Trong bài diễn văn tại cuộc gặp gỡ liên tôn, Đức Thánh Cha kêu gọi các tín đồ của các tôn giáo có cùng tổ phụ Áp-ra-ham biến vũ khí của thù hận thành khí cụ hòa bình, bất chấp nhưng vết thương quá khứ. Ngài mời gọi cùng nhau tiếp tục dấn thân và bám chặt vào hòa bình, xây dựng một tương lai mới bằng sự đoàn kết và thân hữu để vượt qua vết thương của quá khứ nhờ hòa giải và cùng chung sống huynh đệ
DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Gặp gỡ liên tôn tại thành Ur
Thứ Bảy 06/03/2021
Anh chị em thân mến,
Nơi diễm phúc này đưa chúng ta trở lại nguồn gốc của mình, nguồn gốc công trình của Thiên Chúa, nơi khai sinh các tôn giáo của chúng ta. Ở đây, nơi tổ phụ Áp-ra-ham đã sống, chúng ta dường như trở về nhà. Chính tại đây, ông Áp-ra-ham đã nghe thấy tiếng gọi của Thiên Chúa; chính từ đây, ông đã bắt đầu một cuộc hành trình sẽ thay đổi lịch sử. Chúng ta là kết quả của tiếng gọi và hành trình đó. Thiên Chúa yêu cầu ông Áp-ra-ham ngước mắt lên trời để đếm các vì sao (x. St 15,5). Trong những ngôi sao đó, ông nhìn thấy lời hứa về dòng dõi của mình; ông nhìn thấy chúng ta. Hôm nay chúng ta, những người Do Thái, Ki-tô hữu và Hồi giáo, cùng với các anh chị em của chúng ta thuộc các tôn giáo khác, tôn vinh tổ phụ Áp-ra-ham của chúng ta bằng cách làm như ông đã làm: chúng ta nhìn lên trời và bước đi trên mặt đất.
1. Chúng ta nhìn lên trời. Hàng ngàn năm sau, khi chúng ta nhìn lên cùng bầu trời đó, cũng những ngôi sao đó xuất hiện. Chúng chiếu sáng những đêm đen tối nhất bởi vì chúng cùng nhau tỏa sáng. Do đó, trời cao truyền đi một thông điệp về sự hiệp nhất: Đấng Toàn năng ở trên cao mời gọi chúng ta đừng bao giờ tách mình ra khỏi những người lân cận. Sự khác biệt của Thiên Chúa hướng chúng ta về phía những người khác, về phía anh chị em của chúng ta. Nếu chúng ta muốn duy trì tình huynh đệ, chúng ta không được thôi hướng nhìn về trời. Chớ gì chúng ta – con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham và những người đại diện của các tôn giáo khác nhau – ý thức được rằng, trên hết, chúng ta có vai trò này: giúp các anh chị em của chúng ta ngước mắt lên trời và cầu nguyện. Tất cả chúng ta đều cần điều này bởi vì chỉ tự mình chúng ta không thể đáp ứng đầy đủ cho mình. Con người không toàn năng, tự mình chúng ta không thể làm điều đó. Nếu loại trừ Thiên Chúa, chúng ta sẽ thờ phượng những thứ thuộc về thế gian. Của cải thế gian, thứ khiến nhiều người không quan tâm đến Thiên Chúa và người khác, không phải là lý do tại sao chúng ta hành trình trên trái đất. Chúng ta ngước mắt lên trời để nâng mình lên khỏi vực sâu của sự phù phiếm; chúng ta phụng sự Thiên Chúa để thoát khỏi việc nô lệ cho cái tôi của mình, bởi vì Thiên Chúa thúc giục chúng ta yêu thương. Đây là lòng đạo đức chân thành: thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương người lân cận của mình. Trong thế giới hôm nay, vốn thường lãng quên hoặc trình bày những hình ảnh méo mó về Đấng Tối Cao, các tín đồ được kêu gọi để làm chứng cho sự tốt lành của Người, thể hiện tình phụ tử của Người qua tình huynh đệ của chúng ta.
