Tòa Thánh: Công lý hình sự không chỉ giới hạn ở hình phạt

09/03/2021

Tòa Thánh bày tỏ lập trường tại Đại hội Liên Hiệp Quốc về Phòng chống tội phạm và Tư pháp Hình sự: Nhà nước pháp quyền, phòng chống tội phạm và công lý hình sự phải đi với nhau. Vì vậy, công lý hình sự không chỉ giới hạn ở hình phạt.

Trong một tuyên bố video trước Đại hội Liên Hiệp Quốc về Phòng chống tội phạm và Tư pháp Hình sự (UNODOC) lần thứ 14, diễn ra tại Kyoto, Nhật Bản từ ngày 7-12/3/2021, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, chỉ ra rằng việc thi hành pháp quyền “là điều cần thiết để đạt được sự phát triển toàn diện thực sự của con người”, và việc ngăn chặn và ứng phó với các hoạt động tội phạm “có liên quan chặt chẽ với việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền”.

Đức Tổng Giám mục khẳng định rằng, bất bình đẳng, tham nhũng và đại dịch là nguyên nhân dẫn đến tội phạm. Thực vậy, tội phạm được nuôi dưỡng bằng sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội, cũng như từ tham nhũng, đã gây biết bao thiệt hại cho các nạn nhân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương, và đại dịch đã làm cho tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.

Mặt khác, Đức Tổng Giám mục Gallagher chỉ ra rằng việc phòng chống tội phạm không được giảm xuống chỉ ở các khía cạnh trừng phạt, vì như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Công lý thực sự không bằng lòng với việc đơn giản trừng phạt người phạm tội. Chúng ta phải xa hơn và làm mọi điều để có thể để cảm hóa và giáo dục con người”.

Do đó, Ngoại trưởng Tòa Thánh đã nhắc lại hai nguyên tắc cơ bản mà tất cả các hệ thống luật Hình sự nên áp dụng. Nguyên tắc đầu tiên là “nguyên tắc phòng ngừa, để tránh bất kỳ sự xâm phạm đến các quyền và tự do cơ bản của con người”. Nguyên tắc cơ bản thứ hai là nguyên tắc “vì con người”, nhằm mục đích luôn bảo vệ phẩm giá của con người. “Chỉ khi tuân theo hai nguyên tắc này, mới có thể đạt được một nền công lý hình sự được phục hồi thực sự”, Đức Tổng Giám mục Gallagher kết luận.

Đại hội Liên Hiệp Quốc lần thứ 14 về phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự, là cuộc họp quan trọng nhất trên thế giới của các nhà lãnh đạo chính trị, chuyên gia, và các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực này, ban đầu được lên kế hoạch vào tháng 4/2020, nhưng đã bị hoãn lại đến tháng 3 năm nay do đại dịch COVID-19. Trước đó là một số cuộc họp khu vực trù bị vào năm 2019. Đại hội họp 5 năm một lần với mục đích xác định các xu hướng và vấn đề nổi lên trong lĩnh vực phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự, trao đổi kinh nghiệm và ý kiến về luật pháp và chính sách có liên quan. (CSR_1715_2021)

Ngọc Yến 

Nguồn: Đài Vatican News