Một hướng đi cơ bản nhân Ngày Đời Sống Thánh Hiến 2021

31/01/2021

Nhân Ngày Đời Sống Thánh Hiến lần thứ 25, Bộ các dòng tu nhắc nhở các tu sĩ nam nữ toàn thế giới đón nhận một hướng đi căn bản do Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị trong Thông điệp Fratelli tutti – Tất cả anh em.

Chiều thứ hai, 2/2/2021 lễ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, cũng là Ngày Đời Sống Thánh Hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô. Nhưng vì đại dịch, số tu sĩ được tham dự bị giới hạn rất nhiều, chỉ hơn kém 100 người như trong các Thánh lễ gần đây của Đức Thánh Cha.

 Thư của Bộ các dòng tu

 Trong bối cảnh đặc biệt đó, Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ các dòng tu, João Braz de Aviz người Brazil, và Đức Tổng Giám Mục Tổng thư ký José Rodriguez Carballo, dòng Phanxicô Tây Ban nha, đã gửi thư chung cho tất cả các tu sĩ nam nữ, những người thánh hiến, trong toàn Giáo Hội, trong đó hai vị nhận xét rằng “Buổi lễ Đức Thánh Cha cử hành năm nay, tuy không có những dấu hiệu và khuôn mặt vui tươi sáng lạn như trong những năm trước đây, nhưng vẫn luôn luôn biểu lộ lòng biết ơn phong phú của đời sống chứng ta”.

 Buồn vui từ các cộng đoàn dòng tu

 Hai vị nhắc đến “bao nhiêu tin tức từ các cộng đoàn dòng tu ở các nước về những ngỡ ngàng hoang mang, những vụ lây nhiễm, chết chóc, khó khăn về nhân sự và kinh tế, nhân số suy giảm… Nhưng có nhiều thư gửi về Bộ cũng nói về lòng trung thành được tôi luyện qua đau khổ, can đảm, chứng tá thanh thản tuy đau thương hoặc bất định trước tương lai, những chia sẻ mọi cơ cực và các vết thương, việc chăm sóc và gần gũi những người rốt cùng, lòng bác ái và phục vụ nhiều khi đến độ hy sinh tính mạng”.

 Đề cao tầm quan trọng của Thông điệp Fratelli tutti

 Đặc biệt điểm chính trong thư của hai vị lãnh đạo Bộ các dòng tu mời gọi tất cả những người nam nữ thánh hiến hãy đặt Thông điệp Fratelli tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô, – công bố hồi đầu tháng 10 năm ngoái, – nơi trung tâm đời sống, việc đào tạo và sứ vụ, hãy trở nên những người Samaritano nhân lành ngày nay, vượt thắng cám dỗ co cụm vào mình, hoặc nhắm mắt trước đau thương, khổ đau, nghèo đói của bao nhiêu cá nhân và các dân tộc. Hai vị nhận định rằng Trong thông điệp Fratelli tutti, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy làm nảy sinh nơi tất cả mọi người “một khát vọng hoàn cầu về tình huynh đệ” (s.8), “cùng nhau mơ ước, để đứng trước những cách thức thời nay loại trừ hoặc không biết đến người khác, chúng ta có khả năng phản ứng bằng một giấc mơ mới về tình huynh đệ và tình bạn xã hội” (s.6). Cụ thể là chúng ta “Mở ra những tiến trình để đồng hành, biến đổi và khai sinh; đề ra những dự án để thăng tiến văn hóa gặp gỡ và đối thoại giữa các dân tộc và các thế hệ; khởi hành từ chính cộng đoàn ơn gọi để rồi đi tới mọi góc trời và mọi thụ tạo, vì không bao giờ như thời kỳ đại dịch hiện nay, chúng ta đã cảm nghiệm thấy tất cả đều có liên hệ với nhau, tất cả có tương quan và liên kết với nhau”.

 Vài đoạn nổi bật trong Thông Điệp

 Đức Hồng Y Tổng trưởng và Đức Tổng Giám Mục Tổng thư ký có lý để mời gọi các tu sĩ đặt Thông điệp Fratelli tutti ở trung tâm đời sống thánh hiến. Chỉ cần đọc một số đoạn ở chương 2 của Thông Điệp, trong đó Đức Thánh Cha đề nghị quan sát người Samaria nhân lành trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, để thấy rõ ý hướng của ngài.

