Trong sứ điệp video gửi đến phiên họp năm 2021 của Ủy ban giải trừ vũ khí, Đức tổng giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, khẳng định rằng “Đối mặt với những thách thức to lớn mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt hiện nay, việc giải trừ vũ khí không còn có thể được coi là một mục tiêu tùy chọn. Đó là một mệnh lệnh đạo đức.”
Trong sứ điệp, Đức tổng giám mục Gallagher nhận định rằng bầu khí mất tin tưởng lẫn nhau và sự xói mòn của chủ nghĩa đa phương hiện nay đang ngăn cản những nỗ lực để đạt được mong ước hòa bình, an ninh và ổn định trong tâm hồn con người. Và điều này còn nghiêm trọng hơn trong lĩnh vực giải trừ vũ khí.
Trách nhiệm chung của các quốc gia trong việc giải trừ vũ khí
Theo ngài, việc giải trừ vũ khí cũng áp dụng chặt chẽ đối với sự cạnh tranh quân sự ngày càng gia tăng trong không gian vũ trụ, cũng như trong lĩnh vực không gian mạng và trí tuệ nhân tạo (chẳng hạn như các hệ thống vũ khí tự động gây chết người). Ngài khẳng định: “Trong lĩnh vực này, cũng như những vấn đề khác, các Quốc gia có những trách nhiệm chung, đưa ra những giới hạn cụ thể phải tuân theo vì lợi ích chung của nhân loại.”
Tiếp tục sứ điệp, Đức tổng Gallagher cũng nói đến việc vận chuyển bất hợp pháp các vũ khí hạng nhẹ cũng như chất nổ, đặc biệt tại các khu đông dân cư, tàn phá các thành phố, trường học, bệnh viện, nơi thờ phượng và cơ sở hạ tầng cơ bản cho dân thường, và ảnh hưởng đến triển vọng phát triển con người toàn diện của họ.
Tương quan giữa giải trừ quân bị, phát triển và hòa bình
Ngoại trưởng Tòa Thánh nhận định: “Giải trừ quân bị, phát triển và hòa bình là ba vấn đề phụ thuộc lẫn nhau. Các khoản chi tiêu quân sự khổng lồ, vượt xa những gì cần thiết để đảm bảo phòng thủ chính đáng, tạo nên vòng luẩn quẩn của một cuộc chạy đua vũ trang dường như bất tận, ngăn cản các nguồn lực tiềm năng giải quyết nghèo đói, bất bình đẳng, bất công, giáo dục và y tế. Mối liên hệ giữa an ninh quốc gia với việc tích lũy vũ khí là một lý luận sai lầm và vẫn là một điều tệ hại vì nó tạo điều kiện cho sự chênh lệch đáng kể giữa nguồn lực tiền bạc và trí tuệ dành cho việc phục vụ cái chết và nguồn lực dành cho việc phục vụ sự sống.”
Tòa thánh đưa ra hai đề nghị cho việc giải trừ và kiểm soát vũ khí. Thứ nhất, khuyến khích Ủy ban giải trừ vũ khí tham gia vào một nghiên cứu chuyên biệt về vấn đề xác minh, tận dụng các công nghệ mới để tăng cường sự đáng tin cậy. Đề nghị thứ hai là sự hợp tác gắn kết và có trách nhiệm giữa các quốc gia. (CSR_1338_2021)
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News