Sebahattin Gök, người mà năm ngoái, nhờ vào mạng lưới đồng phạm, đã tổ chức một hoạt động lừa đảo phức tạp nhằm chiếm hữu bất hợp pháp đền thờ thánh An-tôn Padua, nhà thờ Công giáo lớn nhất Istanbul, để bán lại cho người trả giá cao nhất, đã bị bắt.
Các cuộc điều tra về vụ án đã xác nhận rằng “băng nhóm” của Gök và các cộng sự chuyên thực hiện lừa đảo bất động sản của các cộng đồng giáo hội và dòng tu, cũng như chủ sở hữu nước ngoài hoặc những người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số.
Với vụ bắt giữ Sebahattin Gök, đền thờ thánh An-tôn Padua, nằm ở khu trung tâm Istiklal Caddesi, một trong những đại lộ nổi tiếng nhất ở Istanbul, hiện nay không còn nguy cơ bị bán trên thị trường bất động sản như một tòa nhà tư nhân sang trọng.
Nguồn gốc đền thờ
Nhà thờ đầu tiên được cộng đồng người Ý xây dựng vào năm 1725 trên mảnh đất hiện là đền thờ thánh An-tôn. Đền thờ hiện tại được xây dựng lại theo phong cách tân Gothic của Venezia từ năm 1906 đến năm 1912 và hiện do dòng Phanxicô Viện tu coi sóc.
Theo phong tục thời đó, tài sản của nhà thờ thuộc sở hữu của các thành viên của Hoàng gia Ý. Vào tháng 1 năm 1971, những người thừa kế của hoàng gia từ bỏ quyền thừa kế, và trao lại cho nhà thờ thánh An-tôn, cộng đoàn Công giáo địa phương.
Thủ đoạn lừa đảo
Trong những năm gần đây, Sebahattin Gök đã đi đến Ý, Pháp và Hoa Kỳ, thu thập ủy quyền và chữ ký từ những người mà sau đó ông giới thiệu là những người thừa kế hợp pháp của những chủ nhân ban đầu của đền thờ. Qua những lá thư này và sau khi đã thu thập được những chứng thư thừa kế đáng nghi ngờ, ông Gök đã trình diện với cơ quan đăng ký đất đai để đòi quyền sở hữu đền thờ thay mặt cho chủ sở hữu hợp pháp của mình.
Năm ngoái, các tu sĩ dòng Phanxicô chịu trách nhiệm coi sóc đền thờ đã khiếu nại với tòa án Thổ Nhĩ Kỳ, và xin biện pháp bảo vệ nhằm bảo tồn nơi thờ tự và cơ sở liền kề. Trong quá trình điều tra, người ta phát hiện ra rằng cùng một mạng lưới đồng phạm có liên quan tới Gök đã thực hiện cách tương tự nhằm chiếm đoạt bất hợp pháp nhà thờ Galata của Bulgari và các nơi thờ tự và các tòa nhà được xây dựng trước đây bởi các cộng đồng Armenia, Pháp, và Ý và Do Thái ở địa phương.
Vụ việc liên quan tới Sebahattin Gök đặt ra câu hỏi gây tranh cãi về nhiều nhà thờ và tài sản của Giáo hội nằm rải rác trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và những tài sản của Giáo hội đã bị mất trong nhiều thế kỷ và cuối cùng đã trở thành tài sản của cá nhân hoặc đã trở thành di sản của Bộ Ngân khố Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican