Sứ điệp cho Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 54 (1-1-2021)

26/12/2020

Ngày 8/12/2020, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký Sứ điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 54 sẽ được cử hành vào ngày 1-1-2021. Sáng ngày 17/12/2020, Đức Hồng y Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ Phục vụ và Phát triển con người toàn diện, đã công bố sứ điệp này có tựa đề: “Văn hóa quan tâm, đường dẫn tới hòa bình”. Sau đây là bản dịch chính thức của Ban dịch thuật Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Sứ điệp của Đức thánh cha Phanxicô cho Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 54
1-1-2021

VĂN HOÁ QUAN TÂM, ĐƯỜNG DẪN TỚI HOÀ BÌNH

1. Trước thềm năm mới, tôi xin gửi lời chào trân trọng các vị Nguyên thủ quốc gia và Chính phủ, các nhà lãnh đạo các Tổ chức quốc tế, các vị lãnh đạo tinh thần, các tín hữu các tôn giáo khác nhau và các người thiện chí. Tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến mọi người, chúc cho năm tới nhân loại sẽ tiến triển trên con đường huynh đệ, công lý và hoà bình giữa các cá nhân, các cộng đồng, các dân tộc và các quốc gia.

Năm 2020 được đánh dấu bằng cuộc khủng hoảng lớn về sức khỏe Covid-19, cuộc khủng hoảng này đã trở thành một hiện tượng toàn cầu liên quan đến nhiều lĩnh vực, khi làm cho các cuộc khủng hoảng vốn đã gắn chặt với nhau càng thêm trầm trọng, đó là các cuộc khủng hoảng khí hậu, lương thực, kinh tế và di dân, gây ra nhiều gian nan và đau khổ. Trước hết tôi nghĩ đến những người đã mất người thân trong gia đình hay mất người yêu quý, và cả những người bị mất việc làm. Tôi đặc biệt nghĩ đến các bác sĩ, y tá, dược sĩ, các nhà nghiên cứu, tình nguyện viên, các tuyên úy và nhân viên các bệnh viện và trung tâm chăm sóc sức khỏe; họ đã và đang cống hiến hết mình không nề hà những mệt nhọc và hy sinh lớn lao đến độ có người hy sinh cả mạng sống với mong muốn ở bên cạnh các bệnh nhân, xoa dịu nỗi đau và cứu sống các bệnh nhân. Với lòng cảm phục những con người ấy, một lần nữa tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và các khu vực tư nhân hãy áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm bảo đảm quyền được tiêm chủng vắc xin Covid-19 và các kỹ thuật thiết yếu trong việc trợ giúp các bệnh nhân và tất cả những ai nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất.[1]

Thật đau lòng khi thấy rằng, bên cạnh nhiều chứng từ về tình bác ái và liên đới, nhiều hình thức khác nữa của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại, cũng như các cuộc chiến tranh và xung đột vốn chỉ gieo chết chóc và hủy diệt, nay lại có thêm lực đẩy.

Những sự kiện này và những sự kiện khác, vốn đánh dấu con đường của nhân loại trong năm qua, đã dạy chúng ta rằng điều quan trọng là phải quan tâm đến nhau và tạo thành để xây dựng một xã hội đặt nền tảng trên các mối tương quan huynh đệ. Đó là lý do tại sao tôi đã chọn chủ đề cho Sứ điệp này là “Văn hoá Quan tâm, đường dẫn tới hoà bình”, để loại bỏ thứ văn hoá dửng dưng, lãng phí và đối đầu đang thắng thế ngày nay.

2. Thiên Chúa Tạo Hoá, cội nguồn ơn gọi con người chăm sóc

Trong nhiều truyền thống tôn giáo, có những câu chuyện nói về nguồn gốc của con người, về mối tương quan của con người với Đấng Tạo Hoá, với thiên nhiên và với đồng loại. Trong Kinh thánh, ngay từ đầu Sách Sáng thế đã cho thấy tầm quan trọng của việc chăm sóc hoặc bảo vệ trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người, bằng cách nêu bật mối liên hệ giữa con người (‘adam) và đất đai (‘adamah), và giữa các anh chị em. Trong trình thuật về sáng tạo, Thiên Chúa giao khu vườn “trồng ở Êđen” (x. St 2,8) cho Ađam với trách nhiệm “canh tác và gìn giữ” (St 2,5). Điều này một mặt có nghĩa phải làm cho đất đai sinh hoa lợi, mặt khác là bảo vệ và giữ cho đất đai có khả năng nuôi sống con người.[2] Các động từ “canh tác” và “gìn giữ” mô tả mối liên hệ của Ađam với khu vườn cũng là nhà của ông, đồng thời cho thấy Thiên Chúa đã tin tưởng Ađam khi đặt ông làm chủ nhân và làm người bảo vệ toàn thể tạo thành.

Sự ra đời của Cain và Abel dẫn đến câu chuyện về hai anh em, mà mối tương quan được Cain mô tả – một cách tiêu cực – bằng từ bảo vệ hay canh giữ. Sau khi giết em trai mình là Abel, Cain trả lời Thiên Chúa rằng: “Tôi là người canh giữ em tôi hay sao?” (St 4,9).[3] Phải, đúng như thế! Cain là “người canh giữ” em mình. “Trong các câu chuyện cổ xưa đầy tính biểu tượng này cũng đã chứa đựng một niềm xác tín của ngày nay, đó là: mọi sự đều liên kết với nhau, và việc bảo vệ đích thực đời sống riêng của chúng ta cũng như các mối tương quan của chúng ta với thiên nhiên không thể tách rời khỏi tình huynh đệ, công lý và lòng trung tín với người khác”.[4]

3. Thiên Chúa Tạo Hoá, kiểu mẫu của sự quan tâm chăm sóc

Sách Thánh trình bày Thiên Chúa không chỉ là Đấng Tạo Hoá, mà còn là Đấng quan tâm chăm sóc các thụ tạo của Người, nhất là Ađam, Evà và con cái của họ. Mặc dù bị chúc dữ vì đã phạm tội, Cain vẫn được Đấng Tạo Hoá ban cho một dấu hiệu bảo vệ, để tính mạng được bảo vệ (x. St 4,15). Điều đó khẳng định phẩm giá bất khả xâm phạm của con người được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, đồng thời cũng biểu lộ kế hoạch của Thiên Chúa muốn gìn giữ sự hoà điệu của tạo thành, bởi vì “hoà bình và bạo lực không thể cùng tồn tại”.[5]

Việc quan tâm chăm sóc tạo thành chính là cơ sở của việc thiết lập ngày Sabát, nhằm mục đích, ngoài việc sắp xếp việc thờ phượng Thiên Chúa, còn là để tái lập trật tự xã hội và quan tâm đến người nghèo (x. St 1,1-3; Lv 25,4). Việc cử hành Năm Thánh vào năm sabát thứ bảy nhằm để cho đất đai, nô lệ và cho những người mắc nợ được nghỉ ngơi. Trong năm hồng ân đó, người ta quan tâm chăm sóc những người yếu kém nhất, khi đem đến cho họ một triển vọng mới trong cuộc sống, để không còn một người nghèo nào trong dân nữa (x. Đnl 15,4).

Cũng đáng chú ý là truyền thống ngôn sứ, theo đó đỉnh cao của sự hiểu biết trong Kinh thánh về công lý thể hiện trong cách một cộng đồng đối xử với những người yếu kém nhất trong cộng đồng. Vì thế, riêng hai ngôn sứ Amos (x. 2,6-8; 8) và Isaia (x. 58) đã không ngừng lớn tiếng đòi hỏi công lý cho người nghèo, là những người dễ bị tổn thương và không có quyền hành gì, nên được Thiên Chúa đoái nghe, chỉ mình Ngài là Đấng chăm sóc họ (x. Tv 34,7; 113,7-8).

4. Quan tâm trong sứ vụ của Chúa Giêsu

Cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu là hiện thân chóp đỉnh của mặc khải tình yêu của Chúa Cha dành cho nhân loại (x. Ga 3,16). Trong hội đường ở Nadarét, Chúa Giêsu cho thấy Người được Chúa thánh hiến và “sai đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo khó, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4,18). Những hành động thiên sai này, là những việc làm tiêu biểu của Năm Thánh, làm chứng mạnh mẽ rằng Chúa Cha đã sai Người. Trong lòng thương xót của Người, Chúa Kitô đã gần gũi cả về thể xác lẫn tinh thần với những người đau yếu và chữa lành cho họ. Người tha tội cho các tội nhân và ban cho họ sự sống mới. Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành chăm sóc đoàn chiên của Người (x. Ga 10,11-18; Ed 34,1-31). Người là người Samaria nhân hậu, cúi xuống cứu giúp người bị thương, băng bó các vết thương và chăm sóc người ấy (x. Lc 10,30-37).

Ở chóp đỉnh sứ mạng của Người, Chúa Giêsu ghi dấu mối quan tâm chăm sóc mà Người dành cho chúng ta với hành vi tự hiến trên thập giá để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Qua việc hiến tế mạng sống của Người, Chúa Giêsu đã mở ra cho chúng ta con đường tình yêu và nói với mỗi người chúng ta: “Hãy theo Ta. Hãy làm như vậy.” (x. Lc 10,37).

5. Văn hoá quan tâm trong đời sống của người môn đệ Chúa Giêsu

Vào thời Giáo hội sơ khai, các mối thương người về linh hồn và xác là trọng tâm của đức bác ái. Các Kitô hữu đầu tiên đã thực hành việc chia sẻ, để không ai trong số họ phải túng thiếu (x. Cv 4,34-35). Họ đã cố gắng làm cho cộng đoàn trở thành một ngôi nhà thân thiện, cởi mở với mọi hoàn cảnh của con người, sẵn sàng chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất. Vì thế họ có thói quen dâng tặng vật phẩm để nuôi người nghèo, chôn cất người chết, và nuôi trẻ mồ côi, người già và nạn nhân của các tai hoạ, chẳng hạn như nạn đắm tàu. Rồi sau đó khi lòng quảng đại của các Kitô hữu mất đi phần nào động lực, một số Giáo phụ đã nhấn mạnh rằng của cải được Thiên Chúa dự liệu cho lợi ích chung. Giáo phụ Ambrôsiô khẳng định rằng “thiên nhiên đã đem đến mọi thứ cho con người để sử dụng chung. […] Vì thế, thiên nhiên đã đặt ra một quyền chung cho tất cả mọi người, nhưng lòng tham đã biến nó thành quyền của một số ít người”.[6] Khi các cuộc đàn áp trong những thế kỷ đầu kết thúc, Giáo hội đã tận dụng quyền tự do để truyền cảm hứng cho xã hội và nền văn hoá của nó. “Những nhu cầu của thời đại đòi hỏi phải có những dấn thân mới trong việc phục vụ bác ái của Kitô giáo. Lịch sử đã ghi lại vô số mẫu gương về việc thực thi các mối thương người. Từ những nỗ lực ấy, nhiều tổ chức nhằm cứu giúp mọi nhu cầu của con người đã ra đời: bệnh viện, nhà ở cho người nghèo, trại mồ côi, nhà nuôi trẻ, nhà trọ cho khách vãng lai, v.v…”[7]

6. Các nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo hội là căn bản cho nền văn hoá quan tâm

Diakonia (tác vụ phục vụ) trong thời kỳ đầu của Giáo hội, được phong phú hoá nhờ suy tư của các Giáo phụ và sinh động hoá qua nhiều thế kỷ nhờ lòng bác ái tích cực của biết bao chứng nhân có đức tin ngời sáng, đã trở thành trái tim sống động của học thuyết xã hội của Giáo hội. Học thuyết này được trao cho tất cả những người có thiện chí như một di sản quý giá gồm các nguyên tắc, tiêu chí và chỉ dẫn để từ đó rút ra “ngữ pháp” của sự quan tâm: thăng tiến phẩm giá của mọi người, liên đới với người nghèo và người yếu thế, theo đuổi công ích và bảo vệ tạo thành.