 Tránh cám dỗ co cụm

 Ví dụ trong đoạn số 62, Đức Thánh Cha cảnh giác trước cám dỗ mà các cộng đoàn Kitô tiên khởi đã gặp phải và các cộng đoàn tu trì ngày nay cũng có thể gặp phải. Đức Thánh Cha viết:

 “Đứng trước cám dỗ các cộng đoàn Kitô đầu tiên gặp phải là họp thành những nhóm khép kín và biệt lập, Thánh Phaolô đã nhắn nhủ các môn đệ hãy có lòng bác ái đối với nhau và với tất cả mọi người (1 Ts 3,12); và trong cộng đoàn của thánh Gioan, người ta tự hỏi có phải là điều tốt khi “đón nhận các anh em, dù họ là người ngoại quốc hay không” (3 Ga 5). Bối cảnh đó giúp hiểu giá trị của dụ ngôn người Samaria nhân lành: đối với tình yêu thương, điều quan trọng không phải là người bị thương có gốc gác từ đây hay từ đó. Vì đó là “tình thương phá vỡ những xiềng xích giúp chúng ta xây dựng một đại gia đình trong đó tất cả chúng ta có thể cảm thấy như ở trong gia đình […]. Tình yêu có hương vị cảm thương và phẩm giá” (Diễn văn dành cho những người được các tổ chức bác ái của Giáo Hội trợ giúp, Tallin, Estonia, 25/9/2018) (s.62).

 Dành thời giờ cho tha nhân

 “Trong dụ ngôn, khác với thầy tư tế, và thầy Lêvi và người khác vội vã đi qua, người Samaria nhân lành là “người dừng lại, bày tỏ sự gần gũi với người bị thương, tự tay chăm sóc, lấy tiền túi của mình để trả và lo cho người ấy. Nhất là người Samaria đã cho người bị thương một điều mà trong thế giới vội vã hiện nay chúng ta rất bủn xỉn: ông cho người ấy thời giờ của mình. Chắc chắn ông đã có chương trình dùng ngày hôm ấy theo nhu cầu của ông, theo các công tác hoặc ý muốn. Nhưng ông đã có khả năng bỏ tất cả sang một bên đứng trước người bị thương, và tuy không quen biết, ông đã coi người ấy đáng được nhận món quà thời giờ của ông” (s.63).

 Chọn lựa cơ bản trước thế giới đau khổ

 Dụ ngôn người Samaria nhân lành là một “hình ảnh rạng ngời, có khả năng làm nổi bật sự chọn lựa cơ bản chúng ta cần thực hiện để tái thiết thế giới này đang làm chúng ta cơ cực. Đứng trước bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu vết thương, lối thoát duy nhất là hành động như người Samaria nhân lành. Mọi chọn lựa khác đều là hoặc từ phía những tên cướp hoặc là từ những người đi qua mà không cảm thương trước đau khổ của người bị thương nằm bên vệ đường.. Dụ ngôn tỏ cho chúng ta thấy đâu là những sáng kiến ta có thể tái thiết một cộng đoàn từ những người nam nữ đảm nhận những yếu đuối của người khác như thể của mình, không phải để xây dựng một xã hội loại trừ, nhưng trở nên những người thân cận, và nâng dậy, phục hồi người bị ngã, để mưu ích chung. Đồng thời dụ ngôn cảnh giác chúng ta tránh một số thái độ của những người chỉ nhìn đến bản thân và không đón nhận những đòi hỏi không thể tránh được của thực tại con người” (s.67).

 “Sống dửng dưng trước đau khổ không phải là một chọn lựa của chúng ta. Chúng ta không thể để cho ai bị đẩy ngoài lề cuộc sống. Điều này phải làm cho chúng ta phẫn nộ, đến độ làm cho chúng ta rời bỏ sự thanh thản của mình để can dự vào đau khổ của con người. Đó chính là phẩm giá” (s.68).

 Tránh lỗi lầm quá khứ

 Ở cuối chương 2 trình bày người Samaria nhân lành như mẫu gương, Đức Thánh Cha Phanxicô tâm sự rằng:

 “Nhiều khi tôi đau buồn vì điều này: tuy có những động lực trên đây, Giáo Hội đã mất nhiều thời gian để mạnh mẽ lên án nạn nô lệ và những hình thức bạo lực khác. Ngày nay, với sự phát triển linh đạo và thần học, chúng ta không có lý do để chữa tội. Tuy nhiên, vẫn còn có những người cho rằng, do đức tin, mình được khuyến khích hoặc ít là được phép ủng hộ những hình thức quốc gia chủ nghĩa khép kín và bạo lực, những thái độ bài người nước ngoài, coi rẻ và thậm chí ngược đãi những người khác. Đức tin, với thuyết nhân bản soi sáng, phải duy trì sinh động cảm thức phê bình đứng trước những xu hướng ấy và giúp mau lẹ phản ứng khi chúng bắt đầu len lỏi vào đời sống Giáo Hội. Vì thế điều quan trọng là trong việc huấn giáo và giảng thuyết, phải trực tiếp nói rõ ràng về ý nghĩa xã hội của cuộc sống, chiều kích huynh đệ của linh đạo, xác tín về phẩm giá bất khả nhượng của mỗi ngừơi và những lý do để yêu mến và đón nhận mọi người” (s.86).

G. Trần Đức Anh OP

Nguồn: Đài Vatican News