Tiệc Ly tại bàn thờ Ngai tòa trong đền thờ thánh Phê-rô. Theo phụng vụ thông thường, sau bài giảng là nghi thức rửa chân, tuy nhiên năm nay do đại dịch, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã đưa ra chỉ dẫn không có nghi thức rửa chân, xét vì đây là một thực hành mang tính tùy chọn.

Đức Hồng Y Re bắt đầu bài giảng với câu trích từ Tin Mừng Gioan:

Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng (Ga 13,1).

Ngài nói rằng:

Thánh Lễ hôm nay, với một cường độ khác thường về cảm xúc và suy nghĩ, làm chúng ta sống lại buổi tối khi Chúa Kitô, với các Tông đồ chung quanh Bàn Tiệc Ly, đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức tư tế, và trao cho chúng ta lệnh truyền hãy yêu thương nhau.

Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh

“Người yêu họ đến cùng”, lời khẳng định này đã được thực hiện cho đến cái chết trên thập giá vào ngày hôm sau, Thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng nó cũng có nghĩa là một tình yêu đến tột độ, nghĩa là, khả năng yêu ở mức độ cao nhất và không thể vượt qua.

Do đó, tối Thứ Năm Tuần Thánh nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta đã được yêu đến nhường nào; Con Thiên Chúa không phải đã ban cho chúng ta một điều gì đó, nhưng đã ban chính mình cho chúng ta – Mình và Máu Ngài – nghĩa là toàn bộ con người của Ngài, và để cứu chuộc chúng ta, Ngài đã chấp nhận cái chết ô nhục nhất bằng cách tự hiến mình: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.” (Ga 10,18).

Sự hiện hữu của Bí tích Thánh Thể chỉ được giải thích vì Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta và muốn ở gần mỗi người chúng ta mãi mãi, cho đến tận thế. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban món quà tuyệt vời như vậy, và chỉ có quyền năng và tình yêu thương vô hạn mới có thể thực hiện điều đó.

Giáo hội luôn coi Bí tích Thánh Thể là món quà quý giá nhất. Đó là món quà mà qua đó Chúa Kitô đồng hành với chúng ta như ánh sáng, sức mạnh, sự dưỡng nuôi và nâng đỡ trong mọi ngày của lịch sử chúng ta.

Nói về Bí tích Thánh Thể, Công đồng Vaticanô II khẳng định rằng đó là “tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội.” (Sacrosanctum Concilium, 10); là “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo” (Lumen Gentium, 11).

Sử dụng các thuật ngữ “nguồn mạch và tột đỉnh”, “nguồn mạch và chóp đỉnh”, Công đồng muốn nói rằng, trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội, mọi sự đều bắt nguồn từ Thánh Thể và mọi sự đều quy hướng về Thánh Thể.

Bí tích Thánh Thể là trung tâm và trái tim của đời sống Giáo hội. Và Bí tích Thánh Thể cũng phải là trung tâm và là trọng tâm đời sống của mỗi Kitô hữu. Ai tin vào Bí tích Thánh Thể sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn trong cuộc sống. Họ biết rằng nơi sự thinh lặng của tất cả các nhà thờ, có một Đấng biết tên và lịch sử riêng của họ. Đến trước nhà tạm, mỗi người có thể tín thác về những gì mình có trong lòng và nhận được sự nâng đỡ, sức mạnh và bình an.

Bí tích Thánh Thể là một thực tại không chỉ để tin mà còn để sống. Tình yêu của Chúa Kitô dành cho chúng ta dẫn chúng ta đến chỗ, đến lượt chúng ta, làm chứng cho tình yêu thương nhau. Thánh Thể là lời mời gọi mở lòng ra với tha nhân.

Món quà chức tư tế Công giáo

Mầu nhiệm thứ hai mà chúng ta nhớ đến trong buổi tối hôm nay là việc thiết lập chức tư tế Công giáo. Chúa Kitô, tư tế đích thực, đã nói với các Tông đồ: “Các con hãy làm việc này – tức là bí tích Thánh Thể – để tưởng nhớ đến Thầy”. Và ba ngày sau, vào chiều Chúa nhật Phục sinh, Ngài cũng nói với các Tông đồ: “Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha” (Ga 20,23). Bằng cách này, Đức Kitô đã ban năng quyền tư tế cho các Tông đồ, để Bí tích Thánh Thể và Bí tích Tha thứ có thể tiếp tục được canh tân trong Giáo hội; Ngài đã cho nhân loại một món quà có một không hai.

Vào các ngày Thứ Năm Tuần Thánh của những năm trước, sau Thánh lễ Tiệc Ly là truyền thống chầu Thánh Thể suốt đêm với nhiều sáng kiến ​​khác nhau. Nhưng tình trạng khẩn cấp Covid-19 không cho phép làm điều này trong năm nay, cũng như năm ngoái. Tuy nhiên, khi trở về nhà của mình, chúng ta có thể tiếp tục cầu nguyện với lòng biết ơn Chúa Giêsu, Đấng mong muốn hiện diện giữa chúng ta với tư cách là người đương thời của chúng ta dưới hình bánh và rượu.

Lời kêu gọi sám hối

Đức Hồng Y đề cập đến điểm cuối cùng: về sự phản bội – sám hối

Buổi tối thể hiện tình yêu và tình bạn cao nhất dành chúng ta cũng là buổi tối của sự phản bội. Trong cùng một Bàn Tiệc Ly, tình yêu của Thiên Chúa và sự phản bội của con người đối diện nhau. Thánh Phaolô nhấn mạnh điều này trong bài đọc thứ hai: “trong đêm bị nộp”.

Trong câu chuyện về tình yêu vô bờ của Chúa Kitô, cũng có sự bội bạc và phản bội của con người.

Do đó, Thứ Năm Tuần Thánh cũng là một lời mời gọi để ý thức về tội lỗi của mình; đó là một lời mời gọi sắp xếp lại một số trật tự cuộc sống của chúng ta, đồng thời ăn năn và đổi mới để nhận được ơn tha thứ từ Thiên Chúa.

Nơi Bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa đã đến gần chúng ta đến nỗi chúng ta không bao giờ cảm thấy bị bỏ rơi, bởi vì chúng ta luôn được Người tìm kiếm, yêu thương và mời gọi sám hối; và nhờ Bí tích Hòa giải, chúng ta đón nhận niềm vui được tha thứ và bắt đầu hành trình thiêng liêng với tấm lòng rộng mở hơn với Chúa và với tất cả anh chị em chúng ta.

Kết thúc Thánh Lễ, sau lời nguyện hiệp lễ, ĐHY Re xông hương Mình Thánh và kiệu Mình Thánh vào nhà nguyện nhỏ thánh Giuse bên cánh phải của đền thờ thánh Phêrô. Sau bài hát “Tantum ergo” và một chút thinh lặng thờ lạy Thánh Thể, mọi người ra về. Vì tình hình đại dịch Covid tại Ý đang tăng cao, mọi cử hành đều hạn chế, nên không có chầu Mình Thánh như mọi năm.

Văn Yên, SJ 

Nguồn: Đài Vatican News