Quan tâm để thăng tiến phẩm giá và quyền lợi của con người

“Chính quan niệm về con người, một quan niệm bắt nguồn và phát triển trong Kitô giáo, đã giúp cho việc đạt đến sự phát triển con người toàn diện. Bởi vì nói đến con người là luôn nói đến tương quan, chứ không phải chủ nghĩa cá nhân; là khẳng định việc bao gồm, chứ không loại trừ, là nói đến phẩm giá độc nhất và bất khả xâm phạm, chứ không phải khai thác”.[8] Mỗi nhân vị là một cứu cánh tự thân, chứ không bao giờ đơn thuần là một công cụ chỉ được đánh giá theo tính hữu dụng của nó. Con người được tạo dựng để sống với nhau trong gia đình, trong cộng đồng và trong xã hội, nơi mọi người đều bình đẳng về phẩm giá. Chính từ phẩm giá ấy mà phát sinh các quyền lợi cũng như bổn phận của con người, chẳng hạn như trách nhiệm đón tiếp và trợ giúp người nghèo, người bệnh tật, người bị loại trừ, và mỗi người “thân cận với chúng ta, dù ở gần hay xa về không gian và thời gian”.[9]

Quan tâm đến ngôi nhà chung

Mọi khía cạnh của đời sống xã hội, chính trị và kinh tế sẽ đạt được mục đích trọn vẹn khi phục vụ cho công ích, nghĩa là “toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội giúp cho các tập thể hay mỗi phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn”.[10] Do đó, các kế hoạch và nỗ lực của chúng ta phải luôn tính đến tác động của chúng đối với toàn thể gia đình nhân loại, bằng cách cân nhắc các hậu quả của chúng vào thời điểm hiện tại và đối với các thế hệ tương lai. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy điều đó đúng và mang tính thời sự ra sao, một đại dịch mà khi đối mặt với nó, “chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời tất cả chúng ta đều quan trọng và cần thiết, tất cả đều được kêu gọi cùng nhau chèo chống”[11] vì “không ai có thể được cứu độ một mình”[12] và không nhà nước nào ở trong tình trạng cô lập có thể bảo đảm thiện ích chung cho người dân của mình.[13]

Quan tâm nhờ tình liên đới

Tình liên đới thể hiện một cách cụ thể tình yêu thương đối với người khác, không phải như một tình cảm mơ hồ mà là một “quyết tâm vững chắc và kiên trì hoạt động vì công ích, nghĩa là vì hạnh phúc của mọi người và mỗi người vì tất cả chúng ta đều thực sự có trách nhiệm với mọi người”.[14] Tình liên đới giúp chúng ta nhìn những người khác – dù là những cá nhân hay, theo nghĩa rộng, là các dân tộc hay quốc gia – không chỉ là số liệu thống kê hay như một phương tiện để khai thác rồi loại bỏ khi không còn hữu ích nữa, mà như những người thân cận, như bạn đồng hành của chúng ta; cũng như chúng ta, họ được mời gọi tham dự bàn tiệc sự sống mà mọi người đều được Thiên Chúa mời gọi như nhau.

Chăm sóc và bảo vệ tạo thành

Thông điệp Laudato Si’ hoàn toàn thừa nhận rằng mọi thụ tạo đều được liên kết với nhau và đồng thời nhấn mạnh cần phải lắng nghe tiếng kêu than của người nghèo và của tạo thành. Thái độ không ngừng chăm chú lắng nghe ấy mới dẫn đến việc chăm sóc hữu hiệu cho trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, và cho những người nghèo. Về vấn đề này, tôi muốn nhắc lại rằng “tâm tình hiệp thông sâu sắc với muôn loài khác trong thiên nhiên không thể là một tâm tình chân thật nếu đồng thời tâm hồn chúng ta không có lòng yêu thương, từ tâm và quan tâm đến những người khác”.[15] “Hoà bình, công lý và bảo vệ tạo thành là ba vấn đề hoàn toàn liên quan đến nhau, không thể tách rời và trình bày riêng từng vấn đề, nếu không chúng ta sẽ lại rơi vào chủ nghĩa giản lược”.[16]