Từ nơi này, nơi đức tin được nảy sinh, từ mảnh đất của tổ phụ Áp-ra-ham, chúng ta hãy khẳng định rằng Thiên Chúa nhân từ và tội lộng ngôn nhất là xúc phạm Danh Người bằng cách ghét bỏ anh chị em của chúng ta. Sự thù địch, chủ nghĩa cực đoan và bạo lực không phát xuất từ tâm hồn của người có tôn giáo: chúng là sự phản bội tôn giáo. Các tín đồ chúng ta không thể im lặng khi khủng bố lạm dụng tôn giáo; thực sự, chúng ta rõ ràng được kêu gọi xóa tan mọi hiểu lầm. Chúng ta đừng để ánh sáng của thiên đàng bị lu mờ bởi những đám mây hận thù! Những đám mây đen của khủng bố, chiến tranh và bạo lực đã tụ tập trên đất nước này. Tất cả các cộng đồng dân tộc và tôn giáo của nước này đã phải đau khổ. Đặc biệt, tôi muốn đề cập đến cộng đồng Yazidi, cộng đồng đã thương khóc cái chết của nhiều người nam và chứng kiến hàng ngàn phụ nữ, thiếu nữ và trẻ em bị bắt cóc, bán làm nô lệ, bị bạo hành thể lý và cưỡng bức cải đạo. Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã phải chịu đựng những đau khổ này, cho những người vẫn đang bị phân tán và bị bắt cóc, để họ sớm được trở về nhà. Và chúng ta hãy cầu nguyện cho tự do lương tâm và tự do tôn giáo sẽ được mọi nơi công nhận và tôn trọng; đây là những quyền cơ bản, bởi vì chúng khiến chúng ta được tự do chiêm ngưỡng Thiên đàng mà chúng ta được tạo dựng để lãnh nhận.
Khi khủng bố xâm chiếm miền bắc của đất nước thân yêu này, chúng đã phá hủy bừa bãi một phần di sản tôn giáo tráng lệ của đất nước, bao gồm các nhà thờ, đan viện và nơi thờ tự của nhiều cộng đồng khác nhau. Tuy nhiên, ngay cả trong thời điểm đen tối đó, một số vì sao vẫn tiếp tục chiếu sáng. Tôi nghĩ đến những tình nguyện viên Hồi giáo trẻ tuổi của Mosul, những người đã giúp sửa chữa các nhà thờ và đan viện, xây dựng tình bạn huynh đệ trên đống đổ nát của hận thù, và những Ki-tô hữu và người Hồi giáo ngày nay đang cùng nhau khôi phục lại các đền thờ Hồi giáo và nhà thờ. Giáo sư Ali Thajeel cũng nói về sự trở lại của những người hành hương đến thành phố này. Hành hương đến những nơi thánh là điều quan trọng, vì đó là dấu hiệu đẹp nhất trên trái đất về sự khao khát thiên đàng của chúng ta. Vì vậy, yêu mến và bảo vệ những nơi thánh là điều cần thiết sống còn để tưởng nhớ tổ phụ Áp-ra-ham; ở nhiều nơi khác nhau, ông đã ngước mắt lên trời và dựng bàn thờ kính Đức Chúa (xem Sáng 12,7.8; 13,18; 22,9). Xin vị Đại Tổ phụ giúp chúng ta biến những nơi thánh thiêng của chúng ta thành ốc đảo bình an và gặp gỡ cho tất cả mọi người! Nhờ lòng trung thành với Thiên Chúa, ông Áp-ra-ham đã trở thành phúc lành cho muôn dân (xem St 12,3); chớ gì sự hiện diện của chúng ta ở đây hôm nay, theo bước chân của ông, là một dấu hiệu của phúc lành và hy vọng cho Iraq, cho vùng Trung Đông và cho toàn thế giới. Trời cao không mệt mỏi vì trái đất: Thiên Chúa yêu thương mọi dân tộc, mọi người trong các con gái và con trai của Người! Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi hướng nhìn lên trời, nhìn lên chính những vì sao mà tổ phụ Áp-ra-ham của chúng ta đã chiêm ngưỡng vào thời của ông.
2. Bước đi trên mặt đất. Đối với Áp-ra-ham, nhìn lên trời, thay vì là một sự phân tâm, là một động lực để bước đi trên trái đất, mở ra con đường mà qua dòng dõi của ông, sẽ dẫn đến mọi thời và mọi nơi. Tất cả bắt đầu từ nơi đây với Đức Chúa là Đấng đã đưa ông ra khỏi thành Ur (x. St 15,7). Cuộc hành trình của ông là một cuộc hành trình đi ra, một cuộc hành trình bao gồm sự hy sinh. Ông Áp-ra-ham đã phải rời bỏ đất đai, quê hương và gia đình. Nhưng khi từ bỏ gia đình của mình, ông trở thành cha của một gia đình của nhiều dân tộc. Một điều gì đó tương tự cũng xảy ra với chúng ta: trong cuộc hành trình của chính mình, chúng ta được kêu gọi bỏ lại những ràng buộc và dính bén, những thứ mà bằng cách giữ chúng ta khép kín trong nhóm của chúng ta, đã ngăn cản chúng ta chào đón tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa và không xem người khác là anh chị em của chúng ta. Chúng ta cần phải vượt ra khỏi chính mình, bởi vì chúng ta cần người khác. Đại dịch đã giúp chúng ta nhận ra rằng “không ai được cứu một mình” (Fratelli Tutti, 54). Tuy nhiên, cám dỗ tránh xa những người khác không bao giờ chấm dứt, nhưng đồng thời chúng ta biết rằng “khái niệm ‘mỗi người chỉ vì chính mình’ sẽ nhanh chóng trở thành “tất cả chống lại nhau”, điều sẽ còn tệ hơn bất kỳ đại dịch nào” ( sđd., 36). Giữa những thử thách mà chúng ta đang trải qua, sự cô lập như vậy sẽ không cứu được chúng ta. Cũng không phải một cuộc chạy đua vũ trang hay việc xây dựng những bức tường, những thứ sẽ chỉ khiến tất cả chúng ta trở nên xa cách và hung hãn hơn. Cũng không phải sự sùng bái thần tượng về tiền bạc, vì nó khép chặt chúng ta vào chính chúng ta và tạo ra những hố sâu bất bình đẳng nhấn chìm nhân loại. Chúng ta cũng không thể được cứu bởi chủ nghĩa tiêu thụ, thứ làm tê liệt tâm trí và giết chết con tim.
