Trong sứ điệp, được ký bởi Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin, gửi đến các tham dự viên Diễn đàn Thế giới về Nước lần thứ 9 đang diễn ra tại Senegal, ĐTC Phanxicô khẳng định quyền có nước sạch và vệ sinh như là điều chính yếu, phổ quát và cơ bản để xây dựng tình huynh đệ. Ngài mời gọi các quốc gia hợp tác với nhau để quản lý nước cách bền vững.
Sứ điệp của ĐTC Phanxicô được Đức Hồng y Michael Czerny, Tổng trưởng tạm thời của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, đọc tại Diễn đàn Thế giới về Nước lần thứ 9. Diễn đàn có chủ đề: “An ninh về Nước vì Hoà bình và Phát triển”, được tổ chức tại Dakar, Senegal, từ ngày 21-26/3/2022.
ĐTC Phanxicô nói rằng ngài đồng hành bằng lời cầu nguyện với hoạt động của sự kiện quốc tế này để “nó là một cơ hội làm việc cùng nhau nhắm thực hiện quyền có nước sạch và vệ sinh dành cho mỗi người, và do đó góp phần làm cho nước trở thành một biểu tượng đích thực của sự chia sẻ, của đối thoại mang tính xây dựng và có trách nhiệm vì hòa bình lâu dài.”
Bắt đầu từ giả định rằng “thế giới của chúng ta khao khát hòa bình”, đó là một “thiện ích không thể phân chia”, ĐTC Phanxicô mời gọi nỗ lực để xây dựng hoà bình, thông qua sự đóng góp không ngừng của tất cả mọi người. Muốn vậy, theo ĐTC Phanxicô, cần phải thoả mãn những nhu cầu thiết yếu và sống còn của mỗi con người. Ngài nhắc lại rằng sự an toàn về nước ngày nay đang bị đe dọa bởi ô nhiễm, xung đột, biến đổi khí hậu và lạm dụng tài nguyên thiên nhiên.
Sứ điệp nói đến “món nợ xã hội nghiêm trọng đối với người nghèo không có nước sạch”. ĐTC Phanxicô nói đến sự ô nhiễm đe dọa an ninh, là thứ vũ khí khiến nước không sử dụng được, hoặc khô cạn do quản lý rừng không tốt. Và ngài kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế, các chính quyền khác nhau, các giám đốc nghiên cứu, tài trợ, giáo dục và khai thác tài nguyên thiên nhiên, hãy “phục vụ lợi ích chung với phẩm giá, sự quyết tâm, liêm chính và trên tinh thần hợp tác.”
Một lần nữa, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng nước là một món quà từ Thiên Chúa và là một gia sản chung phải được sử dụng phổ biến. Vì đây là một lợi ích lớn xuyên biên giới, Đức Thánh Cha mời các quốc gia hãy hợp tác mạnh mẽ hơn: “đó sẽ là một bước tiến lớn cho hòa bình”. (CSR_1179_2022)
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News