7. Chiếc la bàn chỉ một hướng đi chung

Ở một thời đại bị nền văn hoá đào thải thống trị, đối mặt với tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng bên trong các quốc gia lẫn giữa các quốc gia,[17] tôi muốn mời gọi các nhà lãnh đạo các tổ tổ chức quốc tế và các chính phủ, các nhà lãnh đạo trong lãnh vực kinh tế và khoa học, lãnh vực truyền thông xã hội và giáo dục, hãy nắm trong tay chiếc “la bàn” của các nguyên tắc được nhắc lại trên đây để đưa ra một hướng đi chung cho tiến trình toàn cầu hoá, “một hướng đi thực sự mang tính nhân văn”.[18] Thật vậy, điều này sẽ giúp chúng ta biết trân trọng giá trị và phẩm giá của mỗi người, cùng nhau hành động trong tình liên đới vì thiện ích chung, bằng cách nâng đỡ những ai lâm cảnh đói nghèo, bệnh tật, nô dịch, phân biệt đối xử và xung đột. Tôi khuyến khích mọi người dùng chiếc la bàn này để trở nên những ngôn sứ và chứng nhân cho nền văn hoá quan tâm nhằm khắc phục nhiều bất bình đẳng trong xã hội. Và điều này chỉ có thể thực hiện được khi có sự tham gia mạnh mẽ và rộng rãi của phụ nữ, trong gia đình và trong mọi môi trường xã hội, chính trị và các tổ chức.

Chiếc la bàn các nguyên tắc xã hội này, rất cần thiết để phát triển nền văn hoá quan tâm, cũng chỉ đường cả cho các mối liên hệ giữa các quốc gia vốn cần được gợi hứng bởi tình huynh đệ, thái độ tôn trọng lẫn nhau, tình liên đới và tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế. Về vấn đề này, cần phải khẳng định lại việc bảo vệ và thăng tiến các quyền cơ bản của con người, là các quyền bất khả nhượng, phổ biến và không thể phân chia.[19]

Cũng phải nhắc lại vấn đề tôn trọng luật nhân đạo, đặc biệt vào lúc này khi mà các cuộc xung đột và chiến tranh vẫn tiếp diễn không ngừng. Bất hạnh thay, nhiều vùng và cộng đồng không còn nhớ về thời mà họ được sống trong hoà bình và an ninh. Nhiều thành phố đã trở thành tâm điểm của sự bất an: cư dân ở đây phải chống chọi để duy trì nhịp điệu bình thường trước các cuộc tấn công bừa bãi bằng chất nổ, đại pháo và vũ khí hạng nhẹ. Trẻ em không thể đến trường. Đàn ông và đàn bà không thể làm việc để nuôi sống gia đình. Nạn đói đang lan đến những nơi mà trước đây nó chưa từng xuất hiện. Mọi người buộc phải chạy trốn, bỏ lại không những nhà cửa mà cả lịch sử gia đình và cội nguồn văn hoá nữa.

Những nguyên nhân xung đột thì có nhiều, nhưng hậu quả luôn giống nhau: sự hủy diệt và khủng hoảng nhân đạo. Chúng ta phải dừng lại và tự hỏi: điều gì đã khiến thế giới của chúng ta coi xung đột như một điều bình thường? Và, nhất là làm sao hoán cải tâm hồn chúng ta và thay đổi não trạng của chúng ta, để thực sự tìm kiếm hoà bình trong tình liên đới và huynh đệ?

Biết bao nguồn lực đã bị lãng phí vào vũ khí, nhất là vũ khí hạt nhân.[20] Các nguồn lực ấy lẽ ra có thể được sử dụng cho các ưu tiên có ý nghĩa hơn để bảo đảm an ninh cho mọi người, thăng tiến hoà bình và phát triển con người toàn diện, đấu tranh chống nghèo đói và cung cấp các nhu cầu về y tế. Một số vấn đề toàn cầu như đại dịch Covid-19 hiện nay và nạn biến đổi khí hậu cũng làm cho điều này thêm sáng tỏ. Sẽ là một quyết định dũng cảm khi “dùng số tiền chi cho vũ khí và các chi phí quân sự khác để thành lập ‘Quỹ thế giới’, nhằm xoá bỏ vĩnh viễn nạn đói và góp phần vào việc phát triển các nước nghèo nhất!”[21]