Con đường mà trời cao vạch ra cho cuộc hành trình của chúng ta là một con đường khác: con đường hòa bình. Nó đòi hỏi, đặc biệt là giữa bão táp, chúng ta phải cùng chèo con thuyền từ cùng một phía. Thật đáng xấu hổ rằng, trong khi tất cả chúng ta đều phải chịu đựng khủng hoảng của đại dịch, đặc biệt là ở đây, nơi mà các cuộc xung đột đã gây ra rất nhiều đau khổ, thì ai đó lại chỉ quan tâm đến chính mình. Sẽ không có hòa bình nếu không có sự chia sẻ và chấp nhận, nếu không có một nền công lý đảm bảo sự bình đẳng và tiến bộ cho tất cả mọi người, bắt đầu từ những người dễ bị tổn thương nhất. Sẽ không có hòa bình trừ khi các dân tộc mở rộng bàn tay cho các dân tộc khác. Sẽ không có hòa bình bao lâu chúng ta coi người khác là họ chứ không phải chúng ta. Sẽ không có hòa bình chừng nào các liên minh của chúng ta còn chống lại những liên minh khác, vì liên minh của một số người chống lại những người khác chỉ làm gia tăng sự chia rẽ. Hòa bình không đòi có những người chiến thắng hay kẻ thua cuộc, nhưng là những người anh chị em, những người, vì tất cả những hiểu lầm và tổn thương của quá khứ, đang đi từ xung đột đến thống nhất. Chúng ta hãy cầu xin điều này khi cầu nguyện cho toàn bộ vùng Trung Đông. Ở đây tôi đặc biệt nghĩ đến đất nước láng giềng Syria bị tàn phá bởi chiến tranh.
Tổ Phụ Áp-ra-ham, người hôm nay mang chúng ta đến với nhau trong sự hiệp nhất, là một vị tiên tri của Đấng Tối Cao. Một lời tiên tri cổ xưa nói rằng các dân tộc “sẽ biến gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái” (Is 2,4). Lời tiên tri này không được ứng nghiệm; trái lại, gươm và giáo đã biến thành tên lửa và bom. Vậy cuộc hành trình hòa bình có thể bắt đầu từ đâu? Từ quyết định không có kẻ thù. Bất cứ ai can đảm nhìn vào các vì sao, bất cứ ai tin vào Thiên Chúa, thì không có kẻ thù để chiến đấu. Người đó chỉ có một kẻ thù duy nhất phải đối mặt, một kẻ thù đứng ở cánh cửa trái tim và gõ cửa để bước vào. Kẻ thù đó là lòng thù hận. Trong khi một số người cố gắng có kẻ thù hơn là kết bạn, trong khi nhiều người tìm kiếm lợi nhuận của riêng mình khi hy sinh người khác, những người nhìn vào các vì sao của lời hứa, những người theo đường lối của Thiên Chúa, không thể chống lại ai đó, nhưng vì mọi người. Họ không thể biện minh cho bất kỳ hình thức áp đặt, áp bức và lạm dụng quyền lực nào; họ không thể áp dụng một thái độ hiếu chiến.
