Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič, Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc và các Tổ chức Quốc tế khác tại Genève kêu gọi trách nhiệm của các nền kinh tế tiên tiến trong việc giúp đỡ các nước kém phát triển (LDCs), đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hiện nay đã tác động mạnh đến các nước kém phát triển.
Hôm ngày 3/2, phát biểu tại Hội nghị Liên Hiệp quốc về Thương mại và Phát triển, Đại diện Tòa Thánh nói rằng vấn đề “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch Covid-19 hiện nay “phụ thuộc vào sự sẵn sàng của các quốc gia để hành động trong tình liên đới và tình huynh đệ trong việc xây dựng lợi ích chung.”
Nghèo đói gia tăng tại các nước kém phát triển
Theo một báo cáo gần đây, đại dịch đã đẩy các quốc gia này vào tình trạng kinh tế tồi tệ nhất trong 30 năm, với mức thu nhập giảm, mất việc làm trên diện rộng và thâm hụt tài khóa ngày càng lớn. Đức Tổng Giám mục Jurkovič nhận xét rằng số người sống trong tình trạng nghèo cùng cực ở các nước kém phát triển có thể tăng thêm 32 triệu người, đẩy tỷ lệ nghèo từ 32,5% lên 35,7%, do đó hạn chế cơ hội đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của các quốc gia này.
Phát triển con người toàn diện
Đại diện Tòa Thánh cũng nhấn mạnh rằng việc xác định tình trạng nghèo đói không chỉ dựa trên vấn đề phát triển kinh tế. Dù “các quy luật kinh tế chứng tỏ hiệu năng đối với sự tăng trưởng nhưng không hiệu quả đối với sự phát triển con người toàn diện.” Ngài trích lời Đức Thánh Phanxicô: “Sự giàu có gia tăng cùng với sự bất bình đẳng, đưa đến kết quả là ‘những hình thức nghèo đói mới’ đang xuất hiện.”
Đức tổng Jurkovič kêu gọi cấp thiết áp dụng Chương trình Hành động Istanbul, trong đó vạch ra chiến lược của cộng đồng quốc tế về sự phát triển bền vững của các nước kém phát triển trong thập kỷ 2011-2021 và xác định một số lĩnh vực thiết yếu để tăng năng suất của họ, bao gồm: cơ sở hạ tầng, năng lượng, khoa học, công nghệ và đổi mới…
Hỗ trợ phù hợp
Đại diện Tòa Thánh lưu ý rằng những hậu quả kinh tế và xã hội từ đại dịch Covid-19 một lần nữa bộc lộ “những điểm yếu và bất cân xứng lâu đời vốn có trong hệ thống thương mại đa phương và kiến trúc tài chính đang thịnh hành.” Theo ngài, mỗi nước kém phát triển “cần được giúp đỡ để phát triển theo cách riêng biệt và phát triển năng lực đổi mới đồng thời tôn trọng các giá trị của nền văn hóa phù hợp của nó”.
Liên đới và huynh đệ
Hướng đến Hội nghị lần thứ năm của Liên Hiệp Quốc về các nước kém phát triển, vào năm tới, Đức Tổng Giám mục Jurkovič nhấn mạnh rằng tham vọng của cộng đồng quốc tế về việc “không để ai bị bỏ lại phía sau” nên được chuyển thành “những hành động hiệu quả” để giúp các Quốc gia này. (CSR_900_2021)
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News