8. Để giáo dục nền văn hoá quan tâm

Việc phát huy văn hoá quan tâm đòi hỏi phải có tiến trình giáo dục. Vì vậy, chiếc “la bàn” các nguyên tắc xã hội là một công cụ đáng tin cậy cho các bối cảnh khác nhau nhưng phụ thuộc lẫn nhau. Tôi xin đưa ra vài ví dụ:

– Giáo dục sự quan tâm bắt đầu từ gia đình, là hạt nhân tự nhiên và căn bản của xã hội, nơi đó chúng ta học cách sống mối tương quan với người khác trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, gia đình cần có những điều kiện để thực hiện nhiệm vụ tối quan trọng và thiết yếu này.

– Hợp tác với gia đình trong việc giáo dục, có các tác nhân quan trọng khác là trường họcđại học , tương tự như thế ở một số khía cạnh, là truyền thông xã hội.[22] Các tác nhân này được kêu gọi truyền đạt một hệ thống giá trị dựa trên sự nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, mỗi cộng đồng ngôn ngữ, sắc tộc và tôn giáo, của mỗi dân tộc và các quyền cơ bản phát sinh từ đó. Giáo dục là một trong những trụ cột để xây dựng một xã hội công bằng và liên đới hơn.

– Các tôn giáo nói chung và các nhà lãnh đạo tôn giáo nói riêng có thể đóng một vai trò không thể thay thế trong việc truyền đạt cho các tín hữu và xã hội các giá trị liên đới, tôn trọng những khác biệt, đón nhận và quan tâm đến những anh chị em yếu kém nhất. Ở đây, tôi nhắc lại lời của Đức giáo hoàng Phaolô VI nói trước Quốc hội Uganda vào năm 1969: “Đừng sợ Giáo hội; Giáo hội tôn trọng các bạn, Giáo hội giáo dục những công dân trung thực và trung thành cho các bạn, Giáo hội không xúi giục tranh chấp hay chia rẽ, nhưng Giáo hội tìm cách cổ võ nền tự do lành mạnh, công bằng xã hội và hoà bình. Nếu Giáo hội có ưu tiên nào, thì đó là ưu tiên dành cho người nghèo, cho việc giáo dục các trẻ em và người dân, cho việc chăm sóc những người đau khổ và bị bỏ rơi”.[23]

– Một lần nữa, tôi khuyến khích tất cả những ai đang phục vụ người dân trong các tổ chức quốc tế, cả chính phủ lẫn phi chính phủ, tất cả những ai đang thi hành sứ mạng giáo dục và tất cả những ai, dưới nhiều danh nghĩa, đang hoạt động trong lãnh vực giáo dục và nghiên cứu, hãy hướng tới mục tiêu có được một nền giáo dục “cởi mở và bao gồm hơn, có khả năng kiên nhẫn lắng nghe, đối thoại mang tính xây dựng và hiểu biết lẫn nhau”.[24] Tôi hy vọng rằng lời kêu gọi này, đưa ra trong bối cảnh của Hiệp ước toàn cầu về Giáo dục, sẽ được tán thành rộng rãi và đa dạng.

9. Không thể có hoà bình nếu không có nền văn hoá quan tâm

Nền văn hoá quan tâm, theo nghĩa mọi người cùng nhau dấn thân, liên đới và tham gia bảo vệ và thăng tiến phẩm giá và hạnh phúc của mọi người, theo nghĩa sẵn sàng quan tâm và yêu thương, hoà giải và chữa lành, tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau, là một con đường tốt nhất dẫn đến hoà bình. “Nhiều nơi trên thế giới cần có những con đường dẫn đến hoà bình để hàn gắn các vết thương. Cũng cần có những người xây dựng hoà bình khôn ngoan và táo bạo, sẵn sàng thực hiện những tiến trình để chữa lành và để gặp lại nhau”.[25]