Quý vị thân mến, tất cả những điều này có thể không? Tổ phụ Áp-ra-ham, người đã có thể hy vọng dù không còn gì để hy vọng (xem Rm 4,18), khuyến khích chúng ta. Trong suốt lịch sử, chúng ta thường xuyên theo đuổi những mục tiêu quá tầm thường và bước đi một mình, nhưng với sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta có thể thay đổi để tốt hơn. Nó tùy thuộc vào chúng ta, nhân loại ngày nay, đặc biệt là chúng ta, những tín đồ của tất cả các tôn giáo, để biến vũ khí thù hận thành khí cụ hòa bình. Nó tùy thuộc việc chúng ta kiên quyết kêu gọi các nhà lãnh đạo của các quốc gia thay vì gia tăng phổ biến vũ khí, hãy nhường chỗ cho việc phân phối lương thực cho tất cả mọi người. Chúng ta có trách nhiệm làm cho những lời buộc tội lẫn nhau trở nên câm lặng để có thể lắng nghe tiếng kêu của những người bị áp bức và bị ruồng bỏ trong thế giới của chúng ta: quá nhiều người thiếu lương thực, thuốc men, giáo dục, các quyền và phẩm giá! Nó tùy thuộc việc chúng ta làm sáng tỏ những thủ đoạn mờ ám xoay quanh tiền và yêu cầu rằng tiền không luôn được sử dụng và chỉ củng cố sự xa hoa không thể kiềm chế của một số ít. Nó tùy thuộc vào chúng ta để gìn giữ ngôi nhà chung của chúng ta khỏi những mục tiêu săn mồi của chúng ta. Chúng ta phải nhắc nhở thế giới rằng sự sống con người có giá trị vì những gì nó là chứ không phải vì những gì nó có. Sự sống của những người chưa sinh ra, người già, người di cư và người nam và nữ, bất kể màu da hay quốc tịch của họ, luôn thánh thiêng và đáng giá như mạng sống của những người khác! Nó tùy thuộc chúng ta có đủ can đảm để ngước mắt lên và nhìn vào những vì sao, những ngôi sao mà tổ phụ Áp-ra-ham của chúng ta đã thấy, những ngôi sao của lời hứa.
Cuộc hành trình của tổ phụ Áp-ra-ham là một phúc lành của hòa bình. Tuy nhiên, điều đó không hề dễ dàng: ông đã phải đối mặt với những cuộc đấu tranh và những biến cố không lường trước được. Chúng ta cũng có một hành trình khó khăn phía trước, nhưng giống như vị Tổ phụ vĩ đại, chúng ta cần thực hiện các bước cụ thể, lên đường và tìm kiếm khuôn mặt của tha nhân, chia sẻ những hồi ức, cái nhìn và khoảng lặng, những câu chuyện và trải nghiệm. Tôi bị ấn tượng bởi chứng từ của Dawood và Hasan, một Ki-tô hữu và một người Hồi giáo, những người không bị nản lòng về sự khác biệt giữa họ, đã học và làm việc cùng nhau. Họ cùng nhau xây dựng tương lai và nhận ra rằng họ là anh em. Để tiến về phía trước, chúng ta cũng cần đạt được điều gì đó tốt đẹp và cụ thể cùng nhau. Đây là con đường, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi, những người không được thấy ước mơ của mình bị cắt đứt bởi những mâu thuẫn trong quá khứ! Cần phải dạy họ tình huynh đệ, dạy họ nhìn vào các vì sao. Điều này thực sự khẩn thiết; nó sẽ là liều thuốc ngừa hữu hiệu nhất vì một tương lai hòa bình. Vì các bạn, các bạn trẻ thân mến, là hiện tại và tương lai của chúng ta!
Vết thương của quá khứ chỉ có thể được chữa lành với những người khác. Rafah kể cho chúng ta nghe về tấm gương anh hùng của anh Najy, thuộc cộng đồng Sabean Mandean, anh đã chết khi nỗ lực cứu gia đình người hàng xóm Hồi giáo của mình. Có bao nhiêu người ở đây, giữa sự im lặng và thờ ơ của thế giới, đã dấn thân vào những cuộc hành trình của tình huynh đệ! Rafah cũng kể cho chúng ta nghe về những đau khổ khôn tả của cuộc chiến khiến nhiều người phải từ bỏ quê hương và đất nước để tìm kiếm tương lai cho con cái của họ. Cảm ơn chị, Rafah, đã chia sẻ với chúng tôi quyết tâm kiên định của chị ở lại đây, trên mảnh đất của cha ông chị. Cầu mong cho những người không thể làm được điều đó, và phải chạy trốn, hãy tìm thấy một sự chào đón tử tế, thích hợp dành cho những người dễ bị tổn thương và đau khổ.
Chính nhờ lòng hiếu khách, một nét đặc trưng của những vùng đất này, mà ông Áp-ra-ham được Thiên Chúa đến thăm và ban cho món quà là một người con trai, khi dường như mọi hy vọng đã tắt (x. St 18,1-10). Thưa anh chị em thuộc các tôn giáo khác nhau, ở đây chúng ta thấy mình như ở nhà, và từ đây, chúng ta cùng nhau mong ước dấn thân hoàn thành ước mơ của Thiên Chúa; đó là gia đình nhân loại có thể trở nên hiếu khách và chào đón tất cả con cái của Người; đó là nhìn lên cùng một bầu trời, và sẽ bước đi trong hòa bình trên cùng một mặt đất.
Đài Vatican News