Vào lúc này, khi con thuyền nhân loại đang chao đảo vì cơn bão khủng hoảng, phải nhọc nhằn tiến tới để tìm một chân trời êm đềm và thanh bình hơn, thì “bánh lái” phẩm giá con người và “la bàn” các nguyên tắc xã hội căn bản có thể giúp chúng ta lèo lái theo một hướng đi chung và an toàn. Các Kitô hữu chúng ta hãy hướng nhìn lên Đức Trinh nữ Maria là Ngôi sao Biển và là Mẹ của niềm Trông cậy. Chúng ta hãy hợp tác với nhau tiến tới một chân trời mới của yêu thương và hoà bình, của tình huynh đệ và liên đới, của nâng đỡ và đón nhận lẫn nhau. Chúng ta đừng bao giờ sa vào cơn cám dỗ thờ ơ với người khác, nhất là những người yếu kém nhất, đừng ngoảnh mặt làm ngơ;[26] nhưng mỗi ngày hãy dấn thân cụ thể để “xây dựng một cộng đồng gồm các anh chị em biết đón nhận và quan tâm lẫn nhau”.[27]

Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2020

Phanxicô

Bản dịch của Hội đồng Giám mục Việt Nam

——————————————————————————————

[1] X. Sứ điệp video gửi Đại hội đồng Liên hiệp quốc Khoá 75, 25/09/2020.

[2] X. Thông điệp Laudato si’ (24/05/2015), 67.

[3] X. “Tình Huynh đệ, Nền tảng và Đường dẫn tới Hoà bình”, Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 47 (8/12/2013), 2.

[4] Thông điệp Laudato si’ (24/05/2015), 70.

[5] Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, 488.

[6] De officiis, 1, 28, 132 : PL 16, 67.

[7] K. Bihlmeyer-H. Tüchle, Church History vol. 1, Westminster, The Newman Press, 1958, trang 373, 374.

[8] Diễn văn với các Tham dự viên Hội nghị do Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ban hành Thông điệp Populorum Progressio (4/04/2017).

[9] Sứ điệp gửi Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22), (10/11/2016). X. Hội nghị Bàn tròn Liên bộ của Toà Thánh về Nền Sinh thái Toàn diện, Hành trình tiến tới việc Chăm sóc Ngôi Nhà chung. 5 năm sau Laudato Si’, LEV, 31/05/2020.

[10] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et spes, 26.

[11] Thời khắc Cầu nguyện Ngoại thường trong thời dịch bệnh, 27/03/2020.

[12] Ibid.

[13] X. Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), 8.153.

[14] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis (30/12/1987), 38.

[15] Thông điệp Laudato si’ (24/05/2015), 91.

[16] Hội đồng Giám mục Cộng hoà Dominica, Thư mục vụ Sobre la relación del hombre con la naturaleza (21/01/1987) ; X. Thông điệp Laudato si’ (24/05/2015), 92.

[17] X. Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), 125.

[18] Ibid., 29.

[19] X. Sứ điệp gửi các Tham dự viên Hội nghị Quốc tế “Nhân quyền trong Thế giới Ngày nay: các thành tựu, thiếu sót, phủ nhận”, Roma, 10-11/12/2018.

[20] X. Sứ điệp gửi Hội nghị Liên hiệp quốc Thương lượng một công cụ pháp lý ràng buộc nhằm cấm vũ khí hạt nhân, tiến tới loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, 23/03/2017.

[21] Sứ điệp video nhân Ngày Thực phẩm Thế giới năm 2020, 16/10/2020.

[22] X. Bênêđictô XVI, “Giáo dục người trẻ về Công lý và Hoà bình”, Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 43 (8/12/2011), 2 ; “Vượt thắng dửng dưng để có được hoà bình”, Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 49 (8/12/2015), 6.

[23] Diễn văn với Quốc hội Uganda, Kampala, 1/08/1969.

[24] Sứ điệp nhân ngày khởi động Hiệp ước toàn cầu về Giáo dục, 12/09/ 2019.

[25] Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), 225.

[26] X. Ibid., 64.

[27] Ibid., 96 ; x. “Tình Huynh đệ, Nền tảng và Đường dẫn tới Hoà bình”, Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 47 (8/12/2013), 1.